Gốm Chu Đậu

Hải Dương là quê hương của nhiều lò gốm cổ với những sản phẩm và nghệ nhân nổi tiếng được thừa kế và duy trì cho tới nay. Không phải ngẫu nhiên mà nhà máy sứ hiện đại nhất của đất nước lại được đặt tại thị xã Hải Dương. Nó đã được xây dựng trên cơ sở vững chắc của truyền thống và nguồn nguyên liệu địa phương.

Công tác nghiên cứu gốm sứ Hải Dương và Hưng Yên được các nhà khảo cổ học và sử học đưa vào chương trình nghiên cứu khoa học cách đây hơn 10 năm. Qua các công trình nghiên cứu đó, nhiều trung tâm sản xuất gốm tại địa phương đã được phát hiện, trong đó có di tích gốm Chu Đậu. Đến nay đã phát hiện và nghiên cứu bước đầu 14 di tích, thực chất là 14 trung tâm sản xuất gốm trong lịch sử trên đất Hải Dương và Hưng Yên, trong đó có hai nơi hiện còn sản xuất.

  1. Trạm Điền: trải dài theo tả ngạn sông Thương thuộc thôn Trạm Điền xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh dài khoảng 300 mét, rộng 100 mét. Di tích bị phá nặng nề trong quá trình đắp đê. Niên đại khoảng từ thế kỷ 14 – 16. Di tích được phát hiện từ năm 1990, chưa khai quật lần nào.
  2. Vạn Yên: nằm bên tả ngạn sông Thương, thuộc cánh đồng thôn Vạn Yên, xã Hưng Đạo, cách Trạm Điền 3km về phía Nam. Di tích kéo dài theo bờ sông khoảng 300m, rộng 100m đã được khai quật 2 lần vào các năm 1987 và 1989. Niên đại tồn tại khoảng từ thế kỷ 13 – 16.
  3. Bãi Trụ Thượng: chạy dài theo tả ngạn sông Kinh Thầy, thuộc bãi Trụ Thượng, xã Đồng Lạc, huyện Chí Linh, dài khoảng 250 mét, rộng 100 mét. Niên đại khoảng thế kỷ 14 – 16.
  4. Kiệt Đoài: nằm ở tả ngạn sông Kinh Thầy, cách Trụ Thượng 4km về phía tây, thuộc thôn Kiệt Đoài, xã Văn An, huyện Chí Linh. Niên đại sản xuất khoảng thế kỷ 14-16.
  5. Làng Gốm: ở tả ngạn sông Kinh Thầy, dài khoảng 450 mét, rộng 100 mét, tầng văn hóa dày trung bình 2 mét, thuộc địa phận làng Linh Giàng cách Kiệt Đoài 3km về phía tây. Niên đại sản xuất tương tự như gốm Kiệt Đoài.
  6. Bến Linh Xá: ở hữu ngạn sông Kinh Thầy, thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Thanh, cách làng Gốm 1km về phía Nam. Di tích bị dòng sông làm xói lở nhiều, hiện còn phế tích kéo dài theo bờ sông tới 200 mét, rộng 50 mét. Loại hình gốm và niên đại sản xuất tương tự như ở làng Gốm.
  7. Chu Đậu: ở tả ngạn sông Thái Bình, tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Thanh, cách thị xã Hải Dương 6km, phát hiện năm 1983, đã khai quật 5 lần vào các năm 1986, 1987, 1989, 1990, 1991, tầng văn hóa dày trung bình 2m. Khu di tích rộng tới 40.000m2, chưa kể khu vực Mỹ Xá liền đó. Niên đại sản xuất vào cuối thế kỷ 14, phồn thịnh vào thế kỷ 15 – 16, tàn lụi vào thế kỷ 17, chuyên sản xuất gốm có men cao cấp.
  8. Gốm Quao: thuộc thôn Phì Mao, sau đổi thành Lâm Xuyên, xã Phú Điền, huyện Nam Thanh, cách thị xã Hải Dương 8km về phía đông bắc. Lâm Xuyên (Quao) là làng nghề, chuyên sản xuất nồi đất – một loại gốm không men từ 4 – 5 thế kỷ trước và duy trì cho tới nay.
  9. Phúc Lão: tên nôm gọi là làng Láo, ở hữu ngạn sông Kẻ Sặt. Phúc Lão thuộc xã Hùng Thắng, huyện Cẩm Bình, kéo dài theo bờ sông tới 800 mét, rộng 80 mét. Đây là trung tâm sản xuất gốm có men dân dụng rất lớn, thời gian sản xuất trong khoảng các thế kỷ 15-18.
  10. Làng Ngói: thuộc làng Ngói, xã Hùng Thắng, nối tiếp với dải gốm Phúc Lão, nhưng chủ yếu sản xuất gốm mỹ nghệ, trình độ cao, theo truyền thống gốm Chu Đậu, tồn tại trong khoảng thế kỷ 15 – 18.
  11. Làng Cậy: hai làng Hương Gián và Kệ Gián thuộc xã Long Xuyên, huyện Cẩm Bình chuyên sản xuất đồ gốm từ thế kỷ 15 – 16 đến nay. Dân gian quen gọi nôm na là làng Cậy. Di tích gốm dày đặc toàn bộ làng Cậy, trên chiều dài 600 mét nối liền với di tích Ngói, rộng chừng 100 mét.
  12. Bá Thủy: là một thôn thuộc xã Long Xuyên, cách Cậy trên 1km về phía đông, trên cùng một tuyến sông. Sản phẩm tương tự như Cậy, nhưng nhiều đồ mỹ nghệ hơn và đã ngừng hoạt động ít nhất là 2 thế kỷ.
  13. Hợp Lễ: cũng là một thôn của xã Long Xuyên ở trên hữu ngạn sông Đò Đáy, một nhánh của sông Kẻ Sặt, cách Bá Thủy 1,5km về phía nam. Toàn bộ thôn Hợp Lễ (200 x 170m) là di tích sản xuất gốm từ thế kỷ 15-18.
  14. Xích Đằng: tại khu vực Văn Miếu, thôn Xích Đằng, xã Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, cách sông Hồng non km về phía bắc, mặt hàng chính ở đây là bát đĩa dân dụng, được sản xuất khoảng thế kỷ 17 – 18.

