Lò gốm Châu Ô – Quảng Ngãi : Sự tồn vong của một lò gốm cổ truyền

Châu Ổ, nay là thị trấn huyện lỵ của Bình Sơn. Làng gốm Châu Ổ, theo nhân dân kể lại, vốn có một lịch sử lâu đời ba bốn trăm năm. Theo bảng tông đồ ghi các phả hệ hiện đang treo ở nhà từ đường thờ tổ nghề gốm ở Châu Ổ, thì có thể xác định sự khai sinh ra làng gốm này có thể đã xảy ra từ khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Bên trái, ngoài sân nhà thờ tổ, có một nhà bia nhỏ, với một tấm bia bằng đá Ngũ Hành Sơn, hai mặt có khắc chữ, nhưng chữ đã mờ, không thể đọc được. Vài chữ còn lại cho biết bia được dựng từ thời Bảo Đại, nhưng năm tháng cụ thể còn cần phải mày mò đoán định thêm. Dù sao qua việc khảo sát các di tích khảo cổ và lịch sử ở Quảng Ngãi, cũng như vùng Kontum, có thể thấy rằng vào khoảng nửa sau của thế kỷ XIX, hiện vật, cũng như các mảnh của lò gốm Châu Ổ đã tồn tại phổ biến và đều khắp. Các ché rượu cần xuất xứ từ lò gốm Châu Ổ, vẫn còn là một phần tài sản quý giá của các dân tộc ít người vùng bắc Tây Nguyên.

Sau 1975 những người làm gốm hợp lại thành Hợp tác xã gốm Châu Ổ. Khi chúng tôi đến khảo sát, cả làng chỉ còn lại một hộ gia đình làm gốm. Tất cả đều đã chuyển sang nghề khác. Một hộ còn lại giữ vững truyền thống đương đầu thách thức với sự khắc nghiệt cạnh tranh trong cơ chế thị trường.

Nguyên liệu đất sét trước đây mua ngay ở trong làng, về sau mua ở các làng lân cận. Cách xử lý nguyên liệu theo phương pháp cổ truyền. Đất sét mua về, ủ cho khô nỏ, xong chặt vụn nhỏ ra, nhào nhuyễn, không pha cát hoặc các phụ gia khác. Quá trình tạo dáng được hình thành trên bàn xoay chậm. Một người đứng vê đất thành những con trạch trên một chiếc bàn dài. Người này đứng một chân, làm trụ, còn chân phải đạp mâm bàn xoay. Người tạo gốm ngồi xổm trên một đòn kê, đặt con trạch được vê xong lên một khay nhỏ đặt trên bàn xoay gốm. Khay quay theo cùng bàn xoay để tạo dáng vuốt thành hình. Sau khi tu sửa, vuốt lại hiện vật, người thợ mới bưng khay ra, thay khay khác, tiếp tục công việc. Người tạo hoa văn lấy hiện vật được tạo dáng xong gắn lên những hoa văn đắp nổi: con sóc, rồng, hoa, nhũ đinh v.v… Quá trình tạo dáng hoàn tất, hiện vật được đem phơi ngay trên sân nhà cho se lại.

Lò nung gốm theo kiểu lò cóc, nhưng có phần cải tiến theo kiểu lò hộp. Nhiên liệu dùng bồi, củi, trấu. Hiện vật được xếp vào lò nung trực tiếp, không cần bao nung.

Cung cách sử dụng bàn xoay chậm ở đây tương tự như cách sử dụng của các lò gốm Hương Canh ở Vĩnh Phúc vào những năm 60 của thế kỷ trước. Sản phẩm làm ra như gốm Phù Lãng: sành có men. Có hai loại: một loại sành có tráng men, màu da lươn và một loại sành tự nhiên được sản sinh do quá trình nung làm cho ô-xít nhôm có trong đất sét bị mu-lít hóa. Loại này khác với gốm Phù Lãng vì hiện vật được nung xong mang màu sắc tím đậm ngả xanh, thể hiện đặc sắc của cá tính địa phương Châu Ổ. Sắc màu của gốm này khiến chúng ta liên tưởng đến màu sắc của những hiện vật gốm trang trí trên nóc của các tháp Chăm trong vùng. Phải chăng đây là một truyền thống địa phương được hình thành bền vững do chất liệu đất và kỹ thuật nung, hình thành nên một sự tương đồng dai dẳng về mặt truyền thống, tuy rằng ông tổ của người làm gốm ở Châu Ổ vốn là thợ nghề từ đất Thanh Hóa di cư vào.

Những dáng bình đặc trưng của gốm Châu Ổ là các loại bình cắm hoa để thờ tự, các loại vò lớn, nhỏ để đựng nước, rượu. Những vò to được gọi là ché. Các loại hũ, tỉn, ang, chum, vại để đựng các loại mắm, chượp, nước mắm. Gốm Châu Ổ là một loại đồ đựng thích hợp nhất để đựng các chất mặn như: chượp nước mắm. Ngày nay tuy nhiều người biết đồ nhựa dùng để đựng các chất này hay gây độc, nhưng vì thuận tiện cho nên đồ nhựa đã thay thế dần vai trò của các loại gốm Châu Ổ.

Đứng ở góc độ kỹ thuật học, lò gốm Châu Ổ vẫn còn bảo lưu tính chất cổ truyền của công cuộc chế tạo đồ gốm nguyên thủy. Đây là kỹ thuật dùng dải cuộn kết hợp với bàn xoay chậm. Kỹ thuật này đã tồn tại ở làng gốm Hương Canh, Vĩnh Phú vào những năm đầu sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Sang những năm bảy mươi, bàn xoay Hương Canh được chuyển động nhờ một mô tơ điện. Làng gốm Bát Tràng những năm hai mươi của thế kỷ trước đã dùng mô tơ điện.

Lò gốm Châu Ổ hiện nay còn phát triển được là do có những đơn đặt hàng từ các khách sạn ở Hội An. Gốm Châu Ổ là những vật trang trí trong các ngôi vườn nhỏ của các khách sạn. Dù sao thì mẫu mã cũng đơn điệu, nhưng có thể là hướng phát triển trong tương lai của gốm Châu Ổ. Phát triển được hay không lại phụ thuộc vào những người chơi sành điệu, biết khám phá ra những nét đẹp truyền thống của gốm Châu Ổ. Đây cũng là con đường phát triển của gốm Chăm ở Bàu Trúc, Ninh Thuận. Làng gốm Châu Ổ chắc không thể đi theo con đường của làng gốm Hương Canh, từ một hợp tác xã lớn trở thành một làng sản xuất ngói, rồi chuyển thành một làng sản xuất gạch. Đối với làng gốm Châu Ổ, theo cách nhìn thông thường, sự phát triển từ một làng gốm trù phú đến hiện tượng nay chỉ còn một nhà sản xuất, xem ra xu thế phát triển của truyền thống trước áp lực của việc hiện đại hóa, sự mai một dần, phải chăng là xu thế tất yếu của qui luật phát triển lịch sử. Với một cách nhìn khác, theo chiều sâu, một nhà còn tiếp tục sản xuất gốm có nghĩa là họ đang cố gắng vươn lên trên cơ sở của một gia tài truyền thống lâu đời. Hiện tượng này cũng đã có tiền lệ như lò gốm Phù Lãng ở Bắc Ninh. Một bước ngoặt mới đầy thử thách với truyền thống gốm Châu Ổ.