Hành trình về nơi Phan Bội Châu dựng bia tri ân trên đất Nhật

Từ lâu tôi đã từng biết Phan Bội Châu đã dựng một tấm bia trong khuôn viên chùa Jorin thuộc làng Umeyama, thành phố Fukuroi, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản để tri ân tấm lòng nghĩa hiệp của bác sĩ Asaba Sakitaro đối với phong trào Đông Du. Ngày 5 tháng 11 năm ngoái, nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của cụ Phan Bội Châu, 100 năm ngày mất của bác sĩ Asaba Sakitaro, 105 phong trào Đông Du, Hiệp hội Asaba Việt Nam do ngài Amma Yukiho làm đại diện và ngài Michio Togo, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin đã về Nghệ An trao bản dập tấm bia của Phan Bội Châu tri ân bác sĩ Asaba Sakitaro cho Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại thị trấn Sa Nam, Nam Đàn.

Một vài lần tôi đã qua Nhật dự hội thảo, nhưng chỉ quanh quẩn ở Tokyo, không có điều kiện đến tận nơi, vì tôi được biết nơi dựng tấm bia đá tri ân của Phan Bội Châu cách Tokyo về phía Nam khá xa, khoảng trên dưới 250 km. Chuyến đến Nhật tháng 7 năm nay, tôi quyết tâm thực hiện bằng được ý định đã theo đuổi nhiều năm. Chuyến đi lần này, tôi có nhiều thuận lợi, đáng kể nhất là nhiều thời gian, gia đình con trai tôi đang làm việc tại Tokyo và hơn thế nữa, tôi có một người bạn vong niên Nhật Bản đã kết thân với gia đình tôi từ nhiều năm nay. Ông tên là Tomio Ueno, trước đây sống trên Fukushima, nhưng nay đã chuyển đến Kamagawa Pref, cách Tokyo trên dưới 70km. Các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã hội đủ. Ngày 29-7-2011, cuộc hành trình của gia đình tôi gồm có vợ và con trai đầu, được người bạn Nhật lái xe và hướng đạo đưa đến tận nơi mà Phan Bội Châu đã dựng bia đá tri ân bác sĩ nghĩa hiệp Asaba Sakitaro.

Trên đường đi, tôi được biết thêm, để cho chuyến đi đạt kết quả như mong muốn, ông Tomio Ueno đã lấy từ mạng Google Map bản đồ con đường dẫn đến làng Umeyama và gọi điện tới tận nơi để bố trí người tiếp đón. Qua chuyến đi này, một lần nữa chúng tôi hiểu thêm cung cách làm việc của người Nhật không chỉ tận tình, mà còn thật chu đáo. Vì biết tôi là người nghiên cứu lịch sử nên trên đường đi, người bạn Nhật đưa chúng tôi vào một quán ăn ven đường rất cổ kính để nghỉ ngơi và thưởng thức bữa cơm lịch sử thời Êđô. So với những bữa nhậu bây giờ, bữa cơm thời Êđô thật sự đạm bạc. Món chủ đạo là một bát canh khoai như khoai sọ bên ta nghiền nhuyễn chan vào bát cơm trắng nhấm nháp một ít rong biển. Thế là xong. Có lẽ, đây là bữa cơm phổ biến ở nông thôn Nhật thời Êđô. Hương vị bữa ăn trong không gian lịch sử thời Êđô của quán ăn với những hiện vật trưng bày, trong đó có một chiếc áo tơi lá kiểu như áo tơi Nghệ-Tĩnh, làm tôi xúc động thực sự.

Xe dừng trước cổng chùa Jorin. Xuống xe, tôi đã nhìn thấy bên trái chùa nổi lên trên vòm trời mùa hè Nhật Bản nắng chói chang tấm bia của cụ Phan Bội Châu trong khuôn viên nghĩa địa. Người đón tiếp và hướng dẫn chúng tôi đi thăm chính là ông Amma Yukiho, Chủ tịch Hiệp hội Asaba Việt Nam, đã nhiều lần là khách quý của Việt Nam và Nghệ An.

Đứng trước tấm bia đá sừng sững, cao 2,7m, rộng 0,87m được đặt trên một bệ đá cao hơn 1m, ông Y. Amma kể với chúng tôi lai lịch của tấm bia. Tháng 5 năm Đại Chính thứ 6 (1917), Phan Bội Châu bí mật trở về Nhật Bản và được biết bác sĩ Asaba Sakitaro, ân nhân của Phong trào Đông Du, đã mất năm 1910, tức sau khi cụ rời Nhật hơn một năm. Chưa có gì đền đáp lòng nghĩa hiệp của ân nhân, cụ Phan đến tận quê hương, trước mấm mộ thắp nén hương và hứa năm sau quay lại dựng bia tri ân. Năm 1918, Phan Bội Châu cùng Lý Trọng Bá quay lại, trình bày việc làm bia tưởng niệm cho trưởng thôn. Trưởng thôn biết trong túi cụ Phan, kẻ hàn sĩ, không nhiều tiền nên có sáng kiến huy động sức người, sức của trong dân làng giúp cụ Phan thực hiện ý tưởng cao đẹp đó. Trong một cuộc họp với các bậc phụ huynh trường tiểu học của làng, ông Okamoto Sanjiro, Trưởng làng nói với các bậc phụ huynh rằng hai người này (chỉ Phan Bội Châu và Lý Trọng Bá) vượt ngàn dặm đến đây để đựng bia cho thầy Asaba Sakitaro, chúng ta nên giúp đỡ hai ông. Tiếng vỗ tay đồng tình vang lên. Công việc tiến hành khẩn trương trong một tháng. Tấm bia đã dựng xong, trong đó có ý tưởng cùng 100 yên của Phan Bội Châu và công sức của dân làng Umeyama. Hôm khánh thành bia tưởng niệm, toàn bộ dân làng tập trung mở tiệc ăn mừng.

