HÀ NỘI những ngày đầu kháng chiến

Kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng tôi xin trích đăng một đoạn trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhận định về cuộc chiến tranh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược dưới sự lãnh đạo tài tình và kiên quyết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày đầu chỉ đạo cuộc cầm cự ở Hà Nội đã hé mở những thiên tài quân sự của các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, sẽ đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang ở Điện Biên Phủ.

Sau này nhìn lại mới biết ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chúng ta đã làm một điều mà theo nhiều nhà lý luận quân sự kinh điển thì khó mà làm được.

Cuộc tổng giao chiến đầu tiên giữa bộ đội ta với quân viễn chinh đương nhiên bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội và những thành phố, thị xã […].

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong các cuộc chiến tranh cách mạng chưa có trường hợp một lực lượng vũ trang yếu kém đương đầu thắng lợi với một đội quân chính quy tại thành phố. Ăng-ghen đã có nhận xét: “Dù cho không đông về số lượng, quân đội vẫn có ưu thế về trang bị và huấn luyện, về chỉ huy thống nhất, về việc sử dụng lực lượng chiến đấu một cách có kế hoạch và kỷ luật. Do đó, ngay cả trong những trận chiến đấu bằng chướng ngại vật trong đó xuất hiện chủ nghĩa anh hùng vĩ đại nhất của lực lượng vũ trang cách mạng (ở Paris tháng 6-1848, ở Vienna tháng 10-1848, ở Dresden tháng 5-1849) cũng kết thúc bằng sự thất bại”. Sau đó ông còn nói thêm, với sự xuất hiện của pháo binh, tình thế ngày càng bất lợi cho những người khởi nghĩa trong cuộc chiến đấu ở thành phố. Chúng ta đã biết trong chiến tranh kháng Nhật, Hồng quân đã nhận chỉ thị là không xâm nhập vào “những thành thị lớn, những nhà ga xe lửa và một số miền đồng bằng nào đó mà địch dùng một lực lượng lớn mạnh để khống chế”. Mao Trạch Đông có lần đã nói: “Madrid của Trung Quốc ở đâu? Trước kia ta chưa có một Madrid nào, từ nay về sau phải tranh thủ tạo ra mấy chỗ như thế, nhưng hoàn toàn phải xem điều kiện như thế nào”.

Như vậy, lịch sử chưa để lại cho chúng ta tiền đề chiến thắng trong những trận đánh sắp tới. Chúng ta phải tự tìm lấy những kinh nghiệm không nhiều từ trận đánh ở Thái Nguyên trong Tổng khởi nghĩa, từ trận đánh anh dũng, kiên cường nhưng không có thời gian chuẩn bị ở Sài Gòn, sau đó là Nha Trang, và gần đây nhất là Hải Phòng. Chúng ta phải xây dựng một kế hoạch chiến đấu cho bộ đội và dân chúng lần đầu chiến đấu với một kẻ địch bội phần mạnh hơn mình.

Chúng ta đã sớm nghĩ tới việc chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các thành phố.

Ngày 19-10-1946, khi cuộc đàm phán ở Fontainebleau không đạt kết quả, Hội nghị Cán bộ Trung ương đã có nhận định: Trước sau Pháp cũng đánh ta, ta phải cảnh giác, phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Sau hội nghị, Bộ Tổng tham mưu được chỉ thị nghiên cứu ba vấn đề: cách đánh trong thành phố, lấy Hà Nội làm trọng tâm; cách đánh xe tăng, thiết giáp; cách phá hoại đường sá. Cơ quan tham mưu thành lập một tổ nghiên cứu ba vấn đề trên, trọng tâm là vấn đề đánh địch trong thành phố. Tôi thường xuyên dự những buổi thảo luận của tổ. Khi anh Văn Tiến Dũng được Đảng điều về phụ trách Cục chính trị, tôi trao đổi với anh sớm nghiên cứu cách tiến hành công tác chính trị trong trường hợp chiến tranh bùng nổ trên cả nước.

