Nhìn lại tình cảnh và vai trò của nông dân thời Tây Sơn

George Dutton làm Phó Giáo sư khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Á châu, đồng thời là Giám đốc Chương trình Liên khoa Đông Nam Á Học của trường đại học California tại Los Angeles (UCLA). Sách nghiên cứu của Dutton về thời Tây Sơn do đại học Hawaii xuất bản, sắp ra mắt độc giả với nhiều nhận xét mới, khác với những phân tích của giới sử học truyền thống mà chúng ta đã tiếp cận lâu nay. Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một phần của nghiên cứu này qua bản dịch của Nguyệt Cầm.

Vào mùa xuân 1773, một đội quân nhỏ gồm các nhóm tộc người trên cao nguyên và nông dân miền xuôi, từ cao nguyên An Khê, tấn công vào thủ phủ thành Qui Nhơn. Thủ lĩnh của họ là Nguyễn Nhạc, một nhà buôn cau bán chuyên nghiệp và một viên quan thu thuế nhỏ. Sau khi chiếm được thủ phủ, với lòng tự tin dâng cao do thành công đó, những kẻ nổi loạn nhanh chóng chuyển hướng tấn công đến các mục tiêu khác dọc theo bờ biển. Trong khi quân đội của Nhạc di chuyển qua các vùng nông thôn, hành quân với một tấm băng đỏ khổng lồ và tạo ra những âm thanh chấn động để đe dọa địch thủ, binh lính chiếm đoạt của cải của những nhà giàu bất hợp tác với họ và chia cho nông dân nghèo, khiến họ ca ngợi những kẻ nổi loạn mới này là “những tên trộm đạo đức và từ thiện.” (1). Chuỗi sự kiện này đánh dấu buổi đầu một trong những kỷ nguyên trọng đại nhất của lịch sử Việt Nam, một kỷ nguyên mà những biến động chính trị và xã hội khổng lồ sẽ kéo dài trong suốt gần ba thập kỷ và sang tận thế kỷ XIX.

Bảo tàng Quang Trung ở Bình Định

Những xung đột cuối thế kỷ XVIII diễn ra ở nông thôn và dọc theo bờ biển của lãnh thổ Việt Nam, cũng như ở rất nhiều trung tâm quyền lực chính trị đã tồn tại hoặc sẽ nổi lên trong quá trình nổi dậy này. Trước khi quân đội nổi loạn cuối cùng bị đánh bại vào năm 1802, họ đã lật đổ hai dòng họ cầm quyền, thống nhất, dù rất ngắn, một lãnh thổ mà trước đó đã được cai trị như hai vương quốc riêng biệt trong suốt một thời gian dài, và chấm dứt một vương triều với 300 năm tuổi. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Nhạc và hai người em trai – Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ – những kẻ nổi loạn cũng khơi dậy và sau đó đánh lui hai cuộc xâm lăng qui mô lớn của Xiêm La (Thái Lan) và Trung Hoa, và thậm chí chính họ cũng thực hiện những cuộc tấn công sang các vương quốc Lào và Khmer láng giềng. Trong khi cuộc nổi dậy và những cuộc chiến tranh tiếp theo kéo dài, lính đánh thuê từ Pháp, Bồ Đào Nha và các nước Đông Nam Á khác cũng tham gia vào cuộc chiến, hàng trăm ngàn người bị giết vì chiến tranh và vì nạn đói. Rất nhiều người khác bị ly tán nhà cửa và ruộng đồng, trong khi xã hội Việt Nam – từ nông dân, đến giới tinh hoa trí thức và chính trị, cho đến các tộc người và các nhóm tôn giáo – phải đối mặt với thực tại khắc nghiệt của một vương quốc đầy rối ren.

Các sử gia Việt Nam đã đặt thời Tây Sơn dưới ống kính xem xét sử học rất kỹ lưỡng, và các diễn giải về cuộc nổi dậy này đã gây ra khá nhiều tranh luận nảy lửa. Thật vậy, thời kỳ này và các sự kiện gắn liền với nó đã đóng một vai trò rất quan trọng cho cách viết sử sẽ xuất hiện trong toàn bộ thuật nghiên cứu sử tiếp sau đó. Các vấn đề trọng tâm ở đây là về tính chính đáng chính trị, về sự phân chia và thống nhất quốc gia, về các xung đột và đối lập xã hội. Trong thế kỷ XIX, nhà Nguyễn – người sáng lập ra vương triều này đã đánh lại và cuối cùng thì lật đổ được chính thể Tây Sơn- đã gọi Tây Sơn là một cuộc nổi dậy của bọn “tặc” và “giặc,”gạt bỏ bất kỳ một quan niệm nào cho Tây Sơn là một vương triều hợp thức. Dự án sử học này công khai kiến tạo tính chính danh cho triều Nguyễn, triều đại mà chính bản thân nó được lập ra phần lớn nhờ thành công quân sự hơn là nhờ một sự chuyển giao quyền lực vương triều chính thức (2).