Nhìn trên bản đồ, qua các di tích sản xuất gốm đã phát hiện và nghiên cứu, bước đầu chúng ta thấy chúng đều bám sát các bờ sông cổ, tập trung nhiều nhất ở tả ngạn sông Kinh Thầy và hữu ngạn sông Kẻ Sặt. Về niên đại, càng xuôi về phía nam càng muộn hơn. Về chất lượng, gốm mỹ nghệ hoa lam thì không một di tích nào đã biết vượt trình độ của Chu Đậu. Về sức sống, chỉ lò Quao và Cậy còn hoạt động cho đến nay, còn các trung tâm gốm sứ khác đã ngừng sản xuất từ thế kỷ 17 – 18.

Lọ gốm men lam xám (BT Hải Dương), cao 30cm của Đặng Huyền Thông, sản xuất ngày 21 tháng 9, năm Diên Thành thứ 3 (1580, đời vua Mạc Mậu Hợp). Minh văn trên thân ghi tên những người cung tiến cho chùa Hồng Phúc, xã Ninh Thuận, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng.

Quá trình phát hiện di tích gốm Chu Đậu

Qua những đồ gốm có chữ, ghi rõ niên hiệu sản xuất, quê hương của nghệ nhân, như sưu tập gốm của Đặng Huyền Thông, quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm thời Lê; bình gốm hoa lam lưu tại Bảo tàng Tokapi Saray ở Thủ đô Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ, có dòng chữ Thái Hòa bát niên (1450) Nam Sách châu, tương nhân Bùi Thị Hý bút… Từ những cổ vật này, chúng tôi nghĩ đến một nơi nào đó trên các triền sông thuộc huyện Thanh Lâm xưa từng có những lò gốm sản xuất những mặt hàng cao cấp từ thời Lê sơ (TK 15) đến thời Mạc (TK 16). Tìm đọc thư tịch cổ, không thấy một dòng nào ghi về nơi sản xuất gốm sứ ở Thanh Lâm, trừ làng Phì Mao (Quao) nay là Lâm Xuyên, thuộc xã Phú Điền, chuyên sản xuất nồi đất, một loại gốm không men. Theo tư liệu lịch sử ghi vào giữa thế kỷ 19, cho biết các xã Đặng Xá (nay là Mỹ Xá) Chu Đậu là những làng dệt chiếu và đến nay vẫn làm nghề này.

