Tư tưởng chính trị của Trạng Lường ( Lương Thế Vinh) trong bài văn sách thi Đình

Lương Thế Vinh tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh ngày mồng 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản (nay là làng Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), trong một gia đình nông dân có học. Lương Thế Vinh thông minh, học giỏi, ngoài hai mươi tuổi đã nổi tiếng là một danh sĩ đất Sơn Nam. Ông là người trọng thực học, có cái nhìn thời cuộc rất sâu sắc, có quan điểm chính trị rất đúng đắn để xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh trị. Tư tưởng chính trị yêu nước thân dân của Lương Thế Vinh thể hiện rõ nét nhất, đầy đủ nhất trong bài văn sách thi Đình đậu Trạng nguyên của ông (năm 1463), là lời “phi lộ chính trị” khi ông bước chân vào chốn quan trường trong đời Lê Thánh Tông thịnh trị. Khi 44 vị tân khoa vào thi Đình, nhà vua thân ra đề bài văn sách, hỏi về “Đạo trị nước của các bậc đế vương”. Mới 23 tuổi đang độ thanh xuân, nhưng Lương Thế Vinh đã tỏ rõ cái nhìn thời cuộc sâu sắc, tài trí uyên bác của mình trong bài văn sách thi Đình mà đề tài rất khó này, khiến nhà vua khi đọc xong quyển thi của ông đã sảng khoái cầm bút châu phê: “Thử quyển tường minh bất tu đối sách chi danh, độc kỳ văn nhi nhân tâm thích thích yên” (quyển này rõ ràng không hổ danh là một bài đối sách văn càng đọc càng thấy thích thú). Và khi chấm khảo quan đã nhất trí phê: ‘Thử quyển hữu học thức, nghi khả trúng thượng” (quyển này có học thức, xứng đáng đỗ đầu) (1). Quả nhiên, với bài văn sách này, Lương Thế Vinh đã đậu Trạng nguyên đứng đầu Đệ nhất giáp tam khôi của khoa thi mà tiến sĩ Đào Cử đánh giá là “chọn được nhiều bậc hiền tài”.

Trong bài Đối đình sách dài ba ngàn chữ này, phần đầu bàn về sự thịnh suy của ba đạo: Đạo Nho (Đạo Thánh), đạo Phật và đạo Lão. Về Đạo Thánh, Lương Thế Vinh cho là đã hưng thịnh từ đời Phục Hy – Thần Nông. Rồi đến đời Nghiêu Thuấn, thần đạo đã biến hóa, thích nghi với dân. Nhưng điều đáng chú ý là Lương Thế Vinh cho rằng Đạo Thánh đã suy yếu từ đời Khổng Tử. Ông viết: “Thói dị đoan mạnh lên từ đâu? Đến đời Khổng Tử, đạo Thánh không thực hiện được, đã phải bàn đến chống dị đoan”. Dân theo thói dị đoan, “không có gì khác là do đời suy, đạo yếu mà ra. Cho nên Chu Công chết thì trăm đời sau không có ai giỏi trị dân, Mạnh Tử chết thì ngàn đời sau không có ai là nhà nho chân chính. Và đến đời Hán – Đường, tuy hám thích Nho, nhưng vẫn không làm sáng tỏ được Đạo. Tống Nho tuy làm sáng tỏ được Đạo, nhưng lại không thi hành được Đạo” (2).

Lập luận phần đầu, Lương Thế Vinh đã làm sáng tỏ sự suy yếu của đạo Thánh (đạo Nho) là một thực tế của nước Trung Hoa phong kiến và của cả nước ta thời đó, cần phải hưng phục. Thực trạng nước ta như thế nào, Lương Thế Vinh đã trình bày ở phần tiếp theo.

Phải nói rằng, có cái nhìn sâu sắc về thời cuộc nhưng phải có lòng dũng cảm, Lương Thế Vinh mới trình bày đầy đủ, rõ ràng việc trị nước của các vua triều Lê, từ Cao Hoàng Thái tổ Lê Lợi đến Thánh Tông Lê Tư Thành, mạnh dạn khen chê, phân minh bình phán. Ông viết: “Thái tổ Cao Hoàng đế, với tài năng trí dũng trời cho, dẹp loạn ở đời, cứu muôn dân khỏi cảnh chết chóc, diệt trừ được chinh chiến mọi nơi. Trong buổi đầu dựng nước, thiết lập quan chế, rường mối rõ ràng, lớn nhỏ trong ngoài cùng một hệ thống, đều không ngoài vì dân mà dựng nên. Nói đến việc xếp đặt quan lại, cũng đều vì dân mà làm vậy (…). Nay bệ hạ (chỉ Lê Thánh Tông – T.G) nối nghiệp thánh, xây dựng mở mang, thường khuyên quần thần phải làm hết chức trách, muốn  dùng người phải vì việc chung mà cất nhắc, vỗ lớn thành giàu, sáng suốt ắt thành công. Thế mà bệ hạ còn cho là chưa trị được, còn muốn trị sâu sắc hơn, còn mong trị cấp thiết hơn (…). Đó là điều may cho thiên hạ, cho nhân dân”.

