Phát hiện rùa đá hiểu thêm về Mục Lăng

Lam Sơn là nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh (năm 1418), cũng là quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mở ra triều đại hậu Lê, một triều đại hưng thịnh và kéo dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 26 đời vua trị vì được 354 năm.

Lam Sơn còn là nơi “sơn lăng” an nghỉ của 8 vị vua và hoàng hậu triều Lê Sơ là: Lê Thái Tổ (Vĩnh Lăng); Lê Thái Tông (Hựu Lăng); Lê Thánh Tông (Chiêu Lăng); Lê Hiến Tông (Dụ Lăng); Lê Túc Tông (Kính Lăng); Ngô Thị Ngọc Dao (lăng Khôn Nguyên Chí Đức); Nguyễn Thị Huyên (Lăng bà Chúa huyện – vợ vua Lê Thánh Tông); vua Lê Nhân Tông (Mục Lăng).

Lê Nhân Tông tên húy là Bang Cơ, con thứ ba của vua Thái Tông, mẹ là Tuyên Từ hoàng thái hậu Nguyễn Thị, húy là Anh, người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vua sinh giờ Tỵ ngày mồng 9 tháng 6 năm Tân Dậu, Đại Bảo thứ 2 (1441). Năm Đại Bảo thứ 3 (1442), tháng 6, ngày mồng 6 được lập làm hoàng thái tử, đến tháng 8, ngày 12 thì lên ngôi vua bấy giờ mới 2 tuổi. Vua đổi niên hiệu là Thái Hòa, lấy ngày sinh làm Hiến Thiên thánh tiết. Tháng 10 vua khoác áo hoàng bào, ngự ở chính điện thị triều. Vua tuổi còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho, nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ. Nhưng không may bị giết hại, vua chỉ ở ngôi được 17 năm, thọ 19 tuổi, mất ngày mồng 3 tháng 10 Diên Ninh năm thứ 6 (1459) (ĐVSKTT, T.2).

Cũng giống như các vị vua khác triều Lê Sơ. Sau khi mất thi hài vua được đưa về Lam Sơn, táng tại Sơn Lăng, gọi là Mục Lăng. Cũng theo sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại thì: Năm Quang Thuận thứ 1, mùa đông, tháng 10, ngày 21, làm lễ chiêu hồn và táng vua vào Mục Lăng ở Lam Sơn, miếu hiệu là Nhân Tông, dâng tôn hiệu là Khâm Văn Nhân Hiếu Tuyên Minh Thông Duệ Tuyên Hoàng Đế.

Do hoàn cảnh lịch sử để lại. Đến nay, tại khu vực Lam Kinh chỉ còn lại 6 khu lăng mộ của các vị vua và hoàng hậu triều Lê Sơ. Hai khu lăng mộ của hoàng hậu Nguyễn Thị Huyên và Lê Nhân Tông không còn nữa.

Theo lời kể dân gian thì xưa kia hai khu lăng mộ này nằm trên ranh giới đất của 2 làng thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Bấy giờ do có sự tranh chấp đất giữa hai làng này nên họ đã phá hai khu lăng mộ này đi để lấn đất.

Ngày nay, vị trí cụ thể của 2 khu lăng mộ này chưa ai xác định được chính xác là chỗ nào.

Mới đây, vào tháng 5 năm 2005 trong khi thi công đoạn đường tránh Quốc lộ 15A qua khu di tích lịch sử Lam Kinh chúng tôi phát hiện một con rùa đá có đặc điểm và kích cỡ như sau:

Rùa bị mất đầu, được làm bằng đá xanh, mai rùa không chạm khắc hoa văn. Nằm như kiểu ếch nằm, bốn chân co lại, bàn chân hướng về phía trước, đuôi hất ngược lên lưng. Phong cách điêu khắc đơn giản, phóng khoáng và sơ sài. Rùa có chiều dài 104cm; rộng 94cm; cao (cả đế) 38cm.

Căn cứ vào lỗ mộng và kích thước khuôn dựng bia trên lưng rùa cho thấy bề dày của bia là 12cm; rộng 73cm.

Qua khảo sát và so sánh với các rùa trong các khu lăng mộ còn lại ở Lam Kinh cho thấy con rùa này có đặc điểm, kích thước và phong cách tạo tác giống với con rùa ở Hựu Lăng của vua Lê Thái Tông.

Căn cứ theo niên đại xây dựng thì hệ thống lăng mộ ở Lam Kinh được chia thành 4 nhóm như sau:

– Nhóm 1: Lăng mộ Lê Thái Tổ.

– Nhóm 2: Lăng mộ Lê Thái Tông.

– Nhóm 3: Lăng mộ Lê Thánh Tông và Ngô Thị Ngọc Dao.

– Nhóm 4: Lăng mộ Lê Túc Tông, Lê Hiến Tông và Nguyễn Thị Huyên.

Dựa trên cơ sở này và so sánh thực tế thì ta thấy con rùa này phù hợp với phong cách điêu khắc mỹ thuật của nhóm lăng mộ thứ 2 ở Lam Kinh (nhóm lăng mộ của vua Lê Thái Tông).

Vị trí tìm thấy con rùa ở phía Đông khu di tích Lam Kinh thuộc địa phận thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam, là phù hợp với phía an táng vua Lê Nhân Tông (1).

Như vậy ta có thể khẳng định khoảng thời gian và niên đại xuất hiện của con rùa này là vào đầu thời Lê Sơ. Và đây có lẽ là con rùa ở lăng bia Mục Lăng của vua Lê Nhân Tông mà sau này ta chưa biết đến.

Việc tìm thấy con rùa cũng cho chúng ta hiểu thêm về phong cách điêu khắc mỹ thuật ở lăng mộ dưới thời Lê Sơ và cũng là một thông tin quan trọng giúp chúng ta trong việc tìm lại Mục Lăng, góp phần cho việc dựng lại bức tranh đầy đủ về Khu di tích Lam Kinh.

Chú thích:

  1. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì sau khi mất đem vua về an táng tại Mục Lăng ở Lam Sơn, bên hữu Vĩnh Lăng.

Lê Văn Viện