Tháng 9 năm 1983, công trình nghiên cứu các nghề cổ truyền bắt đầu được thực hiện. Cán bộ nghiên cứu đến Chu Đậu nhằm nghiên cứu nghề dệt chiếu, thấy nhân dân cho biết ở đây có những mẫu gốm lạ, hình vành khăn đã mang về cơ quan nghiên cứu. Ngay sau đó chúng tôi đến hiện trường. Tại vườn nhà ông Vang, đã tìm được nhiều con kê đồ gốm hình vành khăn, hình đĩa ba chân, những chồng bát hoa lam dính sụn, tước chân cao bẹp méo, bình thắt cổ bồng xanh rêu, có quai mảnh dẻ… Tại nơi phát hiện di tích đầu tiên này, chúng tôi đã dự đoán, đây là một nơi sản xuất gốm cổ quý báu của đất nước. Tuy được phát hiện sớm qua một công trình nghiên cứu, nhưng ngót ba năm sau mới đủ điều kiện khai quật.

Chu Đậu thời Hậu Lê (TK 15 – 18) là một xã nhỏ thuộc huyện Thanh Lâm; thế kỷ 19 thuộc tổng Thượng Triệt, huyện Thanh Lâm. Hiện nay là một thôn của xã Thái Tân, huyện Nam Thanh, diện tích 59,3 ha, dân số 1.150 người. Nguồn sống chính là sản xuất nông nghiệp và nghề dệt chiếu cổ truyền.

Chu Đậu ở tả ngạn sông Thái Bình, giáp làng Đặng Xá (nay là Mỹ Xá) ở phía Tây. Sông Kè Đá một sông nhỏ chảy qua phía Bắc Chu Đậu, qua Mỹ Xá, ra sông Thái Bình, tạo nên đường giao thông thuận tiện. Sông này đã bị phù sa bồi lấp do đê sông Thái Bình đắp chặn dòng chảy vào đầu thế kỷ này.

Từ Chu Đậu đến Trúc Sơn (Chí Linh), Hố Lao (Đông Triều), Hoàng Thạch (Kim Môn) cách nhau từ 25 – 30 km nhưng nhờ có đường thủy qua sông Kinh Thầy và Thái Bình nên việc chở nguyên vật liệu về nơi sản xuất thuận lợi. Đến Chu Đậu mua sản phẩm hoặc từ Chu Đậu đến các thị trường ở Thăng Long, Phố Hiến, các chợ ở đồng bằng châu thổ hoặc ra biển cũng rất an toàn và dễ dàng.

Nghề sản xuất gốm sứ của Chu Đậu thất truyền cách đây tới 3 thế kỷ. Truyền thuyết về nghề này cũng ít khi được nhắc tới, chỉ còn một di tích gọi là Đống Lò được nhiều người biết, nhưng cũng không ai giải thích được là lò sản xuất gì. Tìm trong thư tịch tại địa phương, có vài dòng trong gia phả họ Vương ở Đặng Xá ghi vào đầu thế kỷ này, có nói một chi của dòng họ chuyển về Bát Tràng (Hà Nội) để làm bát. Thay vào nghề làm đồ gốm là nghề dệt chiếu – chiếu Đậu từng nổi tiếng một thời.

Qua một thời gian dài điền dã, thám sát, khai thác tài liệu dân tộc học và được phép của Bộ Văn hóa Thông tin, ngày 23-4-1986 di tích gốm Chu Đậu được khai quật. Đến nay diện tích khai quật là 360m2/ 70.000m2 tức mới đạt trên 0,5% diện tích, con số rất nhỏ so với tổng diện tích của khu di tích.

