Lũng Bó – nơi quyết định lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

Nói đến nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân, ai cũng biết đó là khu rừng Sam Sao thuộc tổng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng. Nhưng nơi đã hình thành nên quyết định đó ở đâu? hẳn không nhiều người biết. Bởi lẽ sử sách ít khi nhắc đến, hoặc có nhắc đến thì người nói nơi này, người nói nơi khác. Chính vì vậy mà năm 1977, Bảo tàng CMVN đã tổ chức một đoàn khảo sát thực địa tại tỉnh Cao Bằng, nhằm xác minh lại những tài liệu do các nhân chứng cung cấp, nhưng có nhiều điểm chưa thống nhất.

Chúng ta đều biết mùa thu năm 1944, sau khi thoát khỏi sự quản thúc của chính quyền Quốc dân đảng ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh rời Liễu Châu về nước. Ngay sau khi về đến căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng, Người đã có hai quyết định quan trọng: Một là, hoãn cuộc khởi nghĩa do Liên Tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng chuẩn bị phát động; Hai là, quyết định thành lập Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân.

Sự kiện lịch sử quan trọng này, theo tôi biết, không có tư liệu văn bản để lại, mà chủ yếu dựa vào lời thuật của các nhân chứng lịch sử  có đối chiếu với các tài liệu liên quan. Chính vì vậy, thời gian xẩy ra sự kiện và, nhất là địa danh nơi diễn ra sự kiện đã được ghi chép khác nhau.

Chiến sĩ Giải phóng quân tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu.

Trước hết xin được nhắc lại sự kiện này qua một số tài liệu đã xuất bản:

Tôi cùng anh Vũ Anh lên Pác Bó… Khi được nhìn thấy Bác ở trong căn lán nhỏ trên sườn một quả đồi…” (Võ Nguyên Giáp: “Từ Pác Bó đến Tân Trào”, trong Đầu Nguồn, NXB Văn học, HN 1977, tr.75).

Chúng tôi được tin Bác đã về nước… Hội nghị cử ngay anh Giáp và tôi đi báo cáo tình hình và xin chỉ thị của Bác. Lúc bấy giờ Bác đang ở Nà Sác, một xã thuộc Cao Bằng, giáp giới Trung Quốc. Bác ở trong một căn lán nhỏ, chung quanh núi đá bao bọc…” (Vũ Anh: “Những ngày gần Bác”, Đầu Nguồn, tr.280).

Trong khi đồng bào các dân tộc đang náo nức chuẩn bị lương thực, súng ống, đạn dược… đợi ngày hành động thì có tin Bác trở về sau chuyến rời Cao Bằng từ tháng 8-1942… Tại một địa điểm ở xã Hồng Việt, nay gọi là xã Nà Sác (huyện Hà Quảng) Bác gọi tôi và đồng chí Văn tới giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân…” (Lê Quảng Ba : “Bác Hồ về nước”, Đầu Nguồn, tr.227).

Đó là một số ghi chép của những người trong cuộc và ngoài cuộc có liên quan. Sau đây là thông tin về sự kiện này của một số cuốn sử đã xuất bản :

Tháng 9-1944, đồng chí Hồ Chí Minh đã về tới những cơ sở cách mạng của ta ở vùng biên giới Việt – Trung (giáp Cao Bằng). Đầu tiên, Người tới xóm Khum Đắc (thuộc địa phận Trung Quốc, cách Pác Bó 3 km), nơi đồng bào Pác Bó đang ở để tránh sự khủng bố của thực dân Pháp. Sau đó, Người chuyển sang Lũng Ỉ (thuộc địa phận Trung Quốc, giáp xã Nà Sác, Cao Bằng, một cơ sở mạnh của ta). Biết tin trên, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh đã lên gặp Người. Sau khi nghe hai đồng chí báo cáo tình hình và nghị quyết của Liên Tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng, đồng chí Hồ Chí Minh quyết định hoãn nghị quyết “Phát động chiến tranh du kích” của Liên Tỉnh uỷ…” (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Những sự kiện lịch sử Đảng, tập I, NXB Sự Thật, HN 1976, tr.584, 585).

