Nhận thức mới về giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Ngày 9 tháng 2-2007, Hội KHLS thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị Thông báo những kết quả nghiên cứu mới về Hoàng thành Thăng Long. Tại hội nghị, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã trình bày báo cáo khẳng định khu di tích 18 Hoàng Diệu chính là nơi tập trung những cung điện tiêu biểu nhất của các vương triều, nằm trong Cấm thành, trung tâm của Hoàng thành Thăng Long. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc toàn văn báo cáo trên.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu bắt đầu khai quật từ 12-2002 và được phát lộ trên diện tích lớn vào giữa năm 2003. Diện tích khai quật cho đến nay là 19.000 m2. Ngay từ khi phát hiện, giới khảo cổ học và sử học đã xác định sơ bộ là khu di tích nằm trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và thành Hà Nội thời Nguyễn. Nhưng đây là một phức hợp di tích khảo cổ học đô thị gồm nhiều di tích kiến trúc và một khối lượng di vật đồ sộ của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau nên rất nhiều câu hỏi được đặt ra và lôi cuốn sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trong năm 2004 – 2005 cho đến đầu năm 2006, nhiều hội thảo khoa học mang tính thông báo hay nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành đã được Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Xây dựng tổ chức. Quan trọng nhất là Hội nghị khoa học toàn quốc do Viện Khoa học xã hội tổ chức ngày 19-20/8/2004, Hội thảo tư vấn quốc tế do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức ngày 10-11/8/2004 và Hội nghị ngày 18/2/2006 do Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức.

Qua các hội thảo, rất nhiều vấn đề được đặt ra từ những vấn đề tổng quát. Điều đáng vui mừng là càng nghiên cứu và càng thảo luận, bên cạnh nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, nhiều câu hỏi mới được đặt ra, thì nhận thức chung của các nhà khoa học về giá trị tổng quát của khu di tích càng ngày càng xích lại gần nhau theo xu hướng đồng thuận. Trong kết quả nghiên cứu này, chúng ta trân trọng cảm ơn sự tham gia và hợp tác nghiên cứu của một số chuyên gia quốc tế đến từ UNESCO, Nhật Bản, Pháp, Ý, Tây Ban Nha.

Nhận thức chung tương đối đồng thuận về giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu có thể tóm lược như sau:

– Khu di tích ngay khi mới phát hiện được xác định nằm trong Hoàng thành Thăng Long thì dần dần được xác định cụ thể hơn là nằm trong Cấm thành tức trung tâm của Hoàng thành. Kinh thành Thăng Long gồm ba vòng thành: Đại La thành, Hoàng thành (tên dùng từ thời Lê sơ) và Cấm thành. Thành Đại La và Hoàng thành có những thay đổi từ thời Lý, Trần sang Lê sơ, từ thời Lê sơ sang thời Mạc và Lê Trung hưng, nhưng vị trí và qui mô của Cấm thành thì hầu như không thay đổi, chỉ có các cung điện thì trải qua nhiều lần xây dựng, tu sửa, phá dỡ, hủy hoại… Cấm thành là nơi tập trung những cung điện tiêu biểu nhất của các vương triều, những sản phẩm cao cấp nhất của nền kinh tế, văn hóa của đất nước qua các thời kỳ lịch sử.

– Khu di tích gồm nhiều tầng văn hóa nối tiếp nhau khá liên tục từ thời An Nam đô hộ phủ-Đại La thế kỷ VII-IX, đặc biệt từ thời Lý, Trần, Lê sơ đến thời Mạc, Lê Trung hưng thế kỷ XI-XVIII rồi thời Nguyễn thế kỷ XIX. Khu di tích mang bề dày lịch sử-văn hóa từ thời tiền Thăng Long và gần nghìn năm thời Thăng Long-Hà Nội. Tất nhiên độ dày mỏng và đậm nhạt của tầng văn hóa mỗi thời có khác nhau, đậm nét nhất là thời Lý, Trần và Lê sơ. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao giá trị này vì hiếm có kinh đô hiện tại một nước mà trong lòng đất còn bảo tồn di tích tương đối có hệ thống và liên tục với chiều sâu lịch sử-văn hóa gần nghìn năm như thế, nếu kể cả thời tiền Thăng Long thì lên đến 13 thế kỷ.