Tuy vậy đã có thể xác định được nhiều loại hình rất đa dạng, hầu như loại hình nào cũng có với  chất lượng cao so với những lò cùng thời.

Sản phẩm Chu Đậu được tráng hoặc trang trí bằng nhiều loại men màu khác nhau, phổ biến là men trắng trong, hoa lam, men ngọc (Celadon), xanh lục, xanh màu rêu, vàng nhạt, vàng đậm. Một số hiện vật đã được tráng tới hai màu men: Trong trắng, ngoài nâu. Hiện vật được vẽ hoa văn bằng ba màu – tam thái: Đỏ, xanh lục và vàng cũng đã tìm thấy. Nhiều sản phẩm ở phần trôn được quét son. Đây có thể coi như một loại men nâu khô, không bóng, có tác dụng chống dính khi nung, thường được trang trí trên các chỉ phân lớp hoa văn của chân đèn thời Mạc. Quét son nâu dưới chân có thể coi như là một đặc điểm của gốm thế kỷ 16 – 17. Từ một mục đích kỹ thuật, biến thành một phong cách trang trí.

Hoa văn chủ đạo là sen, cúc dưới nhiều dạng khác nhau và hàng chục loại hoa văn cách điệu khác, khó đặt tên cho chính xác. Hình động vật có các loại chim, cá, côn trùng và hình người. Đây là các hiện vật thường có một chữ, nhiều nhất là chữ Phúc (      ), rồi đến các chữ Chính (      ), Sĩ (    ), Hoa (        ), Trung (        ), Kim (       ), Ngọc (       ), Tàm (       ), Quỳ (         ), Trù (        )… Đây có thể là dấu hiệu của chủ lò và những chữ đó được khách hàng đương thời ưa chuộng.

Lư hương men lam xám (BTLSVN), cao 25,5cm của Đặng Huyền Thông, sản xuất năm Diên Thành thứ 5 (1582, đời vua Mạc Mậu Hợp). Minh văn ghi tên Đàm Châu Phúc Lan ở xã Thượng Thụy, huyện Đan Phượng cung tiến vào quán Diêm Vương.

Công cụ sản xuất và phương pháp chế tạo

Trong các hố khai quật Chu Đậu, công cụ sản xuất thường chiếm một tỷ lệ lớn về số lượng và thể tích so với phế phẩm về gốm.

Con kê: Số lượng con kê tìm được trong quá trình khai quật và thám sát tới vài nghìn cái. Chúng là vật chống dính giữa các sản phẩm gốm có men trong khi nung. Con kê của Chu Đậu gồm nhiều loại: Hình vành khăn, hình nón cụt, hình đĩa, cao từ 1 – 7cm, đường kính từ 4 – 7cm, loại lớn không nhiều, được nặn bằng đất sét hoặc cao lanh loại xấu chỉ sử dụng một lần. Con kê hình nón cụt, vành khăn thiết diện tròn có 3 – 4 chân, hình đĩa có 4 chân được làm bằng cao lanh loại tốt và được sử dụng nhiều lần, đường kính 6 – 7cm, cao 1 – 1,5cm. Loại hình đĩa có chân được đúc bằng khuôn, lót vải, đúc xong, gắn các chân nhỏ.

Đinh gốm: Trong hố khai quật, bên cạnh những con kê, thỉnh thoảng còn thấy hiện vật giống như cái đinh lớn, dài 6 – 8cm, đường kính 1,2 – 1,4cm, một đầu toè, còn đầu gắn vào một hiện vật phẳng khác, một đầu tù, làm bằng đất sét thường, luyện kỹ, sau khi nung có màu hồng, được gọi là đinh gốm, chức năng của đinh gốm như thế nào trong lò còn là việc phải tiếp tục nghiên cứu.