Ngày 16-9-1946, Bác rời cảng Toulon (Pháp) trở về nước. Ngày 16-10, Bác gặp d’Argenlieu ở Vịnh Cam Ranh. Thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14-9 không được thực hiện ở Nam Bộ. Ngày 5-10, Bác viết bản bút ký nổi tiếng: “Công việc khẩn cấp bây giờ” mà mãi sau này ta mới biết. Trung tuần tháng 11, trong một buổi làm việc, Bác hỏi tôi:

– Nếu vạn nhất không tránh được chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ được trong bao lâu?

Tôi đáp:

– Phải cố giữ ít nhất là nửa tháng. Thời gian qua, cơ quan tham mưu đã chuẩn bị xây dựng một kế hoạch chiến đấu ở trong thành phố trong trường hợp địch gây chiến.

. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung đoàn Thủ đô năm 1946. Ảnh tư liệu.

Sau khi địch chiếm thành phố Hải Phòng ngày 23-11, Thường vụ nhận định nhất định địch sẽ gây hấn ở Thủ đô, chiến tranh trên cả nước là không thể tránh khỏi. Bác và Thường vụ nghị quyết: Nếu quân Pháp tái diễn ở Hà Nội việc chúng đã làm ở Hải Phòng thì cả nước sẽ nhất tề đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược. Chủ trương quân sự trong thời gian đầu toàn quốc kháng chiến là tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận địch, bảo tồn lực lượng ta, giam chân cô lập địch càng lâu càng tốt ở từng thành phố, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Bác nhấn mạnh: “Quân Pháp chỉ chờ có cơ hội là lập tức đánh ta. Ta cần tìm mọi cách để tránh nổ ra chiến tranh. Trong khi hết sức tích cực khẩn trương chuẩn bị kháng chiến tuyệt đối không sa vào âm mưu khiêu khích để địch lợi dụng đánh ta sớm. Ở thành thị, biến mỗi đường phố thành một chiến hào, ở nông thôn mỗi làng thành một pháo đài. Kháng chiến của ta sẽ là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến”.

Sau cuộc họp, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội được trao nhiệm vụ gấp rút xây dựng một kế hoạch tác chiến cho cả nước và riêng tại Thủ đô Hà Nội. Với tư cách là người được Đảng phân công phụ trách công tác quân sự, tôi triệu tập nhiều cuộc họp cán bộ dân, chính, đảng của Thủ đô trình bày chủ trương chuẩn bị kháng chiến của Thường vụ.

Cuối tháng 11, Thường vụ họp mở rộng với Bộ chỉ huy và Ủy ban Bảo vệ chiến khu đặc biệt Hà Nội (khu 11 mới thành lập). Các anh Nguyễn Quyết, Quang Trung, Lê Quảng Ba đã lần lượt làm khu trưởng Hà Nội từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Sau khi các anh Nguyễn Quyết, Quang Trung lần lượt đi Nam tiến, anh Lê Quảng Ba về khu 12, Bộ chỉ huy chiến khu Hà Nội lúc này gồm anh Vương Thừa Vũ, chỉ huy trưởng, anh Trần Độ, chính ủy. Trong phòng khách lớn tại Bắc Bộ Phủ, nay là phòng tiệc, ngoài Bộ chỉ huy còn các anh: Trần Quốc Hoàn, phái viên của Trung ương theo dõi Mặt trận Hà Nội, anh Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ.