Thành Hoàng đế ở Bình Định

Ở cấp độ chính thức, vương triều mới đã bảo đảm ưu thế thống trị của cách diễn giải này, thậm chí ngay cả khi tri thức dân gian về Tây Sơn bắt đầu hình thành một cách nhìn lý tưởng hóa về phong trào nổi dậy này, và khi cư dân tỉnh Bình Định tìm cách khôi phục lại những nhân vật mà dưới mắt họ, là anh hùng địa phương (3). Vào đầu thế kỷ XX, những suy yếu chính trị của nhà Nguyễn dưới sự đô hộ của thực dân Pháp mở rộng không gian cho những diễn giải lại. Các sử gia bắt đầu tránh dùng những từ đề cập đến Tây Sơn như “tặc” và “giặc.” Bớt bị trói buộc bởi những quan tâm tư tưởng của một triều đình nhà Nguyễn suy yếu, các học giả này cho rằng ba anh em Tây Sơn đã nắm quyền lực chính trị chính đáng (4). Nhưng thậm chí ngay cả khi có sự thay đổi này, những cách diễn giải thời gian đầu thế kỷ XX cũng không nghiên cứu vấn đề về sự ủng hộ của dân chúng đối với phong trào đó. Thật vậy, những đề cập đến “nông dân” hầu như hoàn toàn vắng mặt trong các bài viết của hai sử gia lỗi lạc đầu thế kỷ hai mươi là Phan Bội Châu và Trần Trọng Kim (5). Mãi đến năm 1938 thì Đào Duy Anh, trong cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, mới gắn sức mạnh và thành công của Tây Sơn với sự tham gia của nông dân (6).

Sau Thế Chiến thứ II, và trong buổi đầu của cuộc cách mạng Tháng 8 với những liên hệ chặt chẽ với nông thôn Việt Nam, việc xây dựng hình ảnh Tây Sơn với đặc điểm là một “cuộc nổi dậy của nông dân” hoặc một “phong trào nông dân” bắt đầu xuất hiện trong nghiên cứu của Việt Nam. Các học giả đã nhiệt tình mô tả cuộc nổi dậy của Tây Sơn hoặc như một cuộc “cách mạng,” hoặc một cách trung lập hơn, là một “phong trào nông dân.” (7). Cả hai cách diễn giải đều cho rằng giới nông dân, trừ một vài ngoại lệ, đã ủng hộ các lãnh tụ phong trào Tây Sơn và triều đại họ dựng lên sau đó, rằng nông dân đã nhiệt tình ủng hộ các lãnh tụ Tây Sơn từ buổi đầu của cuộc nổi dậy, rồi sau đó là sự hợp tác đoàn kết của nông dân trong những nỗ lực anh hùng nhằm thống nhất đất nước và đánh lui giặc ngoại xâm – quân Xiêm năm 1785 và quân Tàu năm 1789. Trong cách nghiên cứu sử học về Tây Sơn này, nông dân nổi lên như một biểu tượng anh hùng, cao thượng và không biết sợ hãi, quyết tâm theo đuổi mục tiêu công bằng kinh tế và xã hội, và vì một đất nước thống nhất không bị ngoại bang can thiệp. Cách diễn giải này mô tả nông dân thời Tây Sơn như những người mở đường cho cuộc cách mạng được nông dân ủng hộ vào thế kỷ XX, thậm chí ngay cả thất bại của họ trong việc thay đổi các cơ cấu kinh tế và chính trị cũng được xem như những dấu hiệu của những hạn chế khắc nghiệt mà thời đoạn lịch sử lúc đó đã áp đặt lên họ. Người ta lý luận rằng chỉ có Đảng cuối cùng mới có thể vượt qua được những hạn chế nhận thức đã trói buộc trí tưởng tượng của người nông dân từ bao lâu nay.

Chính những cách diễn giải này, mà phần lớn được các sử gia mácxít công bố vào nửa sau thế kỷ XX, chiếm lĩnh phần lớn diễn ngôn về thời Tây Sơn. Cách xây dựng đặc điểm của người nông dân vào thế kỷ XVIII như một giai cấp bị trị cao thượng và kiên quyết, và như những ủng hộ viên trung thành của Tây Sơn, khiến họ giống như cổ động viên cho chính sự áp bức họ, vì đối với nông dân, thời Tây Sơn hiển nhiên là một thời kỳ hết sức khó khăn và gian khổ. Đó cũng là thời điểm mà những lợi ích đạt được từ cuộc nổi dậy, nếu đôi chút nào có thể nhận ra, thì chúng cũng hiếm khi vượt qua nổi cái giá khủng khiếp mà chính họ phải trả. Hơn nữa, hình ảnh của người nông dân, trong rất nhiều trường hợp, bị hòa với những lãnh tụ, gợi ý tưởng là động cơ của các lãnh tụ (bản thân không phải là nông dân) , bằng cách nào đó, đã đại diện hoặc trùng hợp với động cơ của những người (thường miễn cưỡng) theo họ. Kết quả là thuật ngữ “Tây Sơn” được sử dụng cho toàn bộ phong trào này, cả cho các lãnh tụ cũng như những người theo họ; những mối quan tâm của cả hai nhóm được coi như hòa đồng, hoặc đa phần là trùng hợp; trong khi đó, trên thực tế, các lãnh tụ thường không giải quyết những mối quan tâm của những người theo họ, và những người được xem là đi theo này thường theo một cách miễn cưỡng hoặc bị ép buộc. Mặc dù một vài bài viết bằng tiếng Việt gần đây bắt đầu xem xét thời kỳ Tây Sơn với cách nhìn phê phán hơn đôi chút, nhưng chưa hề có một sự định giá lại có hệ thống nào về thời kỳ hay cuộc nổi dậy này được xuất bản (8).

