Đi tìm mộ Phan Huy Chú (1782-1840)

Năm 1982 nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh của Phan Huy Chú (1782-1840), một số nhà khoa học hỏi tôi về mộ Phan Huy Chú ở đâu và nêu ý kiến nên tôn tạo ngôi mộ cho tương xứng với cống hiến học thuật của danh nhân. Tôi trả lời dè dặt,  trong gia phả có chép nhưng quả thực cho đến nay, chưa ai tìm kiếm và xác minh. Câu hỏi của các bạn đồng nghiệp thôi thúc tôi và con cháu trong họ phải có trách nhiệm tìm ra ngôi mộ của Phan Huy Chú. Cuộc hội thảo khoa học “Bảo tồn phần mộ danh nhân Phan Huy Chú” mới đây đã được Hội KHLSVN, Viện Sử học, Sở VH-TT Hà Tây và UBND huyện Ba Vì đồng tổ chức, đã giúp chúng ta xác minh lại sự việc đó.

Cứ liệu gia phả

Hiện nay trong họ và Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được 4 gia phả họ Phan Huy. Trước hết tôi xin lưu ý, dòng họ Phan Huy vốn xưa là Phan Văn, đến đời thứ tám là Phan Huy Cận mới đổi thành Phan Huy. Tổ tiên xa nhất gọi là Tiên tổ mà gia phả ghi nhận thuộc thời Lê sơ thế kỷ XV. Dòng họ trước đây ở xã Ngọc Điền (xã Thạch Thượng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thị trấn huyện lỵ huyện Thạch Hà hiện nay). Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) mới dời về thôn Chi Bông, sau đổi là thôn Hữu Phương (xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Đời thứ bảy, dòng trưởng là Phan Văn Canh dời từ thôn Hữu Phương về thôn Gia Thiện (xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), dòng thứ vẫn ở Hữu Phương. Dòng họ Phan Huy định cư tại Gia Thiện cho đến nay.

Đời thứ sáu là Đô đốc Vinh Lộc hầu Phan Văn Kính có hai người con gái là Phan Thị Nẫm được tuyển chọn làm cung tần chúa Tây Đô vương Trịnh Tạc (1657-1682) và Phan Thị Lĩnh làm cung tần chúa Định vương Trịnh Căn (1682-1709). Hai phi tần này đã từng về xã Thuỵ Khuê (thôn Thuỵ Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây) tu sửa chùa Hoa Phát, chùa Bối Am (chùa Một Mái), dựng đền thờ Một Mái thờ cha gọi là “Phan Đô đốc từ” trong đền tạc tượng thờ, đúc chuông và mở ao vườn làm ao công của làng gọi là Ao Gạch… Nhưng đến đời thứ tám, Tiến sĩ Phan Huy Cận (1722-1789) mới nhập cư ở Thuỵ Khuê và được coi là Tổ của chi phái Sài Sơn, trong gia phả thường gọi là Sơn phái tức chi phái ở Sơn Tây. Họ Phan Huy có nhiều chi phái ở nhiều nơi nhưng vào cuối thời Lê trung hưng và đầu thời Nguyễn, tức thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, chi phái Sài Sơn phát đạt nhất.

