“Kim Vân Kiều Truyện “ Bản dịch Truyện Kiều của La Trường Sơn

Nhà xuất bản Văn Nghệ và Công ty Văn hóa Phương Nam vừa cho ra mắt cuốn Kim Vân Kiều truyện  do La Trường Sơn dịch từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sách được in song ngữ Hoa – Việt, trình bày trang trọng với lời giới thiệu của GS Nguyễn Khắc Phi và lời mở đầu của tác giả do GS Phạm Tú Châu dịch. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc vài nét về thân thế tác giả và một đoạn đánh giá Truyện Kiều  do tác giả trình bày.

La Trường Sơn (1938 – 2003), còn gọi là La Cảnh Chiếu, nguyên quán Đông Hoản – Quảng Đông, Trung Quốc, sinh ra tại thành phố Huế, Việt Nam. Ngay từ lúc còn rất trẻ đã làm nghề thuộc da để kiếm sống, sau đó vào làm công nhân giữ kho ở Đà Nẵng. Sớm yêu chuộng văn chương, từ thuở thiếu niên đã làm một số bài thơ bằng tiếng Việt, dịch một số bài thơ hiện đại Trung Quốc, một số bài tạp văn và một vài thiên truyện ngắn của Lỗ Tấn đăng trên tạp chí Đời mới ở Sài Gòn với các bút danh Nguyễn Văn Thân, Đào Lữ Nam, Lô Canh Chuyên, Hồ Việt Phong. Năm 1954, vượt tuyến ra miền Bắc, một thời gian ngắn ở Nam Đàn (Nghệ An), Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Cuối tháng 4 năm 1955 rời Hà Nội về nước vào đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc 1-10-1955, đến Quế Lâm. Tốt nghiệp Khoa Trung văn tại trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, công tác một thời gian ở Quế Lâm rồi chuyển về dạy học ở một huyện miền núi tỉnh Quảng Tây trong suốt 21 năm liền. Năm 1987, theo nguyện vọng cá nhân, được chuyển về Học viện Giáo dục tỉnh Quảng Tây rồi nghỉ hưu tại đó.

La Trường Sơn không chỉ thông thạo tiếng Việt mà thông thạo cả tiếng Lào. Ông đã cho xuất bản công trình Truyện dân gian Lào và đăng nhiều bài viết về văn học Lào trên các báo và tạp chí ở Trung Quốc cũng như ở Học viện Giáo dục Quảng Tây đều tuyệt không liên quan đến vấn đề nghiên cứu văn hóa và văn học Việt Nam. La Trường Sơn chỉ mới có điều kiện tương đối đầy đủ để nghiên cứu từ năm 1992, tức khoảng 5 năm trước khi nghỉ hưu. Thế nhưng, thành tựu của tiên sinh trong lĩnh vực Việt Nam học quả là không nhỏ. Khi đã công bố khá nhiều công trình, tiên sinh vẫn chưa muốn đăng ký xin xét phong học hàm. Do bạn bè thúc giục, tiên sinh mới tập hợp các công trình nghiên cứu về Việt Nam để đăng ký và lập tức tiên sinh đã được Nhà nước Trung Quốc phong chức vụ khoa học Phó nghiên cứu viên (tương đương Phó giáo thụ). Đây là một sự kiện đáng ghi nhớ, không chỉ riêng cho La Trường Sơn; sự kiện ấy khẳng định giá trị khoa học của những công trình nghiên cứu trái tay của ông đã đành, đồng thời cũng thể hiện tinh thần hữu nghị Trung – Việt, khẳng định mối quan hệ mật thiết, lâu đời giữa hai nền văn hóa Việt – Trung, đánh dấu thời điểm quan hệ bang giao hai nước bước vào một giai đoạn mới mẻ, tốt đẹp(Theo lời giới thiệu của GS Nguyễn Khắc Phi).