Tôi trình bày vắn tắt tình hình khẩn trương do Pháp quyết tâm tái chiếm nước ta bằng vũ lực, và nêu rõ nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô theo nghị quyết của Bác và Thường vụ: Một là phải tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, chiến đấu giam chân chúng càng lâu càng tốt tại Hà Nội cũng như các thành phố khác, tạo điều kiện về thời gian cho cả nước chuyển sang chiến tranh. Hai là đi đôi với tiêu diệt địch cần thấu triệt chủ trương gìn giữ lực lượng của ta, theo dõi sát tình hình mặt trận để lúc cần thì chủ động rút lực lượng ra ngoài cùng toàn quân và toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Ba là Thủ đô phải nêu cao tinh thần anh dũng và sáng tạo chiến đấu làm gương cho cả nước, đoàn kết chặt chẽ giữa bộ đội, tự vệ chiến đấu, tự vệ thành, lực lượng công an, đoàn kết và giúp đỡ đồng bào chưa kịp tản cư và ngoại kiều.

Từ những đặc điểm địch, ta trên cả nước và ở Thủ đô, tôi bèn lên biện pháp tác chiến chủ yếu là phải sử dụng những lực lượng nhỏ, triệt để lợi dụng địa hình, địa vật ở từng khu, dựa vào những ngôi nhà có cấu trúc kiên cố, xây dựng nhiều chướng ngại vật trên các đường phố đánh địch bằng mọi hình thức, tránh tung lực lượng vào những trận quyết chiến lớn, gây khó khăn, lúng túng cho địch bằng nhiều chiến thắng nhỏ…

*

Tổng số quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương lúc này đã lên đến 90.000. Về phía ta, lực lượng bộ đội cả nước khoảng 82.000. Không có chênh lệch lớn về số lượng. Nhưng về trình độ tổ chức, trang bị, kỹ thuật thì đây là một khoảng cách có tính thời đại.

Lễ thành lập Đại đoàn Quân tiên phong (308) tại Việt Bắc ngày 28-8-1949. Ảnh tư liệu.

Quân viễn chinh Pháp là một đội quân nhà nghề, với những đơn vị bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân, hải quân vừa chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Họ có những trang bị hiện đại nhất của phương Tây. Chỉ riêng sự xuất hiện khẩu tiểu liên Thompson, cũng đủ làm nản lòng những đơn vị bạch binh kiêu dũng của Nhật Hoàng năm trước trên quần đảo Salomon. Còn quân đội ta, đơn thuần là bộ binh, hầu hết là người dân mới khoác áo lính, trang bị yếu kém. Mỗi đơn vị, nhiều nhất là một phần ba chiến sĩ có súng, toàn là súng cũ đủ các loại với rất ít đạn. Những chiến sĩ khác trang bị bằng giáo, mác, đại đao, gậy gộc. Mỗi trung đoàn có từ ba đến bốn khẩu trung liên hoặc đại liên, vài ba khẩu súng cối. Những đơn vị ít nhiều rèn luyện trong chiến tranh chống Nhật ở Việt Bắc thì hoặc đã lên đường Nam tiến, hoặc phân tán đi làm cán bộ ở những đơn vị mới tổ chức. Vì phải bắt tay vào nhiệm vụ tiếp phòng với quân Pháp, nên các chiến sĩ ít được huấn luyện về kỹ thuật, số đông chưa qua bắn đạn thật. Bộ đội ta được tổ chức thành trung đoàn, mỗi trung đoàn gắn với một, hai hoặc ba tỉnh. Ở bộ Tổng chỉ huy và các Khu, ngoài đại đội cảnh vệ chưa có một đơn vị chủ lực nào […].

Thủ đô Hà Nội là nơi quân Pháp tập trung đông, gồm một trung đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng, thiết giáp, một tiểu đoàn pháo, một bộ phận biệt kích, một bộ phận dù, cùng với không quân và thủy quân. Tất cả khoảng 6.500 người. Ở đây còn phải kể đến 7.000 Pháp kiều được phân phát vũ khí. Một cuốn sách của Pháp viết là ở Hà Nội lúc đó có 4.500 binh lính và 7.000 Pháp kiều được trang bị súng và lựu đạn; có thể là không kể số quân Pháp bị Nhật bắt làm tù binh, được thả ra sau ngày Nhật đầu hàng.

