Một cách nhìn của Trần Huy Liệu về quân Cờ Đen

Đề tài Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen trong cuộc kháng Pháp ở Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX đã được nhiều nhà sử học ở trong và ngoài nước như Pháp, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, v.v… quan tâm và nghiên cứu. Trong những năm 1960, trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử đã mở ra nhiều cuộc tranh luận nhằm đánh giá lại nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử. Trong khi một số nhà sử học đề cao những đóng góp của Lưu Vĩnh Phúc đối với công cuộc kháng Pháp của Việt Nam, thì Trần Huy Liệu lại có cách nhìn nhận khác (1). Chúng ta hãy cùng nhau xem lại quan điểm này.

Francis Garnier bị quân Cờ Đen đâm chết ở Cầu Giấy.

Francis Garnier bị quân Cờ Đen đâm chết ở Cầu Giấy.

 

Trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 42, năm 1962, Trần Huy Liệu đã dũng cảm và trung thực khi biểu lộ thái độ tôn trọng sự thực khách quan trong bài viết nhan đề: “Góp ý kiến về việc đánh giá Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen trong cuộc kháng Pháp ở Việt Nam”. Ông viết: “Tôi chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng: đánh giá Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen trong cuộc kháng Pháp ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp, cần phải nhìn vào nhiều mặt với những khía cạnh của nó. Nếu chỉ nhìn vào một mặt nào thì tất nhiên tránh không khỏi phiến diện, chủ quan rồi hoặc khen quá hoặc chê quá…

Muốn tránh những suy luận chủ quan hoặc thổi phồng lên, hoặc bóp méo đi, tôi dịch ra đây một bài hịch thề quân của Lưu Vĩnh Phúc. Đọc nó, chúng ta chẳng những thấy tinh thần quả cảm của Lưu mà còn thấy cả lập trường của Lưu để đánh giá Lưu cho đúng…

            “Đề đốc tam tuyên oai hùng đại tướng quân… thề với ba quân: Nước Việt Nam từ khi cống chim trĩ trắng đã biết Trung Quốc có thánh nhân nên không dám đứng riêng lẻ ở ngoài, mà vẫn sống trong vòng che chở đùm bọc. Vài nghìn năm trở lại đây, Trung Quốc đối đãi bằng tấm lòng thành thực, lại ban ơn huệ, yêu như ruột thịt, thân như gia đình. Nếu gặp hoạn nạn từ ngoài đến hay từ trong sinh ra đều được thiên triều giúp đỡ. Thần dân Việt Nam chỉ biết có Trung Quốc, không biết có nước nào khác, nên không giao thiệp với nước ngoài.

            “Nước Việt Nam dẫu bé nhỏ, trước kia làm người bầy tôi không xâm lấn, không phản bội của Trung Quốc. Nay nước Việt Nam có nạn tất nhiên phải được Trung Quốc giúp đỡ… Chịu ơn sâu, nghĩa nặng của vị Đại hoàng đế Trung triều, tôi không thể đùn đẩy trách nhiệm cho ai, các binh sĩ cũng vì nghĩa không được phép từ chối… giặc với ta thề không cùng đứng.  Ta với giặc nghĩa không thể cùng sống. Nay các quân sĩ chúng ta phải đem hết thần uy để xông lên phía trước, chỉ có tiến chứ không có lùi. Ai giết một đầu Tây thì được thưởng 50 lạng bạc. Nếu kẻ cầm đầu thì được thưởng gấp đôi… Các binh sĩ ai muốn nhân phen này lập công to nghiệp lớn hãy theo ta cùng bước”.

            Qua bài hịch kể trên, chúng ta thấy gì?

– Lưu Vĩnh Phúc có tinh thần chống đế quốc chủ nghĩa, nói rõ hơn là chống Pháp xâm lược. Cố nhiên là ta không thể đòi Lưu và đồ đảng phải có tinh thần chống đế quốc chủ nghĩa theo kiểu ngày nay. Tinh thần bài Pháp lúc ấy còn có pha cả tính chất bài ngoại.