Kim Vân Kiều truyện

Từ khi ra đời đến nay, mặc dù xoay quanh Truyện Kiều đã có rất nhiều cuộc tranh luận học thuật, khen, chê khác nhau như tranh luận về “hiếu và tình”, về “luân lý và đạo đức”, về “chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo”, về “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” v.v… và dường như vẫn chưa ngừng, nhưng Truyện Kiều vẫn lưu truyền rộng rãi, có ảnh hưởng xã hội sâu sắc hơn bất kỳ một tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam nào khác. Đặc biệt là địa vị “đỉnh núi” trong thơ ca dân tộc cổ điển Việt Nam của truyện chẳng những không hề bị lung lay mà ngày càng tỏa sáng với ánh sáng rực rỡ do nhận thức và lý giải về giá trị xã hội và giá trị nghệ thuật của truyện không ngừng được đi sâu. Đó là vì mặc dầu cấu trúc mở đầu và kết thúc của Truyện Kiều dễ gây cho người ta cảm giác đây là một truyện thơ theo kiểu luận đề, và chính Nguyễn Du dường như cũng định thông qua tác phẩm này để luận chứng tính ứng nghiệm của triết lý tôn giáo cổ xưa ở phương Đông là “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Nhưng nếu nghiêm túc khảo sát thực chất những hình tượng cụ thể trong tác phẩm thì người ta sẽ phát hiện đó là một kiệt tác có tính tư tưởng và tính nhân dân sâu sắc. Tác phẩm thông qua việc thuật lại câu chuyện tình yêu bi hoan ly hợp giữa nữ nhân vật chính Thúy Kiều và người yêu của nàng để nêu ra một cách hình tượng một vấn đề quan trọng là quyền sinh tồn của người dân bị áp bức, đặc biệt là phụ nữ bị áp bức trong xã hội phong kiến suy tàn; từ đó, về mặt khách quan, khiến bạn đọc ý thức được nguồn gốc sản sinh ra vấn đề xã hội ấy là chế độ phong kiến. Dưới ngọn bút của tác giả, Thúy Kiều là một cô gái xinh đẹp, thuần khiết và lương thiện; sau khi bán mình chuộc cha, mặc dù gặp nhiều biến cố nhưng nàng không hề cam chịu sống một cuộc sống không ra sống, hết lần này đến lần khác lấy cái chết để chống lại. Tính cách điển hình ngoan cường chống lại số phận, thà chết cũng không chịu khuất phục đã phản ánh một cách hình tượng tinh thần dũng cảm đấu tranh liên tục công phá thế lực phong kiến để giành quyền sinh tồn của người phụ nữ bị áp bức, thể hiện tư tưởng tốt đẹp và cao cả có chung ở nhân loại, do đó có sức mạnh làm rung chuyển thế giới tình cảm nội tâm của mọi người. Cũng vì vậy, hình tượng điển hình một anh hùng thảo mãng Từ Hải, người đã cứu vớt số phận Thúy Kiều và lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa mà tác giả xây dựng nên chẳng những cho thấy ý ngợi ca tinh thần nhân đạo chủ nghĩa mà còn chứng tỏ tác giả đã vượt khỏi sự hạn chế về tư tưởng của giai cấp mình, đứng về phía người dân bị áp bức, đồng tình ủng hộ hành động vĩ đại của nhân dân là công khai tuyên chiến với sự chuyên chế phong kiến và triển khai cuộc đấu tranh bằng bạo lực. Không nghi ngờ gì nữa, điều đó đã truyền cho tác phẩm nội hàm tư tưởng tiến bộ lớn lao. Vì thế, từ ý nghĩa này mà nói, tư tưởng chủ đạo là chống chế độ phong kiến, dám phơi bày bộ mặt đen tối của xã hội, chủ trương chủ nghĩa nhân đạo, đồng tình với người dân bị áp bức, nhất là đối với phụ nữ bị áp bức. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Truyện Kiều thành công.