Rồi ông nhận định: “Việc yên hay loạn trong thiên hạ là do các quan. Từ đó mà suy ra, việc sửa mình hay không của các quan há chẳng liên quan đến việc yên hay loạn đó sao? Theo thần, thì đời nay, cho rằng cả trăm quan đều không làm hết chức trách là không đúng, nhưng nói rằng cả trăm quan đều đã làm hết chức trách cũng không đúng”.

Các quan tân khoa thi hương bái tạ trước Văn Miếu năm 1897

Ông lần lượt điểm lại từng cơ quan nhà nước, từng phần việc của triều đình, của quan chức, cho rằng ngay Nội Mật viện là cơ quan quyền lực cao nhất, gồm các vị tể thần tài giỏi, cũng có nhiều sai sót. Trong việc hình án “hình luật phải rõ ràng, đã rõ ràng thì không được thay đổi, đó là điều quan trọng mà hình quan phải nắm được”. Thế mà “hình ngục còn nhiều, còn nhiều người sai phạm”.

Về văn hóa, giáo dục, Lương Thế Vinh nhận định: “Việc yên dân trước phải có lễ, thay đổi phong tục trước phải có nhạc, lễ nhạc là việc lớn vậy. Việc này làm ở triều đình rất hay. Đáng tiếc là chưa thực hành đến tận dân quê. Việc giáo dục làm tốt thì phong tục đẹp, có tôn sự trọng đạo thì mới có nhiều người tài giỏi. Giáo chức có quan hệ lớn như vậy đó. Triều đình ta đào tạo người tài là cho các trường của nước, của bộ. Nhưng việc giáo dục chỉ chú ý đến văn nghệ, cái đáng lo là chưa dạy về đức hạnh”.

Về kinh tế, ông nói: “Lại đến việc làm giàu thêm của cải cũng chưa làm đến nơi đến chốn, hàng hóa chưa lưu thông là do lệnh của triều đình chưa được thi hành đầy đủ”.

Về quan binh, ông cho rằng: “Người có quyền thế đang nắm việc quân, xứng chức thì ít, không xứng chức thì nhiều. Tiếng là quan võ mà thạo vũ lược phỏng được mấy người? Chức là quân quan và kẻ am hiểu việc quân có được là bao?”.

Lương Thế Vinh nhận xét chung: ‘Người cầm lệnh là tướng soái của dân, phải theo đường đúng mà dắt dẫn dân. Cầm lệnh tốt hay không (phải xem) là có làm cho dân được an nhàn hay không? Thời nay, đương cầm lệnh, các quan ở phủ, lộ, trấn, huyện, người làm hết chức trách thì ít, mà người không làm hết chức trách thì nhiều!”. Ông phê phán quan lại không quan tâm đến dân, còn nặng về xử án, trừng phạt, coi nhẹ việc chăm sóc vỗ về nhân dân. Tất nhiên tình hình đó đã đưa đến hậu quả chưa thật tốt đẹp cho xã hội đương thời. Và ông đã hai lần nhấn mạnh: “Mọi việc đều làm chưa tốt, hình ngục vẫn phạm, kỷ cương chưa vững, lễ nhạc chưa hưng thịnh, nhân tài chưa nhiều, của cải chưa dồi dào, hàng hóa chưa lưu thông, đạo đức chưa nhuần thấm, quân dân còn oán trách, tệ xấu chưa trừ, việc tốt chưa thấy”.

Những lời lẽ trên chứng tỏ Lương Thế Vinh là con người rất dũng cảm, có ý thức trách nhiệm cao với nước với dân, đồng thời cũng thấy vua Lê Thánh Tông là bậc minh quân, biết lắng nghe ý kiến của bầy tôi chân chính để lo trị nước khiến nhà vua phải phê bên cạnh là “đúng” (ngự phê chi thị).

Chuyển sang phần thứ ba, bàn về việc trị nước, Lương Thế Vinh mạnh dạn nêu chính kiến của mình: “Điều trọng yếu để cai trị, không ngoài sự làm sáng rõ đạo Thánh, chính nhân tâm, trừ dị đoan, nắm vững quan chức, bỏ tệ xấu, làm việc tốt”.

Theo Lương Thế Vinh, thứ nhất: “sự làm sáng rõ đạo Thánh, lại có sự ngay thẳng lòng người, chính là cái gốc để trừ diệt tà thuyết. Cần dùng nhân văn để giáo hóa thiên hạ, sự sáng rõ của đạo Thánh chính là ở chỗ đó. Đạo Thánh đã sáng rõ, tất lý lẽ cũng rõ ràng, mọi người đều hiểu. Lòng người ngay thẳng tất phân biệt được đúng sai”.