Lực lượng ta ở Hà Nội có năm tiểu đoàn vệ quốc quân, 2.515 người, khoảng trên 8.000 tự vệ, gồm tự vệ chiến đấu cứu quốc, tự vệ các xí nghiệp, tự vệ thành Hoàng Diệu và một lực lượng công an xung phong. Bộ Tổng chỉ huy đã chỉ thị tăng cường trang bị chiến đấu cho Hà Nội nhưng cũng không hơn nơi khác bao nhiêu […].

Bộ Tổng chỉ huy quyết định: Chiến khu Hà Nội không để bị rơi vào thế bất ngờ, nếu địch đánh trước, ta có thể quật lại. Trận đánh ở Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước. Hà Nội cần giam chân địch ít nhất là một tháng, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh […].

Mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính trong trận tổng giao chiến đầu tiên.

Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô lên kế hoạch đánh địch ở Hà Nội.

Trong quá trình bàn bạc về cách đánh ở Hà Nội, mặc dù mục tiêu, biện pháp tác chiến đã được phổ biến, vẫn có đồng chí đề nghị tập trung một số đơn vị bộ đội và tự vệ thành gan dạ, bí mật đột nhập thành Hà Nội, đánh thẳng vào đại bản doanh quân Pháp. Đây là cách quân Nhật đã làm đêm 9-3. Kế hoạch này có nhiều tính phiêu lưu. Vì quân viễn chinh hoàn toàn không giống đội quân thuộc địa Pháp đầu năm 1945, và các chiến sĩ ta còn xa mới có được những trang bị và trình độ thiện chiến của quân đội Nhật. Một sĩ quan cũ của quân đội Nhật đã sang hàng ngũ ta, nêu ý kiến nên thiết lập ba phòng tuyến bằng công sự vững chắc bao quanh Hà Nội để ngăn chặn quân địch từng bước. Đây là cách phòng ngự cổ điển. Ta không chủ trương phòng ngự theo cách này và cũng không đủ người và cơ sở vật chất để thực hiện.

Tôi lưu ý với Bộ Chỉ huy Hà Nội trường hợp một tiểu đội Vệ quốc quân và một tiểu đội xung phong tuyên truyền cầm chân quân Pháp suốt cả một ngày tại Nhà hát lớn Hải Phòng. Những công thự có cấu trúc vững chắc và cần được bảo vệ như Bắc Bộ phủ, Tòa Thị chính, Nhà Bưu điện, Kho bạc cùng với trại Bảo an binh cũ có thể kết hợp thành một khu vực chiến đấu liên hoàn cầm cự với quân địch một thời gian. Những khu vực có nhiều đường phố nhỏ và nhiều ngõ ngách như Liên khu I rất thuận lợi cho việc xây dựng chiến lũy, tạo vật chướng ngại ngăn cản xe tăng, xe cơ giới và bộ binh địch đột nhập để kéo dài cuộc chiến đấu. Một vị trí hỏa lực xuất hiện từ những ngôi nhà cao có tác dụng rất lợi hại. Trong trận đánh Thái Nguyên, tôi đã chứng kiến một khẩu súng máy quân Nhật đặt trên ngôi nhà hai tầng đã kiểm soát suốt dọc phố. Cần đặc biệt nghiên cứu cách đưa bộ đội rút ra an toàn khi có lệnh, nên tìm hiểu hệ thống cống ngầm trường hợp cấp bách, những con đường nằm dưới lòng đất này có thể giúp ích cho ta. Cán bộ đi điều tra về báo cáo những cánh cửa cống thông ra cửa sông đều bị ngăn cản song sắt. Ta đã chuẩn bị để khi cần sẽ phá bỏ ngay những song sắt này.

