Làng gốm Bát Tràng xưa và nay

Bát Tràng là một làng cổ ven đô thuộc huyện Gia Lâm, vốn là đất Bắc Ninh, nay là ngoại thành Hà Nội, từ lâu đã được người trong và ngoài nước biết đến. Đó là làng quê từng sinh ra những bậc khoa bảng lừng danh, những người thợ gốm tài hoa, những người con trung hiếu mà tên tuổi và sự nghiệp của họ đã làm rạng rỡ cho quê hương xứ sở. Bát Tràng cũng là làng gốm đã làm ra nhiều vật phẩm gốm độc đáo mang sắc thái riêng mà trong nhiều thế kỷ qua được ưa dùng từ trong dân gian đến cung đình, từ quà tặng biếu đến đồ cống phẩm ngoại giao.

Tìm lại cội nguồn

Kể từ lúc hình thành phường Bạch Thổ đến ngày nay, làng gốm Bát Tràng đã trải qua bề dày lịch sử hơn 500 năm. Bát Tràng ngày nay là một vùng nhà cửa sầm uất, có bến thuyền bè nhộn nhịp bên bờ tả ngạn sông Hồng. Ngày nay vị trí có chuyển dịch lên chút ít so với trước kia, những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khi làm móng công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, người ta đã tìm thấy vết tích của lò gốm, bể nước, sân gạch dưới độ sâu hơn 10 mét phù sa. Cho nên chúng ta còn lắm băn khoăn trước câu trả lời về cội nguồn và lịch sử phát triển nghề làm gốm men ở Bát Tràng xưa.

Kết quả nghiên cứu cho đến gần đây đã đưa tới nhiều kết luận về làng gốm Bát Tràng, đặc biệt là các phát hiện và khai quật khảo cổ học. Gần 20 năm trước, tại xã Đa Tốn, cách Bát Tràng chưa đầy 2 cây số, người dân ở thôn Lê Xá và Đào Xuyên khi đào đất đã tìm thấy những vật phẩm của nhiều thời đã qua kể từ đầu công nguyên đến thời Trần – Lê Sơ, thế kỷ XV. Xã Đa Tốn, vốn không phải là xã có nghề gốm truyền thống, nhưng ở bên cạnh Bát Tràng – một “thị trường gần” thế nào mà chẳng tồn đọng những phế phẩm của lò gốm xưa? Vậy nên chúng tôi rất chú ý khi phát hiện những bát đĩa, âu, bình gốm men ngọc có trang trí nổi hoa cúc, sen, hoa dây cách điệu thuộc thời Trần, tương tự như nhiều dấu tích ở Hoa Lư (Ninh Bình), Vân Đồn (Quảng Ninh)… Lại có cả những bát, đĩa “sống men” và nhiều chiếc rạn, nứt cong vênh rõ ràng là loại thứ phẩm của lò gốm. Sưu tập này phát hiện ở Đào Xuyên, nay lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Còn những chậu gốm men hoa nâu với bố cục hoa dây cách điệu hình sin, khắc chìm tô nâu hay khắc chìm để mộc trên nền nâu, được phát hiện cùng những chiếc đĩa hoa lam cỡ lớn cong vênh, nền trắng ngà, hoa văn cành hoa cúc ở giữa lòng được vẽ bằng bút lông mềm mại, chính là đồ gốm thời Trần – Lê Sơ phát hiện ở làng Lê Xá. Phải chăng, đây là những thông tin có liên quan đến việc nghiên cứu gốm Bát Tràng ở thời Trần, Lê Sơ?

Tháng 3 năm 2003, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở VH-TT Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành thám sát và khai quật khảo cổ học di tích Kim Lan, một xã liền kề phía nam xã Bát Tràng. Trong số các di vật tìm được của cuộc khảo sát, khai quật, chiếm số lượng lớn là đồ gia dụng như bát, đĩa, âu, ống nhổ… tập trung ở các dòng men đặc trưng thời Trần giống sưu tập gốm men đã biết ở Đa Tốn như men ngọc, men nâu, hoa nâu, hoa lam v.v…

Bên cạnh đó còn có các di vật phản ánh kỹ thuật sản xuất như bao nung, con kê, đồ phế phẩm, cục làm men…

Các thông tin phát hiện và khai quật khảo cổ học trên đây đã góp phần chứng minh nghề gốm ở Bát Tràng phải xuất hiện ít nhất là từ thời Trần.