Tượng Quang Trung ở Hà Nội

Trong những phần sau, tôi muốn bàn về hai vấn đề liên quan đến người dân Việt Nam trong những năm thuộc Tây Sơn. Vấn đề thứ nhất là tình cảnh vô cùng gian khổ mà họ phải gánh chịu, đặc biệt dưới hình thức bị bắt lính và lao động khổ dịch thường xuyên do các lãnh tụ Tây Sơn yêu cầu. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng bất bình phổ biến, những nguyên nhân khác bao gồm quan lại tham nhũng, sưu cao thuế nặng, quyên góp bắt buộc, và nạn hôi của tràn lan. Vấn đề thứ hai mà tôi muốn bàn đến, và vấn đề này có liên quan với vấn đề trước, là những người dân bị quấy nhiễu thường dựa vào các thế lực chính trị-quân sự khác giải thoát cho họ. Mục đích của tôi trước hết nhằm thách thức những diễn giải quá mức nhẹ nhàng đang hiện hành về cuộc sống của người nông dân dưới thời Tây Sơn, và thứ đến là đặt vấn đề với những quan điểm đã khẳng định sự tương phản hiển nhiên giữa các thế lực chính trị đối địch vào thời đó. Theo tôi, người dân thường, trong quãng thời gian khó khăn ấy, không hề bằng lòng với các vị chúa tể chính trị của mình, và họ luôn hi vọng vào một thực thể chính trị nào khác tốt hơn thực thể đang áp bức họ lúc đó.

Những khó khăn của nông dân dưới thời Tây Sơn

Nghĩa vụ đi lính: Mặc dù trước các lãnh tụ Tây Sơn, đã có rất nhiều chính thể ở Việt Nam bắt dân đi lính, nhưng những đòi hỏi quân sự mà họ áp đặt với dân chúng trong thời gian họ cầm quyền đặc biệt nặng nề. Lúc nào cũng có kẻ thù đối mặt với nhà Tây Sơn, và khi họ không bị nhà Nguyễn thách đố thì họ tự đi tìm xung đột: với nhà Trịnh vào năm 1786; và sau đó lại một vài lần nữa ra bắc để đè bẹp các nỗ lực khôi phục nhà Lê; một cuộc xâm lược qui mô lớn sang Lào năm 1791; và cuối cùng là kế hoạch của Quang Trung vào năm 1792, trước hết tấn công Trung Hoa trong một nỗ lực nhằm giành lại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây “đã bị mất,” và sau đó sẽ mở một trận tấn công lớn nhằm vào nhà Nguyễn. Ngoài ra còn có những trận chiến công khai trong nội bộ nhà Tây Sơn với nhau, bao gồm bi đát nhất là cuộc chiến ngắn ngủi giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vào năm 1787, và cả những xung đột vào cuối những năm 1790, khi triều đình Tây Sơn tại Phú Xuân chống lại đám tướng lĩnh nổi loạn ở Qui Nhơn, thủ phủ trước đây của Nguyễn Nhạc.

Trong các cuộc chiến tranh thời Tây Sơn, không chỉ mức độ thường xuyên của xung đột mà cả qui mô của chúng cũng mang lại bất hạnh cho những người nông dân bị buộc phải đăng lính. Khi quân đội lớn mạnh thì tổn thất, cùng với những tác động tương ứng mà các cuộc chiến thời Tây Sơn đã gây ra cho dân chúng cũng gia tăng, đối với cả binh lính và dân thường. Mặc dù các ước tính mới chỉ là phác qua, những bằng chứng dù rời rạc cũng cho thấy vài trăm ngàn người đã bỏ mạng tại chiến trường, và có lẽ là hàng vạn người khác đã chết vì những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến chiến tranh. Những báo cáo rải rác về số người chết và thương vong cho chúng ta thấy được phần nào mức độ căng thẳng của xung đột mà trong đó, quân Tây Sơn đã giết 1600 binh lính của nhà Nguyễn vào đầu năm 1774 (9). Những thập niên tiếp theo chứng kiến các cuộc chiến ác liệt liên miên giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn, sau đó là giữa Tây Sơn và nhà Trịnh, và sau đó nữa là Trung Hoa. Có lẽ có khoảng tới 30000 quân nhà Trịnh đã bỏ mạng chỉ trong một trận chiến tại Phú Xuân vào mùa hè 1786 (10) và trong một cuộc chiến ngắn ngủi giữa Nhạc và Huệ đầu năm 1787, một nhà truyền đạo ghi lại rằng Nhạc đã mất 40000 lính (11). Những con số này cho thấy rất rõ qui mô của các cuộc chiến tranh thời Tây Sơn, và những nhu cầu tương hợp tuyển tân binh liên tiếp để cung ứng những đội quân lớn và thường xuyên bị hao hụt này.

Nguy cơ tử trận và thương vong cao bắt nguồn từ những trận chiến qui mô lớn và kéo dài, cộng với những khó khăn chung trong đời sống của quân đội Tây Sơn trong những năm xung đột, được thể hiện rõ qua tỉ lệ hao binh cực kỳ cao. Lúc đầu, quân Tây Sơn gồm lính tình nguyện, đặc biệt vào thời điểm phong trào này còn thu hẹp với những chiến dịch qui mô nhỏ trên miền cao nguyên, tập trung chính vào việc tăng quân. Bằng cách này, vào năm 1774, quân Tây Sơn đã tăng lên tới 25000 người (12). Đây là một lực lượng đáng kể, nhưng lực lượng ấy vẫn phải đối mặt với một đội quân lớn hơn rất nhiều của nhà Nguyễn, và vì vậy, vào năm 1775, Nguyễn Nhạc, lúc này đã tự xưng vương, đặt mức chỉ tiêu đăng lính cho những vùng thuộc sự kiểm soát của Nhạc. Trong mỗi làng, cứ năm đàn ông thì một buộc phải đăng lính (13). Chi tiết này cho thấy rằng, ngay vào thời điểm còn sớm này, quân Tây Sơn đã không được bổ sung bởi những tình nguyện viên hăng hái nữa, thay vào đó ngày càng nhiều những người bị bắt lính miễn cưỡng. Ở một mức độ mà nói, điều này không khác gì mấy cung cách mà nhà Nguyễn bắt lính trong những vùng họ kiểm soát. Tuy nhiên, trên một mức độ khác, có một sự khác biệt quan trọng: những người bị bắt lính trong quân đội Tây Sơn trên thực tế đã phải đối mặt với chiến tranh gần như không nghỉ – ở nhiều mức độ căng thẳng khác nhau – từ giữa thập niên 1770 cho đến những năm đầu thế kỷ XIX.