Học giả La Trường Sơn và GS Nguyễn Khắc Phi tại Nam Ninh ngày 22-12-1997.

Một nguyên nhân chủ yếu khác nữa là truyện đã có cống hiến xuất sắc về mặt nghệ thuật sáng tác. Nguyễn Du là tác gia có sáng tạo độc đáo. Truyện Kiều tuy lấy đề tài từ một tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc, tình tiết chủ yếu cũng tương đồng với nguyên tác song tuyệt đối không phải là phiên bản của nguyên tác. Ông đã cấu tứ lại nguyên tác, sáng tạo lại nguyên tác, cố gắng làm cho mỗi một nhân vật, mỗi một tình tiết đều thể hiện được chính xác và sinh động ý hướng giá trị thẩm mỹ. Chẳng hạn, đối với những đoạn miêu tả sắc tình, tính dục kích thích cảm quan trong nguyên tác, tác giả nhất luật dùng thủ pháp lược bỏ hoặc làm mờ nhạt đi: lược bỏ tình tiết Sở Khanh dụ Thúy Kiều đi trốn sau đó lại gian dâm với cô, lược bỏ hết nội dung cụ thể hết sức ô uế trong đoạn mụ chủ nhà chứa Tú Bà truyền dạy Thúy Kiều các cách kỹ nữ tiếp khách, chỉ dùng “bảy chữ, tám nghề” để lướt qua. Ngược lại, đối với những tình tiết mang sắc thái bi kịch, có thể cho thấy sâu sắc hơn tính cách của nhân vật điển hình thì tác giả lại tô đậm thêm: khi thuật tới tình tiết Từ Hải bị lừa rồi bị giết, tác giả đã dùng liên tiếp những dòng thơ đầy bi phẫn, buồn bã, trước hết miêu tả cụ thể cảnh bi tráng Từ Hải sau khi chết xác vẫn đứng nguyên không đổ để ca ngợi khí khái anh hùng khi tráng chí chưa được thực hiện nên chết rồi mà vẫn không chịu khuất phục; tiếp đó miêu tả cụ thể Thúy Kiều muôn phần hối hận, sụp xuống khóc lạy, đập đầu xuống đất, quyết chết theo chồng, than thở cho nỗi đau cực độ và tình cảm bi phẫn, quyết chống lại bằng cái chết. Phải nói rằng qua những xử lý nghệ thuật tương tự như thế chẳng những làm tăng thêm sức truyền cảm nghệ thuật ở tác phẩm, khiến cho ngụ ý của tư tưởng chủ đạo trở nên phong phú, sâu sắc hơn, mà đồng thời còn nâng cao trình độ văn hóa tư tưởng của tác phẩm.

Những cống hiến xuất sắc về mặt sáng tác nghệ thuật của Truyện Kiều còn biểu hiện nổi bật ở việc tác giả khéo điều động nhiều thủ pháp nghệ thuật truyền thống và đã xây dựng thành công những nhân vật chủ yếu như Thúy Kiều, Từ Hải. Chẳng hạn ở phần đầu truyện, tác giả đã miêu tả như sau để ngầm cho biết về tài sắc và số phận tương lai của nhân vật chính Thúy Kiều:

Làn thu thủy nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một tài đành họa hai.

Thông minh vốn sẵn tư trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.

