Những nghi lễ trong cuộc đời của người Raglai ở Khánh Hòa

Hoạt động đời sống tâm linh của con người vô cùng đa dạng để rồi từ đó tạo nên tôn giáo, văn hóa. Đời sống tâm linh của con người hướng về chính họ theo một quan niệm đời thường gắn với thế giới siêu linh. Từ đó xuất hiện những nghi lễ cho cuộc sống con người. Theo các nhà nghiên cứu, nghi lễ đời người xuất hiện cùng với xã hội loài người. Trải thời gian, những nghi lễ ấy một mặt được duy trì, một mặt được phát triển, hoàn thiện và xuất hiện những nghi lễ mới. Mỗi dân tộc trên thế giới có mức độ biểu hiện lễ thức khác nhau trong đời sống của một con người. Trong nghi lễ ấy, có nhiều nghi lễ không chỉ gắn với đời sống tâm linh mà còn đánh dấu những chặng đường trưởng thành của mỗi con người, là “kỷ niệm” mà mỗi con người trong cuộc đời đều phải trải qua như: lễ đặt tên, lễ cưới, lễ tang, lễ lên lão…

Trang trí trên nóc nhà chung

Đối với người Raglai, phát xuất từ tín ngưỡng đa thần (vạn vật hữu linh), qua quá trình điền dã chúng tôi đã ghi chép và có thể tóm tắt các lễ chính của họ trong vòng đời như sau:

 

+ Va vruh, Pacheq lingĩa palaya anan: Lễ khai sinh đặt tên.

Sau khi sinh được một tháng, cha mẹ tiến hành làm lễ Pacheq lingĩa palaya anan cho con. Lễ vật cúng nhang (Yàc), cúng thần hồn ông bà tổ tiên bao gồm: Trầu, cau, rượu cần, trứng gà sống, gà (gia đình khá giả làm nguyên cả một con heo 4, 5 tay) (1). Đứa bé là gái có thêm cái nia, cái nong hoặc chày cối, nếu là con trai thì có con dao, cây nỏ, ống tên.

Các lễ vật được bày biện tại “cột cái” nhà (nơi thờ thần linh, ông bà tổ tiên ngự). Ngày nay nhà của người Raglai được xây bằng gạch từ nhiều nguồn khác nhau (nhà tình nghĩa, chính sách hoặc tự chủ gia đình bỏ tiền xây dựng) thì họ cúng ở một góc nhà nào đó, xem như đó là cột cái của căn nhà truyền thống của họ.

Trong lễ này cha mẹ khấn bái cầu chúc cho con, cầu ông bà tổ tiên phù hộ cho đứa bé. Sau khi khấn bái xong, nếu đứa bé là con trai thì người cha lấy tên nỏ bắn về hướng mặt trời mọc 7 mũi tên, bắn về hướng mặt trời lặn 6 mũi tên, đứa bé là con gái thì người mẹ vỗ vào nong vào nia, lấy chày giã vào cối. Tất cả chỉ mang tính ước lệ cầu cho con trai khỏe mạnh nhanh nhẹn, giỏi việc săn bắt sản xuất; cầu cho con gái tháo vát, đảm đang việc nhà, trông coi việc bếp núc nồi niêu.

Chấm dứt phần lễ, mọi người cùng ăn uống. Cùng đánh mãla hát hò đối đáp vui vẻ. Bà con hàng xóm, dòng họ được ăn trầu, ăn cơm uống rượu.

 

+ Lễ Vlưq ghuơr (Sưq): Lễ Cải sanh.

Người Raglai quan niệm sau khi làm lễ bỏ mả (Vidhi atơu), người chết về với thế giới ông bà, từ đó lại đầu thai trở lại trần gian. Như vậy có những trường hợp kiếp trước là cha, là chú, mẹ, cô, dì, bác… bây giờ trở lại làm con làm cháu trong gia đình. Cũng do đó đứa trẻ “xấu hổ” (malơu) với mọi người trong gia đình sinh ra hay bệnh tật, khó nuôi, thậm chí dẫn đến tử vong (matai), để đứa bé sống khỏe mạnh, không còn xấu hổ nữa, cần phải làm lễ Vlưq ghuơr cho nó.

Lễ Cải sanh do cha mẹ đứng ra làm cho con cái, không kể là gái hay trai. Thời gian làm lễ cải sanh từ khi đứa trẻ được 1 tuổi trở lên. Bất kỳ lúc nào làm cũng được nhưng buộc phải làm. Nếu đã lấy vợ lấy chồng rồi thì hai bên cha mẹ cùng lo.

