Cổng Thành Vinh

Tôi sinh ra ở thành phố Vinh và suốt quãng đời niên thiếu đều sống ở đó cho tới ngày tiêu thổ kháng chiến (1947) mới từ giã Vinh ra đi tản cư. Một thời gian dài sống và công tác xa Vinh, tôi có ít dịp trở lại chốn cũ. Khoảng hơn một chục năm gần đây, sau khi về hưu có thời gian rỗi rãi năm nào tôi cũng về Vinh chơi thăm lại cảnh xưa. Lần về gần đây nhất là vào tháng 10/2005, tôi được cho biết là các cổng  thành Vinh (Cửa Tiền và Cửa Tả) đã được phục hồi thành di tích lịch sử.

Các cổng thành Vinh   đã từng ghi đậm hình ảnh trong lòng tôi từ thuở  thiếu thời. Tôi nhớ lại cái cảm giác sờ sợ ngày còn nhỏ mỗi lúc phải đi qua cổng  thành có mấy ông lính khố xanh đứng gác. Đêm đảo chính Pháp, bọn Nhật có ném một quả lựu đạn vào cổng Cửa Tiền, tiếng nổ vang đến tận nhà tôi lúc đó ở đường Chaigneau gần Cầu Rầm. Lựu đạn nổ đã để lại một vết tích phía trên bên phải cổng thành. Vết tích đó ngày nay nhìn kỹ vẫn còn thấy. Rồi Cách mạng tháng 8 thành công, lũ trẻ chúng tôi được tự do thoải mái chạy nhảy đuổi nhau trên bờ tường thành, trèo lên cả tầng 2 của vọng lâu Cửa Tiền để chơi …

Tháng 10/2005 tôi đã trở lại xem các cổng thành mới được phục hồi.

Một cảm giác khó tả, thất vọng xen lẫn bức xúc. Các vọng lâu trên các cổng thành chẳng có gì giống với hình ảnh ngày xưa. Vọng lâu trên Cửa Tiền mới trông qua hao hao giống, cũng có hai lớp mái nhưng lại chỉ có một tầng. Vọng lâu ở Cửa Tả thì  quá tệ ! một khung nhà 4 cột xung quanh trống trơn, có hai lớp mái nhưng cũng chỉ một tầng. Nó có vẻ một tác phẩm nghệ thuật hơn là một công trình quân sự. Nếu  dùng nó để che mưa nắng  cho một tấm bia hoặc một cái đỉnh hương ở một nhà tưởng niệm thì hoàn toàn thích hợp ! Hai vọng lâu của cùng một toà thành (Vinh) mà lại hoàn toàn khác nhau là một điều rất  vô lý mà ai cũng  thấy được . Hình như người ta có sự nhầm lẫn trong quan niệm phục hồi di tích lịch sử : làm cho đẹp chứ không cần làm cho đúng. Cũng có thể do lề lối làm việc tắc trách, không tìm được sơ đồ cũ bèn “bê“ luôn mô hình của một cái lầu nào đó đặt lên cổng thành cho xong, chẳng cần tìm tòi tài liệu hoặc tham khảo ý kiến  các nhà văn hoá, các nhà sử học… Phục hồi di tích lịch sử theo cách đó thực sự là  làm biến dạng di tích!

Cửa Tiền thành Vinh mới phục hồi

Cửa Tiền thành Vinh mới phục hồi

Việc phục hồi các cổng thành Vinh  theo tôi thực chất là xây lại các vọng lâu trên các cổng thành, còn bản thân cổng thành vốn được xây bằng đá khá chắc chắn thì hầu như còn nguyên dạng như cũ (chỉ hư hỏng nhẹ hoặc mất cánh cửa bằng gỗ). Vọng lâu (mirador) nôm na gọi là lầu canh hay chòi canh. Nó là một kiến trúc quân sự dùng phục vụ cho quan sát, cho nên phải cao để nhìn được xa (trên cổng thành nó được xây 2 tầng ), phải ngăn được mũi tên hòn đạn cho người đứng quan sát ở trong (xung  quanh có xây tường che chắn vững chắc) . Vọng lâu trên các cổng thành ở Việt Nam có hình dáng khá đặc biệt. Khi nhìn  thành Huế, một người nước ngoài đã có nhận xét rằng chính các vọng lâu này đã làm cho  toà thành này trông khác với  thành trì ở châu Âu (1). Vì tính chất đặc biệt đó của vọng lâu nên chúng ta cần tìm hiểu kỹ thêm hình dáng và cấu trúc của nó  để có thể phục hồi các cổng thành  một cách đúng đắn .

Chúng ta có thể phục hồi như cũ hoặc gần như cũ các vọng lâu đã bị phá huỷ của các cổng thành Vinh không?  Và nếu có thì bằng cách nào?

Theo tôi, chúng ta hoàn toàn có khả năng trả lại nguyên dạng cho các vọng lâu, bởi vì :

1 – Việc phá huỷ thành Vinh (trong đó có cổng thành) xẩy ra chưa lâu. Nếu tính từ ngày tiêu thổ kháng chiến (1947) đến nay chưa quá 60 năm, một khoảng thời gian chưa phải là quá lớn so với lịch sử, còn rất nhiều nhân chứng còn sống biết rõ thành Vinh ngày xưa. Hơn nữa, thực tế không phải  tất cả đều bị phá huỷ ngay  một lúc mà là dần dần qua nhiều năm tháng . Cách đây 10-15  năm, tôi thấy vọng lâu ở Cửa Tiền vẫn còn giữ được dáng cũ, tuy đã hỏng nóc và tầng trên .

