Phục dựng điện Kính Thiên

Trước nay đã có nhiều thuyết, nhiều bản đồ, nhiều sách nói về thời kỳ tiền Thăng Long và cả về thành Thăng Long cổ truyền. Tuy nhiên xác định phạm vi của thành Thăng Long qua các thời kỳ một cách chính xác vẫn đang là một vấn đề nan giải. Về phạm vi qui mô kiến trúc của thành Thăng Long; mối quan hệ giữa thành và thị; giữa thành và đê; giữa đê và thành; giữa thành và cung điện là những vấn đề lý thú cần được nghiên cứu sâu qua các thư tịch và khảo sát điền dã.

Theo Thăng Long cổ tích khảo hội đồ (*) thì “La Thành là tên gọi chung. Thành ngoài gọi là Đại La chu vi 7768 tầm (mỗi tầm bằng 8 thước ta). Thành có 28 cửa ô, các cửa đó ở Vĩnh Xương nay đổi là Thọ Xương, ở Quảng Đức nay đổi là Vĩnh Thuận. Thời Đinh Tiên Hoàng (970 – 979) gọi là Đạo, thời Lê Đại Hành (880 – 1005) gọi là Lộ. Đầu năm Thuận Thiên đời Lý Thái Tổ (1010) chuyển kinh đô từ Hoa Lư ra đây có con rồng vàng hiện ra ở thuyền rồng nên gọi là thành Thăng Long. Dừng lại ở phủ Phụng Thiên xây dựng kinh đô, tiến tạo cung điện. Xây bốn cửa thành gọi là tứ môn. Phía Đông gọi là cửa Tường Phù. Phía Tây gọi là cửa Diệu Đức. Phía Nam gọi là cửa Đại Hưng. Phía Bắc gọi là cửa Quảng Phúc. Vào năm Thiên Thành thứ 2 (1029) lại xây thành đất xung quanh chu vi một vòng gọi là Phượng Thành. Thời Trần cũng gọi như thế. Năm Thiệu Bảo (1279) gọi là Trung kinh và hoạch định các phường ở hai bên tả hữu kinh thành cả thảy 61 phường. Đặt ty Bình Bạc. Đặt bốn cửa La Thành gọi là Tứ Ủy, đặt bốn cửa Phượng Thành gọi là Tứ Xương. Quan quân thay nhau canh giữ. Thành trong gọi là Long Phượng Thành. Thời Hồ (1400 – 1407) gọi là Đông Đô. Thời Minh gọi là thành Đông Quan. Lê Thái Tổ gọi là Đông Kinh, lại gọi là Đông Đô, vì Thanh Hoa gọi là Tây Đô nên Thăng Long là Đông Đô. Đầu năm Quang Thuận triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) xây thành Đại La theo quy hoạch thời Lý – Trần mở rộng Phượng Thành đến 8 dặm”. Nếu theo sách này, thì lúc đầu Hoàng Thành được xây theo nguyên tắc 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc hậu chẩm chính giữa là Tử cung hay Tử vi cung, Thái cực điện, Hoàng cực điện. Về điểm này, thiên Quan Thư trong Sử ký của Tư Mã Thiên đã ghi: Bấy giờ thiên văn đem chia tinh tượng thành năm khu gọi là Ngũ cung: Đông cung, Tây cung, Nam cung, Bắc cung và Trung cung. Trung cung là vùng sao Bắc Đẩu. Bằng tư tưởng thiên nhân hợp nhất, người ta cho rằng Thiên đế ngự ở Tử cung hay Tử vi cung. Trong cung có ngôi sao sáng nhất gọi là sao Thiên Cực hay sao Bắc cực tượng trưng cho Thái nhất (Thiên đế). Thiên đế ở Tử cung thì Hoàng đế nhân gian cũng ở Tử cung. Khi xây dựng thành Hàm Dương và cung Hàm Dương, Tần Thủy Hoàng đế đã triệt để tuân theo tư tưởng ngũ hành. Cũng từ đó Hoàng thành và Hoàng cung của Trung Quốc dù xây ở địa điểm nào cũng theo nguyên tắc này. Thành cổ Hà Nội, kinh đô Huế của chúng ta thực chất cũng được bố cục theo nguyên tắc ngũ hành.

