Gốm truyền thống của người Chăm Bầu Trúc

Làng Bầu Trúc (hay còn gọi Vĩnh Thuận) có tên theo địa danh Chăm là “Palei Hamu Craok” thuộc khu phố 7, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Làng nằm trên quốc lộ I, các thị xã Phan Rang 9 km về phía Nam. Với số dân khoảng 460 hộ, 2.748 ngàn người, trong đó có hơn 95 % số hộ gia đình làm nghề gốm (1).

Một số mẫu mã gốm mới Bầu Trúc.

Gốm Chăm hầu hết do phụ nữ làm bằng tay và “mẹ truyền con nối” từ đời này sang đời khác. Gốm làm bằng loại đất sét (lan) có độ kết dính khá cao, được thợ gốm lấy từ một loại đất ruộng gần bờ sông do phù sa bồi tụ lâu năm mà thành.

Để tạo được một dáng gốm hoàn chỉnh người thợ gốm phải qua 6 công đoạn nhỏ như sau : Làm đất – Nặn hình – Chà láng gốm – Trang trí hoa văn – Tu sửa gốm – Nung gốm.

Trong quá trình làm gốm, thợ gốm Chăm thực hiện nhiều khâu kĩ thuật khá phức tạp. Từ khâu làm đất, tạo hình đến nung gốm, họ hoàn toàn sử dụng bằng tay. Từ đó việc nặn gốm đòi hỏi thợ gốm phải có tay nghề cao, đạt đến độ tinh xảo thì mới có thể cùng một lúc kết hợp nhiều thao tác phức tạp để tạo thành một sản phẩm gốm có dáng tròn đều đặn.

Một loại nồi của gốm cổ truyền Bầu Trúc.

Do hạn chế về kĩ thuật và công cụ làm gốm nghèo nàn cho nên gốm Chăm mang những đặc điểm như sau:

– Đồ gốm có kích thứơc nhỏ, hình dáng tương đối đơn giản; chủ yếu là đáy tròn miệng loe, miệng khum; đồ gốm thường là đồ dùng để đun nấu, đồ đựng như loại lu (mơng), thạp (jơk), nồi (gaok), niêu (glak) … Phần lớn gốm Chăm Bầu Trúc có đáy tròn miệng loe, hơi loe và miệng khum thấp. Đáy bằng chỉ được khắc phục trong những năm gần đây. Số lượng đáy bằng không đáng kể.

– Đồ gốm có kích thước lớn nhất là lu có chiều cao 120 cm, đường kính miệng gốm 50 cm và lọai có kích thước nhỏ nhất là nồi có chiều cao 20 cm, đường kính miệng 10 cm ; hình dáng gốm đơn giản, chủ yếu là đồ đựng và đồ đun nấu. Bên cạnh đó, gốm Chăm Bầu Trúc còn có loại có chân đế. Các loại đồ này đều sử dụng phương pháp trổ lỗ gắn kết, thường xuất hiện ở các lọai có hình dáng, kích thước nhỏ, số lượng ít như lò nấu củi, nấu than (wan law), nồi hấp (chow), ấm nấu nước (kadhi) .v.v…

– Xương gốm Bầu Trúc tương đối dày, hơi thô do khi làm gốm có trộân nhiều loại cát nhỏ vào đất sét (tỉ lệ trộn đất, cát 1: 1 hoặc 1: 2 tùy øtheo từng loại đồ gốm mà trộn tỉ lệ đất, cát cho thích hợp). Xương gốm không chặt, mịn còn do trong quá trình làm gốm người thợ gốm Bầu Trúc chỉ sử dụng bàn đập nhẹ bằng tay một cách qua lao, không kỹ lưỡng. Họ không sử dụng bàn đập bằng gỗ, đá như các loại gốm khác cho nên kết cấu xương gốm không chặt, có những lỗ nhỏ li ti do những phần tử đất và cát chưa liên kết chặt với nhau. Từ đó làm cho xương gốm hơi thô, có độ thấm nước khá cao.