Tháng 7-1944, Liên Tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng họp nhận định tình hình và cho rằng điều kiện đã chín muồi để phát động chiến tranh du kích trong liên tỉnh. Sau đó, Liên Tỉnh uỷ sắp tổ chức một cuộc họp cuối cùng để giải quyết những vấn đề còn lại và quyết định ngày, giờ khởi nghĩa  thì Hồ Chủ tịch vừa trở về đến Pác Bó (Cao Bằng). Sau khi nghe báo cáo về tình hình và nghị quyết của Liên Tỉnh uỷ, Hồ Chủ tịch quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa… Người nhận định: bây giờ thời kỳ cách mạng hoà bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ tổng khởi nghĩa toàn dân chưa đến… đã đến lúc cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, nhưng lúc này chính trị vẫn trọng hơn quân sự, cần phải tìm một hình thức thích hợp thì mới có thể đi tới thành công…” (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiểu sử và sự nghiệp (in lần thứ ba), NXB Sự Thật, HN 1975, tr.78, 79).

Qua một số trích dẫn ở trên, chúng tôi thấy :

Về thời gian : Có độ chênh từ tháng 7 đến tháng 9.

Về nội dung : Các cuốn sử chỉ đề cập đến một nội dung của sự kiện, đó là  hoãn khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng mà không đề cập đến nội dung thứ hai là quyết định thành lập Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân. Nhiều Hồi ký của người ngoài cuộc cũng không nhắc đến nội dung thứ hai.

Về địa điểm : Các cuốn viết về Hồ Chí Minh hầu như đều khẳng định là ở Pác Bó. Cuốn về sự kiện lịch sử Đảng thì cho rằng ở Lũng Ỉ (Trung Quốc). Có một số rất ít hồi ký nói ở Nà Sác.

Vậy quyết định lập Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân , một quyết định lịch sử đã hình thành như thế nào và ở đâu ?

Trước khi trình bày ý kiến của cá nhân, tôi xin kể lại tóm tắt chuyến khảo sát điền dã ở Nà Sác vào đầu hè năm 1977 của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

*

*      *

Nữ chiến sĩ Vệ quốc quân tại “Đại hội tập” của bộ đội Liên khu IV ở Thanh Hóa năm 1949. Ảnh tư liệu.

Đầu mùa hè năm 1977 một đoàn nghiên cứu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam gồm các ông Vũ Kiên (Phụ trách Bảo tàng), Mai Khắc ứng, Đặng Hoà và hai người nữa rời Hà Nội tiến hành chuyến khảo sát nghiên cứu thực địa một số vấn đề lịch sử ở Lam Sơn, Nà Sác, Pác Bó thuộc Cao Bằng. Cùng đi với đoàn từ Hà Nội còn có ông Vũ Anh. Đến thị xã Cao Bằng, đoàn bổ sung thêm một số cán bộ của Sở Văn Hoá, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh. Lịch trình khảo sát của đoàn : xã Nà Sác (huyện Hà Quảng), thôn Pác Bó (xã Trường Hà huyện Hà Quảng), vùng núi Lam Sơn huyện Hoà An.

Đến Hà Quảng, tối hôm trước ngày lên Nà Sác, tại văn phòng Huyện uỷ, một cuộc họp nhẹ nhàng được tiến hành để xác minh thu hẹp dần phạm vi tìm khu vực có chiếc lán Bác đã ở trong tháng 9 và tháng 10-1944. Chúng tôi trông chờ nhiều vào trí nhớ của các đồng chí Vũ Anh, Bảo An, Đại Tiến… những nhân chứng của sự kiện lịch sử đó.