Bậc thềm lan can rồng do bác sĩ Hocquard chụp năm 1884, sau khi Pháp đã chiếm thành Hà Nội. Theo người chụp thì đây là bậc thềm của hành cung triều Nguyễn, dã bị quân Pháp phá hủy và cho xây tường phòng ngự xung quanh đề phòng bị quân ta tấn công (thực ra đây là nền điện Kính Thiên cũ).

Khi đến Thăng Long, Lý Thái Tổ đã lợi dụng triệt để thế cao của Đại La, có đê ngăn nước, có núi, có sông “Nội khí tràn đầy, ngoại thế mở rộng”. Hoàng cung nhà Lý là trung tâm của thành Thăng Long, tiền án có Long Đọi sơn, hậu chẩm có Tam Đảo sơn, thanh long bên trái có Yên Tử sơn, bạch hổ bên phải có Tản Viên sơn. Trong Hoàng thành có núi Nùng ở giữa, sách Thăng Long cổ tích khảo chép: “Núi Nùng ở chính giữa kinh thành có tên gọi là Long Đỗ. Núi hình tròn, đỉnh núi bằng phẳng cây cối um tùm gắn với Tây Hồ, phía sau có núi Tam Sơn làm gối, sơn thủy hữu tình là thắng cảnh của đô thành. Lý Thái Tổ định đô đã lấy núi Nùng làm án xây chính điện trên núi này. Thường có đội hạc bay đến nhảy múa ở nơi vua ngự…”.

Theo nguyên tắc đông phương tòng mộc, tượng mùa xuân, chủ sinh. Bởi vậy, ở phía đông của Hoàng cung xây dựng các cung điện thuộc lĩnh vực văn hóa, văn trị như: Lại khoa, lễ khoa, hộ khoa. Cũng ở phía Đông của Hoàng cung còn có tổ miếu “Tả tổ miếu, hữu Xã Đàn”. Đông phương thuộc mộc chủ sinh hóa, con người đều nhờ vào tổ tông mà phồn diễn sinh hóa nên tổ miếu phải xây ở phía đông. Cũng ở phía đông còn tổ chức nhiều lễ tế cầu cho sự phát triển sinh sôi nảy nở của Hoàng tộc và muôn dân. Lễ tiến Xuân Ngưu đã từng diễn ra từ thời Lý đến các thời Trần, Lê. Sách Lịch triều hiến chương loại chí mục “Lễ nghi chí” của Phan Huy Chú chép: “Trước tiết xuân một ngày, Bộ Công cho rước một con trâu bằng đất nung đến đàn ở phường Đông Hà (tức khu vực đền Bạch Mã ở cửa Đông Hà Nội). Đúng tiết lập xuân, Phủ Doãn phủ Phụng Thiên và quan huyện Thọ Xương, Quảng Đức lấy cành dâu đánh vào con trâu đất rước vào điện vua làm lễ. Lễ cầu thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, con người mạnh khỏe”.

Hành cung trong thành Hà Nội. Ảnh tư liệu

Đây là đại lễ không thể thiếu được của vua tôi triều thần một nước làm nông nghiệp. Cũng theo nguyên tắc này, tây phương tòng kim, tượng mùa thu không phát triển, chủ sát. Bởi vậy, ở phía tây hoàng cung là cung điện thuộc lĩnh vực binh hình võ bị như trung thư khoa, binh khoa, hình khoa. Phía tây thành Thăng Long xưa và nay vẫn còn trại Giảng Võ nơi luyện quân của triều đình, ở trại Kim Mã vẫn còn là nơi hành quyết các tội nhân và nghĩa địa chôn cất họ. Hàng năm cứ đến mùa thu, mùa thuộc kim, vạn vật không phát triển, chủ sát thì các tử tù bị đem ra Kim Mã để hành quyết. Sinh đông tử tây, văn đông, võ tây. Khi thiết triều cũng theo luật này. Mỗi khi thiết triều tại điện Thái Hòa thì cứ an bài văn đông, võ tây, quan văn chầu bên đông, bên tả, quan võ chầu bên tây, bên hữu. Quan văn đi theo cửa Đông Văn lâu (cửa Sùng Văn); quan võ đi theo cửa Tây Vũ lâu (cửa Tuyên Vũ), bên cạnh Ngọ Môn mà vào. Khi xuất chinh quân đội cũng đi theo cửa Vũ Lâu ấy.