Nếu đi từ nguồn tài liệu truyền thuyết dân gian, chúng ta sẽ gặp nhiều thông tin bổ ích nhưng cũng không ít sai lệch mơ hồ. Có chuyện kể rằng: vào thời Trần (thế kỷ XIII – XIV) có 3 vị đỗ Thái học sinh (như tiến sĩ triều Lê), được cử đi sứ Bắc quốc (tức Trung Quốc) là Hứa Vĩnh Kiều người Bát Tràng, cùng với Đào Trí Tiến người Thổ Hà và Lưu Phương Tú người Phù Lãng. Ngoài công việc ngoại giao, ba ông này còn học thêm được nghề làm gốm và đem về dạy cho dân quê mình. Do vậy mà làng Bát Tràng chuyên chế các hạng đồ gốm men có sắc trắng, làng Thổ Hà chuyên chế các hạng đồ gốm men có sắc đỏ, còn làng Phù Lãng thì chế các hạng đồ gốm men có sắc vàng thẫm. Rồi lại có một “dị bản” khác nội dung tương tự như vậy, duy chỉ có 2 chi tiết kể khác đi. Đó là thời điểm 3 vị đi sứ vào cuối thời Lý (đầu thế kỷ XIII) và tên vị thứ nhất được kể đến là Hứa Vĩnh Cảo – không phải Hứa Vĩnh Kiều. Câu chuyện này của một nhà nho hiếu sự, chứ sự thật nào phải như vậy. Hứa Vĩnh Kiều chưa bao giờ được người Bát Tràng thờ làm ông tổ nghề hay làm thành hoàng. Văn bia ở Bát Tràng cho biết đình được làm lại, lợp ngói qui mô đồ sộ vào năm Canh Tý, niên hiệu Bảo Thái (1720), chia ra 5 nóc, mỗi nóc thờ khác nhau. Nay ở đình còn giữ được hơn 50 đạo sắc phong cho các thần của các thời Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Xưa nhất là đạo sắc đời Lê Cảnh Hưng. Đặc biệt có nhiều đạo sắc đời Quang Trung và Cảnh Thịnh, là những di vật vô cùng quí giá cần trân trọng bảo quản và gìn giữ. Nay đình Bát Tràng được trùng tu mới rất khang trang đẹp đẽ.

Còn một truyền thuyết khác đáng chú ý hơn, cho biết: dân làng Bát Tràng vốn từ làng Bồ Bát (ở huyện Yên Mô, Ninh Bình) di chuyển ra Bắc và định cư ở tả ngạn sông Hồng, phía dưới Thăng Long, để tiện chuyên chở nguyên liệu và thành phẩm. Lúc đầu, chỉ có 4 gia đình di cư ra, thuộc các dòng họ Trần, Bùi, Phùng, Vũ cùng với họ Nguyễn sở tại lập thành phường sản xuất đồ gốm, gọi là Bạch Thổ phường. Rồi sau đó lại đổi tên là Bá Tràng phường và cuối cùng chuyển ra tên gọi Bát Tràng ở thế kỷ XIV. Trong đình làng Bát Tràng có đôi câu đối chữ Hán: “Bồ di thủ nghệ khai đình vũ; Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”. Nghĩa là: “Từ làng Bồ Bát rời nghề cũ ra đây dựng xây đình vũ; Lòng dân thơm ngát hương lan kính tạ thánh thần”.

Câu chuyện này tuy không cho ta biết thời điểm chuyển cư, nhưng qua tài liệu khảo cổ và thư tịch, chúng tôi thấy thời điểm hợp lý xảy ra vào thời Trần. Tài liệu thư tịch cổ cho biết rõ từ nửa sau thế kỷ XIV đã xuất hiện tên gọi xã Bát Tràng trong danh vị hành chính. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép vụ lụt lội xảy ra vào tháng 7 năm Nhâm Thìn, năm thứ 12 niên hiệu Thiệu Phong (1352). Và một sự kiện khác, sách trên chép rằng vào tháng 12 năm Bính Thìn, năm thứ 4 niên hiệu Long Khánh (1376), vua Trần Duệ Tông dẫn đầu đoàn chiến thuyền trong cuộc Nam chinh, xuất phát từ Thăng Long, xuôi theo dòng sông Nhị (sông Hồng) cũng đi qua bến sông xã Bát.

Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh, đất nước ta bước vào thời kỳ xây dựng mới mà nay chính sử gọi là thời Lê Sơ.

Dưới thời Lê Sơ, nghề gốm ở Bát Tràng được khôi phục nhanh chóng trước khí thế mới của đất nước. Trong cuốn sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, soạn xong năm 1435 đã cho ta biết: Trong số đồ cống nạp triều Minh phương Bắc “làng Bát Tràng phải cung ứng 70 bộ bát đĩa”. Kể cũng lạ, vì nước Trung Quốc có nghề làm gốm men phát triển và nổi tiếng thế, vậy mà lại nhận đồ cống bằng gốm men của Đại Việt?

Tiếng nói từ các hiện vật

Để tìm hiểu về nghề gốm Bát Tràng ở các thế kỷ trước, chúng ta còn có thể tìm hiểu qua các vật phẩm lưu giữ ở nước ngoài. Theo các nguồn thông tin về khảo cổ học và bảo tàng, tới nay cho biết 55 bảo tàng trên thế giới sưu tập và lưu giữ không ít đồ gốm cổ Việt Nam như Nhật Bản, Philippin, Pháp, Mỹ, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ… Trong đó chắc chắn còn nhiều tiêu bản có xuất xứ về nơi sản xuất là lò gốm Bát Tràng. Ông John Guy ở bảo tàng Victoria và Albert (nước Anh), một nhà nghiên cứu gốm Việt Nam nổi tiếng đã đi tìm mối quan hệ giao lưu văn hóa từ những đồ gốm men Việt Nam với gốm Trung Quốc, Thái Lan trên các dữ liệu về kiểu dáng và trang trí.

Xem tài liệu giới thiệu cuộc triển lãm do Hội gốm sứ Đông Nam Á tổ chức tại bảo tàng quốc gia Singapore, tổ chức vào 6-1982, ta thấy nhiều bức ảnh chụp bát, đĩa chứng minh về quan hệ giao thương của đồ gốm Việt Nam với Thái Lan, Nam Trung Quốc và Nhật Bản. Tiêu biểu nhất là mẫu đĩa to hoa lam vẽ cành hoa cúc bằng men xanh chì.

Điều may mắn hơn, tuy nay không còn rõ dấu vết một chiếc lò nung của Bát Tràng ở 3 thế kỷ (XVI – XVIII) dưới triều Lê – Tây Sơn nhưng tại nhiều đình chùa trong nước hay ở các bảo tàng quốc gia, bảo tàng địa phương và sưu tập tư nhân, chúng ta còn có thể gặp nhiều vật phẩm gốm Bát Tràng có minh văn cho biết rõ năm chế tạo, họ và tên người đặt hàng và người sản xuất. Thông tin từ minh văn cho biết người đặt hàng từ hàng ngũ quan chức cao cấp như phò mã, công chúa cho đến tầng lớp bình dân. Thí dụ như một cặp chân đèn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, minh văn khắc 30 dòng dọc theo phần dưới, cho biết rõ nó được chế tạo vào  ngày 24 tháng 6 năm thứ 3 niên hiệu Diên Thành (1580), do đồng tác giả là Nguyễn Phong Lai và Hoàng Ngưu, còn những người đặt hàng gồm phò mã Mạc Ngọc Liễn và Phúc Thành công chúa, cùng hàng chục thiện nam tín nữ để cung tiến cho quán Linh Tiên (Hà Tây). Theo thống kê của chúng tôi thì minh văn trên nhiều đồ gốm cổ Bát Tràng đã cho biết người đặt hàng gốm trải ra trên một vùng rộng lớn bao gồm nhiều phủ, huyện vùng đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ như Gia Lâm (Hà Nội), Thiên Thi, Đông An, Văn Giang (Hải Dương), Đông Ngàn (Bắc Ninh), Nghi Dương (Hải Phòng), Nam Trực (Nam Định), Thần Khê (Thái Bình), Phụng Hóa (Ninh Bình)… Nhiều đồ gốm còn ghi rõ được đặt làm để cung tiến vào chùa, đình, quán như chùa Bối Khê (Hà Tây), Đại Bi (Thái Bình), Thanh Quang (Nam Định), đình Mai Phúc (Hà Nội), Liên Châu (Hà Tây), Quán Linh Tiên (Hà Tây)… Tổng số những nghệ nhân gốm đã lưu danh trên sản phẩm thế kỷ XVI – XVII đã biết đến hơn 30 người. Đặc biệt, gia đình nghệ nhân Đỗ Phủ đã thấy trên hàng chục sản phẩm chân đèn, lư hương bao gồm họ tên ông và vợ là Nguyễn Thị Bản, con trai Đỗ Xuân Vi, con gái Đỗ Thị Tuân và con dâu Lê Thị Ngọc…