2 – Chắc chắn đâu đó còn lưu trữ các hồ sơ, sơ đồ, hình ảnh của thành Vinh hoặc các toà thành được xây dựng cùng thời. Trường hợp các hồ sơ, sơ đồ, hình ảnh thành Vinh không còn, chúng ta có thể dựa vào các tài liệu của các thành xây dựng cùng thời với nó để phục hồi lại cổng thành .

Chúng ta được biết một loạt thành đã được xây dựng dưới thời Minh Mạng trong đó có thành Vinh. Các thành đều được xây dựng theo kiểu “Vauban” mà các nhà kiến trúc Việt nam đã học được của phương Tây qua một số người Pháp giúp vua Gia Long ngày trước. Việc xây dựng các thành theo sơ đồ thiết kế được quản lý thống nhất  từ trong triều (do các bộ Công, bộ Binh) nên chắc chắn các thành có nhiều điểm giống nhau. Hình dạng thành có thể khác nhau tuỳ theo địa hình nhưng chắc chắn các cổng thành các vọng lâu đều được thiết kế cơ bản như nhau (kích thước có thể thay đổi  đôi chút)

Trong số các thành xây dựng thời Minh Mạng có thành Bắc Ninh (bắt đầu xây dựng lại năm 1824) đã được  mô tả rất chi tiết trong tạp chí  Đô thành hiếu cổ (Bulletin  des Amis du Vieux Hue – BAVH) xuất bản năm 1935  quý 3-4. Thành Vinh được xây dựng lại năm 1831 theo một sơ đồ  cùng loại với sơ đồ của thành Bắc Ninh (2).

Sau đây là một số kích thước của  cổng thành Bắc Ninh qua tài liệu trên:

Vòm  cổng (Cổng thường): cao 3,90m, rộng 3,15m, sâu 9,50m.

Cổng chính : cao 3,90m, rộng 3,15m, sâu 11m.                                                                                                                                                                                            

Từ đỉnh vọng lâu đến đất (Cổng thường): 11,60 m; cổng chính: 13 m.

Diện tích sàn của vọng lâu (Cổng thường): 4,85 m x 4,75 m; cổng chính:  5,45m x 5,45 m

Từ mặt đất đến sàn vọng lâu   6,30m.

Chiều cao tầng một vọng lâu (Cổng thường): 3,20m;

cổng chính: 3,30 m.

Chiều cao tầng hai vọng lâu  2,10m.

Chiều cao tường bao quanh tầng 1:  2,65 m.

Cổng thành Bắc Ninh

Cổng thành Bắc Ninh

Qua các số liệu  trên ta có thể sơ bộ lập lại hình dáng cổng thành ( cổng thường) của Bắc Ninh cùng với vọng lâu của  nó. So với các vọng lâu của thành Huế ta thấy chúng cũng có cấu trúc hai tầng hai lớp mái, nhưng kích thước lớn hơn, trang trí cầu kỳ hơn, trông đồ sộ  và bệ vệ hơn (để tương xứng với vai trò kinh đô của Huế).

Tóm lại, các vọng lâu trên các cổng thành Việt nam trước đây xây dựng trong thời nhà Nguyễn đều có hình dáng tương tự ( hai tầng, hai lớp mái ). Chúng ta  có thể yên tâm phục hồi các vọng lâu của thành Vinh theo mẫu các vọng lâu của thành Bắc Ninh, là thành mà về quy mô và tầm quan trọng tương đương với thành Vinh  và được xây dựng gần như cùng thời với thành Vinh .

Đối với các vọng lâu phục hồi  quá sai với thực tế  ở thành Vinh thì chúng ta nên có hướng giải quyết như thế nào? Theo tôi , cần mạnh dạn loại bỏ vọng lâu ở Cửa Tả (chuyển dùng vào việc khác để khỏi lãng phí , chẳng hạn dùng cho các nhà tưởng niệm), nghiên cứu sửa chữa lại vọng lâu ở Cửa Tiền, nếu có thể . Chúng ta cũng cần nghiên cứu  một hướng  bảo tồn di tích lịch sử  là giữ nguyên tình trạng của di tích, củng cố hiện trạng không để di tích xuống cấp mà không  cần xây dựng  gì thêm ( có thể áp dụng cho việc bảo tồn Cửa Hữu còn lại ). Một di tích như thế có khi có tác động  đến lòng người còn mạnh hơn là một di tích  bị biến dạng do phục hồi sai với sự thật . Hãy để lại cho các thế hệ mai sau các hình ảnh  thật của quá khứ !

Tái bút: Sau khi  bài này đã viết xong và chuẩn bị gửi đi thì tôi có  được đọc bài báo của tác giả Hoan Châu trên báo Văn hoá Nghệ An số 73 ngày 25 tháng 3 năm 2006 :

Về việc phục chế các vọng lâu  cổng thành Vinh“. Tôi đồng tình với một số nhận định cơ bản của tác giả . Mong có dịp được trao đổi thêm.

 

  1. “Đấy là những vọng lâu theo kiến trúc Trung Hoa, khiến tòa thành mất đi dáng vẻ một chiến lũy phòng ngự kiểu châu Âu”, BAVH 1924-3, tr.239.
  2. “Các thành Thanh Hóa và Vinh đều được xây dựng cùng một sơ đồ với thành Bắc Ninh”, BAVH, 1941-4, tr.346.

Nguyễn Quang Hoan