Với những khó khăn như vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều trong số những người bị bắt đi lính cho Tây Sơn đó đã đào ngũ ngay khi có thể được, trốn tránh những điều kiện khắc nghiệt bao gồm thiếu lương thực, kỷ luật tàn bạo của các cấp chỉ huy, và những gian khổ gặp phải trong các cuộc hành quân tấn công chớp nhoáng bắt buộc. Vấp phải với những chống cự bắt lính thường xuyên và sự thất thoát quân binh, các lãnh đạo quân sự Tây Sơn đã áp dụng những biện pháp cưỡng ép nhằm bảo đảm sức mạnh đầy đủ cho quân đội, và thường rất tàn bạo trong quan hệ với dân chúng và quan lại địa phương. Theo nhiều tài liệu, nhà Tây Sơn bắt lính rất nhanh, và cũng trừng phạt rất nhanh những người không chịu theo họ. Việc ép lính hoặc nguồn binh lính tiềm tàng bằng những biện pháp hăm dọa đã được nhà Nguyễn áp dụng từ thế kỷ XVII, vì vậy sự tàn bạo liên quan đến quân đội vào lúc này đã trở thành một phần của văn hóa quân sự tại miền nam trước khi nhà Tây Sơn xuất hiện (14). Sáng kiến của nhà Tây Sơn, nếu có thể gọi đó là sáng kiến, có thể là việc tăng cường mức độ và qui mô của sự tàn bạo được áp dụng để hăm dọa, buộc dân chúng đáp ứng yêu cầu của họ.

Lao Dịch: Nghĩa vụ đi lính không phải là gánh nặng duy nhất mà nhà Tây Sơn áp đặt cho dân chúng dưới sự kiểm soát của họ. Những người dân này cũng phải đáp ứng các yêu cầu lao động khổ dịch gần như không ngưng nghỉ, một nghĩa vụ vừa nặng nề, vừa tốn nhiều thời gian, đe dọa đến sinh kế của nông dân và buộc họ phải bỏ bê việc đồng áng. Cũng như các chúa Nguyễn và chúa Trịnh trước đó, và nhà Nguyễn sau này, nhà Tây Sơn dựa vào lao động cưỡng bức của thần dân để thực hiện các dự án của họ, cả lớn lẫn nhỏ. Vào thời kỳ mà chiến tranh và mức độ tàn phá lớn như giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, có lẽ việc đòi hỏi đóng góp lao động, vừa để ủng hộ các chiến dịch quân sự đang tiến triển, vừa để xây dựng và tái kiến thiết lại các loại hạ tầng cơ sở bị phá hủy, là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù có thể coi một số dịch vụ lao động mà chính thể Tây Sơn đòi hỏi cũng có lợi cho dân địa phương – chẳng hạn sửa chữa đê điều hoặc đường xá -, nhiều dự án khác mang lại rất ít, hoặc không hề có lợi ích cụ thể nào cho những người dân bị buộc phải tham gia lao dịch.

Nhu cầu lao động khổ dịch xuất hiện ngày từ buổi sơ khai của phong trào Tây Sơn, và có rất nhiều khả năng là cách thức tiến hành chiến tranh đặc biệt tàn phá của Tây Sơn – đốt cháy những tòa nhà có thể đã từng hữu dụng – đã góp phần rất lớn vào những đòi hỏi lao động khổ dịch không tài nào thỏa mãn nổi mà họ đặt ra. Khi chiếm thủ phủ Qui Nhơn vào năm 1773 chẳng hạn, phiến quân lập tức đốt cháy tòa dinh thự của quan đầu tỉnh. Không bao lâu sau, “họ đốt cháy dinh cơ của quan đầu tỉnh Quảng Ngãi và xây dựng một dinh cơ mới.” (15). Sau này, khi họ tiến ra Đàng Ngoài, họ cũng phá hủy rất nhiều các công trình kiến trúc của triều đình (16). Dù những tòa dinh cơ này bị đốt cháy hay từng viên gạch một bị gỡ bỏ, rõ ràng những hành động như vậy phản ánh tính thất thường của người cầm quyền, và rốt cuộc thì chính dân chúng cuối cùng phải gánh chịu tổn hại trong việc tái thiết những gì đã bị phá hủy.

Trong khi dân chúng bị buộc phải đi xây dựng lại các công trình kiến trúc bị chiến tranh tàn phá, họ cũng lại phải xây dựng những trung tâm chính trị mới cho các lãnh tụ Tây Sơn. Vào năm 1775, Nguyễn Nhạc dựa vào dân địa phương để xây dựng thành trì của mình tại Chà Bàn, năm 1776 nơi đây trở thành kinh đô của Nhạc, và đến năm 1778 là nơi Nhạc lên ngôi vua. Khi Tây Sơn bắt đầu cuộc bắc tiến vào năm 1786, Nguyễn Huệ cũng bắt dân chúng ở đó đi lao dịch, điều này góp phần không nhỏ gây nên lòng căm ghét Tây Sơn tại vùng này. Sau khi quân của Huệ đã chiếm được Phú Xuân từ nhà Trịnh, Huệ ra lệnh bắt lao dịch và buộc dân làm ngày làm đêm để tái xây dựng lại thành lũy, nơi ông đã thiết lập chính thể của mình vào đầu năm 1786 (18). Mấy năm sau, Nguyễn Huệ, lúc đó là Hoàng đế Quang Trung, buộc lao dịch xây dựng sơ khởi công trình mà ông định sẽ làm thành kinh đô mới của mình ở Nghệ An. Định vị giữa Phú Xuân và Thăng Long, kinh đô mới – Phượng Hoàng Trung Đô – được dự định xây dựng với một qui mô đồ sộ. Một bản tường trình gần như cùng thời đó có đề cập đến phản ứng của dân chúng chống lại dự án này, và rất nhiều người đã trốn chạy (19).