Xã Nà Sác thuộc huyện Hà Quảng là xã giáp với xã Trường Hà. Nà Sác lúc đó có 9 xóm, dài trên 20 km với hơn 800 dân. Xóm biên giới ở Nà Sác là xóm Mã Lịp. Mã Lịp có ba lũng: Lũng Cáy Hạp, Lũng Cát và Lũng Bó. Vậy chiếc lán năm xưa ở Lũng nào? Mọi người sôi nổi bàn bạc về các chi tiết liên quan đến việc xác định nơi dựng lán. Cuối cùng hai đồng chí Vũ Anh và Đại Tiến cung cấp một chi tiết : chính tại lán Bác Hồ ở, lúc đó, anh em đã làm thịt một con vượn đen bắt được ở dưới lũng để liên hoan. Các đồng chí ở Hà Quảng nói : nếu vậy chỉ Lũng Bó mới có vượn đen. Đoàn khảo sát quyết định tìm khu vực dựng lán ở Lũng Bó.

Sáng hôm sau, rời huyện lỵ Hà Quảng chúng tôi lên xe theo con đường đá to leo lên Nà Sác. Năm 1972 bà con các dân tộc ở đây đã phá núi mở con đường này dài gần 10 km, ô tô đi lại được để nối liền Nà Sác và các vùng phụ cận với huyện lỵ.

Đến Mã Lịp, hết đường xe đi. Đoàn tiếp tục lội bộ do đồng chí Bảo An dẫn đầu. Trên đường đi, Vũ Anh nói; “ Tôi nhớ thêm rồi, mỏ nước nơi dựng lán nằm ngay bên trái con đường này”. Chúng tôi leo núi, qua lũng, vào rừng, rồi lại leo núi… vừa phát lá dây leo lấy lối, vừa quan sát hai bên. Đến một chẽ ba đường, Bảo An dừng lại chỉ con đường mòn đi men sang dãy núi bên phải và nói: “Đường này sang Pác Bó. Năm xưa giao thông đã dẫn đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh qua lối này sang gặp Bác”. Đi một đoạn nữa trên đường xuống Lũng Bó thì có tiếng người đi đầu reo to: “Mỏ nước đây rồi”. Mọi người dồn lại chỗ mỏ nước nằm bên trái đường mòn. Cách bên trái lối đi khoảng 5 mét có một bãi đá bằng phẳng rộng chừng trên dưới 10 mét vuông, nằm sát sườn núi. Trên bãi đá có một giếng nước nông được tạo thành từ mạch nước ngầm trong núi đá. Cứ theo sự mô tả của các tài liệu đã có mà chúng tôi đã tổng hợp trước lúc rời Hà Nội lên đường khảo sát, sự nhận diện của các nhân chứng cùng đi thì đây rất có thể là nơi đã dựng chiếc lán lịch sử năm xưa.

Anh em trong đoàn đo đạc, ghi chép và chuyện trò bên mỏ nước. Chiếc lán năm xưa đã bị thời gian huỷ hoại không còn dấu vết. Nhưng có lẽ chính nơi đây, ở bên sườn núi hẻo lánh gần như không người qua lại này, khoảng tháng 9-1944 đã chứng kiến một sự kiện lịch sử quan trọng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng và bàn với đồng chí Võ Nguyên Giáp về những vấn đề liên quan đến quyết định thành lập Việt Nam Truyên Truyền Giải Phóng Quân.

Qua các tư liệu gián tiếp như tự thuật, toạ đàm, khảo sát điền dã thực địa mà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã thu thập được trong những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, ý kiến của tôi về sự kiện này như sau :

  1. 1. Về thời gian : Trong khoảng tháng 9-1944, vì :

–  Theo Kinhchen: “ Ngày 9-8-1944, Trương trả tự do và cho phép Hồ về Việt Nam… Theo báo cáo của Trương Phát Khuê ngày 9-8-1944, trước khi rời Liễu Châu, Hồ đã được cấp một giấy thông hành, giấy chứng nhận, bức thư của Trương, một bản đồ quân sự, các tài liệu, thuốc men… Một tháng sau khi Hồ về nước, người Trung Quốc nhận được báo cáo xác định rằng ông ta chính là Nguyễn Ái Quốc lừng danh… việc nhận ra Hồ là Nguyễn Ái Quốc là do Hsingchenchou phát hiện lần đầu tiên trong bức điện tín ngày 1-10-1944…” (Kinhchen: Mối bang giao Việt-Trung 1939-1945).

