Gốm Việt Nam truyền thống

Gốm Việt Nam đã có mặt từ thời đại Đá mới, và đã phát triển thành một dòng gốm riêng mang sắc thái của lưu vực sông Hồng. Nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc trong quá trình tiếp xúc văn hóa và nhất là qua những thời kỳ đô hộ kéo dài, đã đem lại nhiều tác động đối với gốm Việt, từ kỹ thuật chế tác cho đến nghệ thuật trang trí. Nhưng ngay sau khi giành lại được độc lập từ cuối thế kỷ X, gốm Đại Việt vẫn tạo cho mình một phong cách riêng, khác hẳn gốm Trung Quốc không những về tạo dáng, mà cả về trang trí và màu men. Nó đã trở thành một thị hiếu trong tiêu dùng của người Việt, và đã có mặt trong đồ ngự dụng chốn cung đình trải qua nhiều triều đại, mà cuộc khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long đã minh chứng. Tại di chỉ Hoàng thành, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy dấu vết của những lò gốm, có thể là lò sản xuất đồ ngự dụng, với những sản phẩm có ghi chữ “ngự chế”.

Tuy nhiên, gốm Việt chủ yếu vẫn được sản xuất tại các làng nghề, nằm rải rác khắp đất nước. Mỗi làng nghề có một bí quyết chế tác riêng và mang một phong cách mỹ thuật riêng, khiến cho gốm Việt trở nên đa dạng. Những trung tâm sản xuất gốm như Bát Tràng, Thổ Hà, Chu Đậu, đã nổi tiếng từ lâu, thậm chí sản phẩm của những nơi đó còn trở thành đồ cống nạp sang Trung Quốc, là nơi đã sản sinh ra đồ sứ nổi tiếng khắp thế giới. Đến thế kỷ XV, gốm Đại Việt được đưa đến nhiều nơi ở châu Á, nó trở thành gốm Giao Chỉ dùng trong trà đạo ở Nhật Bản, trở thành đồ gia dụng và trang trí trong các tiểu vương quốc Mã Lai, Java, sang tận Philippin và được đem đi xa đến Iran và Thổ Nhĩ Kỳ… Giữa thế kỷ XVII, khi các trung tâm sản xuất đồ sứ nổi tiếng của Trung Quốc bị tàn phá vì chiến tranh, các tàu buôn phương Tây lại phải tìm đến Đại Việt để mua đồ gốm chở sang châu Âu. Điều đó cho thấy gốm Việt đã có một vị thế đáng kể trên thị trường thế giới. Tuy không thể so sánh với sự tinh tế mỏng nhẹ của đồ sứ Trung Hoa, nhưng gốm Việt vẫn tạo cho mình một phong cách riêng, thể hiện trong sự tạo dáng của đồ thờ như chân đèn, lư hương, thể hiện trong đường nét trang trí phóng túng gần gũi với thiên nhiên của những lọ, bình, vại… đến ngày nay vẫn còn đem lại nhiều cảm hứng cho người thưởng thức.

Từ cuối thế kỷ XIX, sản xuất gốm Việt Nam bắt đầu suy tàn, nhất là trong thời kỳ Pháp thuộc, nhiều trung tâm gốm đã bị tàn lụi, khiến nhiều kỹ thuật chế tác và làm men bị thất truyền. Trong khi giới thượng lưu chuyển thị hiếu sang đồ sứ Trung Quốc, thì các làng nghề chỉ còn sản xuất gốm gia dụng cho tầng lớp bình dân như bát đàn, chum vại, tiểu sành. Tuy nhiên nó vẫn bảo đảm cho việc duy trì cuộc sống của những trung tâm gốm ở Thanh Hóa và các tỉnh trung Trung bộ như Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, những địa điểm sau là nơi sản xuất gốm truyền thống của người Chăm với những lò nung lộ thiên. Ở Nam Bộ, do ảnh hưởng của làn sóng di dân người Hoa, gốm dân gian mang sắc thái Trung Hoa rõ rệt, với đồ thờ và đồ trang trí nhiều màu sắc. Rồi từ năm 1907, khi trường Mỹ nghệ đồ gốm được người Pháp xây dựng ở Đồng Nai, thì nó đã mở ra ở phía nam một dòng gốm nhẹ lửa có màu sắc phong phú tồn tại đến tận ngày nay.

Gốm Việt Nam chỉ thực sự được hồi sinh khi đất nước bước vào giai đoạn Đổi Mới từ năm 1986. Nhưng phải nói rằng thành quả của giai đoạn này đã được kế thừa từ những nghiên cứu và thử nghiệm trước đó của nhiều chuyên gia về gốm và các nghệ nhân gốm thời xưa còn sót lại, tập hợp quanh Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Chính nhờ những sự tìm tòi đó mà nhiều sắc men xưa đã được phục hồi, như men ngọc, men thúy hồng (sang de boeuf), nhiều mẫu trang trí xưa đã được sưu tập, tạo đà phát triển cho việc phục chế những sản phẩm cổ. Sản phẩm gốm ngày nay thể hiện sự đa dạng, đi từ gốm thô bằng đất nung, đến những đồ gia dụng và trang trí tinh tế với nhiều sắc men phong phú. Đặc biệt là ở phía nam, nhiều công ty gốm đã thành công trong việc sản xuất những sản phẩm có kích thước lớn, thể hiện việc làm chủ kỹ thuật trong mọi khâu chế tác. Trong những ngày đầu xuân, chúng tôi mong muốn đem đến với bạn đọc vài hình ảnh của gốm Việt xưa, để ta có thể vững tin vào triển vọng của gốm Việt Nam hiện đại đang bước vào thời kỳ hội nhập mới.