Nửa năm qua, người Hà Nội đã quen với chiến thuật bari-cát những lần Pháp gây gấn, qua bàn bạc, thấy những chướng ngại như bàn, ghế, giường, tủ… chất đống giữa đường, ngả cây, cột điện, đẩy xe ô tô, toa xe lửa, toa tàu điện… chắn ngang cũng chỉ gây cản trở cho quân địch một thời gian ngắn. Chỉ có xây dựng nhiều lớp chiến lũy, kết hợp với chiến hào và bố trí lực lượng chặn đánh thì mới có thể chống xe tăng, cơ giới và bộ binh có hiệu quả, vì đường phố đã có những chiến lũy chắn ngang nên cần đục tường nhà nọ thông qua nhà kia mới đảm bảo sự cơ động lực lượng của ta.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ chỉ huy Khu 11 trình bày kế hoạch: “Trong đánh – ngoài vây”, theo cách nói của đồng chí Vương Thừa Vũ là “trùng độc chiến”. Liên khu I của Hà Nội với những đường phố có tiếp giáp thành Hà Nội, nơi tập trung quân Pháp, được chọn làm khu vực cố thủ bên trong thành phố. Ngày đầu nổ súng, năm tiểu đoàn Vệ quốc quân cùng với tự vệ sẽ tiêu diệt những vị trí lẻ của địch, phá hoại những cơ sở vật chất quan trọng như Nhà máy điện, Nhà máy Nước, Kho xăng dầu, phá cầu Long Biên, đánh sân bay, chiến đấu bảo vệ một số cơ quan tiêu biểu như Bắc Bộ phủ, Tòa Thị chính, Nhà Bưu điện… Sau vài ngày chiến đấu, một tiểu đoàn Vệ quốc quân sẽ rút vào Liên khu I, cùng với lực lượng tự vệ cố thủ tại đây. Bốn tiểu đoàn khác cùng với Tự vệ Liên khu II và III sẽ dãn ra các đầu ô dựa vào chiến lũy tiếp tục chiến đấu, thường xuyên đột kích để yểm trợ cho Liên khu I.

Tôi tán thành kế hoạch này, một kế hoạch “nội công ngoại kích” gây cho quân địch sự lúng túng phải đối phó cả hai mặt bên trong và bên ngoài, đồng thời đảm bảo tính cơ động của lực lượng ta, không bị cố định trong những phòng tuyến cứng nhắc […].

Trung tuần tháng 12-1946, tôi báo cáo với Bác có thể giữ được Hà Nội từ một tháng trở lên.

Bộ Tổng chỉ huy quyết định nổ súng vào 20 giờ 19-12-1946, nhưng chỉ có Hà Nội thực hiện mệnh lệnh đúng thời gian. Những nơi khác đều chậm từ hai đến bảy giờ. Có nơi, bộ đội ta bị địch tiến công trước.

Kể cả Hà Nội, quân Pháp cũng không hoàn toàn bị bất ngờ. Tác giả cuốn Lịch sử Việt Nam (1) đã kể lại rằng, 18 giờ ngày 19, một người Pháp lai, nhân viên phản gián của Pháp trà trộn trong hàng ngũ ta, đã báo tin “ba đại đoàn Việt Nam và lực lượng tự vệ đã được lệnh tiến công vào tối nay”. Morlière, Tư lệnh quân viễn chinh ở miền Bắc Đông Dương, lập tức đặt toàn bộ quân Pháp trong trạng thái báo động cao.

Như vậy, ở tất cả mọi nơi, quân Pháp đều sẵn sàng. Điều bất ngờ đối với họ chỉ ở chỗ: có lẽ nào một đội quân non trẻ với những trang bị yếu kém lại dám nổ súng trước vào quân viễn chinh? Đó là lợi thế duy nhất mà ta giành được khi khởi đầu chiến tranh trên cả nước.

