Phạm Quỳnh – Một góc nhìn –  Nguyễn Văn Khoan

“Một góc nhìn” trong nhan đề sách Phạm Quỳnh – một góc nhìn có thể hiểu là một góc nhìn khác với những góc nhìn về ông hơn nửa thế kỷ qua ở nước ta. Ngay trong Lời giới thiệu, Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm đã viết thẳng thắn là “Yêu cầu đánh giá lại Phạm Quỳnh được đặt ra trong sự mong đợi được giải quyết thỏa đáng không chỉ của hậu duệ ông, mà còn của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước”. Đó cũng là tính khoa học chặt chẽ kết hợp với tính nhân văn cao của câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với gia đình Phạm Quỳnh vào mùa Thu năm 1945 (…) “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng.”

Và “để góp vào việc đánh giá đúng đắn nhân vật lịch sử Phạm Quỳnh, công trình Phạm Quỳnh – một góc nhìn là một sưu tập công phu một số bài viết từng được công bố trên các báo chí (do Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan thực hiện) sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu, ý kiến từ nhiều phía để bạn đọc suy ngẫm trước khi đi tới một “phán xét” cuối cùng có cơ sở vững chắc, khách quan và khoa học”.

Còn trong Tâm sự đôi điều ở trang ngay sau Lời giới thiệu trên, chính tác giả Nguyễn Văn Khoan đã viết những dòng thật xúc động như sau:

“Trong bất cứ một cơn bão nào, nhà cửa, cây cối, các công trình đều ít nhiều bị quật đổ, bị vùi dập. Nhiều cây cao, cành lá xum xuê không cản được gió, hay vì hứng gió quá nhiều, bị gió quật, văng mất gốc, gãy hết cành. Trong khi đó, những cây thấp, ngọn cỏ có thể qua cơn hoạn nạn.

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của dân tộc ta đã trải dài trên dưới trăm năm. Trong “bão táp” cách mạng ấy không thể tránh khỏi những con người do nhiều nguyên nhân nên số mệnh của họ phải đi qua nhiều khúc ngoặt, có khi bị oan sai, gây nghi ngờ, đau khổ cho gia đình, bạn bè, cho lớp người kế cận, mà Phạm Quỳnh là một ví dụ.

Việc đánh giá, xác minh cho một sinh mạng chính trị thật là vô cùng gian nan, đòi hỏi thời gian, tư liệu, nhân chứng..

Việc làm của chúng tôi chỉ dám đóng khung trong việc giới thiệu một số ý kiến của một số người quan tâm đến vấn đề với mong mỏi sẽ được các nhà khoa học, nhà chính trị, các nhân chứng bổ sung cho”.

Sách gồm hai phần và hai phụ lục, kèm một phụ lục ảnh.

Phần I gồm mười bài của tác giả, trong đó có các bài Về ngày “đi không bao giờ trở lại” của Thượng Chi – Phạm Quỳnh, nói về việc bắt Phạm Quỳnh và sự không đồng tình của Hồ Chủ tịch, bài “Bất tất nhiên” đề cập phản ứng của Hồ Chủ tịch ngay sau khi nghe tin Phạm Quỳnh bị bắt, bài Nhìn nhận Phạm Quỳnh dưới góc độ quan điểm Hồ Chí Minh và bài  Đã đến lúc sơ kết về học giả Phạm Quỳnh?. Đặc biệt còn có bài Về cuộc gặp mặt giữa Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Cao Văn Sến, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh năm 1922 tại Paris (Pháp).