– Theo Dương Đại Lâm: “các đồng chí đón Bác về Khum Đắc vào lúc mùa gặt” (Dương Đại Lâm, “Bác đến bên tôi” trong Đầu Nguồn, tr.408-409).

– Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đã dẫn): “Tháng 9. Mùa gặt sắp xong, Liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng đang trù tính một cuộc Hội nghị cuối cùng để quyết định ngày giờ phát động cuộc chiến tranh du kích, thì lúc ấy có tin Bác về nước.”

–  Theo Vũ Anh (đã dẫn): “Liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng triệu tập một cuộc hội nghị vào cuối tháng 8-1944… giữa lúc ấy thì chúng tôi nhận được tin Bác về nước.”

  1. 2. Về nội dung: Sự kiện này chứa đựng hai nội dung chứ không phải một như nhiều tài liệu đã viết. Trong các bài viết, bài nói và các hồi ký đã xuất bản của mình, khi nhắc lại sự kiện này Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: sau khi đồng chí và Vũ Anh báo cáo với Bác các vấn đề trong Liên tỉnh, trong đó có nghị quyết vũ trang khởi nghĩa của Liên tỉnh uỷ, Bác đề nghị hoãn khởi nghĩa Cao-Bắc-Lạng. Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ phát triển hoà bình đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự… lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại phân tán quá. Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động… chúng ta sẽ lập Đội quân Giải phóng… Đêm hôm ấy, trên núi cao, cái rét của mùa đông đến sớm hơn. Trong căn lán lạnh giá, không đèn đóm, Bác và chúng tôi, mỗi người gối đầu trên một khúc gỗ cứng. Bác phác ra những nét chính về Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động, và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược. Bác hướng dẫn cho tôi làm một bản kế hoạch… Sáng hôm sau, tôi cùng anh Lê Quảng Ba lên mỏm núi sau cơ quan trao đổi làm kế hoạch. Chúng tôi thấy lúc đầu nên tổ chức ra một Trung đội gồm ba Tiểu đội. Lực lượng sẽ rút ra từ các đội vũ trang các châu Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình. Chúng tôi trao đổi từng tên các chiến sĩ… Buổi chiều, cuộc họp lại tiếp tục. Chúng tôi báo cáo lại với Bác bản kế hoạch đã dự thảo… Sau khi suy nghĩ, Bác đề nghị thêm hai chữ “Tuyên truyền” vào tên Đội quân Giải phóng cho đúng với nhiệm vụ hiện tại của nó… Thế là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời” (Đầu nguồn, sđd, tr.76-80).

Trong các cuộc toạ đàm, tự thuật tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, cũng như trong các hồi ký đã xuất bản, Vũ Anh cũng kể lại như vậy:“…Bác chăm chú nghe chúng tôi báo cáo xong rồi nhận định: “bây giờ thời kỳ cách mạng hoà bình đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa thì chưa đến… nếu  chúng ta chỉ hoạt động bằng hình thức vận động chính trị không thôi thì chưa đủ để đẩy phong trào đi tới. Nhưng nếu chúng ta phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì sẽ bị địch khủng bố và tiêu diệt…”. Theo Bác, nếu lập ra Đội quân Giải phóng ngay thì hãy còn sớm. Bác suy nghĩ rồi hôm sau quyết định cho chúng tôi thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng quân.” (Đầu Nguồn, tr.280-281).

Chính sau cuộc họp này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cùng Liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng trao đổi kế hoạch điều động lực lượng và tổ chức thực hiện việc điều người từ các đội vũ trang châu Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình đến tập trung tại khu rừng Sam Sao thuộc tổng Trần Hưng Đạo làm lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng quân vào cuối tháng 12 năm 1944.