Bao nung: Muốn cho sản phẩm gốm sứ không bị sụn, đổ, ám muội, đồng thời có thể chồng lên nhau nhiều tầng để tận dụng không gian lò đều phải dùng bao nung. Trong các hố khai quật ở Chu Đậu, bao nung thường chiếm tỉ lệ lớn về số lượng và khối lượng, có hố bao nung chiếm tới 75% thể tích khai quật. Bao nung ở đây làm bằng đất chịu nhiệt cao, hình vại, dày 2 – 3cm, cao trung bình 25cm, đường kính 20 – 25cm. Bao nung dài và lớn có số lượng không nhiều, nắp bao nung có số lượng ít hơn, điều đó cũng dễ hiểu, vì khi chồng trong lò, chỉ có bao trên cùng mới cần nắp.

Ắc và song bàn xoay: Mỗi một đợt khai quật thường tìm thấy 1 – 2 ắc và song bàn xoay. Ắc bàn xoay còn có tên là lú hay cối, vì nó giống cái cái đá nhỏ, phía ngoài có hình bát giác, đường kính 5 – 6cm, cao 4 – 5cm, làm bằng cao lanh loại tốt, nung ở nhiệt độ cao, phía trong tráng men. Ắc được gắn liền vào mặt dưới bàn xoay ở điểm giữa. Các cạnh của ắc được lắp khít với lỗ đục. Nơi ấy được đặt lên ngõng của bàn xoay. Song là một vòng sứ, phía trong tráng men, đường kính trung bình 11cm, dày 1,5cm, bản rộng 2cm. Để cho bàn xoay khỏi chao đảo, người ta làm một vỏ gỗ, cố định với bàn xoay, ôm lấy ngõng, phía dưới đặt một cái song, giống như vòng bi hiện đại.

Lò nung: Hiện nay ở Chu Đậu mới phát hiện được phế tích của nền lò, chưa tìm được vách lò và vòm lò. Lý do là tại đây, trước thế kỷ 20 chưa có đê, thường bị ngập lụt, đất đai hẹp, nhu cầu thổ cư và canh tác lớn nên di tích bị tàn phá. Nếu có khai quật lớn họa chăng cũng chỉ tìm được một phần vách lò. Vậy lò gốm Chu Đậu xưa như thế nào? Căn cứ đáy lò cùng thời đã tìm thấy ở Hợp Lễ và lò gốm Quao còn đang hoạt động có thể hình dung lò gốm Chu Đậu là loại lò Cóc.

Nguyên liệu nung gốm Chu Đậu là củi. Còn nguyên liệu làm xương gốm có khả năng được khai thác ở Hố Lao (Đông Triều – Quảng Ninh) – mỏ cao lanh đã phát hiện sớm và đến nay vẫn khai thác. Hố Lao cách Chu Đậu khoảng 30km về phía đông bắc, vận chuyển bằng đường sông thuận tiện.

Ngoài ra còn có các vỉa cao lanh và đất sét loại tốt ở tả ngạn sông Kinh Thầy có thể phát hiện và khai thác dễ dàng. Các mỏ cao lanh Trúc Thôn (Chí Linh), Hoàng Thạch (Kim Môn) chất lượng tốt, nhưng chưa khẳng định được ở những thế kỷ trước nó đã được khai thác.

Phần lớn sản phẩm được chuốt trên bàn xoay, trước khi trang trí hoa văn và tráng men. Những sản phẩm có hoa văn khắc chìm vào xương gốm được thực hiệnbằng khuôn trong và gia công khắc vạch sau khi tạo dáng. Trong hố khai quật cũng đã tìm được khuôn trong và công cụ khắc vẽ hoa văn. Có loại hoa văn đã được thực hiện bằng phương pháp in. Một số loại sản phẩm đã ve lòng (cạo men) để chống dính khi chồng lên nhau ở trong bao nung. Di tích cũng chứng minh rằng, tuy đã ve lòng, con kê vẫn còn sử dụng ở mức độ nhất định. Những sản phẩm không ve lòng để đảm bảo mỹ thuật, người ta ve miệng và chân, khi xếp trong bao nung được úp miệng vào nhau từng đôi một. Một số bát men ngọc được tráng men cả chân, trường hợp này trôn bát thường được quét son nâu rồi dùng con kê, kê trong trôn bát, không để chân tiếp xúc với bao nung. Những lọ, bình có nhu cầu chống thấm ở phía trong được quét một lớp men mỏng màu vàng. Các loại con giống được sản xuất bằng cách đắp nặn, đúc. Gốm không men, màu nâu hồng hay còn gọi là đồ sành như: lon, chậu, vại, lọ, cóng… có số lượng nhỏ và không phải là sản phẩm chính của lò Chu Đậu.