Lễ vật trong lễ Cải sanh của người Raglai cũng đầy đủ cau trầu, rượu cần, trứng gà sống, gà để bói lưỡi, có điều kiện kinh tế người trong nhà làm cả heo. Tuy nhiên vật không thể thiếu đó là một chiếc bè làm bằng bẹ chuối kết lại (2) và vật cúng cải sanh cho người được cúng. Hiện nay trên địa bàn Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa vẫn còn những ông (bà) thầy Cati. Thầy Cati không phải là một dạng thầy cúng, thầy mo mà là người có khả năng giao tiếp với thần linh. Họ vẫn sinh hoạt bình thường như mọi thành viên khác trong cộng đồng. Khi có người “nhờ” hỏi thì thầy Cati lấy cầm một sợi dây mảnh, đầu dây kia treo một miếng sắt hoặc đồng đong đưa qua lại. Thầy Cati sau khi giao tiếp với thần linh biết được người được cải sanh trước kia (kiếp trước) có quan hệ như thế nào đối với chủ nhà (cha mẹ hoặc cha mẹ vợ, cha mẹ chồng), người đó thích cái gì (3) thì cúng cái đó, những vật này gọi là Sưq (trao vật cho nó). Sau lễ cúng vật đó trở thành sở hữu riêng của người được cúng.

Bàn thờ cúng thần

Khi cúng có thể cha mẹ khấn bái cầu mong ông bà tổ tiên, cầu nhang cho người được cúng cải sanh, không còn “xấu hổ” nữa mà sống với hòa hợp gia đình. Nếu cha mẹ không biết khấn bái có thể mời thầy Cati khấn giúp. Sau khi cúng xong người trong nhà mang chiếc bè ra rừng ra suối mà thả. Trên bè chỉ có trầu cau, có thể có thêm 1 chai (hoặc 1 đến 2 ly nhỏ) rượu trắng hay rượu cần. Vật cúng cải sanh trở thành tài sản riêng của người được cúng. Mọi người cùng vui vẻ ăn uống. Lúc này mọi người cũng không quên sự giúp đỡ của thầy Cati. Họ cúng thần hồn của thầy Cati (Asur palagar) 3 con gà (1 con cho thần hồn người cúng và 2 con cho Cati của thầy), nếu cúng heo thì thay bằng một đùi heo và 1 bầu rượu cần.

 

+ Sa-ùq aluah: Lễ cầu Thượng đế (cầu bình an).

Trong đời sống của mình, khi có sự việc “chẳng lành”, mắc lỗi, bệnh hoạn hay làm ăn thất bát, khó khăn… người Raglai lại khấn nguyện cầu cúng aluah (thượng đế) cho mọi chuyện suôn sẻ, bệnh hoạn qua đi. Lễ này thường là hai lần: Lần đầu là cầu xin, lần thứ hai là lễ tạ. Điều này giống như người Kinh đi cầu nguyện các nơi thờ tự, sau đó đi cúng tạ ơn.

Lễ thứ nhất: Cầu xin.

Lễ này cũng thường là cha mẹ làm cho con. Nếu cha mẹ không biết khấn bái thì mời người biết cùng – có uy tín trong dòng họ hay trong làng (palơi) cũng được. Lễ vật bao gồm: cau trầu, trứng gà sống, rượu trắng hoặc rượu cần. Khi khấn bái cầu xin lễ tạ bằng heo thì làm giả bằng bông gòn, cầu tạ bằng bò trâu thì làm giả bằng mo cau.

Lễ thứ hai: Lễ tạ.

Sau khi được như ý nguyện, lễ tạ có thể làm ngay trong năm hoặc 3, 7, 9… năm sau cũng được nhưng phải là năm lẻ (trừ năm thứ 5). Lễ vật lúc này cũng y như lễ thứ nhất, số gà tính bằng con cũng phải bằng số gà lễ thứ nhất, heo hoặc trâu bò là thật chứ không còn giả như trước nữa. Có một lễ vật không thể thiếu đó là người cúng tạ phải làm 2 đến 3 bè chuối để sau khi cúng thì mang ra sông ra suối mà thả cho chảy theo dòng nước.

 

+ Lễ cưới: Lễ cưới của người Raglai chia làm hai loại:

– Huaq vu: Lễ cưới trang trọng. Lễ này dành cho trai gái sau khi tìm hiểu nhau trai trắng gái lành thì được phép tổ chức lễ cưới này.