*

Hiệu lệnh nổ súng ở Hà Nội là đèn điện tắt, pháo từ Láng nổ những phát đầu tiên, chúng ta cần bóng tối trợ lực lúc khởi sự. Làm được việc này không dễ. Trung tâm phát điện là Nhà máy Điện Yên Phụ do một lực lượng hỗn hợp Việt, Pháp cùng canh gác. Cần bí mật đưa vào nhà máy một lượng thuốc nổ đặt vào nơi cần thiết sát giờ nổ súng. Nếu địch phát hiện, quân Pháp có cớ chiếm ngay nhà máy và tiến công trước vào bộ đội ta trên toàn thành phố.

Từ làng Tây Mỗ, cách Hà Nội 10km, tôi chờ giờ phút này. Anh Hoàng Văn Thái túc trực tại tổng đài điện thoại của Bộ đặt tại thị xã Hà Đông, nắm tình hình tác chiến, theo quy định cứ hai giờ báo cáo với tôi một lần.

20 giờ…

20 giờ 03 phút. Phía Hà Nội, đèn điện phụt tắt. Tiếng đại bác từ pháo đài Láng gầm lên. Các đồng chí công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ do đồng chí Giang phụ trách đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tuyệt vời. Ngay sau đó, cả Hà Nội rền vang tiếng súng. Chớp lửa đại bác. hỏa châu. Luồng sáng của đạn. Chân mây dần dần đỏ rực màu hồng của những đám cháy. Những người có mặt ở Hà Nội đêm Nhật đảo chính, nói đêm nay mới thật sự là chiến tranh.

Có thể thấy địch lập tức đối phó. Phần lớn những tiếng súng lúc này là của địch. Các chiến sĩ ta được lệnh tiết kiệm đạn ngay từ khi khởi đầu tiến công.

Nhìn chung, ta đã giành được lợi thế trong những giờ giao chiến đầu tiên […].

*

Tiêu biểu cho trận tổng giao chiến đầu tiên phải kể tới Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội chia thành ba Liên khu. Theo đúng kế hoạch, sau ba ngày giao chiến trên khắp thành phố và tổ chức cho đồng bào tản cư ra khỏi nội thành, lực lượng vũ trang các Liên khu 2, 3 bắt đầu dãn dần ra cửa ô, nơi đã được xây dựng chiến lũy để ngăn chặn quân địch. Bộ đội và tự vệ Liên khu I cũng thu hẹp phạm vi chiến đấu, rút vào khu vực cố thủ nằm tiếp giáp với thành Hà Nội.

Từ ngày 30-12, địch mở liên tiếp nhiều cuộc tiến công ra các cửa  ô. Mỗi cuộc đều có xe tăng, xe bọc thép  đi kèm và máy bay, pháo binh phối hợp.

Vệ quốc đoàn và tự vệ với súng trường, lựu đạn, đao kiếm, dáo mác, chai xăng krếp, bom ba càng, dựa vào chiến lũy, chướng ngại vật, công sự, hầm hố, lợi dụng nhà gác, mái nhà đã đánh chặn, giành giật từng quãng đường, từng ngôi nhà.

Ở Khâm Thiên, Hàng Bột, Đội Cấn, địch bị thiệt hại nhiều mà vẫn không vượt qua được chiến lũy. Quân Pháp cuối cùng phải bỏ ý định đánh thẳng vào chiến lũy mà đi vòng theo đường khác. Thiếu sót của ta ở một số nơi là chưa tính tới trường hợp địch đi theo đường vòng.

Trận đánh ở nhà thương Vọng (2) ác liệt nhất. Lực lượng vũ trang ta dùng bom ba càng phá xe tăng, rồi rút lên gác đánh lui nhiều đợt xung phong. Địch bị loại khỏi vòng chiến hàng trăm, và bị phá một số xe tăng, xe cơ giới. Phía ta, hai trung đội Vệ quốc đoàn và năm mươi tự vệ hy sinh.

Một số trận phục kích diễn ra ở Đống Đa, Hòa Mục, đường Nguyễn Công Trứ diệt từng trung đội địch. Kinh nghiệm trận ngã ba Hồng Phúc đã được vận dụng.