Niên đại sản xuất và quan hệ với các trung tâm gốm khác

Qua các tư liệu trong và ngoài nước đã viết: xét bề mặt di tích và mặt cắt hố khai quật thấy khá ổn định, không có biểu hiện gì về gốm thời Nguyễn; căn cứ diễn biến của tầng văn hóa cùng với những hiện vật thu được trong hố khai quật, kết hợp với tư liệu điền dã thám sát và những tư liệu đã biết trong các kho bảo tàng, chúng tôi nhận định rằng: Chu Đậu là một trung tâm sản xuất gốm sứ cao cấp, xuất hiện vào cuối thế kỷ 14, phát triển rực rỡ vào thế kỷ 15 – 16. Tàn lụi vào cuối thế kỷ 17. Nguyên nhân của sự tàn lụi theo dự đoán ban đầu có thể do hai yếu tố cơ bản:

– Cuối thế kỷ 16, đầu 17, nội chiến giữa Lê – Mạc diễn ra ác liệt ở vùng Nam Sách, gây trở ngại cho việc sản xuất, nhất là thủ công nghiệp, trong khi đó gốm Bát Tràng (Hà Nội) và hệ thống gốm Cậy (Cẩm Bình) có điều kiện phát triển đã thu hút nghệ nhân về hai trung tâm này.

Gốm Chu Đậu thất truyền vào thời kỳ đại loạn (cuối thế kỷ XVI), Trịnh Tùng hủy diệt vùng Nam Sách từ đầu năm 1593 khi tấn công nhà Mạc, từ đó nghề của dòng họ này thất truyền. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: “Nhâm Thìn, năm Quang Hưng thứ 15, tháng 12, ngày 3 (1-1593)… Bấy giờ Phủ tiết chế chia quân cả phá bọn Mạc Kính Chỉ ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Hà, chém được đầu giặc và 50 chiếc thuyền, cùng ngựa và khí giới nhiều không kể xiết. Các phủ Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn bị tiêu hủy gần hết”. Bài thơ nôm Vãn nghệ xưa thật ai oán, nó lên án cuộc chiến tranh Lê – Mạc, cụ thể là Trịnh – Mạc đã làm mai một biết bao truyền thống văn hóa của dân tộc, thậm chí là thất truyền.

– Cũng thời gian đó, nhà Minh bỏ lệnh cấm người Trung Quốc ra nước ngoài bằng đường biển, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Trung Quốc xuất cảng mạnh mẽ ở thế kỷ 17, trong đó có gốm sứ, tác động tiêu cực đến việc xuất cảng đồ gốm Việt Nam.

Sự tàn lụi của gốm Chu Đậu đến mức nghiệt ngã, nghĩa là ở những thế kỷ sau không còn một lò gốm nào hoạt động, nghệ nhân phải bỏ nghề hoặc chuyển về những trung tâm khác để tiếp tục sản xuất.

Quá trình nghiên cứu các di tích sản xuất gốm ở Hải Hưng và những lò đã biết trong khu vực có thể vạch ra một con đường phát triển nối tiếp và các mối quan hệ như sau:

