Bàn về lập luận của Keith Taylor về xung đột vùng miền giữa các tộc Việt

Tác giả là một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi đã từng đăng những bài viết của ông trên Xưa & Nay. Xin cám ơn tác giả đã công bố các tài liệu trên Talawas, giúp chúng tôi tiếp cận với những vấn đề đang trao đổi.

Trong bài khảo luận, Keith W.Taylor lập luận rằng có truyền thống xung đột giữa vùng Thanh Nghệ và Đông Kinh. Tác giả giải thích “Đông Kinh tức đồng bằng sông Hồng mà trung tâm là Hà Nội, với Thanh Nghệ tọa lạc nơi miền nam và bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh.”

Hãy bắt đầu cùng tác giả với cái gọi là sự kình địch hai phe Đông Kinh và Thanh-Nghệ dưới thời Trần-Hồ. Có lẽ vì tổ tiên Hồ Quí Ly tại Nghệ An, ông ta lại sinh trưởng ở Thanh Hóa, nên tác giả gán cho Hồ Quí Ly thuộc phe Thanh-Nghệ, nhà Trần thuộc phe đồng bằng sông Hồng, và hai phe kình địch lẫn nhau. Những sử liệu được trích dẫn dưới đây có thể phủ nhận lập luận nêu trên:

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ, giai đoạn đầu, quân ta bất lợi rút lui về Vạn Kiếp. Để cổ vũ lòng dân, vua Trần Nhân Tông đề thơ vào đuôi thuyền như sau:

Cối Kê cựu sự quân tu ký,

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

Hai câu thơ nhắc nhở nhân dân rằng: “Ngày xưa dưới thời Chiến Quốc, Câu Tiễn giao tranh với Ngô Phù Sai bị thua, chỉ còn một ngàn binh lui về đất Cối Kê; sau đó lập chí đánh bại nước Ngô. Huống hồ ngày nay, nước ta còn tiềm lực mười vạn tinh binh tại hai châu Hoan Diễn (Nghệ-Tĩnh), thì vẫn còn cơ hội để chiến thắng.” Nội dung câu thơ cũng nói lên sự tin cậy của vương hầu nhà Trần đối với vùng đất Nghệ-Tĩnh.

Bàn đến nhà Hồ. Sau khi giao tranh một trận lớn với đại quân của nhà Minh tại vùng châu thổ sông Hồng, từ ải Hàm Tử cho đến cửa Muộn (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) vào tháng 3 năm Đinh Hợi [1407], cha con Hồ Quí Ly thua to phải rút về Thanh Hóa. Quân Minh tiếp tục truy kích, quân nhà Hồ bỏ Tây Đô, Thanh Hóa, chạy dài đến cửa bể Kỳ La (thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh); rồi cha con Hồ Quí Ly và một số quan lại bị bắt tại đây. Một giai thoại trong Đại Việt sử ký toàn thư kể thêm:

Khi cha con Hồ Quí Ly đến Kỳ La, có một phụ lão ra bái yết thưa rằng: “Xứ này có tên là Ky Lê [trói họ Lê; trước đó Hồ Quí Ly lấy họ Lê, sau đổi sang họ Hồ] trên có núi Thiên Cầm [trời bắt] là điềm không lành. Xin chớ lưu lại.” Vị phụ lão này không muốn hai vua họ Hồ ở lại chốn này, nên nói chệch Kỳ La thành Ky Lê; lợi dụng chữ đồng âm khác nghĩa để cố tình giải thích Thiên Cầm tức “đàn trời” thành “trời bắt” (1). Lòng người như vậy; nếu bảo Thanh-Nghệ là vùng đất căn bản của nhà Hồ, thì tại sao nhà Hồ không tạo ra được một sức chống trả nào với quân Minh ở đây?

Theo Minh Thực Lục (2), sau khi cha con Hồ Quí Ly bị bắt đưa về Tàu, vẫn còn dư đảng họ Hồ đánh phá tại vùng châu Thất Nguyên, phủ Lạng Sơn. Sự việc xảy ra vào tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [1407], dư đảng họ Hồ giết đô đốc Thiêm sự Cao Sĩ Văn; khiến Trương Phụ phải sai đô Chỉ huy Trịnh Sảng đến dẹp. Cần nhấn mạnh thêm, phủ Lạng Sơn thời thuộc Minh tức tỉnh Lạng Sơn hiện nay, một tỉnh địa đầu miền Bắc. Điều này chứng tỏ những nhóm theo nhà Hồ có thể hiện diện tại bất cứ địa phương nào, không riêng gì Thanh-Nghệ.