Cho đến  ngày 25 tháng Giêng năm 1947, địch mới đẩy lực lượng Liên khu 2 và Liên khu 3 ra tới ngoại ô. Từ trung tâm thành phố tới đây chỉ khoảng 5 km nhưng quân Pháp đã đi mất 27 ngày, với tốc độ bình quân 200m một ngày, theo cách nhận xét của nhà báo Pháp.

Khi bàn về trận đánh Hà Nội, nhiều người đã quên hoặc ít nói đến Liên khu 2 và 3. Tại hai Liên khu này, cuộc chiến đấu đã diễn ra 38 ngày đêm, trong đó có 27 ngày đêm đánh địch trên các trục đường ngoại ô. Nếu không có sự phối hợp này, các chiến sĩ Liên khu I sẽ khó trụ được sát nách địch một thời gian dài như vậy.

Tuy nhiên, Liên khu I vẫn là tiêu biểu nhất cho cuộc chiến đấu ở Thủ đô.

Liên khu I nằm kề đại bản doanh của Bộ chỉ huy quân Pháp giữa lòng Hà Nội giống như một cái “chốt chặn” hay cái “nhọt tụ độc” ta thường gặp trong chiến tranh. Đây là một lực lượng những chiến sĩ quyết tử có nhiệm vụ thu hút, ngăn chặn địch, sẵn sàng hy sinh tính mệnh cho lợi ích toàn cục trong một trận đánh quan trọng.

Theo kế hoạch, sẽ có một tiểu đoàn Vệ quốc quân cùng ở lại với tự vệ tại Liên khu. Nhưng ngay từ nhiều giờ đầu, tiểu đoàn này đã bị cắt làm đôi. Hai đại đội ở khu vực phố Yên Phụ không rút được vào khu vực cố thủ. Như vậy, trong Liên khu I chỉ có một đại đội Vệ quốc đoàn cùng với một bộ phận tự vệ chiến đấu, lực lượng vũ trang trung kiên được Thành ủy Hà Nội tổ chức sau ngày Tổng khởi nghĩa, họ là nòng cốt cho cuộc chiến đấu của hàng ngàn tự vệ gồm những người dân thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, phần lớn là thanh niên, lần đầu làm quen với chiến trận. Hạt nhân lãnh đạo của Liên khu, với hàng vạn dân chưa kịp tản cư, là ba chục đảng viên cộng sản, cả nam lẫn nữ, được chỉ định ở lại. Điều đáng ngạc nhiên là các chiến sĩ Liên khu I, từ em nhỏ, cô gái, đến anh Vệ quốc quân, ngay giờ phút đầu tiên, đã hiên ngang tiến hành trận đánh “mặt đối mặt” với kẻ thù mạnh hơn mình một ngàn lần.

Ngày 23 tháng 12 năm 1946, anh Trần Quốc Hoàn và anh Lê Quang Đạo được Trung ương cử vào Liên khu I để xem xét tình hình tại chỗ. Khi trở về, các anh báo cáo với Bác và Thường vụ: Nếu được tiếp tế đều đặn về lương thực, đạn dược, trung đoàn vẫn có thể trụ lại vượt thời gian dự định.

Tinh thần căm thù quân cướp nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho Tổ quốc đã mang lại cho các chiến sĩ sự lạc quan, bình tĩnh sáng tạo, sớm tìm ra cách bảo vệ mình và tiêu diệt địch. Họ rút kinh nghiệm qua mỗi trận đánh. Từ chia quân khắp nơi để ngăn chặn địch với công sự chiến đấu giản đơn, nhanh chóng chuyển sang chiến đấu cơ động dựa vào chiến hào, đánh địch cả trước mặt, bên sườn và phía sau. Họ biết nghi binh, nhử địch, biết tổ chức và sử dụng lực lượng dự bị. Một chiến thuật mới cùng với hình thức tổ chức thích hợp đã hình thành. Bộ đội chia thành những tổ nhỏ, dựa vào những đường hào, những đường luồn trong nhà, thường xuyên di động. Họ không khi nào lộ diện trước quân địch, và luôn gieo rắc những tai họa bất ngờ […].