Vào thế kỷ 13 – 14, gốm tráng men đã phát triển mạnh ở Vạn Yên. Từ trung tâm sản xuất này, các tập đoàn thợ gốm đã xuôi theo dòng sông Thái Bình về Chu Đậu lập nghiệp, nơi cư dân đông đúc và thị trường tiêu thụ thuận lợi. Đến cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, do những biến động về xã hội và thị trường, những thợ gốm ở Chu Đậu đã di cư đi nhiều nơi. Gia phả dòng họ Vương ở Đặng Xá, một làng cùng dải đất với Chu Đậu viết vào thời Nguyễn có đoạn ghi: “Nam Sách phủ, Thanh Lâm huyện, Đặng Xá xã, dĩ đào bát vi nghiệp, hậu nhất chí di cư Gia Lâm huyện, Bát Tràng xã. Cụ Vương Quốc Doanh hưng công dĩ đào bát vi nghiệp”. Nghĩa là (họ Vương) ở xã Đặng Xá, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách lấy nghề làm đồ gốm làm nghiệp, sau có một chi di cư về xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Cụ Vương Quốc Doanh là người có công làm hưng thịnh nghề làm đồ gốm. Có thể họ Vương về Bát Tràng thì nghề làm đồ gốm ở đây đã phát triển nhưng họ Vương về đây đã góp phần làm hưng thịnh nghề này.

Tại tập đoàn các lò gốm ở tả ngạn sông Sặt phát triển cực thịnh ở thời Hậu Lê đã có dấu hiệu có bàn tay của thợ gốm Chu Đậu. Tại di tích ở thôn Ngói tìm thấy nhiều mẫu vật giống như gốm Chu Đậu đến mức khó phân biệt. Có điều, nhìn trên tổng thể, gốm Ngói chất lượng kém và muộn hơn đôi chút. Phải chăng đã có một nhóm thợ gốm ở Chu Đậu xuôi dòng Thái Bình rồi ngược sông Kẻ Sặt về đây hành nghề. Rồi từ trung tâm gốm Cậy, theo những dòng sông, những người thợ gốm lại xuống Phố Hiến sản xuất cùng với những tập đoàn từ nơi khác đến, do sự hấp dẫn của thị trường này ở thế kỷ 17 – 18.

Đặng Huyền Thông với gốm Chu Đậu

Khi nghiên cứu gốm sứ cổ có được những tiêu bản, ghi rõ niên hiệu đã là hiếm hoi, mà có được những tác phẩm ghi tên tác giả, nơi và năm sản xuất thì cực kỳ quý báu. Thế nhưng, trải qua 400 năm thăng trầm của lịch sử, bằng con đường lắt léo gian truân, người xưa đã để lại cho chúng ta một sưu tập gốm Mạc, tuy không nhiều, nhưng đủ sự cần thiết cho công tác nghiên cứu, trong số đó, nhiều nhất là tác phẩm của Đặng Huyền Thông. Chỉ trong 12 tiêu bản của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và 7 tiêu bản của Bảo tàng Hải Dương được sáng tạo vào thời Mạc Mậu Hợp, tập trung nhất vào các niên hiệu: Diên Thành, Đoan Thái, Hưng Trị (1578 – 1590) đã có 10 tiêu bản của Đặng Huyền Thông, trong đó có 3 bát hương và 7 chân đèn. Đây chưa kể một số hiện vật cùng thời ngờ rằng cũng của ông, vì có tự dạng, phong cách như hiện vật đích thực ghi tên ông sáng tạo. Là một trong những người thợ gốm chu đáo trong lịch sử, Huyền Thông không chỉ ghi rõ năm tháng mà một số hiện vật còn ghi cả ngày sản xuất, tên và địa chỉ người sản xuất, người đặt hàng và nơi sử dụng. Ví dụ:

Một chân đèn ghi: Hồng Phúc tự, Thượng Hồng phủ, Đường An huyện, Phú Thuận xã (nay thuộc huyện Cẩm Bình) người đặt hàng là sãi vãi Nguyễn Thị Liên, Vũ Thị Dương… sản phẩm được tạo vào ngày 21 tháng 9 năm Diên Thành thứ 3 (1580) do Đặng Huyền Thông tạo. Một chân đèn khác ghi: Tạo vào tháng 8 năm Diên Thành thứ 5 (1582) cho xã Thượng Thụy, huyện Đan Phượng (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Một chân đèn ở một xã thuộc huyện Kim Thi (Hải Hưng) còn ghi: Hưng Trị tam niên, nhị nguyệt tạo, Nam Sách phủ, Thanh Lâm huyện, Hùng Thắng xã, Đặng Huyền Thông thê Nguyễn Thị Đỉnh. Nghĩa là Đặng Huyền Thông cùng vợ là Nguyễn Thị Đỉnh quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách tạo vào tháng 2 năm Hưng Trị thứ 3 (1590).

