Mùa đông năm 1946 sục sôi. Theo sự bố trí của cơ quan bảo vệ Trung ương, Bác Hồ về ở và làm việc tại làng Vạn Phúc thuộc tỉnh Hà Đông – một làng nghề vốn là cơ sở của Trung ương Đảng – từ ngày 3-2 đến 19-12-1946. Tại đây, Bác đã cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bàn bạc, quyết định nhiều chủ trương đối phó với âm mưu mới của thực dân xâm lược Pháp. Đặc biệt trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Bác chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng (có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp) quyết định phát động cả nước đứng dậy kháng chiến; xác định những vấn đề cơ bản chỉ đạo chiến tranh; phân công chỉ đạo các chiến trường xa… Tại Vạn Phúc, Bác viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, một văn kiện cô đọng vỏn vẹn 198 từ nhưng có sức mạnh truyền cảm, động viên cổ vũ rất lớn.
Gần 7 giờ tối 19-12, Bác rời Vạn Phúc về làm việc tại Xuyên Dương, một làng ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai. Trước đó, Bác đọc bằng tiếng Pháp cho đồng chí thư ký viết thư gửi Thủ tướng Pháp Léon Blum rồi hội ý nhanh với các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp…, gặp cảm ơn gia chủ (ông bà Nguyễn Văn Dương) trước khi rời Vạn Phúc tiếp tục cuộc hành trình kháng chiến.
Những ngày ở Xuyên Dương, Bác theo dõi chặt chẽ cuộc tổng giao chiến ở Hà Nội và các mặt trận cả nước, tình hình di chuyển các cơ quan, công xưởng, kho tàng, việc tản cư của nhân dân ra các vùng an toàn, đặc biệt việc đưa muối từ các vùng duyên hải lên Việt Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, bởi “có lúc muối quí hơn vàng”. Việc chuyển muối, Bác giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng, ủy viên Trung ương Đảng phụ trách. Kết quả, hai vạn tấn muối từ kho Văn Lý (Nam Định) và bốn trăm tấn muối của ngành quân nhu đã được đưa đầy đủ lên căn cứ.
Trước khi lên Việt Bắc, Bác thu xếp thời gian đi thăm hai tỉnh. Ngày 10-2-1947, Bác đến huyện Nho Quan dự hội nghị bàn việc vận động, tổ chức giúp đỡ đồng bào tản cư do Bộ Canh nông và Ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình tổ chức. Hội nghị được nghe phổ biến Sắc lệnh số 5/SL ngày 31-12-1946 của Chính phủ về thành lập Ủy ban tản cư, di cư các cấp, nhiệm vụ của các Ủy ban trong việc vận động, giúp đỡ đồng bào tản cư, không để họ “chạy quanh, tạm lánh năm bữa nửa tháng” rồi hồi hương. Ngày 17-2-1947, Bác gửi thư cho đồng bào tản cư, kêu gọi tản cư cũng là kháng chiến, tản cư cũng phải tăng gia sản xuất. Bác chỉ thị cho Ủy ban hành chính các cấp: “Vô luận thế nào, các Ủy ban hành chính không được bỏ dân bơ vơ”. Từ ngày 18 đến 21-2-1947, Bác về thăm, làm việc, động viên cán bộ, bộ đội, nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Từ Thanh Hóa, Bác về Chi Nê. Bác đến thăm nhà máy in giấy bạc của Bộ Tài chính. Bác khen ngợi cán bộ, công nhân Bộ Tài chính đã kịp thời chuyển kho bạc từ Hà Nội ra các vùng núi Chi Nê trước giờ nổ súng an toàn, đầy đủ. Bác vào thăm một số gia đình công nhân rồi nói chuyện với công nhân, tự vệ nhà máy về tình hình, nhiệm vụ kháng chiến. Bác còn tới thăm một số gia đình đồng bào thiểu số ở địa phương, mong đồng bào đa số, thiểu số đoàn kết, giúp nhau tăng gia sản xuất, tham gia kháng chiến. Qua chợ Đầm Đa, thấy người đi chợ đông đúc, Bác chỉ thị cho Ủy ban hành chính xã phải chuyển chợ đến nơi kín đáo, định giờ họp chợ thuận tiện cho nhân dân và đề phòng máy bay giặc ném bom bắn phá, gây tổn thất về người và của.
Trên đường lên Việt Bắc, Bác thường xuyên nghe báo cáo về tình hình chiến đấu của quân dân Hà Nội. Được biết Trung đoàn Thủ đô đã mở cuộc hành quân phá vây trở về hậu phương toàn vẹn, Bác rất vui. Bác khen: “Giữ được Hà Nội một tháng là thắng lợi, nay giữ được hai tháng là đại thắng lợi”.
Đến đầu tháng 3-1947, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến lần lượt chuyển lên Việt Bắc.
Theo sự sắp xếp của “Đội công tác đặc biệt” do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách thì các huyện Sơn Dương, Định Hóa, Đại Từ, Chợ Đồn, Bạch Thông, Võ Nhai được xác định là nơi tiếp nhận các cơ quan, công xưởng của Trung ương và Liên khu chuyển đến.
Bác ra đi kháng chiến với trang bị rất gọn nhẹ. Đồ dùng của Bác mang theo gồm chăn, màn, vài bộ quần áo, đôi dép lốp cao su, chiếc máy chữ Hermes Baby và ít tài liệu, sách báo.
Bộ phận cơ quan đi theo Bác lên ATK không quá một tiểu đội vừa làm bảo vệ, thư ký, liên lạc thông tin, cấp dưỡng…
Để giữ bí mật, Bác đã ở và làm việc nhiều nơi ở Việt Bắc. Sau thời gian ở Sơn Dương, tối 19-5-1947, Bác chuyển sang Định Hóa. ATK Định Hóa là vùng có nhiều đồi cây thấp kế tiếp nhau, nằm gọn trong một thung lũng rộng gồm 4 xã: Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên. “Chủ tịch phủ” đặt tại khu rừng Khau Tý (xã Điềm Mặc). Từ đây, có các con đường mòn tới Sơn Dương (Tuyên Quang), xuống Đại Từ, lên Chợ Đồn, sang Phú Lương và nhiều lối tắt, kín đáo, thuận tiện.
Núi rừng Việt Bắc trở thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến. Từ nơi đây Bác Hồ đã cùng Trung ương, Chính phủ lãnh đạo công cuộc kháng chiến, vượt qua bao ghềnh thác, giành hết lắng lợi này đến thắng lợi khác, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trần Tiệu