– Gốm Chăm Bầu Trúc không có lò nung cố định mà nung ngòai trời (nung lộ thiên). Do đó nhiệt độ nung trong lò không ổn định. Vì lò nung ngoài trời nên nó còn phụ thuộc vào thời tiết nắng, gió mà nhiệt độ trong lò có sự thay đổi .

– Phần trang trí gốm Bầu Trúc chủ yếu trang trí ở đồ đựng; các loại đồ đun, nấu không có trang trí hoa văn. Hoa văn trang trí phổ biến là hoa văn thực vật, không có hoa văn động vật. Thường có các kiểu hoa văn khắc vạch, in chấm bằng que cây, bằng vỏ sò, bằng hoa lá thực vật. v.v… Ngoài các loại hoa văn thông thường kể trên còn sử dụng hoa văn móng tay, dùng màu thực vật để nhuộm màu áo gốm và còn kết hợp với phương pháp chà láng để tăng thêm vẻ đẹp của gốm. Đó là đặc trưng riêng biệt dễ nhận thấy ở gốm cổ truyền của người Chăm Bầu Trúc .

Gốm mới Bầu Trúc qua trang trí mỹ thuật.

Nói chung gốm cổ truyền của người Chăm Bầu Trúc, ngoài những đặc điểm riêng mang tính địa phương, nó còn có những đặc trưng chung cuả loại hình gốm cổ ở vùng Đông Nam Á. Đó là gốm làm bằng tay, có sử dụng bàn đập, hòn kê; ngoài ra họ còn sử dụng kĩ thuật chải, miết láng và đặc biệt gốm trang trí các loại hoa văn khắc vạch, in chấm, vỏ sò, hoa thực vật và hoa văn văn monăg tay. Từ kĩ thuật tạo hình dáng gốm, đến từng kiểu loại gốm, cách trang trí hoa văn, cho thấy gốm Chăm Bầu Trúc có mối quan hệ với gốm Sa Huỳnh và mang đặc tính chung của gốm khu vực lục địa và ven biển – hải đảo. Ngày nay gốm vẫn là vật dùng phổ biến trong cộng đồng Chăm và còn được họ đem trao đổi buôn bán, phục vụ đời sống cư dân nông thôn ở miền trung Việt Nam.

Sự phát triển và hội nhập
của gốm Chăm Bầu Trúc

Ngày nay, bên cạnh gốm cổ truyền, ngừời Chăm Bầu Trúc còn làm ra một số mẫu mã mới khác nhau như các loại bình, lọ, lồng đèn với những kiểu dáng khác nhau. Mặc dù vậy, những mẫu mã mới này còn nghèo nàn, chưa đa dạng, chủ yếu là những loại bình, lọ, miệng loe, có tai dùng để cắm hoa, trang trí trong khách sạn và bán cho khách khu du lịch. Để khắc phục sự nghèo nàn của mẫu mã gốm Chăm, ngày nay người Chăm Bầu Trúc còn làm các loại tượng bằng gốm, chủ yếu là họ sao chép hoặc sáng tác mô phỏng từ tượng đá truyền thống của người Chăm như tượng Aprasa, Siva; một số tượng sáng tác về chủ đề con người như tượng Bà Mẹ Chăm, tượng Phụ nữ đội nước và tượng động vật như trâu, dê, rắn, rùa. Sản xuất các loại gốm mới này, nghệ nhân làng gốm Bầu Trúc đã mạnh dạn sáng tạo ra nhiều mẫu mã, hoa văn trang trí mới nhưng họ vẫn giữ kĩ thuật làm gốm truyền thống. Những sản phẩm gốm mới này, mới tự phát theo cảm hứng, chập chững bước vào thị trường và chưa thực sự thu hút kháck hàng.

Sản phẩm gốm mới Bầu Trúc chỉ bước khởi đầu trên con đường chuyển mình từ gốm truyền thống đến gốm trang trí hiện đại trong vài năm trở lại đây. Người thợ gốm Chăm đang tìm kiếm mẫu mã, kiểu trang trí và kĩ thuật sản xuất, đặc biệt là tìm thị trường tiêu thụ. Hướng phát triển bền vững của một làng nghề Bầu Trúc  là làm thế nào để có thể vừa bảo tồn di sản văn hoá vừa tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Đó  đang là ước mơ của người dân Bầu Trúc cũng là những trăn trở của chính quyền địa phương.