Những đòi hỏi lao dịch liên tục này của nhà Tây Sơn phần nào đó có thể nặng nhọc hơn các chính thể trước và cùng thời với họ, vì chính thể mới áp đặt những yêu cầu này đối với hầu như toàn bộ mọi thành phần trong xã hội Việt Nam. Những nghĩa vụ này thường không ngoại trừ cả những đối tượng từ trước đến lúc đó thường được miễn, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người già, và thậm chí cả sư sãi. (Thực vậy, nhóm người duy nhất được miễn lao dịch là các bà mẹ đang cho con bú) (20). Chẳng hạn, các lãnh tụ Tây Sơn, những người không mấy coi trọng thể chế Phật giáo, đã không hề băn khoăn khi tìm nguồn nhân công có thể sử dụng được từ các tự viện. Họ thường xuyên bắt sư sãi rời chùa (nhiều nơi đã bị lính Tây Sơn cướp phá), đi khuân vác hoặc thậm chí đăng lính cho họ (21). Lao dịch bắt buộc vì vậy trở thành một trong những nguyên nhân bất mãn thường xuyên của dân chúng, và một nguyên nhân lớn dẫn đến sự phân cách giữa dân chúng và những người được coi là giải phóng họ.

Chờ đợi Cứu tinh: Phải đương đầu với những khổ nạn kinh khiếp này, người nông dân Việt Nam nhìn quanh để tìm cứu tinh. Nhiều người hi vọng là một thế lực chính trị-quân sự nào khác sẽ cứu họ khỏi sự lầm than. Thực vậy, từ quan điểm của người nông dân, “thế lực khác” –chẳng hạn một thế lực lúc đó không áp bức họ- luôn luôn có thể trở thành cứu tinh, dù sau này điều đó chứng tỏ chỉ là ảo tưởng. Ngay từ buổi đầu thời Tây Sơn đã tồn tại ý tưởng là dân chúng trông đợi được giải phóng, ý tưởng này đã bắt đầu với việc nhà Trịnh xâm lấn lãnh thổ của nhà Nguyễn năm 1774, và trở thành một đề tài trong suốt cả thời đại đó. Vì vậy, chẳng hạn trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã viết là, “Nhân dân xứ Quảng Nam lúc bấy giờ quá đỗi đói khổ cùng khốn. Họ đều ngóng trông quân nhà vua đến giải cứu cho họ.” (22). Chi tiết này tất nhiên có thể chỉ là sự hợp thức hóa tiện lợi cho cuộc xâm lăng của chúa Trịnh, cũng như có thể phản ánh thực tế, nhưng hẳn phải có một sự thật nào đó trong quan niệm là người dân địa phương mong muốn một sự cải thiện cho cuộc sống khổ nhọc của họ. Mặc dầu vậy, chẳng bao lâu sau đó, dân chúng Đàng Trong vùng rìa nam sông Gianh lại chịu khổ cực dưới chính thể họ Trịnh, và hi vọng được cứu thoát, nhưng lần này là khỏi chính những người trước đó đã cứu họ (23). Kết cuộc, khi Tây Sơn, thay vì nhà Nguyễn mà họ mong đợi, cuối cùng, vào cuối tháng 6 năm 1786, đã bao vây những vùng lãnh thổ trước đây của chúa Nguyễn mà chúa Trịnh đang chiếm giữ, dân chúng đã chào đón quân Tây Sơn như những người giải phóng và nhân dịp đó trả thù họ Trịnh. Bị quân nổi dậy tấn công, trong khi quân Trịnh bỏ trốn khỏi Phú Xuân thì dân địa phương đã bắt giữ những kẻ trước đó đã hành hạ họ để giao lại cho quân Tây Sơn hoặc tự mình hành quyết họ (24).

Vào cuối mùa hè năm đó, khi quân Tây Sơn mở rộng cuộc bắc tiến ra Thăng Long, họ dùng danh tiếng triều Lê để kêu gọi dân chúng, một chiến lược đã được các lãnh tụ một số cuộc nổi dậy chính trị ở Đàng Ngoài sử dụng vào giữa thế kỷ XVIII. Chiến lược nhấn mạnh vào việc khôi phục lại sức mạnh và quyền lực cho nhà Lê, trong từng trường hợp, thể hiện cố gắng thiết lập quan hệ với kí ức chính trị mà trí tưởng tượng của công chúng đã gắn với cứu tinh chính trị, thậm chí ngay cả khi hoàng gia triều Lê lúc đó chỉ còn là bóng mờ. Cái mà người ta theo không phải là một nhà Lê của thế kỷ XVIII, mà là nhà Lê đã được lý tưởng hóa của thế kỷ XV. Nhưng sự đồng thuận với Tây Sơn lúc ban đầu ở Đàng Ngoài đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự bất mãn và căm ghét ngày một gia tăng. Mặc dù lúc đầu quân Tây Sơn đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể trước dân chúng miền Bắc, khi rút quân, họ đã cướp phá và ngược đãi dân địa phương ở nhiều nơi (25). Điều này có thể đã đánh dấu bước đầu của việc kết thúc một giai đoạn cực kỳ ngắn ngủi khi quân Tây Sơn chiếm được lòng dân chúng miền Bắc, và ngay từ năm 1788, dân chúng Đàng Ngoài đã bắt đầu bộc lộ sự căm ghét của họ với các chúa Tây Sơn mới và lòng khao khát được giải thoát khỏi [ách thống trị] của họ (26).

