Phục hồi lăng Trường Nguyên ở Thanh Hóa

Lăng Trường Nguyên là nơi thờ Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Cam (trước đọc sai là Nguyễn Kim), đại công thần thời Lê Trung hưng. Dưới triều Lê Chiêu Tông, ông giữ chức Tả vệ Điện tiền tướng quân, trông coi tỉnh Thanh Hóa. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông đem thuộc hạ tránh sang Ai Lao để mưu việc khôi phục. Ông tìm được con vua Lê Chiêu Tông tôn lên ngôi tức vua Lê Trang Tông, từ đó hào kiệt theo về ngày càng đông, thanh thế ngày càng lớn. Nhưng không may, năm 1545 trong khi đóng quân ở Ninh Bình, ông bị hàng tướng nhà Mạc mưu hại trúng độc chết, thọ 78 tuổi. Vua Lê vô cùng thương tiếc, cho đưa linh cữu ông về Bái Trang, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, táng tại núi Thiên Tôn. Từ đấy binh quyền rơi vào tay con rể ông là Trịnh Kiểm, con cháu ông phải phiêu dạt về phía nam để mưu nghiệp mới, lập nên sự nghiệp Nam tiến của các chúa Nguyễn.

Sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long truy tặng ông đế hiệu Triệu tổ Tĩnh hoàng đế vào năm 1906, là thủy tổ của dòng họ Nguyễn Phúc. Lăng của ông trên núi Triệu Tường được tu bổ gọi là lăng Trường Nguyên, phía trước xây một phương cơ hình vuông, xung quanh xây tường gạch có ba cửa và 4 góc dựng 10 cột đá. Năm 1822 vua Minh Mạng cho dựng phía tả phương cơ một đình bia trong dựng bia đá cao 4 thước 8 tấc, khắc bài văn bia và bài minh bằng chữ Hán (Đại Nam thực lục chính biên, VI: 81-82). Năm 1842, nhân chuyến bắc tuần vua Thiệu Trị đến bái yết trước lăng và cho xây một đình bia có bia cao 2 thước 7 tấc, trên khắc bài ngự thi (hiện còn lưu trong Bắc thành thi tập của vua Thiệu Trị).

Trải qua thời gian và nhiều cơn binh lửa, đến ngay không còn dấu vết gì của những kiến trúc xưa, khi bà con dòng họ Nguyễn Phúc tìm đến nơi đất tổ, thì chỉ còn thấy một lư hương để trên mặt đất. Chính vì vậy mà gần đây dòng họ Nguyễn Phúc đã vận động bà con, thông qua các ban liên lạc ở các tỉnh từ miền bắc đến miền nam và ở nhiều nước trên thế giới, phối hợp với họ Nguyễn Hữu ở Gia Miêu, đã gom góp kinh phí để xây dựng lại nơi thờ Triệu tổ. Công việc này được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền tỉnh Thanh Hóa và huyện Hà Trung. Việc làm này đã đáp ứng được ước nguyện của nhiều người thuộc dòng họ Nguyễn Phúc, hiện đang sinh sống trên khắp đất nước và ở nhiều nước trên thế giới mà đông nhất là ở Pháp và Mỹ, luôn có tâm nguyện trở về thăm nơi xuất phát của dòng họ mình. Đó không chỉ là nơi thờ tự mà còn trở thành một nơi tham quan lịch sử cho tất cả những ai muốn tìm hiểu lại những trang sử xưa.

Các công trình phục chế gồm có:

Phương cơ do vua Gia Long cho xây năm 1806, nền vuông 8,40 x 8,40m, cao 0,72m.

Nhà bia và bia do vua Minh Mệnh cho dựng năm 1822. Tấm bia bằng đã hoa cương cao 2m, rộng 1m, dày 0,16m, mặt trước khắc bài minh của vua Minh Mạng, mặt sau khắc bài thơ của vua Thiệu Trị.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài văn bia và bài minh của vua Minh Mạng. Bản dịch văn bia và bài minh của ông Vĩnh Cao thuộc trung tâm Hán học Huế.

