Trước khi phát minh ra điện, con người muốn giữ lạnh thức ăn chỉ có một cách là tích trữ băng và tuyết mùa đông để dùng trong mùa hè. Đấy là đối với những nước nằm trong khu vực ôn đới, còn các nước nhiệt đới thì đành chịu. Nhưng tích trữ băng và đá như thế nào, điều đó đến nay ít người biết. Sách xưa cũng ít nói đến điều đó, hoặc viết rất sơ lược như chỉ kể rằng vua chúa Trung Hoa mùa hè thường dùng băng để làm lạnh rượu trước khi uống. Vậy người xưa giữ thế nào cho băng khỏi tan vào mùa hè. Đấy mới là cái cần biết. Trong sách của Kim Dung có một đoạn nói về kho băng trong hoàng cung thành Linh Châu của nước Tây Hạ. Đó là một ngôi nhà đá, có ba tầng hầm, chất những khối băng đẽo to hơn viên gạch để dự trữ trong mùa hè, nhưng cũng không nói cụ thể là nhà kho xây như thế nào (Thiên Long Bát bộ, hồi 36). Ở nước Pháp có nhiều lâu đài, trang trại hay tu viện còn giữ được vết tích của những kho lạnh nhân tạo xưa, nhưng đáng tiếc là người ta không chú ý gìn giữ những di sản đó.
Mới đây, tại tu viện thời Trung đại ở Valasse người ta đã phát hiện được một cái “tủ lạnh xưa”. Đây là một tu viện xây dựng từ thế kỷ XII, đã bị tàn phá vì chiến tranh trong thế kỷ XV, đến thế kỷ XVIII mặt tiền của tu viện được xây dựng lại, và đến thời cách mạng thì bị bỏ hoang phế. Sau đó một nhà buôn giàu có đã mua lại để làm nhà ở. Năm 1984 dinh cơ này trở thành tài sản của thành phố, gần đây thành phố có ý định cải tạo thành một công viên. Trong quá trình điều tra sơ bộ người ta đã phát hiện được một cái kho lạnh có thể đã được xây từ thời còn là tu viện, hoặc do gia đình nhà buôn nọ đã làm từ đầu thế kỷ XIX.
Kho lạnh ở Valasse đáng chú ý ở mức độ bảo tồn và kích thước lớn: đường kính hơn 6 m với chiều cao bên trong hơn 10 m. Lối đi vào đã bị sập, nhưng nhiều bản lề bằng sắt vẫn còn cho thấy lối vào có ba cửa hai cánh để hạn chế tối thiểu việc mất nhiệt. Khung cửa được làm nhẵn cho thấy cửa hoàn toàn khép kín. Lối vào cao 2 m mái vòm, lát đá silex đẽo gọt cẩn thận và có ba bậc thềm bằng một phiến đá vôi. Kho lạnh có hình chóp cụt lát bằng một hàng đá silex xen với một hàng gạch có mái vòm. Dung tích của kho có thể lên tới 100 mét khối. Một cái thang bằng sắt dẫn xuống có thể được làm muộn hơn. Dưới đáy tuy bị đá lở che khuất một phần, nhưng vẫn còn thấy một cái giếng để thoát nước khi băng tan. Kho lạnh được xây trong lòng đất, phía trên có đắp đất trồng cây để giữ nhiệt. Lối vào bao giờ cũng trổ từ hướng bắc. Kho lạnh lớn nhỏ tùy theo khối lượng thức ăn đồ uống mà người ta cất giữ, và là nơi làm kem được dùng rất thịnh hành trong những gia đình quí tộc thế kỷ XVI.
Hình chóp cụt phía dưới là nơi giữ những tảng băng lấy dưới sông và ao hồ, hay tuyết trên cánh đồng vào mùa đông. Khối băng đó được xếp cẩn thận. Theo lời kể của Louis Savot đầu thế kỷ XVII thì: “Người ta có thể tích trữ tuyết cũng như băng. Để làm việc đó phải nén chặt rất nhiều tảng tuyết lớn càng chắc càng tốt, sau đó xếp lại cho thật khít trong kho lạnh. Lại phải dùng rơm để lèn cho thật chặt khiến không còn có khe hở giữa các tảng tuyết”. Bị cách ly khỏi mạch nước ngầm và không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm bên ngoài, khối băng đó luôn khô ráo, có thể giữ được trong nhiều tháng, nước tan chảy theo giếng đào bên dưới.
Việc phát hiện kho lạnh ở tu viện Valasse là một bằng chứng về kiến trúc và kỹ thuật độc đáo thời Trung đại. Đây là một kho bảo quản không dùng năng lượng, không bị ô nhiễm, rất đáng được quan tâm.
Đ. H. thuật theo Archéologia / số tháng 10-2006