Kết quả của sự bất bình gia tăng với chính thể Tây Sơn, những người dân Việt sống ở rìa nam sông Gianh và ở Đàng Ngoài ngày một bắt đầu hướng về miền nam, và về sức mạnh đang tăng của thế lực nhà Nguyễn, mong chờ được họ giải phóng. Biên niên sử triều Nguyễn ghi lại về năm 1791 (tất nhiên có thiên vị) là, “nhân dân miền Thuận-Quảng chán ghét chính sách bạo ngược của Tây Sơn từ lâu, hằng ngày mong đợi quân vua, mỗi khi thấy gió nồm thổi thì đều nói rằng: ‘Chúa cũ chúng ta đã đến đấy.’” (27). Trong bức thư viết vào năm 1792 của một nhà truyền giáo cũng đề cập đến “vị vua của miền xuôi Cochinchina, người mà dân cả vùng Bắc kỳ đang nóng lòng trông đợi.” (28). Do sự kiểm soát ngặt nghèo ở các vùng giáp ranh giữa lãnh thổ Tây Sơn kiểm soát và những khu vực do nhà Nguyễn nắm giữ, những người dân này không hề có thông tin nào về bản chất thực sự của chính thể nhà Nguyễn tại Gia Định, nhưng họ vẫn hi vọng nhà Nguyễn có thể là cứu tinh của họ, y như trước đây họ đã từng hi vọng vào nhà Tây Sơn lúc họ chưa biết gì. Thật vậy, rất có thể là việc lí tưởng hóa cuộc sống dưới chính thể nhà Nguyễn đã bắt đầu ở những khu vực ngày trước đã từng thuộc quyền kiểm soát của các chúa Nguyễn, và chính sự lí tưởng hóa này, cộng thêm với những khó khăn trong cuộc sống dưới thời Tây Sơn, đã châm ngòi cho trí tưởng tượng của công chúng.

Thật trớ trêu thay, khi dân chúng Đàng Ngoài càng ngày càng biểu lộ hi vọng là nhà Nguyễn sớm sẽ cứu họ thoát khỏi Tây Sơn, những người dân đang sống dưới quyền kiểm soát chính trị của chính thế lực nhà Nguyễn này ở sâu trong miền nam lại mong đợi được giải thoát khỏi họ. Đến cả Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc), ủng hộ viên người Âu nhiệt tình nhất của Nguyễn Ánh, vào năm 1791, cũng đề cập đến điều này, khi ông viết về tình cảnh ngày càng không chịu đựng nổi của những người dân Việt sống trong vùng nhà Nguyễn kiểm soát (29). Hai năm sau đó, hoàn cảnh sống của người dân dưới chính thể nhà Nguyễn vẫn chẳng hề được cải thiện; điều này được mô tả trong thư của một nhà truyền giáo người Pháp khác, rằng “hai năm vừa qua, mọi người đều phải đi làm việc công ích, và [người ta] không bận tâm với bất kì điều gì khác ngoài việc tìm cách để sống sót, đau khổ đã trở nên đến cực điểm.” (30). Sự bất bình của người dân với nhà Nguyễn tiếp tục cho đến cuối thập niên 1790, và với họ, nhà Tây Sơn là một lựa chọn khả quan hơn (31). Rõ ràng là những yêu sách của nhà Nguyễn, cũng giống như nhà Tây Sơn, đã khiến dân chúng xa lánh họ và châm ngòi cho ước mơ của người dân là được bất kỳ một thế lực chính trị nào khác cứu vớt.

Vào năm 1802, khi ước nguyện được quân nhà Nguyễn giải thoát khỏi quân Tây Sơn của nông dân Đàng Ngoài trở thành sự thật, chẳng bao lâu họ đã nhận ra mơ ước của họ chỉ là ảo tưởng. Thậm chí trước khi chiếm Thăng Long vào tháng 7 năm 1802, quân Nguyễn, trong khi đang đánh lui quân Tây Sơn, đã bắt đầu sách nhiễu dân chúng Đàng Ngoài, khiến người ta bắt đầu nghi ngờ vị thế cứu tinh của họ. Trong chiến dịch Bắc tiến, nhà Nguyễn đã bắt dân chúng phải đóng góp nhiều của cải, không chỉ những món đồ thực tiễn như ngựa và yên cương mà cả những vũ khí cầu kỳ. “Điều này, – nhà truyền giáo Pierre-Jacques Bissachère viết – là khởi đầu của sự bất mãn chống lại chính thể mới.” (32). Chỉ mấy năm sau bản báo cáo đầu tiên này, Bissachere viết, “thế tử [Ánh] bị dân chúng căm ghét, đặc biệt kể từ khi ông ta lên ngôi và xưng Hoàng Đế, vì ông ta đã bắt dân lao dịch cực khổ để xây hào lũy và các thành phố…” (33). Nhà truyền giáo kết luận bằng cách tóm lược lại tình hình: “Dân Bắc kỳ cầu xin vị quốc vương hiện thời giúp họ triệt phá nhà Tây Sơn, nhưng sau khi ông ta cai trị họ chưa đầy sáu năm, họ đã nguyền rủa ông ta mỗi ngày vì ông bắt họ lao động nặng nhọc còn gấp đôi thời Tây Sơn; lòng họ muốn nổi loạn, nhưng họ không có đủ sức (để làm như vậy) và thiếu người lãnh đạo đủ khả năng xúi họ bạo loạn.” (34).