Bình gốm miệng loe (mẫu gốm mới Bầu Trúc).

Muốn gốm Bầu Trúc trên con đường hội nhập và phát triển bền vững thì trước hết nghệ nhân phải nâng cao tay nghề, đa dạng hoá hình thức gốm Chăm kể cả mẫu mã và hoa văn trang trí. Điều này, làng Bầu Trúc có điều kiện thuận lợi, vì hầu hết người dân có năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật nặn gốm, điêu khắc, làm tượng. Nếu như ngày xưa, gốm cổ truyền chỉ do người phụ nữ làm hoàn toàn thì ngày nay gốm mỹ thuật trang trí của người Chăm Bầu Trúc lại thuộc đàn ông đảm nhiệm. Hi vọng, những nghệ nhân làng Bầu Trúc nếu được bồi dưỡng, đào tạo bài bản cộng với năng khiếu bẩm sinh nghệ thuật của một làng nghề, kết hợp với vốn văn hoá dân gian Chăm đặc sắc và kho tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm phong phú, đa dạng thì họ sẽ dễ dàng nâng cao tay nghề và tạo bước chuyển biến mới cho làng gốm Bầu Trúc.

Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu khi nói đến gốm Bầu Trúc thường nhấn mạnh đến việc cải tiến kĩ thuật sản xuất như phải cải tiến gốm Bầu Trúc từ gốm nặn bằng tay bằng hòn kê sang gốm có bàn xoay và từ gốm nung lộ thiên (nung ngoài trời) sang lò nung. Đây là một ý tưởng tốt nhưng nếu cải tiến sẽ mất đi phong cách và sắc thái của gốm Bầu Trúc. Bằng chứng, vào năm 2002, chúng tôi và một nhóm nghệ nhân làng gốm người Chăm Bầu Trúc có tham gia biểu diễn cùng với gốm người Kinh ở Phù Lãng, Bắc Ninh, Gốm Mường Chanh của người Thái ở Sơn La tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.Trong cuộc biểu diễn này gốm Phù Lãng và Mường Chanh đều làm bằng bàn xoay, chỉ có gốm Chăm Bầu Trúc là gốm làm bằng tay với hòn kê. Kết quả biểu diễn trong vòng 3 tiếng đồng hồ, gốm Phù Lãng và Mường Chanh làm bằng bàn xoay (mỗi bàn xoay có 2 người : 1 người xoay và một người nặn hình gốm), nhưng gốm Bầu Trúc làm bằng hòn kê chỉ cần một người. Kết quả trong vòng 3 tiếng đồng hồ gốm Phù Lãng và Mường Chanh chỉ làm được 3 cái nhưng nghệ nhân gốm Bầu Trúc làm đến 5 cái gốm, dĩ nhiên gốm có kích thước như nhau. Bằng chứng này nói lên rằng bàn xoay không cải tiến được gì khâu kĩ thuật cho gốm mà quan trọng là khâu kĩ thuật, số lượng sản phẩm của gốm hoàn toàn phụ thuộc vào đôi tay kéo léo của người thợ gốm. Vì làm gốm nhanh hay chậm là phụ thuộc vào đôi tay khéo léo của người thợ gốm, chứ không phải phụ thuộc vào tốc độ của bàn xoay. Nếu bàn xoay quay nhanh nhưng tay nghề thợ gốm thấp, vụng về thì cũng không thể hoàn chỉnh một tác phẩm chóng được.