Theo thuyết ngũ hành thì đông phương thuộc mộc màu xanh, tây phương thuộc kim màu trắng; nam phương thuộc hỏa màu đỏ; bắc phương thuộc thủy màu đen, trung ương thuộc thổ màu vàng. Hoàng cung cũng tuân theo màu sắc ấy mà xây dựng các công trình kiến trúc. Cung thất ở giữa tường màu hồng, ngói màu vàng. Cung thất ở phía đông thường lợp ngói màu lục, màu xanh vì vậy còn gọi là Thanh cung là cung của hoàng tử ở. Cửa Bắc còn gọi là cửa Thần Vũ nên tường xây bằng đá hay chất liệu màu xám. Cung thất ở Cửa Bắc như Văn Uyên các, thư phòng, nhà ăn… đều lợp ngói màu đen. Màu đen, màu xám tương thủy khắc hỏa tránh mọi hỏa tai cho cung điện. Vùng ngoại ô Cửa Bắc kinh thành thường lập đền thờ Trấn Vũ thần bảo vệ phương bắc, thần biểu tượng Nhâm Quý Thủy – Nguyên thủy nguồn nước vô tận mà không có lửa nào chiến thắng được. Chính vì vậy, thần sẽ giúp kinh thành ngăn hỏa tai. Ngoài ra thần còn giúp ngăn ngừa giặc dã và các loại thiên tai dịch bệnh khác. Hiện tại ngoài Cửa Bắc thành Hà Nội vẫn còn đền thờ Trấn Vũ là một trong Thăng Long tứ trấn.

Như vậy là thành Thăng Long chính là khu vực có địa thế đẹp nhất, cao ráo, thoáng đãng, tiện lợi thế núi sau sông trước, đúng như lời tuyên ngôn của Lý Công Uẩn: “Đây là khu trung tâm của trời đất, xem khắp đất Việt nơi đây là thắng địa”. Điện Kính Thiên dựng trên núi Nùng là vị trí trung tâm của trung tâm có ưu thế tuyệt đối về mọi mặt: chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, giao thông… đảm nhiệm vai trò trung ương của toàn bộ khu vực kinh thành và của cả nước.

Như vậy thời Lý trên nền điện Kính Thiên hiện nay đã xây dựng điện Càn Nguyên làm nơi thiết triều. Năm 1029 điện Càn Nguyên được tu bổ và mở rộng đổi tên là điện Thiên An rồi điện Phụng Thiên; thời Trần trên khu đất điện Phụng Thiên cho xây điện Thiên An, Bác Giác và Diên Hiền để làm việc, thiết triều và yến tiệc; thời Lê trên nền điện Càn Nguyên (Thiên An, Phụng Thiên) đã xây dựng điện Kính Thiên làm nơi thiết triều; thời Nguyễn điện Kính Thiên được tu bổ. Năm 1886 thực dân Pháp đã phá điện Kính Thiên để xây nhà ban chỉ huy pháo binh. Hiện nay chỉ còn nền điện và thềm rồng thời Lê sơ. Sách sử ghi về thời Lý và thời Trần không nhiều nhưng chỉ biết điện Càn Nguyên và điện Thiên An chủ yếu là nơi thiết triều. Tên điện Kính Thiên có chính thức từ thời Lê sơ. Đây là nơi thiết triều và ban bố các sắc lệnh và cũng từ đây các quan trụ cột của triều đình thường đến để bàn việc nước. Sách sử cho biết Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn đều đã đến điện Kính Thiên bàn việc nước; các sứ thần Trung Quốc cũng đến gặp vua tại điện Kính Thiên; Nguyễn Huệ đã đến điện Kính Thiên để yết kiến vua; Quang Trung đã tổ chức đại lễ mừng chiến thắng tại điện Kính Thiên; vua Tự Đức đã từ Phú Xuân ra điện Kính Thiên để tiếp sứ thần Trung Quốc… Như vậy là từ thời Lê sơ về sau những hoạt động diễn ra ở điện Kính Thiên là khá thường xuyên và qua những hoạt động này cho thấy rõ công năng của điện Kính Thiên là nơi thiết triều.