Xem xét trên tổng thể, những bằng chứng hiện có cho ta thấy cuộc sống của người dân không nhất thiết tốt đẹp hay khổ nhọc hơn dưới bất kỳ thế lực chính trị- quân sự nào trong thời Tây Sơn. Mỗi bên đều đặt ra yêu cầu khắc nghiệt đòi hỏi người dân sống trong vùng mình kiểm soát đi xây dựng, đào thành lũy, cống hiến của cải và phục vụ các mục đích quân sự. Đối với dân chúng, bất kể bên nào, miễn là phía bên kia, mang đến cho họ hi vọng được giải thoát. Thực vậy, người dân thời đó không bao giờ thấy hoàn toàn mãn nguyện. Họ luôn hi vọng là vị lãnh tụ đến sau, hoặc một vị lãnh tụ khác nào đó, sẽ tử tế hơn và có lẽ sẽ ít sách nhiễu hơn. Như các sự kiện thời Tây Sơn đã chứng tỏ, vị cứu tinh mọi người mong chờ không hề xuất hiện, ngay cả khi một thế lực chính trị hoặc quân sự khác lên nắm quyền. Dân chúng dưới ách thống trị của chúa Trịnh được nhà Tây Sơn giải phóng, chẳng bao lâu đã mong đợi chúa Nguyễn cứu họ. Những người dân sống ở miền nam sông Gianh được nhà Nguyễn giải thoát khỏi quân Tây Sơn, chẳng bao lâu sau đó đã ao ước các vị lãnh tụ chính trị trước đây trở lại cứu mình. Và những người sống dưới thời Trịnh, thoạt đầu được Tây Sơn giải phóng, sau đó lại được nhà Nguyễn giải phóng, chẳng bao lâu sao đó họ đã ao ước có thể phá bỏ ách thống trị của nhà Nguyễn. Rõ ràng là các đòi hỏi của mỗi chính thể với người dân đều đặc biệt khó nhọc trong thời đại chiến tranh và tái xây dựng này, và chẳng có bên nào có được những biện pháp thích hợp trấn an lòng dân chúng.

Kết luận

Bài viết này mới chỉ đề cập đến bề nổi của mối quan hệ phức tạp giữa nông dân Việt Nam và các lãnh tụ của phong trào Tây Sơn. Mặc dầu vậy, điều tôi hi vọng là chỉ ra được những cách diễn tả phổ biến hiện thời về chính thể Tây Sơn thường quá nhẹ nhàng khi đánh giá về bản chất của chính thể này. Việc mô tả quá dễ dãi cuộc nổi dậy của Tây Sơn như một “phong trào nông dân” đã che đậy mối quan hệ phức tạp hơn gấp nhiều lần của các nhà lãnh đạo phong trào này với những người dân mà họ bắt lính và những người sống trong vùng kiểm soát chính trị của họ. Chúng ta không thể giả bộ cho rằng mối quan tâm của các lãnh tụ của phong trào này cũng giống như của quần chúng nông dân, và vì vậy, những cách diễn giải kết hợp ba anh em nhà Tây Sơn với phong trào họ lãnh đạo là hết sức sai lạc. Có nhiều bằng chứng cho thấy có sự hợp tác và ủng hộ của người dân đối với phong trào Tây Sơn và một số mục đích của phong trào này, nhưng lại có nhiều bằng chứng hơn thế cho thấy kháng cự của người dân địa phương chống lại các yêu sách của chính thể mới này. Một điều quan trọng cũng cần lưu ý là chúng ta không nên coi những hành động kháng cự hoặc chống lệnh này là đại diện cho bất kỳ một mối ác cảm đặc biệt nào đối với Tây Sơn. Thay vì vậy, ta nên xem chúng là những hành động kháng cự chống lại bất kỳ sự áp bức gia tăng nào của quyền lực chính trị, bất kể nguồn gốc của quyền lực ấy là gì. Do vậy, chúng ta phải hiểu việc hào quang hóa phong trào Tây Sơn trong trí tưởng tượng của dân chúng vào thế kỷ XIX trong bối cảnh như vậy. Khả năng cách nhìn ưu ái dành cho phong trào và chính thể Tây Sơn có thể là sản phẩm của mối ác cảm dân chúng dành cho nhà Nguyễn, cũng nhiều bằng khả năng đó chính là ký ức tập thể thật sự về nhà Tây Sơn. Tất nhiên, hoài niệm về một thời gian tốt đẹp hơn trong quá khứ tồn tại trong rất nhiều xã hội trên thế giới. Vấn đề ở đây là chúng ta phải nhận rõ được những hoài niệm như vậy và hoàn cảnh chúng được tạo nên. Các sử gia người Việt trong thế kỷ XX, những người đã dựa rất nhiều vào văn hóa truyền khẩu và các truyền thống dân gian về phong trào Tây Sơn, theo tôi, đã gặp rất nhiều những hoài niệm kiểu này.

GEORGE DUTTON

Nguyệt Cầm dịch

Theo Hợp lưu, 3-2005.