Thứ hai, về phương diện trị quan, là chính sách tổ chức bộ máy quan lại, Lương Thế Vinh chủ trương: “Đến ngay việc trị quan, không thể không nắm chắc các quan, các tệ xấu không thể không xóa bỏ, việc tốt tất phải làm, đều là phương sách trị nước. Mà việc nắm vững chính sách, nắm chắc các quan, lại chính là cái gốc để trừ tệ xấu, làm điều tốt. Cần phải khảo tích, xem rõ đúng sai, việc nắm chắc các quan chính là như vậy. Để nắm chắc các quan, tất chính sự không thể sai lầm, tệ xấu tất bỏ được; tệ xấu bỏ được, tất dân được nhờ. Đó là những việc không thể không làm”.

Thứ ba, ông nhấn mạnh về trị nước: “Chước thuật cần có chính là ở chỗ bệ hạ cùng triều đình phải đồng tâm nhất thể”. Đọc đến đoạn này, vua Lê Thánh Tông đã châu phê: “Trị thiên hạ bất tận thử nhất ngôn” (việc trị nước không hết một câu nói này). Rồi ông dùng Kinh Dịch, Kinh Thi để giải thích sự đồng tâm nhất thể: “Trời đất hòa hợp nhau thì vạn vật tươi tốt; trên dưới hòa hợp nhau thì chí cùng đồng, đó là đồng tâm vậy”. Và “đầu óc sáng suốt, chân tay nhanh nhẹn, mọi việc đều tốt đẹp, đó là nói về nhất thể vậy”.

Cuối bài văn sách, Lương Thế Vinh thể hiện tấm lòng chân thành mong muốn của mình:

“Trên thì bệ hạ, dưới thì các quan trong triều đình, trên dưới tất phải cùng một chí, đầu óc chân tay tất phải cùng một thể. Nhà vua thì không ngại tự sửa mình, bầy tôi cũng không ngại tự sửa mình, thì chính sự sẽ được tốt đẹp, nhân dân đều thấm nhuần đạo đức, còn lo gì không có cách làm ngay thẳng lòng người, trừ diệt tà thuyết, còn lo gì không có cách nắm chắc các quan, trừ tệ xấu”. Theo ông, nhà vua phải thực sự tiến hành một cuộc cải cách để thay đổi tình trạng xã hội hiện thời. Đó là một cuộc cải cách về chính trị, về tổ chức dựa trên quan điểm tiến bộ: “Vì dân”.

Thật vô cùng đúng đắn khi ông nêu lên mệnh đề: “Cầm lệnh tốt hay không (phải xem) là có làm cho dân an nhàn hay không?”. Cũng thật vô cùng tiến bộ khi ông có chính kiến rõ ràng: “Cần dùng nhân văn để giáo hóa thiên hạ”. Nói đến nhân văn, Lương Thế Vinh muốn nói đến sự quan tâm của các sĩ đại phu, của những quan chức đối với người dân, đạo nghĩa người quân tử đối với nhân dân. “Vì dân” mà định ra hệ thống quan chức có năng lực, và cũng “Vì dân” mà sắp đặt quan chức cho hợp lý, chọn được người có đức có tài, có lương tâm trách nhiệm, lại phải “nắm chắc các quan”, phải luôn “khảo tích” đúng sai phải trái của các quan, xem năng lực và đạo đức trong hành trạng làm quan của họ.

Trong xã hội phong kiến, nhất là phong kiến chuyên chế tập quyền ở đời Lê sơ, mà có tư tưởng “vì dân” như Lương Thế Vinh thật là hiếm có. Điều đó chứng tỏ Lương Thế Vinh ngay từ thuở còn là học trò đã tiếp thu đạo nghĩa nhân ái, thân dân của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, có tấm lòng ưu ái vì nước vì dân.

Điều quan trọng hơn nữa là chính Lương Thế Vinh, ngay từ buổi đầu thịnh trị của phong kiến nhà Lê, đã thấy cần phải thực hiện các chính sách quan tâm đến các làng xã, đến dân quê, đến bách tính nói chung, để có sự kết hợp quyền lực chính trị trung ương với các làng xã, tạo nên sức mạnh vững vàng cho đất nước như trong đời Lý – Trần mà các vua và triều đình đã sáng suốt thực hiện, xây dựng củng cố được nền độc lập thịnh trị.

Khi Trạng qua đời vào ngày 26 tháng 8 năm Bính Thân (1496), Lê Thánh Tông đã vô cùng thương xót thốt lên:

Khuất ngón tay than tài cái thế

Lấy ai làm Trạng nước Nam ta!

Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến khi viếng thăm đền Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại làng Cao Hương đã để lại một bài thơ, mở đầu bằng hai câu thơ thần bút:

Vượt lạch lên mây chí khác vời

Nước Nam sao Đẩu một người thôi!

Bùi Văn Tam