 

Ngự chế

Văn bia lăng Trường Nguyên

Lăng Trường Nguyên ở núi Triệu Tường thuộc tỉnh Thanh Ba, là mộ phần của Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế nhà ta. Triệu Tổ vốn dòng dõi nhiều đời quyền thế có công lao nên khi cơ nghiệp nhà Lê suy vi, họ Mạc cướp quyền đã khảng khái lấy việc giết giặc báo thù làm trách nhiệm. Ngài đã khởi xướng nghĩa quân trợ giúp chính thống. Cơ nghiệp trung hưng của nhà Lê đều nhờ công lao của Ngài. Năm Nguyên Hòa thứ 14, ngài về với trời đất, rồi xây lăng tại núi đó. Núi hình thế cao vút vượt trên đồi núi chồng chất bao bọc phía sau, sông suối uốn khúc vây quanh phía trước, núi Tam Điệp, núi Trang Chư sừng sững hai bên tả hữu, thật là đất un đúc linh khí. Do Trời trợ giúp người có đức nên đem đất đó để dành cho ngài. Cơ nghiệp ngàn vạn năm của nước ta chẳng phải khởi đầu từ đấy sao! Tuy Liệt Thánh kế thừa hơn mấy trăm năm, mà lăng ở nơi sông núi cách ngăn nhưng gió mây luôn che chở, tùng thu mãi xanh um.

Đến khi Thế Tổ Cao Hoàng Đế nhà ta, cậy nhờ ân đức nhiều đời, ứng với Trời thuận với người, đã báo được thù cho xã tắc, trừ phẫn hận cho thần nhân, định yên thiên hạ, rồi dựng miếu ở Gia Miêu trang thuộc huyện Tống Sơn, truy tôn đế hiệu cho Ngài, đặt tên lăng là Trường Nguyên để tỏ phúc lành đều do từ nơi đó. Ta, kẻ tiểu tử kế thừa nghiệp lớn, noi theo đạo hiếu nên mùa thu năm Tân Tị nhân có việc bắc tuần, bèn đến yết kiến Nguyên Miếu, bái sơn lăng. Ngắm núi sông mà biết được nơi khí thiêng un đúc lạ kỳ. Nhớ đến cội nguồn mà cảm công vất vả xây dựng cơ đồ. Bồi hồi chiêm ngưỡng, day rứt hồi tưởng nên làm bài văn ghi nhớ đặt ở bên trái của lăng, khiến phúc lành của Triệu Tổ để lại cho con cháu cùng với lòng thành nhớ đến tổ tiên của Thế Tổ nhà ta được lưu lại mãi mãi về sau. Rồi làm bài minh rằng:

Đất chứa khí thiêng

Sinh ra Triệu Tổ

Gây dựng cương thường

Tỏ rõ Thánh võ (1).

Nghĩa động quỷ thần

Công dày vũ trụ

Cõi rồng mà đi

Lăng ở Bái trang

Núi non vây bọc

Tùng thu xanh um

Un đúc anh linh

Lành tốt nối đời

Mệnh trời đã đến

Sinh được cháu Thần (2)

Võ công định yên

Truy lại nguồn gốc

Tôn Đế, lập miếu

Tên gọi Trường Nguyên

Tân Tị bắc tuần

Xa giá đến nơi

Ngưỡng chiêm sông núi

Nghĩ đến cội nguồn

Khắc lên bia đá

Để lại vạn đời.

 

Ngự chế

Triển yết Triệu Tường sơn Trường Nguyên lăng lễ thành cảm thuật

Cảnh ngưỡng di cao vĩnh đối Thiên

Tùng thu vượng khí nhật tăng nghiên

Linh chung dục khánh bang gia đại

Cảm mộ cơ cần đức hóa tiên

Khải hựu càn càn xương quyết hậu

Sùng hồng Thánh Thánh cảnh quang tiền

Tổ ân hạo hoán tình hà dĩ

Khảo trạch như tân lệ phục liên.

Dịch: Bài yết lăng Trường Nguyên ở núi Triệu Tường, sau khi lễ xong cảm tác.

Công sánh ngang Trời luôn kính ngưỡng

Thu tùng vượng khí mãi tăng lên

Phúc lành qui tụ non sông lớn

Đức hậu cơ cần nhớ trước tiên

Che chở cháu con càng thịnh vượng

Kính sùng tiên tổ mãi lâu bền

Ân xưa chất chứa tình khôn xiết

Thương cảm ơn xưa lệ xót thêm.

 

  1. Ý nói bậc thánh về võ công.
  2. Chỉ vua Gia Long.