Phục dựng điện Kính Thiên theo kiến trúc nào?

Sử sách đã ghi chép nhưng không đầy đủ, chi tiết, mà công tác khảo cổ để tìm trong lòng đất những di vật làm cơ sở khoa học cho việc lập thiết kế để phục dựng điện Kính Thiên mới chỉ là bước đầu còn rất ít ỏi nên việc trả lời cho câu hỏi phục dựng điện Kính Thiên theo mẫu thời nào là chưa đủ cơ sở khoa học. Bởi vậy, nên thành phố Hà Nội nên tổ chức tiếp tục thám sát khảo cổ học ở một vài trị trí nữa mà trước hết là trục thẳng từ Đoan Môn đến điện Kính Thiên bởi lẽ, hố đào thám sát gần đây nhất (năm 2000) tại khu vực Đoan Môn đã làm xuất lộ đoạn đường lát gạch hoa chanh thời Lý – Trần trên trục này. Về kiến trúc điện Kính Thiên, thì như trên chúng tôi đã trình bày là tên điện Kính Thiên chính thức có từ thời Lê sơ, còn nếu tính việc thiết kế theo điện Càn Nguyên thì ở thời Lý, theo điện Thiên An thì ở thời Trần. Tuy nhiên, những dấu tích của kiến trúc điện Càn Nguyên thời Lý, cũng như điện Thiên An thời Trần là rất hiếm hoi nếu như không nói là khó mà tìm thấy. Bằng chứng tại chỗ hiển hiện của điện Kính Thiên còn sót lại là ở những chỗ con rồng và thành bậc thời Lê sơ cùng với một phần nền điện Kính Thiên. Điều đáng quan tâm nữa là ở Tây Kinh tức Lam Kinh Thanh Hóa, hệ thống chân tảng điện Kính Thiên thời Lê ở đây vẫn còn khá nhiều cũng là nguồn tư liệu tin cậy để tham khảo cho quá trình lập thiết kế phục dựng điện Kính Thiên ở thành cổ Hà Nội.

Hơn nữa trải hàng ngàn năm lịch sử, biết bao biến cố đổi thay của thời cuộc, mà kết quả bước đầu của công tác khảo cổ học ở khu vực thành cổ Hà Nội đã cho thấy: Khu vực này di tích chồng lên di tích, lịch sử chồng lên lịch sử. Bởi vậy, việc phục dựng lại một công trình kiến trúc cổ ở một khu vực như thế, nhất là việc ghi chép về công trình khởi đầu và giai đoạn đầu (thời Lý – Trần) của sử sách lại rất tản mạn, là rất khó khăn. Thế thì cớ sao ta lại cứ phải đi tìm hình ảnh một công trình kiến trúc trong mờ ảo, trong khi đã có những chứng cứ vật chất (rồng, bậc thềm, nền điện) hiện hữu tại chỗ, những chân tảng đá đồng đại ở Lam Kinh và khá nhiều hình ảnh còn lưu giữ được về điện Kính Thiên thời Lê sơ mà chúng ta không dựa vào đó để phục dựng. Theo chúng tôi, phục dựng điện Kính Thiên theo kiến trúc thời Lê vừa có nhiều tư liệu có cơ sở khoa học làm chỗ dựa, vừa có tính khả thi nhất. Nếu điện Kính Thiên được phục dựng theo kiến trúc thời Lê thì phần nội thất vừa có phần giới thiệu chức năng của điện vừa phải có phần trưng bày bổ sung về giá trị của khu thành này từ trước Lý Công Uẩn và từ thời Lý trở về sau, đồng thời cần có một sa bàn tổng thể giới thiệu tổng quát sự hình thành và phát triển của thành cổ qua các thời kỳ lịch sử.

(*) Tài liệu chữ Hán lưu tại kho Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, tác giả khuyết danh, chưa rõ xuất xứ. Bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán – Nôm.

Nguyễn Doãn Tuân –  Nguyễn Thị Thủy