Hiện nay dòng họ còn lưu giữ được 4 bản gia phả. Tại Gia Thiện-Hà Tĩnh lưu giữ được 2 bản đều mang tên “Phan gia công phả”, một bản đầy đủ 167 trang, một bản thiếu một số trang (1). So sánh nội dung thì hai văn bản cơ bản giống nhau, gần như sao chép từ một văn bản chung trước đó. Chi phái Sài Sơn trước đây cũng lưu giữ 1 văn bản gia phả do cụ Phan Huy Diêu giữ và tôi đã có dịp được mượn về nhà xem, sao chụp lại một số phần cần thiết. Tiếc rằng sau khi cụ Phan Huy Diêu mất, bản gia phả này bị thất lạc và cho đến nay vẫn chưa tìm ra. May thay Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được 2 văn bản gia phả họ Phan Huy do Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) sưu tầm. Đó là “Phan gia thế tự lục” do Phan Huy Quýnh (1775-1844) soạn tại Sài Sơn năm Bính Tuất niên hiệu Minh Mệnh thứ 7 tức năm 1826 (2) và “Phan tộc công phả” do Phan Huy Dũng (1842-1912) soạn với bài dẫn viết năm Canh Dần niên hiệu Thành Thái tức năm 1890 và bài tựa tân biên năm Duy Tân thứ nhất tức năm 1907 (3). EFEO thu thập hai gia phả này tại chi phái Sài Sơn. Giữa 4 gia phả trên có một ít khác biệt, nhưng về cơ bản là thống nhất và bổ sung cho nhau. Về hành trạng của Phan Huy Chú thì “Phan tộc công phả” của Phan Huy Dũng và “Phan gia công phả” của dòng họ Phan Huy ở Gia Thiện-Hà Tĩnh chép tương đối đầy đủ nhất và hoàn toàn thống nhất.

Theo tư liệu gia phả thì Phan Huy Chú (1782- 1840) thuộc đời thứ chín, là con trai thứ ba của Tiến sĩ Phan Huy ích (1750-1822) và mẹ là Ngô Thị Thục (1750-1792), con gái cả của Tiến sĩ Ngô Thì Sĩ. Cuộc đời thi cử và làm quan của Phan Huy Chú gặp nhiều trắc trở, hai lần đi thi (năm 1807, 1819) chỉ đỗ Tú tài, 12 năm làm quan (từ 1821 đến 1833) cũng không được tin cậy khi thăng khi giáng, có khi bị khiển trách, ghép tội và bãi chức, cách chức. Chí hướng và tâm huyết của ông giành cho đọc sách, khảo cứu và trước tác. Năm 1833 sau chuyến công cán ở Giang Lưu Ba (Batavia tức Jakarta, Indonesia hiện nay) về, ông lấy cớ đau chân, xin trí sĩ, trở về cuộc dời dạy học và sáng tác thơ văn (4).

Phan Huy Chú có hai vợ. Bà chánh thất là  Nguyễn Thị Vũ, người làng An Lũng (Hoài Đức, Hà Tây), con gái Thượng thư Bộ lại Nguyễn Thế Lịch (1748-1817) và cháu ngoại Đại vương Nguyễn Quý Đức làng Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội). Nguyễn Thế Lịch còn có tên là Nguyễn Gia Phan, đỗ Tiến sĩ cùng khoa với Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm (khoa thi năm 1775), cùng theo Tây Sơn và cùng bị vua Gia Long sai đánh đòn trước Văn Miếu. Bà sinh 4 con trai là: Phan Huy Uyên, Phan Huy Chuẩn, Phan Huy Triệt, Phan Huy Hàm và 1 con gái là Phan Thị Cơ. Bà thứ thất, người làng Thanh Mai (Ba Vì, Hà Tây), gia phả không ghi họ tên. Bà sinh 1 con trai là Phan Huy Nhuận. Theo gia phả, sau khi nghỉ hưu, Phan Huy Chú về dạy học tại quê bà vợ thứ và mất tại đây vào năm Minh Mệnh thứ 21 tức năm 1840. Theo “Phan tộc công phả” thì khi mất, mộ Phan Huy Chú táng tại Thanh Mai. Trong số 5 con trai của Phan Huy Chú thì:

– Phan Huy Uyên, tục gọi Cả Khế, mất sớm.

– Phan Huy Chuẩn tục goi Hai Kế, nhập tịch làng Đại Mỗ để lo thờ cúng tổ tiên bên ngoại là bà ngoại họ Ngô ở làng Tả Thanh Oai,   mẹ họ Nguyễn ở làng An Lũng và ông ngoại ở làng Đại Mỗ.