Keith W. Taylor viết về cuộc chiến kháng Minh năm 1406-1407: “Hồ Quí Ly từ bỏ phần lớn khu vực Đông Kinh” cũng không đúng sự thực. Minh thực lục (3) xác nhận trận phục kích đạo quân của đô đốc Hoàng Trung đem Trần Thiêm Bình về nước xảy ra tại Cần Trạm, một nơi cách ải Pha Lũy tại biên giới khoảng 3 ngày đi bộ. Trận đánh mở đầu của Trương Phụ sau đó, xuất phát từ Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây; đánh 3 vạn quân Hồ Quí Ly đồn trú trên núi, gần ải Pha Lũy (4).

Nhằm chứng minh rằng đồng bào vùng châu thổ sông Hồng ủng hộ quân Minh chống nhà Hồ, Keith W. Taylor đưa ra hai bằng cớ: “Năm 1407 người Minh nói hơn 1100 nhân vật có thế lực địa phương bày tỏ sự trung thành với nhà Minh và yêu cầu vùng đất họ sáp nhập vào đế chế Trung Hoa.” và “Nhà Minh ghi lại rằng hơn 9000 người địa phương đã đến thủ đô nhà Minh để được sắc phong”.

Muốn hiểu thực chất về vấn đề này, hãy xét qua những nét đặc trưng về cuộc xâm lăng nước ta. Tổng hợp các sử liệu từ Minh thực lục, vua Thành Tổ phát động cuộc xâm lăng qua 3 phương diện:

– Phương diện quân sự với lực lượng 80 vạn quân, tiến vào nước ta qua 2 ngả Lạng Sơn và Tuyên Quang.

– Phương diện tâm lý chiến: truyền tờ hịch ra khắp nơi với 20 điều, kết tội cha con Hồ Quí Ly; hứa tìm con cháu nhà Trần đặt lên làm vua.

Nhưng khi chiếm được, nhà Minh vội nuốt lời, chia nước ta thành phủ huyện để trực tiếp cai trị. Thực hiện việc này có lớp lang, Trương Phụ sai một viên quan ra đầu hàng tên là Mạc Thúy đi chiêu dụ người các nơi đến khai rằng “Con cháu nhà Trần đã chết hết không có người thừa kế… An-Nam là đất cũ của Trung Quốc xin đặt quan cai trị.” rồi Mạc Thúy “làm tờ biểu dâng lên.” Sau đó mấy tháng, vào ngày mồng 1 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [1407], Minh Thành Tổ “chấp nhận lời xin” đặt “Giao Chỉ đô Chỉ huy Sứ Ty”, chia nước ta thành phủ, huyện để cai trị (5). Đó là nội dung vở kịch “1100 nhân vật” bày tỏ sự trung thành mà Keith W. Taylor đã đề cập. Còn lòng dân thực sự phẫn nộ như thế nào, có thể thấy một cách rõ ràng qua 64 cuộc nổi dậy xảy ra khắp nước ta, ngay sau đó (6).

– Phương diện thứ 3 của cuộc xâm lăng là tấn công vào thực thể nền “văn hiến” nước ta. Để làm sáng tỏ vấn đề, trước hết hãy tìm hiểu nguồn gốc hai chữ văn hiến. Từ này được Khổng Tử dùng đầu tiên trong thiên Bát Dật, Luận Ngữ. Chu Hy, một học giả đời Tống, định nghĩa “Văn, điển tịch dã; hiến, hiền dã”; điển tịch tức sách vở; hiền là hiền tài, chỉ những người tài cao đức trọng. Rút kinh nghiệm về các triều đại trước, bị thất bại trong việc cai trị nước ta, vì chỉ chú trọng đến quân sự mà thôi; Minh Thành Tổ thâm hơn, tấn công cả vào thực thể văn hiến nước ta là “sách vở” và “con người”; để mong vĩnh viễn đập tan mọi tư tưởng chỉ đạo cùng ý chí quật cường. Ngay lúc mới mang quân đánh nước ta, Minh Thành Tổ cho ban hành 2 chỉ dụ liên quan đến những việc này.