Điểm thứ hai mà chúng tôi nhận thấy là quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc không phải là một đội quân đánh thuê như có người đã nói, mà là đạo quân chiến đấu có mục đích rõ ràng. Chúng ta vẫn không quên quân Lưu khi mới sang Việt Nam không phải mục đích là sang đánh Pháp ở nước ta, mà còn sống theo lối lưu khấu, cát cứ từng địa phương và cướp bóc nhân dân, nhưng sau khi được triều đình Huế dung nạp rồi thì đạo quân của Lưu trở nên là địch thủ số một của quân xâm lược Pháp, là kẻ thù không thể hòa giải được đối với thực dân Pháp.

Điểm thứ ba mà chúng tôi muốn nhấn mạnh vào là quan điểm và lập trường của Lưu Vĩnh Phúc. Như trong văn kiện của Lưu đã nói lên rõ ràng, quan điểm và mục đích kháng Pháp của Lưu ở Việt Nam vẫn không ra ngoài khuôn khổ của các vị tướng “thiên triều” và “thượng quốc” hồi ấy. Trong quyển Bắc Kỳ kháng Pháp của đồng chí Trần Văn Giàu có trích đăng bài hịch thứ nhất của Lưu Vĩnh Phúc do đồng chí Chu Thiên dịch, tiếc rằng đã “quên” không dịch đoạn đầu của bài hịch nên tôi xin phép dịch bổ sung vào để các bạn thấy rõ thêm:

            “Phó đề đốc Tam Tuyên là Lưu Vĩnh Phúc xin bố cáo về tội ác của Pháp. Nước Việt Nam kể từ khi nhà Tần nhà Hán trở về đều thuộc vào nước Trung Hoa, đến nhà Tống mới đứng ra khu vực ngoài. Trước nhà Minh còn đặt thành hàng tỉnh, cho đến triều Đại Thanh, dẫu vua nước Việt có thay triều đổi họ cũng vẫn dự hàng phiên thuộc, cống nạp có định kỳ. Việc này đã chép trong sử sách, dẫu một đứa trẻ con cũng đều biết Việt Nam là thuộc quốc của Đại Thanh, có lẽ nào chỉ nước Pháp là không nghe biết ư? Nếu Pháp đã hòa hiếu với Trung Quốc mà lại còn động chạm tới thuộc quốc của Trung Quốc, như thế là dùng binh với nước Việt khác gì dùng binh với Trung Quốc. Gây hấn là do người Pháp trước nên Đại hoàng đế Trung Quốc cả giận, phái quân đi đánh, nước Pháp còn nói gì được nào? Như thế quân Trung Quốc kéo vào Việt Nam, nước Pháp cũng không thể viện đến công pháp quốc tế, nói là hai nước đương đánh nhau, một nước ngoài khác không thể can thiệp vào để áp dụng ở đây được”.

            Có lẽ tôi không phải dịch để dẫn chứng nhiều hơn nữa về quan điểm tham chiến của Lưu Vĩnh Phúc do Lưu tự nói ra. Cũng phải thấy thêm rằng: đạo quân Cờ Đen khi tham chiến ở Việt Nam về danh nghĩa, là dưới quyền của tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm nên tới khi triều đình Huế hàng Pháp thì quân Cờ Đen cũng phải rút. Cũng sau khi triều đình Huế hàng Pháp rồi, phong trào khởi nghĩa của các văn thân, dựa vào nhân dân các địa phương, nổi dậy từ Nam chí Bắc thì lúc ấy quân Cờ Đen đã rút về Trung Quốc rồi. Ý tôi muốn nói quân Cờ Đen khi đánh Pháp ở Việt Nam vẫn nằm trong khuôn khổ của triều đình Huế, chưa phải dựa được vào nhân dân Việt Nam, tiếp hợp với luồng khởi nghĩa của các nhân sĩ ái quốc Việt Nam để kéo dài cuộc kháng Pháp tới vài chục năm sau, do đó, muốn cho quân Cờ Đen tính chất nhân dân điểm mầu sắc quốc tế hay tiêu biểu cho mối đồng minh chiến đấu của hai dân tộc Việt – Trung cũng thật là khó thông và có lẽ chính Lưu Vĩnh Phúc, thủ lĩnh quân Cờ Đen, cũng không dám nhận như vậy.