–  Phan Huy Triệt tục gọi Ba Mai, nhập tịch làng Thanh Mai.

– Phan Huy Hàm sinh 1 con gái và mất sớm.

– Phan Huy Nhuận cũng nhập tịch làng Thanh Mai.

Như vậy tư liệu gia phả cung cấp hai căn cứ quan trọng:

– Hai người con trai của Phan Huy Chú nhập tịch tại Thanh Mai và lập thành một chi phái họ Phan Huy ở đây.

– Vào cuối đời, Phan Huy Chú dạy học và sống 7 năm tại Thanh Mai rồi năm 1840 mất và mộ táng tại đây.

Đấy là những cứ  liệu trong gia phả cho phép định hướng đi tìm mộ Phan Huy Chú tại làng Thanh Mai.

 

Điều tra thực địa

Làng Thanh Mai tục gọi là Kẻ Mơ, thuộc tổng Thanh Mai, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay là thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (5).

Ngày 19 tháng 4 năm 2001, tôi cùng gia đình và ông Phan Huy Dục thuộc chi phái Sài Sơn tìm về làng Thanh Mai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Chúng tôi gặp Đảng uỷ và UBND xã Vạn Thắng, trong lãnh đạo xã cũng có người thuộc dòng họ Phan Huy. Các đồng chí rất vui vẻ tiếp chúng tôi và cho biết tại Mai Trai chỉ có một dòng họ Phan với tên lót là Phan Huy hay Phan Văn. Chúng tôi về thôn Mai Trai gặp một con cháu và vị cao tuổi trong họ Phan Huy. Tất cả hậu duệ đều khẳng định là con cháu của một chi phái họ Phan Huy nhưng không nhớ tên vị tiên tổ đến đây đầu tiên. Gia phả chữ Hán đã bị đốt cháy năm 1948 khi quân Pháp nhảy dù xuống Bạch Hạc rồi càn quét cả vùng này. Qua ký ức lưu truyền con cháu chỉ biết vị tiên tổ gốc ở làng Thầy (tức Sài Sơn), về đây dạy học, thường gọi là Ông Sứ hay Ông Chánh Sứ. Điều vui mừng là các cụ cho biết mộ tổ họ Phan Huy vẫn còn và mới được con cháu xây lại năm 1994. Các cụ cũng cho biết sau con cháu ít người học hành đỗ đạt mà phần lớn làm ruộng và buôn bè trên sông Đà, một nghề phổ biến ở vùng này.

Chúng tôi đi thăm mộ tại xứ Nội Ngân thuộc địa phận thôn Mai Trai. Ngôi mộ rõ ràng mới xây và có ghi rõ ngày xây là 20-12-1994. Mộ hình khối vuông, trên cùng có mái hình chóp bốn cạnh rồi tiếp đến bốn mái hiên. Trong mộ có bia viết chữ quốc ngữ  “Mộ tổ họ Phan”, dưới ghi ngày “Kỵ 22-1”.

Chúng tôi tin rằng đây là mộ Phan Huy Chú, nhưng cần xác minh thêm. Điều băn khoăn nhất của tôi là ngày giỗ theo một cuốn gia phả do Phan Huy Long và Phan Huy Uẩn biên soạn ở Sài Gòn năm 1963 là ngày 27 tháng 4 (6) mà mộ chí lại ghi là 22 tháng 1.

Trở về Hà Nội, tôi tìm đến gặp cụ bà Phan Huy Diêu (1917-2002) là người cao tuổi nhất trong chi phái họ Phan Huy ở Sài Sơn, năm 2001 đã 84 tuổi và đã từng buôn bán ở vùng Thanh Mai. Cụ cho biết, dân buôn bè sông Đà rất vất vả, phải lo làm ăn cho đến cuối tháng chạp mới về nhà ăn lo chuẩn bị ăn tết và thường sau Tết, trong tháng giêng mới làm lễ cúng tổ tiên. Do đó, ngày giỗ 22-1 có thể là ngày giỗ Tổ của con cháu theo tập quán làm ăn của dân buôn bè. Đấy là một giả thuyết giải thích sự khác biệt về ngày giỗ chép trong gia phả và ngày giỗ con cháu thực hiện  trong cuộc sống thực tế.