– Khu di tích 19.000 m2 chỉ là một bộ phận của Cấm thành, nhưng đã bộc lộ một di sản văn hóa vô giá của kinh thành, kết tinh những giá trị lịch sử-văn hóa của cả dân tộc. Giá trị này được thể hiện qua các di tích kiến trúc và các loại hình di vật, trong đó có những giếng nước, những cống thoát nước, những nền móng kiến trúc, những vật liệu xây dựng, những đồ gốm sứ tinh xảo, những vật liệu kiến trúc mang đặc trưng các thời đại…Tất cả cho thấy một trình độ phát triển cao của kinh tế, văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, nhất là trong thời kỳ văn minh Đại Việt thế kỷ XI-XV cùng khả năng tổ chức xây dựng, dinh tạo tài giỏi của tổ tiên.

Công trường khai quật

– Những di vật có nguồn gốc nước ngoài như tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Á chứng tỏ quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa rộng rãi của trung tâm đất nước với nước ngoài. Đây cũng là một đặc điểm và giá trị của văn hóa Việt Nam, luôn luôn phát triển trên nền tảng bền vững bên trong kết hợp với sự giao lưu và hấp thụ những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài.

– Có thể nói, trong số các kinh đô của đất nước, mỗi kinh đô đều có vai trò lịch sử của mình, góp phần tạo nên  dòng chảy của lịch sử-văn hóa các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia. Trong số đó, kinh thành Thăng Long-Hà Nội có lịch sử lâu dài nhất và tiêu biểu cho hai thời kỳ thịnh vượng của đất nước: kinh thành Thăng Long thời văn minh Đại Việt và thủ đô Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu vừa phản chiếu lịch sử phát triển của kinh thành, vừa qui tụ và kết tinh những giá trị của lịch sử và văn hóa dân tộc qua hàng năm. Đấy là một Di sản sản văn hóa vô giá của thủ đô và của cả dân tộc. Theo kết quả so sánh của một số nhà khoa học trong nước và các chuyên gia quốc tế thì di sản này còn mang tầm cỡ thế giới, có đủ tiêu chí được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Chính ông Koichiro Matsuura, Chủ tịch UNESCO, khi đến thăm khu di tích ngày 17/7/2005 đã phát biểu: “Khu di tích này có giá trị văn hóa và lịch sử vô cùng quan trọng và chiểu theo Công ước về Di sản văn hóa thế giới, nó hoàn toàn có thể được xem là Di sản văn hóa của nhân loại”.

Gần đây, các nhà khảo cổ học Việt Nam trong lúc chỉnh lý hiện vật, lập hồ sơ khoa học và hợp tác với chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu các di tích tại hiện trường, đã cung cấp thêm một số thông tin đưa ra một số kết quả kết quả nghiên cứu mới nâng cao thêm nhận thức về giá trị khu di tích. Viện khảo cổ học đã báo cáo về những kết quả nghiên cứu mới này, trong đó hai kết quả tôi quan tâm nhất là:

Qua chỉnh lý hiện vật, các nhà khảo cổ đã dập lại các trang trí trên hiện vật và phát hiện thêm nhiều di vật có chữ Hán. Ngoài những chữ Hán mang phiên hiệu quân đội và một số đơn vị hành chính tham gia xây dựng Hoàng thành, còn những chữ Hán mang tên một kiến trúc cung đình trong Cấm thành đã được thư tịch cổ ghi chép như: “Hoàng môn thự dận giám tạo” thời Trần, “Trường Lạc cung”, “Kim Quang điện” thời Lê sơ. Kết quả chỉnh lý hiện vật và thống kê cũng cung cấp những thông tin có hệ thống về những đặc trưng và biến đổi đồ gốm sứ qua các thời kỳ, về những đồng tiền Việt Nam từ thời Lý, Trần đến Lê, Nguyễn và tiền Trung Hoa từ thời Hán, Đường đến Tống, Minh, Thanh. Những thống kê về di cốt động vật tìm thấy cung cấp những thông tin liên quan đến sinh hoạt và nghệ thuật ẩm thực cung đình.