  1. Một chỉ dụ ra lệnh tịch thu “sách vở” nước ta chở về Yên Kinh;
  2. Một chỉ dụ khác liên quan đến “con người”, nguyên văn như sau:

“Sắc dụ bọn chinh thảo An Nam Tân Thành hầu Trương Phụ: khi quân chiếm được An Nam, hãy thăm dò rộng rãi toàn nước, để tìm những người tài đức, hoặc có một điều hay, một nghề giỏi. Dùng lễ để sai khiến, tìm cách đưa về kinh đô.” Đối với bọn quân nhân như Trương Phụ thì cách thường dùng là “tiên lễ hậu binh” tức thuyết phục không được thì dùng sức mạnh ép buộc. Lúc bấy giờ tại nước ta cũng có những người sáng suốt hiểu được âm mưu này, nên có câu ca dao chống lại: “Dục hoạt ẩn lâm san. Dục tử tố Bắc quan.” [Muốn sống vào ẩn trốn trong rừng. Muốn chết thì đi làm quan bên Tàu.] (7) Đó là sự thực về sử liệu “9000 người địa phương đến Bắc Kinh để nhận sắc phong” được nêu lên ở phần trên.

Điều mà Keith W. Taylor viết: “Chương xung đột đầu tiên tôi chọn để thảo luận đã hầu như bị chôn sâu đằng sau khung viết sử theo hình thức kháng chiến chống ách đô hộ quân Minh trong ba thập niên đầu thế kỷ 15. Những cái điều xác quyết hời hợt như cuộc chiến “giải phóng dân tộc” lại có vẻ khác hẳn khi được xem xét kỹ.” Lời nói bóng gió này, thả một trái khói mù rằng cuộc kháng chiến chống quân Minh không có thực, chỉ là sản phẩm tưởng tượng của những nhà viết sử nước ta mà thôi! May thay sử sách của nhà Minh, kẻ thù nước ta thời đó, còn khá đầy đủ. Các bộ sử này được tiến sĩ Trịnh Vĩnh Thường, cũng là người Trung Hoa, tham khảo để viết về vấn đề này như sau:

“Sau khi xuống chiếu cải An Nam thành quận, huyện vào tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ năm [1407], tại An Nam dấy lên cao trào chống Minh. Các địa phương tiếp tục nổi dậy; trong đó qui mô lớn nhất, cơ hồ lay chuyển quyền thống trị quân Minh tại An Nam phải kể đến thế lực phục quốc của Trần Giản Định và Trần Quí Khoách. Quân Minh trải qua 6 năm gian khổ chiến đấu, mới đập tan được sự kháng cự của con cháu họ Trần. Sự thực khi quân Minh đánh nhau với nhà Hậu Trần, tại các địa phương có những người bình dân, hào kiệt, thổ quan; hoặc hưởng ứng lời hiệu triệu của Giản Định đế và Trần Quí Khoách, hoặc tự xưng Vương độc lập kháng Minh. Dưới thời Vĩnh Lạc, quân Minh phải đối diện với những cuộc động loạn tiếp tục xảy ra; sống trong tình huống đó họ phải liều mình tại các địa phương An Nam. Thời gian nhà minh thống trị, An Nam hãm vào cục diện bất an động loạn” (8).

Trong các cuộc nổi dậy, thì cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi quá nổi tiếng, khó ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, tác giả Taylor lại viết như sau: “Không khó để đọc cái gọi là “phong trào giải phóng dân tộc” của Lê Lợi như là cuộc chinh phục của Thanh-Nghệ đối với Đông Kinh, với sự nhiều nhân vật Đông Kinh xem người Minh như thế lực bảo vệ chống sự quê kệch của các tỉnh phía nam.” Nói trắng ra, tác giả cho Lê Lợi thuộc phe Thanh-Nghệ, còn đồng bào miền Bắc dựa vào thế lực nhà Minh! Chẳng cần phải tranh luận dài dòng, xin độc giả duyệt qua Biểu liệt kê các cuộc nổi dậy để thấy rằng, trong 64 cuộc nổi dậy ở nước ta thời bấy giờ, thì có 54 cuộc xảy ra từ Ninh Bình trở ra Bắc; chỉ có 10 cuộc xảy ra từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa [Thừa Thiên]; và nơi có nhiều cuộc nổi dậy nhất lại là vùng đất xung quanh Đông Kinh [Đông Đô]!

Chú thích:

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, tập 2, tr. 219.

(2) Minh thực lục, q. 70, tr. 984.

(3) Minh thực lục, q. 52, tr. 782.

(4) Minh thực lục, q. 60, tr. 866.

(5) Minh thực lục, q. 68, tr. 943.

(6) Xin xem “Biểu liệt kê…” đính kèm.

(7) Ngô Thời Sĩ, Việt Sử tiêu án, bản dịch, tr. 115.

(8) Trịnh Vĩnh Thường, Chinh chiến dữ khí thủ – Minh đại Trung Việt quan hệ nghiên cứu, tr. 84. Đài Loan thị: Quốc lập Thành công Đại học xuất bản, 1998.