 

 

Chú thích:

  1. P. Lorenzo Pérez, “La Révolte et la guerre des Tayson d’après les Franciscains Espagnols de Cochinchine.” Do M.Villa dịch. Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, XII, no.3-4 (1940), 74; Do chiến lược này, Tây Sơn được biết đến với tên gọi “quân đội huýt gió” (the hissing armies).
  2. Xem Philippe Langlet, L’Ancienne Historiographie d’État au Vietnam: Tome 1, Raisons d’être, conditions d’élaboration et caractères au siècle des Nguyễn. (Paris: EFEO, 1990), 15.
  3. Xem Nguyễn Bá Huần, Tây Sơn Văn Thần Liệt Truyện (Qui Nhơn: Ty Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình, 1979) và Cân Quắc Anh Hùng Truyện.
  4. Xem lời giới thiệu của Thiện Đình vào năm 1905 cho Đặng Xuân Bảng, Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu (Hà Nội: Nxb Khoa học-Xã hội, 2000), 9; Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (Sài Gòn: Bộ Giáo dục, 1971), tập 2, 127-128.
  5. Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, tập 2, 129; Phan Bội Châu, Việt Nam Vong Quốc Sử (Houston: Xuân Thu, 19?), 23.
  6. Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương (Huế, 1938: in lại Houston, TX: Xuân Thu), 321.
  7. Văn Tân, Cách Mạng Tây Sơn (Hà Nội: Nxb Văn Sử Địa, 1957); Trần Huy Liệu, “Đánh Giá Cuộc Cách Mạng Tây-Sơn và Vai Trò Lịch Sử của Nguyễn Huệ,” Văn Sử Địa 14 (2/56): 30-44.
  8. Trần Thị Vinh, “Tìm hiểu về tổ chức Nhà Nước thời Tây Sơn,” Nghiên cứu Lịch Sử 1, (1989): 42-47.
  9. Perez, “La Révolte,” 78.
  10. Maurice Durand, Tây Sơn, bản thảo chưa xuất bản, tại Manuscripts Division, Yale University Library, New Haven, CT, 9. Cũng xem Đỗ Bang, “Tình hình Đấu Tranh Giai Cấp ở Thuận Hóa Thế Kỷ XVIII,” trong Nghiên Cứu Lịch Sử, 3 (216), (1981): 43.
  11. Jean-André Doussain to ? 8 tháng 7, 1787. MEP 746, 205. MEP Archives, Paris. Tài liệu này không nói rõ bao nhiêu phần trăm trong số đó chết hay bị thương và bao nhiêu phần trăm đã trốn khỏi quân đội của Nhạc.
  12. Perez, “La Révolte,” 78.
  13. Nguyễn Thị Tây Sơn Ký, ms. A.3138, Viện Hán Nôm, Hà Nội, 5a; bản Đại Nam Thực Lục sau này đưa ra tỉ lệ một trên bảy. ĐNTL (2001), 521.
  14. Li Tana, Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries. (Ithaca, NY.: Cornell University Southeast Asia Program, 1998), 39.
  15. Perez, “La Révolte,” 76.
  16. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Đại Nam Nhất Thống Chí, (Huế: Nxb Thuận Hóa, 1996), 271, thuật lại sự kiện một cung điện của nhà Trịnh ở Thanh Hóa bị Tây Sơn phá hủy hoàn toàn.
  17. Bùi Dương Lịch, Lê Quý Dật Sử, (Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1987), 35.
  18. “Extrait d’une lettre de Mgr. L’Eveque de Veren coadjuteur de Mgr. l’Eveque d’Adran en date de 23 Juillet, 88.” MEP 306, 1008.
  19. nt., 90.
  20. Guérard to ?, 14 May, 1792, trong Nouvelles Lettres Édifiantes Des Missions de la Chine Et Des Indes Orientales. (Paris: Chez Ad. Le Clere, 1821-), vol.7, 141- 142; La Mothe to Blandin, 28 May, 1790, MEP 692, 216; Philippe Sérard to de Chaumont, 6 May, 1792. MEP 692, 495.
  21. Jean LaBartette to Pierre-Antoine Blandin, 23 June, 1786. MEP 746, 177- 178;
  22. Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục (Sài Gòn: Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, 1972), tập 1, 134.
  23. Philippe Sérard to Jean Steiner, 3 May, 1779. MEP 700, 935; Jean Labartette to Pierre-Antoine Blandin, 23 June, 1786. MEP 745, 176. cũng xem Jacques-Benjamin Longer to Pierre-Antoine Blandin, 26 July, 1786, với phần tái bút ghi ngày 3, May, 1787 trong Cadière, “Documents Relatifs,” 16.
  24. Jean-André Doussain to Pierre-Antoine Blandin, 25, July, 1788, nt., 18; Tạ Quang Phát, Nhà Tây Sơn, 18a.
  25. Xem Sử ký Đại Nam Việt Quốc Triều (Sài Gòn: Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản, 1973), 39, đã tả những cuộc cướp bóc và đốt phá do quân Tây Sơn gây ra, và cũng cho biết hai tỉnh bị phá nặng nhất là Thanh Hóa và Nghệ An.
  26. “Extrait d’une lettre de Mgr.L’Eveque de Veren coadjuteur de Mgr. l’Eveque d’Adran en date de 23 Juilet, 1788.” MEP 306, 1007; Philippe Sérard to Jean-Jacques Descouvrieres, 2 May, 1791. MEP 692, 279.
  27. ĐNTL (2001), 282. Gió nổi là dự báo có sự biến chuyển trong hướng gió mùa, cho phép quân nhà Nguyễn bắc tiến ra những vùng Tây Sơn nắm giữ.
  28. Philippe Sérard to Claude-Franois L’Etondal, 4 May, 1792. MEP 700, 1488.
  29. Pigneau de Behaine to?, 14 September, 1791. MEP 801, 417.
  30. Pierre Lavoué to Pierre-Antoine Blandin, 1 August, 1793. MEP 746, 432.
  31. Pierre Lavoué to ?, 27 April, 1795. MEP 801, 573; Đại Nam Thực Lục (2001), 332.
  32. Charles B. Maybon, La Relation sur le Tonkin et Cochinchine de Mr. de La Bissachère, Paris, 1920; 115.
  33. -nt-., 127.