Đồ gốm Bát Tràng không chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước về đồ gia dụng, vật liệu kiến trúc, đồ gốm tôn giáo mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Một phát hiện tàu cổ ở vùng biển Cà Mau mấy năm trước đây cho thấy có đồ gốm hoa lam Bát Tràng thế kỷ  XIV cũng với gốm Thái Lan. Hàng hóa trong con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm cuối thế kỷ XV chắc không chỉ có đồ gốm sản xuất ở Chu Đậu (Hải Dương), Thăng Long mà còn có cả ở Bát Tràng.

Vào thế kỷ XVI – XVII, gốm Bát Tràng phát triển trong một bối cảnh kinh tế mới của đất nước và của khu vực. Nhiều nước Tây Âu phát triển tràn sang phương Đông. Các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp thành lập công ty và xây dựng các thương điếm ngay tại phương Đông. Hoạt động ngoại thương khu vực Đông Nam Á càng trở nên sôi động.

Sản phẩm gốm Bát Tràng là mặt hàng được nhiều nước ưa chuộng vì vẻ đẹp hài hòa độc đáo của hình dáng, màu men, nét vẽ. Trong nhiều gia đình quý tộc, thương gia và một số bảo tàng Nhật Bản cho đến nay còn lưu giữ nhiều di vật gốm Việt Nam, trong đó có những đồ gốm Bát Tràng. Theo một số nhà nghiên cứu nhận xét, nhiều nghệ nhân gốm Nhật Bản đã học tập và làm theo gốm “Kochi” (gốm Giao Chỉ) như mẫu lọ, lộc bình, bát dùng trà đạo “vẽ chuồn chuồn” của Bát Tràng. Các công ty phương Tây, nhất là công ty Đông Ấn Hà Lan đã mua nhiều đồ gốm Việt Nam bán sang thị trường Đông Nam Á và Nhật Bản. Năm 1634 thương gia Hà Lan tên là Abraham Duijcker mua 24.720 đồ gốm loại hảo hạng cùng với hàng tơ lụa. Năm 1670, tàu Putoir ngoài tơ lụa và hương liệu còn mua 214.160 đồ gốm của Đàng Ngoài. Họ không những mua đồ gốm mà còn mua cả những viên gạch vuông “da sắt”, vốn là những bao nung gốm hình vuông, cạnh 30cm, dày khoảng 3,5cm. Cho đến thời Nguyễn, người dân Bát Tràng còn phải nộp thuế sản phẩm cho triều đình, mỗi năm mỗi suất đinh 60 viên gạch vuông da sắt và 270 viên gạch vuông loại thường. Gạch Bát Tràng đã từ lâu đi vào ca dao:

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng.

Ước gì anh lấy được nàng,

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây.

Xây dọc rồi lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Thăng trầm của một dòng gốm

Tài liệu hiện vật gốm Bát Tràng thời Trần – Lê Sơ, bao gồm một số loại hình chậu, thạp thuộc dòng gốm hoa nâu, bát, đĩa, lọ, bình thuộc dòng gốm hoa lam…

Dưới thời Lê Sơ và Mạc, thế kỷ XV – XVI, đồ gốm Bát Tràng xuất hiện nhiều loại đồ thờ như chân đèn, lư hương có kích thước lớn. Thời kỳ này, phổ biến kết hợp trang trí nổi để mộc (hình rồng, phượng, ngựa có cánh) với trang trí vẽ lam: mây lửa, hoa dây, lá đề v.v…

Nhờ hệ thống đồ gốm có minh văn có niên đại tuyệt đối trên gốm Bát Tràng mà ta có thể nhận ra nét riêng khác biệt so với các vùng gốm khác. Gốm Bát Tràng tỏ ra khác biệt rõ nhất là mục đích sản xuất phục vụ tiêu dùng từ cung đình đến dân gian,  và tôn giáo tín ngưỡng trong nước. Đề tài trang trí bao trùm là hình rồng, phượng và mây, ngựa, hạc, lân, hoa dây lá, lá đề, hoa cúc…

Từ các mẫu hoa văn trên những đồ gốm có niên đại tuyệt đối chính là cơ sở lập ra hệ thống mẫu chuẩn để xác định niên đại cho rất nhiều gốm Bát Tràng không rõ.

