Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin in năm 2004, trang 178, khi chú thích về đền Đồng Cổ, đã viết:
“Miếu làm tại thôn Đông, làng Yên Thái, huyện Vĩnh Thuận đời sau (làng Bưởi ở Hà Nội).
Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản tháng 3-2005, trang 89, cũng ghi: “Cứ hàng năm, các quan phải đến đền Đồng Cổ (ở làng Yên Thái, Hà Nội)” và nhiều tài liệu cũng theo và ghi như vậy. Tất nhiên những ghi chú này là của người đương đại, thấy đền Đồng Cổ hiện tại ở đây thì ghi như vậy, chứ Đại Việt sử ký toàn thư chỉ viết: “Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, trước khi ba vương làm phản một ngày, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, nên bảo đem quân đánh ngay đi. Đến khi tỉnh dậy, sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây chiếu cho Hữu tỉ dựng miếu ở bên hữu thành Đại La liền sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy đắp đàn, cắm cờ xí, dàn đội ngũ, treo gươm giáo, ở trước thần vị đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Các quan từ cửa Đông đi vào đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng 3 gặp ngày quốc kỵ, hoãn đến ngày mồng 4 tháng tư”.
Ngày nay, qua sử liệu và một số tấm bản đồ xưa, chúng ta đều biết, từ thượng cổ cho đến sau thời Hồng Đức, sông Tô Lịch là một phân lưu của sông Hồng. Từ vùng chợ gạo nó chảy lượn qua một số phố cổ, rồi chảy dọc theo vòng hoàng thành phía Bắc (đường Hoàng Hoa Thám) đến vùng Bưởi thì nối với sông Thiên Phù (từ vùng Phú Gia ngày nay), hai sông hòa dòng chảy xuống phía nam. Tấm bản đồ thời Hồng Đức 1490 còn ghi lại rất rõ vị trí hai dòng sông này.
Vào thời Lý năm 1028 thì sông Tô Lịch rất rộng và hoang sơ, bởi đến năm 1044 khi “vua đi đánh Chiêm Thành, thắng trận về Thăng Long, vua sai lấy con voi nhà của Chiêm Thành để trong cũi lớn ở Dâm Đàm (Hồ Tây) để làm mồi nhử voi rừng vào trong ấy vua thân đến bắt”. Từ lúc dựng đền Đồng Cổ, 16 năm sau mà Hồ Tây vẫn còn là rừng như vậy, huống chi sông Tô? Căn cứ vào vệt cũ ngày nay thì có thể ước đoán, nếu bờ sông bên này là làng Đông Xã, Hồ Khẩu thì bờ bên kia là hoàng thành Thăng Long (tức đường Hoàng Hoa Thám ngày nay). Lòng sông rộng tới gần 100m. Vào mùa thu, nước cuốn băng băng dữ dội. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhiều lần đê vỡ vào thời Trần, thời Lê. Ví dụ: “Mùa thu, tháng 7-1238 (thời Trần) nước to vỡ các cung Thưởng Xuân”; “Mùa thu, tháng 8 (1243) nước to, vỡ vào thành Đại La”; “1475 (thời vua Lê Thánh Tông), vỡ đê sông Tô Lịch ở phường Kim Cổ”.
Thế thì tại sao thời Lý, nhà vua lại cho dựng đền để tế thần ở dưới bờ sông như vị trí ngày nay ở làng Đông Xã, phường Bưởi? Trên là bờ thành cao, dưới là mép nước sông chảy băng băng. Lại còn chùa Thánh Thọ ở đâu? vùng này không hề có dấu vết gì về ngôi chùa ấy.
Ngày nay, qua sử sách có thể thấy rằng: vào đầu triều vua Lý, khu vực cấm thành chỉ ở quãng thành cổ có điện Kính Thiên bây giờ, về phía bắc và phía tây có con đê thành Đại La (còn gọi là hoàng thành Thăng Long), ôm lấy cả vùng Thập Tam Trại rộng lớn. Ông Hoàng Lệ Mật được vua cho khai phá lập nên 13 trại, tuy là truyền thuyết nhưng chứng tỏ vào thời này, đất đai bên trong hoàng thành còn rất rộng, thì hà cớ gì nhà vua lại phải xây đền cạnh bờ sông, để vào tháng tư mưa nhiều, nước chảy xiết thì lễ làm sao được?
Cửa sông đầu nguồn phải có hơn 600 năm sau mới bị lấp, như sách Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ đã viết về việc hàn cửa khẩu sông, ước đoán vào giữa thời Lê Trung Hưng. Từ lúc sông Tô bị lấp đầu nguồn, trải hàng trăm năm sau, sông thu hẹp và cạn dần, mới có bãi bồi để xây đền như ngày nay.
Lại còn trong tấm bản đồ vẽ thành Thăng Long thời Lý Trần 1020 – 1400, được công bố có tính tham khảo những năm trước đây. Xem tấm bản đồ này, khu vực cấm thành và hoàng thành cũng có thể tạm chấp nhận (bởi vẽ theo lối họa đồ ước lệ). Nhưng vùng ngoại vi thì địa thế này là ở thời cuối Lê Trung Hưng, vì lúc này Hồ Gươm đã bị lấp thành “Nhất điệp xuyên hoa” không còn là nhánh cụt của sông Hồng nữa (so bản đồ thời Hồng Đức) còn hai chỗ nối giữa Hồ Tây với sông Tô thì đã mất. Có điều, bên sông Tô có đền Đồng Cổ ngày nay, người vẽ lại chấm một cái rồi ghi là đền Đồng Cổ. Do đó có thể nói, bản đồ này được vẽ vào thời Nguyễn, người vẽ dựa vào một cuốn sách nào đó vẽ vùng cấm thành và hoàng thành, rồi phóng tác vẽ vùng ngoại vi theo con mắt người đương đại. Chứ theo tấm bản đồ Trung Đô vẽ thời Hồng Đức là bản đồ tin cậy nhất, thì không có cái chấm này.