Về lò nung, cũng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chúng tôi đã thí nghiệm, lấy gốm Bầu Trúc bỏ vào lò nung của gốm Phù Lãng thì gốm Bầu Trúc bị vỡ do chất đất của gốm Chăm Bầu Trúc không chịu được nhiệt độ cao trong lò nung gốm của Phù Lãng. Ngược lại, gốm Phù Lãng bỏ chung vào lò nung ngoài trơiø của gốm Chăm Bầu Trúc thì gốm Phù Lãng không đủ độ chín, vì lò nung của gốm Chăm có nhiệt độ thấp, khoảng 700-800 0C. Tương lai, gốm Bầu Trúc có thể nung được trong lò nung với nhiệt độ thích hợp nhưng nếu như thế sắc màu gốm Chăm sẽ bị thay đổi và gốm Chăm Bầu Trúc sẽ mất đi sắc màu riêng.

Hiện nay, nếu muốn phát triển làng gốm Bầu Trúc bền vững là hoàn toàn phụ thuộc vào nghệ nhân (con người) làng Bầu Trúc và sự hỗ trợ thúc đẩy của nhà nước. Hiện nay làng gồm Bầu Trúc được Đảng – Nhà nước quan tâm, qui hoạch phát triển thành làng nghề. Với đường thôn ngõ xóm sạch đẹp, đây đó, làng gốm Bầu Trúc đã xuất hiện một số nhà treo những bảng hiệu quãng cáo gốm Bầu Trúc với những mẫu mã mới, trang trí đẹp và hấp dẫn. Cơ chế thị trường thực sự thổi vào làng gốm Chăm Bầu Trúc. Hi vọng trong tương lai không xa, với sự hỗ trợ của nhà nước, nghệ nhân sẽ nâng cao được tay nghề, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã và trang trí mới phù hợp với thị hiếu đời sống thẫm mỹ hiện nay mà không lẫn lộn với gốm khác như gốm sứ Trung Quốc, Bát Tràng , Đồng Nai và xa hơn nữa như gốm Mã Lai, Thái Lan trong thị trường gốm da dạng ngày nay.

Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bầu Trúc là một trong hai nghề thủ công truyền thống (nghề gốm và nghề dệt) còn tồn tại ngày nay trong di sản văn hoá của người Chăm Ninh Thuận. Làng gốm này vẫn còn bảo lưu những giá trị văn hoá, nó không chỉ lưu giữ kĩ thuật thủ công truyền thống mà còn giữ nguyên vẹn cấu trúc của một làng nghề, từ hình thái xã hội, quan hệ tộc người, tổ chức lao động sản xuất, hoạt động kinh tế, trao đổi hàng hóa cho đến tôn giáo, tín ngưỡng … đều mang đậm nét cơ chế của xã hội mẫu quyền gắn với nghề thủ công truyền thống từ xa xưa. Ngày nay, làng gốm này đã được quy hoạch thành làng nghề thuộc khu phố 7, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận. Do đó cơ cấu làng gốm cổ truyền của ngưới Chăm Bầu Trúc cũng đang trên đường thay đổi và sự thay đổi này, nếu những nhà quy hoạch không lưu ý thì cơ cấu làng nghề này sẽ bị phá vỡ.

Nghề gốm của người Chăm Bầu Trúc là một nghề của phụ nữ. Qui trình sản xuất gốm Chăm Bầu Trúc bắt đầu từ khâu đào nguyên liệu, tạo hình, nung gốm đến trao đổi sản phẩm phần lớn là do phụ nữ đảm nhiệm. Ngày nay, khâu trang trí, tạo hình gốm mới lại có sự tham gia của đàn ông. Qui trình sản xuất gốm Bầu Trúc đang có sự biến đổi để phù hợp trong cơ chế thị trường với sự phân công rõ ràng giữa đàn ông và đàn bà. Nghệ nhân gốm Bầu có tinh thần cần cù lao động “khéo tay hay làm”; có trình độ tay nghề, kỹ năng, kĩ xảo và bí quyết riêng. Những yếu tố này, đã tạo nên  phong cách riêng của gốm Chăm Bầu Trúc mà không lẫn lộn với các loại gốm khác.

 

  1. Trích Văn Món, Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bầu Trúc – Ninh Thuận, Nxb VHTT,Hà Nội – 2001.