Tư liệu trên chứng tỏ gốm mỹ nghệ ở thế kỷ 16 đã trở thành hàng hóa phổ biến và tác phẩm của Đặng Huyền Thông đã nổi tiếng và được nhiều nơi đặt hàng.

Đặng Huyền Thông là người như thế nào? Vấn đề này chính nghệ nhân đã cho biết qua một tác phẩm của mình, sản xuất vào năm 1580. Đặng Mậu Nghiệp, tên tự: Huyền Thông là sinh đồ, làm thợ gốm, quê tại xã Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, nay thuộc xã Minh Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng. Hùng Thắng xưa còn có tên là Cổ Phường – phường của những người làm thợ gốm. Cái bằng sinh đồ (tú tài) đã giúp cho tài năng của Đặng Huyền Thông phát triển rực rỡ trong nghề thủ công của mình.

Tại quê hương của nghệ nhân, dòng họ Đặng còn quy tụ đông đúc, di tích gốm thời Mạc ở đây cũng đã được phát hiện, tuy không nhiều nhưng cũng là một điểm phụ sản xuất cùng thời Chu Đậu và chỉ cách Chu Đậu 2 cây số. Còn Đặng Xá – quê hương của những thợ gốm họ Đặng, họ Vương ở liền với Chu Đậu. Như vậy sinh thời nghệ nhân Đặng Huyền Thông hiển nhiên là được chứng kiến sự phồn vinh của lò gốm Chu Đậu và rất có thể ông đã tham gia sáng tạo ở trung tâm nổi tiếng này.

*

*      *

Từ một dự kiến khoa học, di tích gốm Chu Đậu đã được phát hiện và từng bước khai quật, nghiên cứu. Hàng vạn di vật lấy lên từ lòng đất Chu Đậu qua từng năm là những tư liệu quý cho việc nghiên cứu lịch sử gốm sứ Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử, bổ khuyết những thiếu sót tư liệu về phương diện này.

Điểm mạnh của gốm Chu Đậu là, trên hoa văn đã thể hiện đậm đà tâm hồn dân tộc, phản ánh một cách sinh động thiên nhiên và cuộc sống của cư dân vùng châu thổ: Hình người đội nón, áo dài, người chăn trâu. Một cành đào đầy hoa nụ với một con chim nhỏ ngơ ngác. Từng đàn chim ngói, chim cu sải cánh bay trên đồng nội. Bồ nông, vịt trời bơi lội trên mặt nước. Những con cò lặng lẽ kiếm ăn. Vài con chích chòe nhảy nhót trong vườn. Cá từng đàn vờn nhau dưới nước và những mái nhà tranh giản dị bên sông. Tất cả đã được khái quát phản ánh trên đồ gốm, với chất liệu men trắng hoa lam hay men màu – tam thái. Nhiều loại sản phẩm được trang trí như những bức tranh, tuy đã trải qua 4 – 5 thế kỷ đến nay vẫn còn như mới. Giá trị văn hóa của gốm Chu Đậu nổi trội ở điểm này. Phương pháp chế tạo và kỹ thuật đã đạt trình độ cao mà ở những thế kỷ sau không dễ vượt qua.

Những hiểu biết về gốm Chu Đậu hiện nay chỉ là bước đầu. Những cuộc khai quật tương lai ở Chu Đậu và những trung tâm khác cùng thời sẽ mang lại nguồn tư liệu phong phú và đa dạng, khi đó mới có thể kết luận thỏa đáng.

Chu Đậu hiện tại và tương lai là nơi tham quan nghiên cứu của các học giả và những người quan tâm đến đồ gốm sứ Việt Nam.

THEO TÀI LIỆU CỦA BẢO TÀNG HẢI DƯƠNG