Ở thế kỷ XVI – XVII, gốm Bát Tràng còn xuất hiện một dòng gốm men nhiều màu nặng lửa mà nổi trội là men xanh rêu, vàng nâu và trắng ngà. Loại hình thuộc nhóm này có chân đèn, lư hương, bình vôi, tượng voi, ngựa, nghê… Những nét chung dễ dàng nhận diện của nhóm này là lối trang trí tỉ mỉ đề tài rồng, hoa sen, lá đề, chim, hạc. Với bố cục sắp xếp chim đậu bên hoa sen, hạc đứng, nghê quỳ. Trên loại gốm men nhiều màu này, men nâu còn thấy sử dụng tô trên diềm chân hay đai nổi của chân đèn hay hình hổ phù ở phần trên chân đèn. Đặc biệt, những chân đèn đế hình nghê, lư hương chữ nhật hay vuông, mô hình nhà, long đình… thế kỷ XVII trên gốm Bát Tràng đã có mẫu số chung về nhiều yếu tố như xương gốm, màu men trắng ngà, men xanh rêu, trang trí nổi để mộc là điểm không giống với vùng nào.

Đồ gốm men rạn cũng là một dòng gốm riêng có của Bát Tràng. Qua tập hợp những đồ gốm men rạn có niên đại tuyệt đối chúng tôi đã thấy dòng gốm này xuất hiện từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII và kéo dài đến thế kỷ XIX. Cặp chân đèn hai phần do Đỗ Phủ tạo tác có minh văn ghi rõ niên hiệu Hoằng Định, đời vua Lê Kính Tông. Tiếp theo là cặp bình niên hiệu Cảnh Trị, đời vua Lê Huyền Tông. Lư hương hoa sen, chân nến đế nghê niên hiệu Vĩnh Thĩnh đời vua Lê Dụ Tông. Đỉnh gốm mang niên hiệu Vĩnh Hựu đời vua Lê Ý Tông. Đỉnh chữ nhật, chóe lục giác, lư hương tròn, bình miệng vuông, tượng Di Lặc, tượng Kim Cương, tượng hổ nằm, niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông. Hẳn đây là những vật phẩm gốm mang rõ đặc trưng đồ ngự dụng của cung đình nhà Lê.

Vào cuối thế kỷ XVIII, dưới triều Tây Sơn, nghề gốm men ở Bát Tràng còn phồn thịnh lắm. May sao, bây giờ chúng ta còn có thể hình dung về quang cảnh Bát Tràng ngày đó qua một bài thơ của Cao Huy Diệu. Trong một cuộc du xuân, ông đã kể lại cảm xúc khi đến Bát Tràng qua bài Bát Tràng vãn bạc. Dưới bài thơ có lời tiểu dẫn của ông cho biết: “Năm Giáp Dần (1791) tôi đi chơi, bèn đáp thuyền buôn cùng đi. Đúng trưa, đậu thuyền ở bến Bát Tràng thấy phố chợ đông đúc, hàng bày đầy ắp, mái chèo đi lại tới tấp, ngoài bờ sông một bãi dâu xanh mướt, cảnh xuân như vẽ”.

Buổi trưa đậu thuyền ở Bát Tràng (dịch nôm)

Sông lớn dừng thuyền giữa bến ngang

Đến đây lò bát, chốn quê hương

Sờ sờ đất mới làn roi nổi

Thăm thẳm nương dâu bãi bạt ngàn

Đi lại lối quen nơi phát đạt

Bán buôn tấp nập khách giàu sang…

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ được một cặp bát gốm men rạn vẽ lam với minh văn ghi 4 chữ Hán dưới đế Quang Trung niên tạo, có nghĩa là chế tạo trong khoảng niên hiệu Quang Trung (1788 – 1792). Thành bên trong và ngoài bát đều phủ men rạn đặc trưng dòng gốm Bát Tràng. Lòng bát không thấy dấu kê hay vết khoanh lòng chứng tỏ nó có được nung trong hộp riêng mà có thể do những viên gạch vuông xếp lại. Bên thành ngoài bát, một phía có vẽ khóm trúc bằng men xanh và phía đối diện viết hai hàng chữ Hán: Vị xuất địa đầu tiên hữu tiết. Câu này như một triết lý nhằm ngợi ca khí tiết người quân tử.