Kết quả nghiên cứu sâu các di tích kiến trúc tại hiện trường cho phép các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đưa ra những nhận xét về kiến trúc và lập bản vẽ mặt bằng kiến trúc một số kiến trúc thời Lý, Trần với những số liệu đo đạc cụ thể. Năm kiến trúc cung đình đã được xác nhận và nghiên cứu kỹ di tích trên hiện trường. Thông tin này càng cho thấy qui mô khá to lớn của các cung điện trong Cấm thành xưa.

Nhiều vấn đề và câu hỏi vẫn đang đặt ra, nhưng những kết quả nghiên cứu càng ngày càng làm sáng tỏ hơn các giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

*

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long từ khi phát lộ đến nay đã hơn 4 năm và đang đứng trước những yêu cầu giải quyết rất bức xúc.

Càng nghiên cứu giá trị khu di tích càng được khẳng định, nhưng hiện trạng có điều đáng lo lắng. Các nhà khảo cổ đã cố gắng hết sức để bảo vệ di tích như làm mái nhà che, lập hệ thống bơm hút nước, áp dụng một số giải pháp chống nước ngầm, chống rêu mốc…Nhưng do thay đổi môi trường tồn tại từ trong lòng đất đưa ra ngoài trời, những thay đổi khí hậu như ẩm, độ nóng đều ảnh hưởng đến chất lượng di tích. Qua 4 năm, dù tất cả những cố gắng bảo vệ như trên, khu di tích đang bị xuống cấp dần theo năm tháng. Các chuyên gia Nhật Bản rất lo lắng cho chúng ta về tình trạng xuống cấp này. Tình trạng xuống cấp này chỉ được giải quyết căn bản khi có chủ trương bảo tồn lâu dài khu di tích, trên cơ sở đó lập qui hoạch bảo tồn lâu dài và xây dựng kế hoạch  triển khai theo từng bước tùy theo khả năng của chúng ta. Về phương diện này, UNESCO và chuyên gia nhiều nước sẵn sàng hợp tác, tư vấn và hỗ trợ chúng ta. Cũng phải trên cơ sở đó, mới có thể áp dụng những giải pháp bảo tồn lâu dài, hiệu quả bằng những công nghệ hiện đại.

Khu di tích Hoàng thành đã phát lộ kết hợp với những di tích trên mặt đất và trong lòng đất (chưa bị các kiến trúc hiện đại phá hủy) của Cấm thành Thăng Long và những di tích cách mạng, kháng chiến thời hiện đại, có thể qui hoạch thành một Công viên lịch sử-văn hóa Thăng Long-Hà Nội chạy suốt từ thời tiền Thăng Long, thời kinh thành Thăng Long, thời thành Hà Nội cho đến thủ đô Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh. Phạm vi qui hoạch và tên gọi khu di tích cũng cần nghiên cứu kỹ và thảo luận rộng rãi giữa các cơ quan quản lý và các chuyên gia trên những lĩnh vực khoa học liên quan. Một di sản văn hóa như thế tồn tại giữa trung tâm Hà Nội sẽ nâng cao vị thế lịch sử, văn hóa của thủ đô và có đủ tiêu chí được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và Di sản văn hóa thế giới. Đó là đề xuất của giới khoa học qua các hội thảo khoa học, là nguyện vọng tha thiết của nhân dân thủ đô và cả nước, cũng là trách nhiệm của thế hệ chúng ta trước lịch sử. Nhà Quốc hội có thể chọn một địa điểm xứng đáng trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình, không nên và không nhất thiết phải xây dựng trong khu di tích Hoàng thành 18 Hoàng Diệu vì dù với phương án nào cũng xâm hại đến di sản và không gian tồn tại của di sản. Và nếu như khu di tích này không được bảo tồn toàn bộ và lâu dài thì có thể nói thủ đô Hà Nội sẽ vĩnh viễn không có một Di sản văn hóa thế giới giữa lòng thủ đô nghìn năm văn hiến, niềm tự hào của người dân thủ đô cũng như nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này càng có ý nghĩa thiêng liêng khi Hà Nội và cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm Thăng Long nghìn tuổi.

Phan Huy Lê