– Cacah richo: Lễ cưới phạt. Trai gái đã có quan hệ xác thịt trước hôn nhân hoặc vì không đủ điều kiện tổ chức họ sống với nhau như vợ chồng, đến khi nào có đủ điều kiện vật chất thì làm lễ cưới phạt. Có những cặp vợ chồng sống với nhau hàng chục năm, có nhiều mặt con rồi mới làm lễ cưới.

“Người Raglai vẫn duy trì hôn nhân con cô con cậu, hôn nhân chị em vợ, và anh em chồng không bị ngăn cấm nhưng không khuyến khích. Tuyệt đối cấm hôn nhân con dì và hôn nhân trong cùng một chi họ. Ai vi phạm điều cấm kỵ này xem như loạn luân, mắc lỗi lớn, bị xử phạt rất nặng” (4).

Lễ cưới của người Raglai thường được tổ chức hai bên gia đình, nhà trai trước, nhà gái sau. Trong gia đình làm rượu cần, giết heo, trâu bò, gà… để thiết đãi bà con làng xóm. Mọi người đến chung vui đều mang theo rượu, gạo, trứng gà sống hoặc vật nuôi trong nhà đến để góp chung vui với gia đình. Trong lễ cưới hai vợ chồng cùng hai ông cậu bên vợ bên chồng ngồi trên một chiếc chiếu trải ở cột cái nhà làm lễ cầu nhang, chứng nhận cho hai người thành vợ thành chồng.

 

+ Pùq dùq jĩa: Lễ mừng thọ (tạ thọ).

Lễ này tổ chức khi người Raglai có điều kiện về kinh tế và tuổi từ 50 mùa rẫy trở lên. Thông thường chỉ làm cho đàn ông hay ở một vài phụ nữ có tài ăn nói giỏi được trong làng chấp nhận (5).

Lễ vật của Pùq dùq jĩa cũng bao gồm trầu cau, gà phải có để bói lưỡi, trứng gà sống, rượu cần, heo hoặc trâu bò.

Người Raglai dựng nêu trước nhà của mình, cột heo (hoặc trâu, bò) tại gốc nêu sau đó đập cho chết hoặc bị thương, sau đó mang vào chọc tiết.

Lễ vật được bày tại cột cái nhà để cúng tạ ông bà tổ tiên. Sau phần lễ là phần hội. Mọi người trong làng, trong dòng họ đến chúc tụng và hát hò ăn uống. Thông thường đối với người Raglai, bất kỳ nhà nào có việc cúng lễ là họ cùng đến để chung vui hoặc chia buồn (nếu là tang lễ), khi đến mỗi người thường mang theo gạo, trứng gà, chai rượu để góp vào với gia chủ trong phần đãi khách. Phần hội này kéo dài đến 2, 3 ngày, mọi người ăn cho hết mới trở về nhà mình.

 

+ Tlãh sàc: Lễ tách nhà.

Theo tục lệ của người Raglai, con theo họ mẹ, trai lớn lập gia đình về ở nhà vợ. Trong nhà cứ mỗi lần con gái bắt chồng về lại nối dài nhà ra về phía bên phải. Mỗi hộ gia đình tách ra ăn riêng, nhà dài lại có thêm một bếp. Mọi việc lễ nghi trong nhà con cháu đều phải cúng bái tại cột cái nhà. Nếu con cái muốn làm nhà riêng cũng được nhưng khi trong nhà có việc phải trở về nhà chính (sàc inã – nhà tổ mẫu) để cúng bái. Vì vậy muốn tách riêng phải làm lễ tlãh sàc. Nếu có điều kiện về kinh tế thì cả hai vợ chồng cùng làm, nếu không đủ thì làm cho ai trước cũng được (thông thường bên vợ làm lễ tách nhà trước). Thực tế tại huyện Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa, có nhiều cặp vợ chồng khi có dâu rể rồi mới làm lễ tách nhà. Người vợ làm lễ trước, sau đó vài năm người chồng mới làm. Trong thời gian đó, nếu nhà bên chồng có việc chung, người chồng vẫn phải trở về nhà tổ mẫu để tham dự và cúng tế.

Lễ vật để cúng khi tách nhà cũng như các lễ khác, bao gồm cau trầu, rượu cần, trứng gà sống, riêng gà phải đủ số 6 con: 2 con cúng ông bà tổ tiên, 2 con cúng cho chủ nhà tổ mẫu (po sàc inã), cúng cho thần hồn của vợ chồng tách nhà 2 con.