Nhiều đồ gốm có ghi niên hiệu Gia Long (1802 – 1819) còn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội là bằng chứng sinh động về nghề gốm men Bát Tràng ở đầu thời nhà Nguyễn. Trên những vật phẩm như lộc bình, chóe, ấm, đồ thờ, đồ gia dụng khác còn khá phổ biến trong nước, chúng ta vẫn thấy sự tiếp nối với kỹ thuật tạo dáng và trang trí của thời cuối Lê – Tây Sơn. Trên các chóe, bình gốm phủ men rạn, ta vẫn thấy kết hợp vẽ men xanh đề tài phong cảnh, chim bên hoa cúc, chim đậu cành trúc, bướm với hoa hồng, chim với hoa sen… Cũng có tiêu bản đáng chú ý như bình “dóng trúc”, người thợ như “sao chép” lại hiện thực ngay từ mấu trúc cho đến một đôi cành lá trúc và một con chim chao cánh. Còn loại bình rượu hình quả bầu lọ thì đề tài xoay quanh các loại vật quý như thanh bảo kiếm, cuốn thư, đỉnh trầm, túi gấm, trái phật thủ hay bông lựu, quả đào…

Từ sau Gia Long trở đi, nghề làm gốm men ở Bát Tràng bị kìm hãm và không để lại những vật phẩm có ghi niên hiệu các vua nhà Nguyễn nữa. Ngược lại, các niên hiệu từ Minh Mạng đến Khải Định đôi khi chúng ta còn có thể thấy rải rác ở nhiều nơi trên các vật phẩm gốm sứ đặt làm ở Trung Quốc. Chính điều này là nguyên nhân hạn chế sự phát triển nghề gốm của Bát Tràng.

Trong thời Pháp thuộc, các lò gốm Bát Tràng tuy bị một số xí nghiệp gốm sứ và hàng ngoại nhập cạnh tranh nhưng vẫn duy trì được hoạt động bình thường, cạnh những hộ sản xuất gốm cá thể đã xuất hiện chủ lò giàu có quản lý 2 lò bầu.

Năm 1936, nhà địa lý học Pháp Pierre Gourou đã nhận xét về làng gốm Bát Tràng như sau:

“Bát Tràng chắc chắn là làng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất vùng châu thổ sông Hồng về mặt tổ chức công nghiệp, với những cái lò đồ sộ, dài 12 m, cao 2,60 m, rộng 3,60 m, những ngôi nhà chen chúc nhau – ở đó không trông thấy trâu hay nông cụ – những đống củi cao lù lù từ 7 tới 8 m3. Nhưng ngôi làng hầu như hoàn toàn công nghiệp này, gần như không có đất trồng trọt, đang ở buổi suy tàn; hiện chỉ còn lại bốn năm lò hoạt động; dân chúng qui sự suy tàn này cho tình trạng khó khăn về tìm đất và giá cả quá cao mà họ phải trả. […] Một số phải đi làm gạch ở bên ngoài và phụ nữ Bát Tràng buôn cau khô và nước mắm rất lớn”.

Bát Tràng ngày nay

Từ sau năm 1954, tại Bát Tràng thành lập xí nghiệp gốm Bát Tràng vào năm 1958, với số công nhân lúc đông nhất tới 1250 người. Vào thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ trước, tại Bát Tràng xuất hiện nhiều xí nghiệp và hợp tác xã như Hợp Thành (1962), Hưng Hà (1977), Hợp Lực (1978), Thống Nhất (1982), Ánh Hồng (1984), X51, X54 (1988)… Các cơ sở trên đây tham gia tích cực vào sản xuất đồ gốm sứ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Một số nghệ nhân gốm đã được Liên hiệp xã ngành gốm sứ xét công nhận như Đào Văn Cam, Nguyễn Văn Khiếu, Lê Văn Vấn, Nguyễn Văn Cổn, Lê Văn Cam. Những năm gần đây ở Bát Tràng càng xuất hiện nhiều nghệ nhân như Trần Độ, Nguyễn Đức Dương, Trần Văn Lợi… Sản phẩm của nhiều nghệ nhân và thợ giỏi ở Bát Tràng đã được nhận nhiều giải thưởng Bàn tay vàng Mỹ thuật Đông Dương (1999), Giải thưởng Ngôi sao Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (2001), Bằng khen của các cấp từ thành phố đến Trung ương, Giải thưởng Quả cầu vàng Festival Huế (2006) v.v…