Ngày 21 tháng 1 năm Bính Tuất-2006, tôi lại cùng gia đình và ông Phan Huy Khang và ông Phan Huy Dục thuộc chi phái Sài Sơn về cúng giỗ cùng bà con họ Phan Huy ở Thanh Mai. Lần này chúng tôi may mắn được gặp rất nhiều con cháu của hai chi ở Thanh Mai và Đại Mỗ đều là hậu duệ trực tiếp của Phan Huy Chú cùng một số chi phái khác.

Theo gia phả có thể tóm lược thành sơ đồ con cháu chi phái họ Phan Huy ở Thanh Mai và Đại Mỗ như sau (xem sơ đồ).

 

Với sự có mặt khá đông của con cháu hai chi ở Thanh Mai và Đại Mỗ, trong buổi trao đổi, nhiều thông tin liên quan đến việc xác minh mộ Phan Huy Chú được tập hợp đầy đủ hơn. Cả hai chi này đều không giữ được gia phả chữ Hán, đó là điều đáng tiếc. Nhưng qua trao đổi, con cháu hai chi trực hệ của Phan Huy Chú, theo ký ức lưu truyền trong dòng họ đều thống nhất ghi nhớ: Tiên tổ là một thày giáo từ Thầy (tức Sài Sơn) đến dạy học tại quê vợ ở Thanh Mai, gốc từ Hoan Châu (tức Nghệ Tĩnh), thường gọi là Ông Sứ hay Ông Chánh Sứ. Những thông tin này hoàn toàn phù hợp với quê quán và cuộc đời của Phan Huy Chú:

–  Quê ở Thầy tức Sài Sơn là chi phái họ Phan Huy do Tiến sĩ Phan Huy Cận khai lập mà Phan Huy Chú là cháu gọi bằng ông nội.

–  Quê gốc ở Hoan Châu là họ Phan Huy ở Gia Thiện-Hà Tĩnh hiện nay, trước thuộc Hoan Châu hay Nghệ An.

–  Làm nghề dạy học vì từ sau khi xin nghỉ hưu, Phan Huy Chú về quê bà vợ thứ ở Thanh Mai dạy học.

–   Thường gọi là Ông Sứ hay Chánh Sứ vì trong thời gian làm quan cho triều Nguyễn, Phan Huy Chú ba lần được cử đi sứ nước ngoài: năm 1824 được cử làm Phó sứ sang triều Thanh, năm 1830 cũng làm Phó sứ sang triều Thanh, năm 1832 được cử đi công cán ở Giang Lưu Ba tức Batavia (Jakarta ở Indonesia hiện nay) (7).

Con cháu không nhớ tên vị tổ thứ nhất, nhưng lại nhớ khá rõ các vị tổ về sau thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư của Phan Huy Chú như sự ghi chép của gia phả. Tất cả thông tin đó tổng hợp lại cho phép khẳng định Phan Huy Chú đúng là vị tổ của chi họ Phạn Huy ở Thanh Mai và Đại Mỗ.

Về ngôi mộ Phan Huy Chú, các cụ cao tuổi cho biết thêm, ngôi mộ đã di chuyển lần thứ nhất vào năm 1967 và năm 1994 chuyển đến vị trí hiện nay rồi xây dựng lại. Các cụ còn nhớ khi đào lên thấy hài cốt đã cải táng, đặt trong một nồi đất to, trên úp một viên gạch cổ. Cải táng trong nồi đất là tập quán phổ biến ở vùng Ba Vì và thường dùng nồi đất của lò gốm Phú Nhị gần thị xã Sơn Tây hiện nay.