Sau lễ tách nhà, cả hai vợ chồng được quyền cúng bái tổ tiên tại cột cái nhà của mình, không phải trở về nhà tổ mẫu nữa.

 

+ Lễ tang, lễ hội bỏ ma – Vidhi atơu.

Người Raglai với quan niệm rằng: Khi một người chết, hồn vía của họ sẽ thất lạc, bơ vơ. Vì vậy họ có tục gọi hồn người chết nhập vào một vật nào đó trước khi làm lễ mãn tang (Lễ bỏ ma).

Thời gian của Lễ bỏ ma tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Có thể là 1, 2 năm, thậm chí nhiều năm sau, khi người thân của người chết có đủ “năng lực” sắm sửa các lễ vật. Để lễ bỏ ma Vidhi atơu tổ chức đầy đủ, trọn vẹn theo đúng phong tục, gia đình người chết phải mời mọi người trong palơi, mọi người trong họ hàng với nhiều gà, heo, rượu thậm chí cả trâu, bò.

Người Raglai tìm thanh đá kêu (patơu lit) để giữ hồn người chết, là cây vật thần gọi là Gai tuah. Cây vật thần cũng có thể làm bằng cây rựa, cây chà gạt (gơr tagac atơu). Cây rựa hay cây chà gạt khi làm vật giữ hồn người chết để phục vụ cho lễ bỏ ma đều có vai trò như một Gai tuah. Gai tuah dùng để múa má (Tumuya atơu), đưa hồn người chết từ nhà ra mồ, giữ hồn người chết trước khi làm lễ bỏ ma. Nếu không có Gai tuah vong linh người chết sẽ không nhập về cõi âm, phải chịu kiếp khổ ải, bơ vơ không về được thế giới ông bà. Từ quan niệm tín ngưỡng này người Raglai không đặt nặng vấn đề thời gian, tất nhiên ở lễ tang của người Raglai có thể mỗi địa phương mỗi khác một ít, nhưng ở lễ bỏ ma Vidhi atơu đều giống nhau.

Sau lễ bỏ ma, linh hồn người chết hoàn toàn tách khỏi mọi ràng buộc của người sống, người chết thực sự đi đến “quê hương mới” của mình, còn người sống được “giải phóng”, thực sự mọi liên hệ với người chết. Nói cách khác, lúc này người chết chuyển sang trạng thái sống khác, không liên hệ gì với người thân nữa. Do vậy người Raglai không có tục thờ cũng hay làm bàn thờ người chết sau lễ bỏ ma.

Trên đây chỉ là một số nghi lễ chính thức của người Raglai trong rất nhiều nghi lễ của tộc người này mà chúng tôi ghi nhận được tại hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa. Là sản phẩm tinh thần của tộc người, những phong tục, lễ nghi trên thường gắn chặt với lịch sử hình thành và không gian cư trú của tộc người. Bên cạnh những yếu tố mê tín mà xã hội hiện nay đang đấu tranh để loại bỏ dần, vẫn còn nhiều yếu tố hiện thực, phản ánh các quan niệm về vũ trụ và về nhân sinh, thể hiện những ước mơ muôn đời của con người có được cuộc sống no đủ hạnh phúc. Tìm hiểu những bước đi của các nghi lễ trong đời của người Raglai, chúng tôi mong muốn đóng góp vào kho tàng văn hóa của các dân tộc làm cơ sở cho việc nghiên cứu lịch sử văn hóa và nguồn gốc của tộc người.

 

Chú thích:

  1. Đơn vị đo lường của người Raglai: Gà tính bằng con, heo tính bằng gang tay vòng qua ức (con heo 4 tay khoảng 20kg), trâu tính bằng chiều dài của sừng…
  2. Bè chuối chỉ làm tượng trưng, thường chỉ nhỏ khoảng 2, 3 gang tay mà thôi. Bè được kết với nhau bằng tre, lồ ô hay cây rừng, trên bè có cột căng dây cho chắc chắn, buồm làm bằng lá chuối.
  3. Chỉ một trong ba vật: mâm thau, ché, mãla.
  4. Theo Nguyễn Đăng Duy, Nhận diện văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2004.
  5. Theo một số thông tín viên cho biết khi chúng tôi đi điền dã, thường chỉ cảm thấy mình già yếu, người Raglai mới làm lễ này như cầu xin nhang cho khỏe mạnh.