3.Về địa điểm: Nơi hình thành quyết định và kế hoạch thành lập Đội ở Lũng Bó (thuộc xã Nà Sác) hay ở Pác Bó (thuộc xã Trường Hà)? Tôi cho rằng không phải ở Pác Bó vì:

  1. a) Từ cuối năm 1943 đến cuối năm 1944, cơ sở Việt Minh ở Pác Bó, từ cán bộ đến quần chúng cơ sở đều phải rời bản tạm lánh sang sống ở Khum Đắc (đất Trung Quốc) vì sự khủng bố của địch. Tổ chức không thể bố trí đón Bác về nơi đang nằm trong sự khủng bố trắng của quân thù. Suốt từ mùa thu năm 1943, lính Tây, lính khố đỏ, khố xanh, lính “Cúp-Phăng” (lính dõng chuyên nghiệp chuyên đi lùng sục khắp nơi) đóng ở đồn Sóc Giang đã tổ chức vây càn các “xã hoàn toàn” nằm trong giải núi từ Hồng Việt đến Pác Bó. Chúng càn đi càn lại nhiều lần, buộc quần chúng các nơi đó phải tạm lánh sang các làng bản Trung Quốc liền kề.
  2. b) Liên lạc của ta từ Liễu Châu về trong nước năm 1944 vẫn qua đường Cột Mà. Từ Cột Mà liên lạc trực tiếp với Dương Đại Lâm ở Pác Bó. Thời điểm Bác về nước cuối năm 1944, Dương Đại Lâm lại đang cùng bà con Pác Bó sinh sống ở Khum Đắc, Khum Lự bên Trung Quốc. Vì vậy, lời kể của Dương Đại Lâm là hợp lý.
  3. c) Khum Đắc – Khum Lự – Lũng Ỉ – Lũng Bó – Pác Bó là tên các lũng, các xóm nằm trên đường liên lạc lúc đó từ Khum Đắc về Pác Bó. Ba địa danh đầu thuộc đất Trung Quốc liền kề biên giới. Hai địa danh sau thuộc đất Việt Nam nhưng thuộc hai xã khác nhau của huyện Hà Quảng. Từ Pác Bó (xã Trường Hà) theo đường mòn trên núi tới Lũng Bó (xã Nà Sác) chỉ khoảng 2,3 giờ leo núi.
  4. d) Hai nhân chứng trong cuộc (Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Anh) nhớ về địa danh có khác nhau.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tôi cùng anh Vũ Anh lên Pác Bó… nhìn thấy Bác ở trong căn lán nhỏ trên sườn một quả đồi…”.

Đồng chí Vũ Anh: “… Lúc bấy giờ Bác đang ở Nà Sác, một xã thuộc Cao Bằng, giáp biên giới Trung Quốc. Bác ở trong một căn lán nhỏ, chung quanh núi đá bao bọc…” (xem phần đầu bài viết – ĐH).

Trong nguồn tin thứ nhất có một chi tiết đáng lưu ý: Bác ở trong căn lán nhỏ trên sườn một quả đồi. Pác Bó không có đồi. Những nơi Bác ở Pác Bó, trừ lán Khuổi Nậm, Bác không ở một lán nào khác dựng trên sườn núi. Lán Lũng Bó dựng trên sườn núi. Phân tích chi tiết nguồn tin này kết hợp với các nguồn tin của Vũ Anh, Lê Quảng Ba, Bảo An, Dương Đại Lâm, Đại Tiến… chúng tôi cho rằng đồng chí Vũ Anh nhớ đúng.

Như vậy, theo chúng tôi, sự kiện này nên được ghi nhận như sau:

Khoảng đầu tháng 9-1944, ngay sau khi về nước, tại Lũng Bó nơi biên giới thuộc xóm Mã Lịp xã Nà Sác huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng, sau khi nghe Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh báo cáo tình hình và nghị quyết tháng 8-1944 của Liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa do Liên tỉnh uỷ chuẩn bị phát động và quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Đặng Hòa TƯỜNG THUẬT