Chúng ta một mặt khẳng định thành tích to lớn trong cuộc đánh Pháp của quân Cờ Đen, thì một mặt khác, chúng ta cũng không được chối cãi những hành vi lưu manh của quân Cờ Đen đã xâm phạm đến tính mạng và tài sản của nhân dân Việt Nam. Nhiều bạn đã dồn cả những chuyện tội ác ấy là do thực dân Pháp bịa ra để bôi nhọ đạo quân chiến thắng Cờ Đen và hòng phá hoại tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung – Việt. Nhưng có phải tất cả những chuyện có ghi trên sử sách và truyền tụng trong dân gian đều là do kẻ thù của chúng ta “nặn” ra cả hay không? Ngày nay chúng ta bàn đến vấn đề này thì sự việc diễn ra đã cách với chúng ta đến gần tám, chín mươi năm, nhưng những ấn tượng rùng rợn, những chuyện khủng khiếp còn lưu hành trong dân gian, do các cố lão kể lại, đi đến đâu cũng có thể nghe thấy được. Chúng ta có thể không tin hết thẩy đều là sự thật cả, nhưng nhất định không thể nói là “hư cấu” cả. Có bạn đã nói với tôi rằng: quân Cờ Đen có xâm phạm đến tính mạng và tài sản của một số người Việt Nam nhưng có thể là đối với bọn địa chủ, bọn phản động, chứ không phải đối với nhân dân Việt Nam nói chung. Nói theo kiểu này thì những việc giết người cướp của của toán quân Cờ Đen nào đó lại đứng trên lập trường giai cấp, không nên quở trách mà lại đáng tán dương nữa là khác. Tôi không hiểu các bạn đọc yêu quý có ai đồng tính với cái “thuyết” này không? Với óc tưởng tượng chủ quan và ngụy biện, giả thuyết này đã quay lưng lại sự thật do đông đảo nhân dân đề ra, mà lại còn đem cả quan điểm người đời nay để gán cho người đời xưa một cách phi lịch sử?

Một số bạn đọc khác đã rơi vào “thành phần chủ nghĩa”, chỉ nhìn quân Cờ Đen là những người nông dân chống phong kiến ở Trung Quốc hay gán cho quân Cờ Đen là dư đảng của Thái Bình thiên quốc để đi đến kết luận rằng quân Cờ Đen là đạo quân nông dân, đạo quân cách mạng mà đã là nông dân thì chắc là tốt rồi. Ở đây, tôi không cần phải dựa vào tài liệu để chứng minh rằng quân Cờ Đen với thành phần nông dân thì cũng không đủ để đảm bảo rằng nó sẽ không trở nên lưu manh, thoái hóa… Chẳng những thế, một đoàn quân thất cơ lỡ vận đã từng lấy cướp bóc làm kế sinh nhai, lưu lạc ở nước ngoài thì làm sao còn giữ được phong độ của một đạo quân chống phong kiến, còn giữ được tính chất lương thiện của người nông dân?”

Trên đây là những luận điểm chính của Trần Huy Liệu về Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen. Lưu Vĩnh Phúc đặt mục tiêu chính khi tham chiến chống thực dân Pháp xâm lược tại Việt Nam là để bảo vệ cho “thuộc quốc của Đại Thanh” như họ Lưu từng tuyên bố nên quân Cờ Đen đã gây ra biết bao tai họa cho nhân dân Việt Nam. Ông Nguyễn Việt, bút danh Nguyễn Văn Nhân, cán bộ nghiên cứu Ban Lịch sử Cận đại Việt Nam, Viện Sử học, đã chứng minh cho những luận điểm của Trần Huy Liệu bằng cách cung cấp thêm những bằng chứng cụ thể và xác thực trong bài viết: “Cuộc điều tra về hành động của quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc tại một số làng thuộc ngoại thành Hà Nội” (2), đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử năm 1962, số 42, từ trang 26 đến trang 9. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu những điểm chính của bài viết này:

Theo sự phân công của tòa soạn tập san Nghiên cứu Lịch sử, chúng tôi đã về một số làng thuộc ngoại thành Hà Nội. Sau đây, chúng tôi ghi không thêm không bớt, đúng như lời các cụ phụ lão đã nói với chúng tôi.