Vậy thì đền Đồng Cổ được xây vào thời Lý 1028 ở đâu? Theo người viết bài này, thì lúc đầu đền ở bên trong hoàng thành. Sau đó trải qua các triều Lý, Trần, khu vực cấm thành được mở rộng, mà tường thành phía tây đã từ Liễu Giai vuông góc với Cống Đõ (người xưa gọi là ngòi Long Khê) làng Hồ Khẩu ngày nay, nên đền đã di chuyển sang làng Thụy Chương (Thụy Khuê) bởi làng này vào thời Hậu Lê bị nước bao quanh như một hòn đảo, dân cư thưa thớt (xem bản đồ Trung Đô thời Hồng Đức).
Trong số báo tết Xuân Nhâm Ngọ 2002, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật ăn uống của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có đăng bài: “Bát cảnh Tây Hồ” của Đỗ Quốc Bảo, về đền Đồng Cổ, tác giả viết: “Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) cho lập đàn Đồng Cổ ở làng Thụy Chương. Kiến trúc gồm 2 tầng, tầng dưới để vua ngự mỗi khi đến thăm, tầng trên để thờ thần. Hàng năm vào hai kỳ xuân thu, nhà vua ra đây làm lễ tế trời đất, thần linh, rồi cùng văn võ bá quan thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì thần minh tru diệt”. Đáng tiếc vào cuối đời nhà Lê, nghịch quân Tam phủ đã phá mất đền Đồng Cổ.
Nhưng theo người viết bài này thì lúc đầu đền Đồng Cổ chưa xây ở Thụy Chương, bởi cách sông nước, vả lại sách Đại Việt sử ký toàn thư chép là: “Các quan từ cửa Đông đi vào” như vậy là lúc đầu đền ở gần ngay trong thành cổ bây giờ. Có thể đến đời vua Lê Tương Dực đã đắp thành rộng tới khu vực Hàng Da (phường Kim Cổ) và xây cống qua sông Tô Lịch hoặc vào đầu thời Lê Trung Hưng thì đàn thề mới chuyển về Thụy Chương. Đến cuối thời Trung Hưng, vua Lê Chiêu Thống cho đốt phủ chúa Trịnh, san phẳng rừng bàng Yên Thái, tiện thể phá luôn cả đàn thề đền Đồng Cổ ở Thụy Chương. Trong sách Phố phường Hà Nội xưa, cụ Hoàng Đạo Thúy đã viết: “Nhưng khi Chiêu Thống trả thù thì đốt trụi tuốt cả. Phong kiến hay đốt những cái gì là của triều đại cũ, chả nghĩ rằng đó là công sức của nhân dân”.
Một bằng chứng nữa là, trong Du Tây Hồ bát tuyệt, nhà thơ Cao Bá Quát thế kỷ XIX đã viết:
“Cờ dong lối ngự nơi này cũ
Cỏ áy đàn giao nhuốm gió thu”…
Đàn Giao đây là đền Đồng Cổ ở Thụy Chương ven Hồ Tây đã mất, nên nhà thơ mới hoài tưởng, chứ đàn Nam Giao để tế trời đất thời Lê, thì lại ở quận Hai Bà Trưng (chỗ nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ngày nay), còn đền Đồng Cổ ở Đông Xã thì lại nằm kềnh bên kia sông Tô cách xa Hồ Tây.
Qua những tư liệu trên có thể xác định, đền Đồng Cổ thời Lý được xây dựng ở trong thành, mấy trăm năm sau, được di chuyển sang làng Thụy Chương. Rồi đến cuối thời Lê Trung Hưng đền bị phá. Nhân dân đã di chuyển về vị trí ngày nay. Lúc đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ, bên bãi sông Tô đã được bồi rộng. Từ thời đổi mới đến nay được nhân dân công đức, cùng với kinh phí của thủ đô Hà Nội, đền được xây khang trang đẹp đẽ như ngày nay.
Tuy vậy, đền Đồng Cổ ở làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ ngày nay, không phải vì thế mà mất đi tính thiêng liêng của lịch sử. Đền vẫn là nơi kế thừa một ngôi đền có từ thời Lý. Ví như chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây, là tiền thân của chùa Khai Quốc từ thời vua Lý Nam Đế (544 – 548), bởi lúc đầu dựng chùa ở bãi Yên Hoa sát sông Hồng, mãi đến thời vua Lê Kính Tông (1615), vì bãi sông bị xói lở, chùa mới được di dời về đây.
Đền Đồng Cổ ngày nay quả là một di tích quý giá khởi nguồn lịch sử từ thời Lý. Do “biển dâu biến đổi” nên có sự xê dịch, nhưng hiện tại ngôi đền rất đẹp. Ngoài ngôi đền chính thờ thần trống đồng còn có chiếc trống đồng do Hội Khoa học lịch sử tặng. Có phương đình 8 mái, hai bên có nhà tảo mạc, hữu mạc và sân đền rất rộng, nhiều cây xanh che mát với bốn mùa hoa nở tỏa hương thơm ngát. Cảnh đền thật tĩnh lặng và cổ kính. Tính giáo dục của ngôi đền thì từ xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Xưa trung với vua, hiếu với nước. Nay trung với nước, hiếu với dân. Ngôi đền góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục đạo đức cho nhân dân.
Văn Sáu