Từ sau năm 1986, trong công cuộc đổi mới đất nước, hàng gốm Bát Tràng có nhiều chuyển biến lớn theo hướng kinh tế thị trường. Theo đề án qui hoạch làng gốm sứ Bát Tràng, tới năm 2010 số lò hộp trong xã là 1.500 chiếc. Dự kiến đến 2010, tổng giá trị gốm sứ đạt 196.560 triệu đồng.

Sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng phong phú đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm theo mẫu mã mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Bát Tràng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 2000 – 3000 lao động từ các vùng lân cận tới Bát Tràng. Đó là một trong những hiệu quả kinh tế xã hội đáng lưu ý.

Làng gốm Bát Tràng ngày càng phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường nhưng những khó khăn, thách thức còn nhiều. Mâu thuẫn rất cơ bản của Bát Tràng là tốc độ phát triển sản xuất và dịch vụ quá lớn nhưng địa bàn hoạt động lại quá hẹp, không đủ mặt bằng cho phát triển sản xuất. Công nghệ sản xuất tuy có cải tiến, một số công ty trách nhiệm hữu hạn và hộ gia đình đã trang bị lò ga nhưng nhìn chung chưa đủ sức cạnh tranh. Hàng gốm sứ mỹ nghệ truyền thống giá bán còn rất rẻ, lợi nhuận chưa cao. Việc sản xuất gốm sứ chưa chú ý giải quyết giá trị nghệ thuật sáng tạo của nghề gốm cổ truyền. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho sản xuất và đời sống của dân, chưa có qui hoạch và cải tạo gây cản trở cho sản xuất. Môi trường của Bát Tràng đã được báo động cả về nhiệt độ không khí, bụi và khí độc, ô nhiễm nguồn nước… Địa phương chưa có qui hoạch và đầu tư thích đáng để giữ gìn làng nghề truyền thống. Khó khăn khác của làng gốm Bát Tràng là vấn đề “đầu ra”, tạo một sức mạnh căn bản cho sự phát triển. Tuy nhiên, giải pháp xử lý đầu tiên phải là tiếp nhận, chuyển giao qui trình công nghệ vào các khâu chế biến đất, khuôn, men nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm gốm sứ mà vẫn giữ được nét riêng biệt của Bát Tràng. Mặt khác, cần có sự thu hút tài năng, phát triển sáng tạo mẫu mã để thích ứng cao nhất với thị trường, đặc biệt là các mũi nhọn xuất khẩu. Đề án qui hoạch của xã Bát Tràng cũng đã chỉ ra việc cần thiết phải thành lập một trung tâm tiếp thị trên cơ sở tập trung các chuyên gia, thợ giỏi vừa nghiên cứu và tiếp cận mọi nhu cầu khách hàng; thường xuyên có thông tin về giá cả, thị trường thông qua mạng lưới thông tin đại chúng; mở rộng hệ thống đại lý, đại diện để tăng cường quảng cáo giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, việc giao lưu trao đổi, tham quan các cơ sở sản xuất gốm sứ trong nước và nước ngoài sẽ rất cần thiết để các cơ sở sản xuất điều chỉnh và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Làng gốm Bát Tràng là một làng gốm có bề dày lịch sử truyền thống hơn 500 năm. Phát huy truyền thống đó, ngày nay với đường lối đổi mới, thực hiện đề án qui hoạch tổng thể xã Bát Tràng đến năm 2010, Bát Tràng đang từng bước phát triển, năng động và hòa nhập với nền kinh tế đất nước.

* Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ, gốm Bát Tràng còn lại một khối lượng sản phẩm phong phú và đa dạng, Với các vật phẩm gốm qua khai quật khảo cổ học và những đồ gốm trong sưu tập của các bảo tàng và tư nhân và căn cứ vào những đặc điểm chung về xương gốm, màu men, đề tài trang trí và đặc biệt, nhờ các dòng minh văn, chúng tôi đã tập hợp và giới thiệu trong sách Gốm Bát Tràng, thế kỷ XIV – XIX in năm 1995; sách Cẩm nang đồ gốm Việt Nam in năm 1999.

Nguyễn Đình Chiến