Tuy vậy, không phải không có những khó khăn mới đã nảy sinh. Khi lực lượng vũ trang ta thu hẹp phạm vi chiến đấu vào khu vực cố thủ, thì dân chúng ở vùng chung quanh cũng ùa vào theo, đưa số dân tại đây lên tới hàng vạn người đã nhanh chóng làm cạn nguồn lương thực dự trữ trù liệu cho năm ngàn người trong vòng ba tháng. Con đường bí mật nằm ở ven sông Hồng, nối liền Liên khu với hậu phương trong những đêm tối trời, đã bị địch chú ý. Không thể để tình hình này kéo dài. Chúng ta thống nhất với lãnh sự Trung Hoa, Anh và Mỹ thỏa thuận cùng phía Pháp một thời gian ngừng bắn 24 giờ, đưa Hoa kiều, Ấn kiều và thường dân ra khỏi khu vực chiến sự. Bộ Tổng chỉ huy quyết định chỉ để lại Liên khu I một bộ phận nhỏ của Trung đoàn Thủ đô là 500 người, gồm những chiến sĩ chọn lọc, đại bộ phận sẽ rút ra cùng với dân trong ngày ngừng bắn. Nhưng qua ngày đó, trung đoàn báo cáo ra vẫn còn lại 1.200 người, trong số này có cả 200 phụ nữ và 175 em nhỏ. Điều ta không dự kiến được là có những người đã trốn ở lại để tiếp tục chiến đấu.

Vòng vây các vị trí quanh Liên khu ngày càng dày thêm. Sau khi ngoại kiều đã rời khỏi đây, máy bay, trọng pháo không còn dè dặt trong những trận oanh tạc. Valluy ra lệnh: “Đừng ngần ngại gì mà không đánh mạnh bằng bom và đại bác! Phải kết thúc sớm đi! Phải làm cho kẻ thù hiểu rõ ưu thế áp đảo của chúng ta”. Ngày 16-1-1947, tại khu Đông Thành, một tổ súng trường do đồng chí Bạch Ngọc Liễn chỉ huy đã bắn rơi một máy bay Spitfire đang lao xuống bắn phá. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị hạ bằng súng bộ binh tại Hà Nội. Bộ Tổng chỉ huy đã tặng Huân chương chiến sĩ hạng Ba cho chiến công này.

Tết Đinh Hợi, năm 1947, mở đầu cho nhiều cái Tết tiếp theo trong chiến tranh trên cả nước. Các chiến sĩ Liên khu I nhận được cả một cành đào Tết Nhật Tân và những bó hoa tươi. Đêm 30 Tết, họ mở một đợt tấn công nhiều nơi trong thành phố và cắm cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa để khẳng định sự có mặt của mình tại Thủ đô.

Sau Tết Nguyên đán, ngày 29-1-1947, tôi tới Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội ở Tây Mỗ, nêu vấn đề phải tính ngay đến việc đưa bộ phận còn lại của Trung đoàn Thủ đô ra ngoài. Tôi nhắc anh Vũ phải đặc biệt chú ý hai vị trí ở phía Đông liên khu là nhà Xô-va và Trường Ke, nằm trên đường bộ đội ta phải rút qua. Tôi biết việc rút khỏi liên khu sẽ tác động lớn tới tư tưởng, tình cảm của chiến sĩ. Chừng nào còn một lực lượng chiến đấu dù nhỏ ở lại Liên khu thì Hà Nội vẫn chưa phải là rơi vào tay quân địch.

Trích từ Chiến đấu trong vòng vây,

Nxb QĐND – Nxb Thanh niên, 1994.

Chú thích:

  1. Philippe Devillers, Histoire du Viet Nam.
  2. Bệnh viện Bạch Mai.