Cụ tôi, nguyên là một võ sinh, lúc quân Cờ Đen về vùng này. Cụ tôi thường kể lại rằng quân Cờ Đen đánh rất táo bạo, nhưng phải cái hay tàn sát hãm hiếp nhân dân… Ở làng Nghĩa Đô, xóm Giếng có rào tre kín dân xóm không chạy. Khi quân Cờ Đen đến họ phá được cổng xóm vào cho nên xóm Giếng bị phá nhiều nhất, đàn ông bị giết và đàn bà sau khi bị hiếp, cũng bị giết chết… Ở nơi nào dân không chống cự, thì đàn ông bị bắt đi tải đồ, đàn bà bị hiếp, của cải bị cướp đi. Ai chống cự lại lập tức bị chém đầu. Cụ Đặng Nghị 72 tuổi, ở xóm An Phú (Nghĩa Đô) nói: “Thường đàn ông bị bắt đi khuân vác. Vào làng nào là vơ vét gà, vịt và bổ đi bắt lợn. Gặp đàn bà thì dù già trẻ cũng đều bị hiếp và họ thay phiên nhau để hiếp. Theo các cụ kể lại như vậy là tuy Cờ Đen có thắng được Tây nhiều trận, nhưng vì quá tàn ác cho nên đã mất lòng dân, ở xã tôi và các xã xung quanh, hiện còn có tục là hễ nhà nào có chó dữ hoặc gà sống hay đạp mái, thì gọi con chó hoặc con gà đó là con “Cờ Đen”.

Cụ Lại Phú Be thuật lại: Sau khi thắng Pháp ở Cầu Giấy, quân Cờ Đen đi cướp bóc, giết, hiếp nhiều lắm làm cho dân xã chúng tôi căm phẫn. Cụ xã đoàn coi chùa Quan Âm có mở một tiệc rượu thết mấy tên tướng Cờ Đen rồi sau chuốc cho chúng say, giết luôn cả bọn. Sau đó cụ phải trốn khỏi chùa trong 5, 6 tháng. Chùa bị Cờ Đen phá sập, mãi về sau mới được dân dựng lại.

Làng Hồ Khẩu ở Bưởi cũng là một làng bị Cờ Đen tàn phá rất nhiều. Người đi đã khổ, người ở lại làng thì càng khổ hơn nữa. Một số trai tráng ở lại tổ chức bảo vệ xóm làng, mặc áo giấy bản bồi, phần lớn đều bị giết. Người chỉ huy là cụ Bát cũng bị giết. Vợ cụ Bát có mang gần ngày đẻ bị Cờ Đen bắt hiếp trụy thai… Cụ tôi có nói rằng tuy Cờ Đen thắng Tây nhưng dân làng rất oán ghết vì ngoài việc bắn giết hiếp tróc, bọn chúng còn vơ vét của cải từ nồi niêu, bát đĩa đến lợn, gà, vịt… Khi dân làng trở về thì gần như trắng tay, chỉ còn một số giấy vất vào bể nước là nguyên vẹn… Đến lúc Cờ Đen rút đi, dân làng, vì làm nghề giấy là chính, có rất ít ruộng đất, cho nên hàng năm sau vẫn chưa phục hồi lại được.