Xem cách miêu tả trong đoạn thơ trên đây, có thể thấy tác giả chẳng những giỏi vận dụng những thủ pháp, ẩn dụ, phản thấn, so sánh… để khắc họa hình tượng nhân vật, mà còn khéo đưa ra những ý lửng lơ để thu hút sự quan tâm chú ý của bạn đọc đối với số phận nhân vật chính. Có thể nói đây là một trong những đặc điểm nghệ thuật sáng tác của Nguyễn Du. Một đặc điểm nghệ thuật sáng tác nữa của ông là ông rất giỏi vận dụng thủ pháp độc bạch (bộc bạch một mình) của nhân vật, bằng cách đó cho thấy hoạt động nội tâm của nhân vật nữ chính, khiến tính cách của nàng càng thêm sâu sắc, phong phú. Chẳng hạn, khi thuật kể ba chị em Thúy Kiều chơi xuân ở ngoại ô trong tiết Thanh minh, họ gặp nấm mồ vô chủ của ca kỹ Đạm Tiên rồi Thúy Kiều than thở cho phận hồng nhan bạc mệnh, Thúy Kiều đã có một đoạn độc bạch quan trọng như sau:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Phũ phàng chi bấy hóa công,

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.

Sống làm vợ khắp người ta,

Khéo thay thác xuống làm ma không chồng!

Qua đoạn bộc bạch này, chúng ta thấy được mạch suy nghĩ về đời người của nhân vật nữ chính, nỗi phiền muộn, thất vọng, khổ não và bàng hoàng cùng ý tố cáo và khiển trách sâu sắc đối với hiện thực đen tối. Ngoài ra, những lời miêu tả cụ thể, sinh động tình tiết hồn ma hiển hiện, Đạm Tiên báo mộng, Từ Hải chết rồi mà thây vẫn đứng sừng sững không đổ, v.v… đều thể hiện rõ ràng truyện thơ này có đầy đủ những đặc điểm sáng tác như yếu tố kỳ lạ, mộng ảo, ước lệ, tượng trưng, lãng mạn trong văn học truyền thống Việt Nam. Có thể nói, chính vì tác giả đã biết vận dụng nhiều loại thủ pháp sáng tác như trên, xây dựng nên nhân vật Thúy Kiều, Từ Hải vừa có ý nghĩa điển hình, vừa giàu tính bi kịch nên mới khiến cho khi người ta ngâm vịnh truyện thơ dài hơn 3000 câu này, không hề vì nó từ đầu chí cuối chỉ toàn một thể lục bát mà cảm thấy nhàm chán hay dài dòng; ngược lại người ta đã bị những câu thơ giàu vần điệu đậm đặc trữ tình, những cảnh đời ai oán thê thảm và những tình tiết sinh động, lửng lơ, mộng ảo, giàu sắc thái bi kịch bắt làm “tù binh” để rồi say sưa trong sự hưởng thụ nghệ thuật vô hạn đó.

Là một tác gia kiệt xuất và một đại sư về nghệ thuật ngôn ngữ, thông thái văn học cổ điển Trung Quốc, cống hiến trác tuyệt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều còn biểu hiện ở một đặc điểm nữa là ông khéo biết tiếp thu chất dinh dưỡng phong phú từ văn học và văn hóa Trung Quốc để làm phong phú cho sáng tác văn học Việt Nam. Trong Truyện Kiều, một lượng lớn gồm sách cổ, điển cố những bài hay, những câu nổi tiếng thơ, từ, khúc của Trung Quốc đã được đan dệt rất khéo léo vào tác phẩm, trở thành những nhân tố quan trọng không thể thay thế trong việc vay mượn nguồn văn hóa, văn học và nghệ thuật thẩm mỹ chống đỡ cho hình tượng nhân vật điển hình mà tác giả đã xây dựng, hoàn cảnh điển hình do tác giả đặt ra và những lời nghị luận mà tác giả phát biểu xen kẽ. Chẳng hạn, truyện mở đầu bằng một đoạn thơ như sau:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Lạ gì bỉ sắc tư phong,

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Cảo thơm lần giở trước đèn,

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

Trong một đoạn thơ rất ngắn như trên, mà đã được đưa vào gồm cả sách cổ, điển cố và những câu nổi tiếng như “bể dâu”, “bỉ sắc tư phong”, “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” và Phong tình cổ lục, lấy đó tạo nên khúc dạo đầu theo kiểu nghị luận trữ tình, bày tỏ rõ ràng suy nghĩ của tác giả về một triết lý phương Đông là thuyết “tài mệnh”.