Phần II gồm 13 bài chọn và trích của Dương Trung Quốc, Vũ Ngọc Khánh, Dã Thảo, Sỹ Thắng, Nguyễn Hoàng Diệu Thúy, Thủy Trường… Trong đó có bài Có công minh lịch sử mới có công bằng xã hội của Giáo sư Văn Tạo, nêu rõ “chính vua Bảo Đại cũng đã thừa nhận mình chỉ là một ông vua bù nhìn. Phạm Quỳnh với danh nghĩa “văn phòng” thì tránh sao khỏi phải thực thi mệnh lệnh của triều đình. Còn xét về hành động, Phạm Quỳnh không có hành vi nào tàn ác với nhân dân, không đàn áp các cuộc khởi nghĩa như nhiều quan lại thời Nguyễn, không ra lệnh bắt bớ, tù đày các nhà yêu nước…”. Bài Rồi lịch sử cũng sẽ công bằng của nhà văn Nguyên Ngọc kết luận: “Lịch sử, trên con đường đi tới của nó, vốn rất dửng dưng và tàn nhẫn. Phạm Quỳnh, như chúng ta biết, đã có số phận cá nhân bi đát. Nhưng rồi về lâu dài lịch sử cũng lại công bằng. Nó trả lại cho các nạn nhân của nó những giá trị không thể mất của họ. Bạn hãy cầm cuốn sách này (Phạm QuỳnhTiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 – Essais 1922 – 1932 – PT chú) trên tay và trân trọng đọc kỹ từng dòng chữ của người xưa. Bạn đang làm một hành động chiêu tuyết đẹp đẽ mà cuộc sống giao cho chúng ta hôm nay đấy.” Đặc biệt, còn có đến 24 trang là Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng về mối thân tình giữa Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với Thượng Chi – Phạm Quỳnh. Trong đó, nhà văn trân trọng gọi Phạm Quỳnh là “bậc danh nhân văn hóa”, nêu rõ sự đồng tâm đồng chí giữa Nguyễn Ái Quốc với Phạm Quỳnh thời trẻ và do đó mà có sự không hài lòng khi Hồ Chủ tịch biết tin Phạm Quỳnh bị bắt mà nói: “Bất tất nhiên” và sự phẫn nộ khi biết tin Phạm Quỳnh đã bị sát hại ở Huế mà thốt lên: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì?” và “Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với Cụ Phạm ở Pháp! Đó không phải là người xấu!” Và người tiếc nuối nói với đoàn ta trước ngày khai mạc hội nghị Việt – Pháp tại Fontainebleau: “Lúc này còn Cụ Phạm Quỳnh thì…”. Độc đáo là ở phần này còn có đoạn trích Đời viết văn của tôi của nhà văn Nguyễn Công Hoan (xuất bản năm 1971 ở Hà Nội) kể rõ là ông đã viết nên tác phẩm nổi tiếng Kép Tư Bền chỉ vì… thương Phạm Quỳnh! Và càng độc đáo hơn nữa là phần trích báo cáo mật đề ngày mồng tám tháng giêng 1945 của Khâm sứ Trung kỳ Haelewyn gửi Toàn quyền Đông Pháp Jean Decoux và Đại tướng Mordant, trong đó tên thực dân cáo già này nhận định: “Tôi xin lưu ý ngài một điều là, dưới vẻ bề ngoài nhã nhặn và thận trọng, con người đó là một chiến sĩ không lay chuyển nổi cho nền độc lập của Việt Nam và đừng hòng có thể làm dịu những tình cảm yêu nước chân thành và kiên định của ông ta bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một cương vị danh dự hoặc trả lương một cách hậu hĩ. Cho tới nay đó là một địch thủ thận trọng nhưng cương quyết chống lại sự đô hộ của nước Pháp và ông ta có thể sớm trở thành một kẻ thù không khoan nhượng…”.

Hai phần phụ lục cũng rất lý thú. Phụ lục I gồm sáu bài của Phạm Quỳnh, trong đó có những bài đến nay vẫn có tính thời sự trong việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt như: Chữ Nho với văn quốc ngữ, Chữ Pháp có dùng làm Quốc văn Việt Nam được không? Hoặc về trách nhiệm của người trí thức, hiền tài với đất nước như: “Độc thư cứu quốc”, Thơ cho bạn. Bài Trả lời bài “Cảnh cáo học phiệt” của Phan Khôi tiên sinh, một bài rất quan trọng trong lịch sử văn học nước ta mà ngay cả nhiều giáo viên dạy văn cũng chưa từng được đọc. Nhưng, quan trọng hơn hết là bài Chuyện một đêm một ngày (9-10 tháng 3 năm 1945), Phạm Quỳnh tự ghi lại những gì mình làm và chứng kiến đêm Nhật đảo chính Pháp và ngày sau đó. Đây là một tư liệu lịch sử quan trọng; càng quan trọng khi nghiên cứu đánh giá con người Phạm Quỳnh. Phụ lục II gồm ba bài Ngô Tất Tố chế giễu Phạm Quỳnh và bài Văn tế Nam Phong chủ bút Phạm Thượng Chi tiên sinh của nhà giáo lão thành xứ Huế Nguyễn Phúc Vĩnh Ba.

Phạm Tôn