Bà cụ thân sinh ra chúng tôi nói chuyện lại là có những bà mẹ, thấy con gái còn bé bị hiếp, kêu van xin chịu thay con, liền bị chém băng đầu… Trước Cách mạng tháng Tám, vào trung tuần tháng Tư, gần như hầu hết các gia đình thôn tôi, đều có giỗ cụ, giỗ ông bà, giỗ bố…, tức là giỗ những người chết vì Cờ Đen”.

Ở Trung Quốc, quê hương của Lưu Vĩnh Phúc, từ lâu nhiều học giả đã luôn luôn tán dương và đề cao họ Lưu. Gần 50 năm sau bài viết của Trần Huy Liệu, tạp chí Trí thức thế giới dưới quyền chủ quản của Bộ Ngoại giao Trung Quốc số 14 ra ngày 16-7-2011 có loạt bài viết trong một chủ đề lớn “Loạt bài về ‘câu chuyện không thể không nói’ giữa Trung Quốc và Việt Nam” (3). Tôn Hồng Niên, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nghiên cứu sử địa biên giới, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, là tác giả của bài viết: “Lịch sử và chân thực: diễn biến quan hệ Trung – Việt trước năm 1949”. Ở phần 3 có nhan đề “Sát cánh chiến đấu từ thời kỳ cận đại”, ông viết: “Quan hệ giữa nhân dân hai nước được thể hiện bằng việc hai nước cùng chống lại xâm lược của nước ngoài. Sau năm 1885 dù là “phong trào Cần Vương” (đấu tranh vũ trang chống Pháp) do giới quý tộc ở Việt Nam phát động hay là khởi nghĩa nông dân, cùng đều được quân Cờ Đen là lực lượng vũ trang ở khu vùng Quảng Tây ủng hộ”.

Trong bài “Biến đổi trăm năm trong chiến lược ngoại giao nước lớn của Việt Nam”, hai tác giả Tôn Hồng Niên – Vương Sâm: Giáo sư, Viện Nghiên cứu Việt Nam, Học viện chủ nghĩa Mác, Đại học Trình Châu, đã viết: “Trong vua quan nhà Nguyễn có người mang ảo tưởng đối với “chủ quyền và độc lập hoàn toàn”, quân và dân yêu nước lại lo lắng đến âm mưu ở phía sau, tự phát cùng với quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc lãnh đạo chống lại quân Pháp, đồng thời kêu gọi vua Tự Đức sớm sang cầu viện Trung Quốc kịp thời. Sau năm 1880, quân Pháp ráo riết tấn công Việt Nam, vua Tự Đức mới ý thức được tính chất nghiêm trọng của vấn đề, nhiều lần cử người sang Trung Quốc cầu viện. Chính phủ Trung Quốc vì thế đã nhiều lần giao thiệp với Pháp, lại trên cơ sở quan hệ tông – phiên làm cơ sở, đưa quân đến đóng ở Bắc Bộ Việt Nam, tiếp theo chiến tranh Trung – Pháp nổ ra, lửa chiến đấu lan đến ven biển Trung Quốc, cho đến năm 1885, Trung Quốc mới không thể không thừa nhận Việt Nam do Pháp “bảo hộ”.

Việc đánh giá Lưu Vĩnh Phúc giữa các nhà sử học luôn có sự khác biệt từ trước đến nay. Xem xét những cách nhìn khác nhau về Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen giúp chúng ta tìm ra sự thực lịch sử và thấy rõ hơn giá trị những luận điểm của Trần Huy Liệu.

 

  1. Bải viết đăng trên Kỷ yếu Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm ngày sinh GS.VS. Trần Huy Liệu (1901 – 2011), Hà Nội, 11-2011.
  2. 2. Nay nhiều làng này đã chuyển lên thành phường thuộc các quận nội thành Hà Nội, như làng Giảng Võ thành phường Giảng Võ, quận Ba Đình…
  3. 3. Loạt bài về “câu chuyện không thể không nói” giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tài liệu tham khảo đặc biệt Thông tấn xã Việt Nam. Chủ nhật, ngày 21-8-2011, TTXVN (Bắc Kinh 31/7).

 

Ngô Văn Hoà