Lại ví như, sau khi kể Thúy Kiều đáp ứng có điều kiện lời thỉnh cầu kết làm vợ chồng của Kim Trọng thì trong đêm “động phòng hoa chúc”, Kiều không chung chăn gối với Kim Trọng, chỉ đổi tình “cầm sắt” (vợ chồng) sang tình “cầm kỳ” (bạn bè) để đãi chàng và dạo lại bản đàn Khúc bạc mệnh cho chàng nghe. Để miêu tả một màn đầy mộng ảo tình yêu ngay trước mặt đôi người yêu ấy, trong lòng họ đã nảy sinh những tình cảm phức tạp buồn vui xen kẽ và cực kỳ mâu thuẫn, tác giả đã mượn ý cảnh trong hai vế câu “Trang sinh hiểu mộng mơ hồ điệp, Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên, Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ, Lam Điền nhật hoãn ngọc sinh yên” ở bài Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn, rồi điểm hóa những câu thơ đó để thành những câu thơ trữ tình như sau:

Khúc đâu đầm ấm dương hồn,

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?

Khúc đâu êm ái xuân tình,

Ấy là Thục đế hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu rỏ duềnh quyên,

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông.

Từ đó có thể thấy, khi đưa vào những điển cố và những câu thơ, từ, khúc nổi tiếng của Trung Quốc, Nguyễn Du không tiện tay nhặt lấy rồi dịch, chuyển nguyên xi mà căn cứ vào nhu cầu khác nhau của chủ thể sáng tác và sàng lọc kỹ càng, tinh tế, vận dụng thủ pháp nghệ thuật khác nhau để chắt lọc và sáng tác lại lần nữa, sau đó mới hòa chúng vào tình tiết có liên quan, khiến chúng và tác phẩm trở thành một chỉnh thể hữu cơ, không còn vết nối, hơn nữa tác giả còn cho bạn đọc thấy diện mạo ngôn ngữ thi ca Việt Nam đã được dân tộc hóa đến mức phi thường. Phải nói rằng đó chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nên thành tựu kiệt xuất về mặt nghệ thuật của Truyện Kiều.

Tóm lại, từ sáng tác truyện thơ là  Truyện Kiều, có thể thấy Nguyễn Du tuy là một nhà thơ theo chủ nghĩa nhân văn xuất thân từ giai cấp quý tộc nhưng ông dám khiển trách những tội ác của chế độ phong kiến, phơi bày mặt đen tối của xã hội, đồng tình với người dân bị áp bức. Truyện thơ của ông tuy lấy đề tài từ tiểu thuyết Trung Quốc, thuật kể câu chuyện xảy ra vào năm Gia Tĩnh triều Minh ở Trung Quốc nhưng trên thực tế là phản ánh lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam suy thoái đến mức đứng trước cuộc biến loạn cùng những mâu thuẫn và xung đột giữa các lực lượng xã hội đương thời. Trong truyện, ông đã vận dụng phương pháp sáng tác kết hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, xây dựng nên một số nhân vật điển hình. Thông qua những hình tượng nhân vật điển hình và tình tiết phong phú của câu chuyện, tác phẩm đã tái hiện nhiều góc độ đời sống và cuộc đấu tranh trong xã hội phong kiến Việt Nam đương thời. Vì thế tác phẩm của Nguyễn Du đã có tác dụng tích cực trong cuộc đấu tranh chống phong kiến của nhân dân lúc bấy giờ, có ảnh hưởng tốt đối với sự phát triển văn học Việt Nam sau này. Cho dù ngày nay, tác phẩm vẫn còn giá trị nhận thức xã hội và tác dụng vay mượn nghệ thuật tương đối cao. Đó là điều cần khẳng định đầy đủ.