Con cháu còn ghi nhớ, ngoài ngôi mộ tổ họ Phan Huy, còn hai mộ tổ đời thứ hai ở Thanh Mai. Đối chiếu với phả hệ, đời thứ hai là Phan Huy Triệt và Phan Huy Nhuận.

Như vậy đối chiếu tư liệu gia phả với ký ức con cháu thuộc hậu duệ của Phan Huy Chú ở Thanh Mai và Đại Mỗ, có thể đi đến kết luận là ngôi mộ tổ họ Phan còn được bảo tồn ở Thanh Mai, nay là thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tình Hà Tây là mộ Phan Huy Chú.

Vấn đề duy nhất cần xác minh thêm là ngày mất của Phan Huy Chú. Trên ngôi mộ hiện còn ở Mai Trai ghi là 22-1, do con cháu mới ghi lại năm 1994 nhưng trên cơ sở ngày giỗ tổ hàng năm vẫn được tổ chức vào ngày này. Ngày mất 27-4 năm Canh Tý (1840) là theo bản “Gia phả họ Phan” do Phan Huy Long và Phan Huy Uẩn biên soạn năm 1963, nhưng cho đến nay bản gốc bằng chữ Hán vẫn chưa tìm thấy, còn các bản gia phả chữ Hán đang được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán-Nôm và tại họ Phan Huy ở Gia Thiện-Hà Tĩnh thì không ghi ngày mất của Phan Huy Chú. Vấn đề này xin lưu lại để tiếp tục tra cứu, xác minh sau và có hai khả năng: thứ nhất, ngày mất của Phan Huy Chú là ngày 27-4 và con cháu tổ chức giỗ tổ vào ngày 22-1 theo tập quán làm ăn của dân buôn bè; thứ hai, ngày mất của Phan Huy Chú đúng là ngày 22-1 và ghi chép của bản gia phả mới biên soạn năm 1963 đã nhầm lẫn. Trong lúc chờ đợi sự xác minh, tôi đề nghị nên chấp nhận ngày giỗ 22-1 mà lâu nay hằng năm con cháu chi phái trực hệ của Phan Huy Chú ở Thanh Mai và Đại Mỗ vẫn tổ chức giỗ tổ Phan Huy Chú.

Trên cơ sở xác định mộ Phan Huy Chú, con cháu trong họ cùng Sở Văn hoá thông tin Hà Tây có căn cứ khoa học để lập kế hoạch bảo tồn, tôn tạo chuẩn bị cho kỷ niệm 225 năm sinh của danh nhân vào năm 2007.

 

Chú thích:

  1. Hai bản gia phả Phan tộc công phả này hiện nay do ông Phan Huy Xương bảo quản tại Gia Thiện, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam của Viện Việt Nam học và khoa học phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đang dịch và xuất bản cuốn gia phả này kèm theo bản chụp nguyên bản chữ Hán.
  2. Phan gia thế tự lục, Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2691
  3. Phan tộc công phả, Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2963
  4. Phan Huy Lê, “Phan Huy Chú-cuộc đời và sự nghiệp”, trong Tìm về cội nguồn, NXB Thế giới, Hà Nội 1999, T. II, tr. 693-712
  5. Các tổng trấn xã danh bị lãm, bản dịch Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1989, tr. 41. Đồng Khánh địa dư chí lược, tỉnh Sơn Tây, bản in và dịch, NXB Thế giới, Hà Nội 2003, T.I, tr. 907.
  6. Gia phả họ Phan do Phan Huy Long, Phan Huy Uẩn soạn, Sài Gòn1963, bản đánh máy.
  7. Phan Huy Chú, Hải trình chí lược/Recit sommaire d´ un voyage en mer, Phan Huy Lê, Claudine Salmon, Tạ Trọng Hiệp dịch và giới thiệu, Paris 1994.

Phan Huy Lê