Tác giả bên bia Tri ân của Phan Bội Châu tại làng Umeyama.

Tác giả bên bia Tri ân của Phan Bội Châu tại làng Umeyama.

Mặt trước tấm bia khắc chữ Hán (đã được ông Goto Kinpei dịch sang tiếng Nhật và ông Chu Xuân Giao dịch sang tiếng Việt) như sau:

“Chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới đất Phù Tang, Ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có. Than ôi! Nay chúng tôi sang mà đâu thấy Ngài, trời xanh, biển thẳm, cúi ngưỡng nào biết tỏ cùng ai, đành ghi mối xúc cảm này nơi bia đá. Lời minh rằng:

Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn khắp cả trong ngoài, Ngài ban thời như trời lớn, tôi nhận thời như biển đầy.

Chí tôi chưa thành mà Ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này, ngàn thu ghi tạc.

Ngày Xuân năm Mậu Ngọ (Đại Chính năm thứ 7, tức năm 1918)

Việt Nam Quang phục Hội đồng nhân cẩn chí”.

Mặt sau bia, ghi:

“Tháng 3 năm Đại Chính thứ 7 (1918). Người tán thành Akamoto Sanjiro, Okamoto Setsutaro, Asaba Yoshio”.

Sau khi thắp nén hương trước mộ chí bác sĩ Asaba Sakitaro, ông Y. Amma kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đầy cảm động về tấm lòng nghĩa hiệp của người đã khuất. Khi chính quyền Nhật Bản trục xuất Phan Bội Châu và lưu học sinh Việt Nam ra khỏi đất Nhật theo thỏa ước Pháp-Nhật ký ở Paris năm 1907, tài chính của cụ Phan đã cạn kiệt. Cụ Phan, thông qua Nguyễn Thái Bật, người ốm ngất trên đường đến Tokyo trong phong trào Đông Du, đã được bác sĩ Asaba Sakitaro cứu chữa năm nào, cậy nhờ sự giúp đỡ bằng một lá thư. Không ngờ, thư gửi đi buổi sáng, buổi chiều đã có hồi âm tốt lành. Bác sĩ Asaba Sakitaro đã gửi cho cụ Phan món tiền 1.700 yên kèm những lời chứa chan tình cảm: “Nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau nếu cần, đừng ngại, cứ lên tiếng. Tôi sẽ làm những gì có thể làm được”. Biết rằng tiền lương tháng của Hiệu trưởng trường tiểu học Higashiasaba là 18 yên. Món tiền đó to biết nhường nào nhưng cái lớn lao hơn nằm ở tấm lòng của người cho. Trước lá thư ấm áp tình người, Phan Bội Châu không cầm được lòng, rơi lệ. Mấy hôm sau, Phan Bội Châu đến tận gia đình Asaba Sakitaro ở Kozu, Odawara để cảm ơn sự giúp đỡ và hẹn ngày tái ngộ với Asaba. Chủ khách nâng chén rượu mừng, hẹn ngày tái ngộ, rồi chia tay trong vội vã. Nhưng ông trời không để con người nghĩa hiệp đó sống đến ngày tái ngộ với Phan Bội Châu. Không bao lâu sau khi nâng chén rượu chia tay với cụ Phan, ngày 25 tháng 9 năm 1910, ông bất ngờ đi về cõi vĩnh hằng khi mới 43 tuổi, cái tuổi đang muốn và có nhiều năng lực đóng góp nhiều hơn nữa cho nước Nhật Bản hiện đại.

Gia đình cùng ông Yokiho Amma và ông Tomio Ueno tại khu tưởng niệm.

Gia đình cùng ông Yokiho Amma và ông Tomio Ueno tại khu tưởng niệm.

Gia đình chúng tôi đứng lặng hồi lâu trước mộ chí cụ Asaba Sakitaro mà cụ Phan Bội Châu đã cho xây lại. Lòng tôi thầm hỏi không biết duyên cớ gì đã dẫn hai con người ở hai nước xa nhau vạn dặm đến với nhau, giúp nhau trong hoạn nạn và rồi suốt đời nghĩ về nhau như vậy? Có phải hai con người này – Phan Bội Châu, người Việt Nam sinh năm 1867 và Asaba Sakitaro, người Nhật Bản cũng sinh cùng năm đó, chỉ khác ngày, khác tháng – là những người khởi đầu xây đắp tòa lâu đài vĩnh cửu đề dòng chữ vàng “Tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”?

Năm 2012, hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản bằng những hoạt động thiết thực, sôi nổi, trong đó sẽ có những cuộc Hội thảo khoa học của các học giả hai nước. Trong tâm tưởng của tôi và nhiều người khác, tình hữu nghị Việt –Nhật đã được gieo trồng từ những ngày đầu của thập niên đầu thế kỷ XX trong Phong trào Đông Du. Hai con người gieo trồng tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản là Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro.

Phạm Xanh