Đường Lạc Long Quân một đoạn dấu tích phòng tuyến nhà Mạc

Cách đây khoảng 30 năm, ai có dịp đi từ Nhật Tân xuống ngã ba Bưởi – Hoàng Hoa Thám, sang Cầu Giấy, theo đường La Thành, qua Giảng Võ đến Ô Chợ Dừa, rồi men theo đê La Thành đến Kim Liên, thẳng theo đường Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân ra đê sông Hồng thì chỉ thấy hai bên còn những ao chuôm, ruộng trũng. Rõ rệt nhất là đoạn đầu Bái Ân – Xuân La, men theo Hồ Tây và vùng ven Hoàng Cầu – Ngọc Khánh tới sát sông Hồng. Đây chính là dấu vết phòng tuyến phía Tây của nhà Mạc.

Nhà Mạc thay nhà Lê bắt đầu từ năm 1527 đến 1592, có 65 năm đóng đô ở Thăng Long, trải năm đời vua. Sau khi Thăng Long thất thủ, con cháu nhà Mạc rút chạy lên Cao Bằng, đến năm 1677 mới mất hẳn.

Mạc Đăng Dung lên ngôi 1527 chỉ sáu năm sau sự nghiệp khôi phục nhà Lê Trung Hưng được bắt đầu ở Nam triều đằng trong (Thanh Hóa). Cuộc nội chiến giằng co mãi tới 50 năm, gây bao cảnh đau thương tang tóc.

Năm Mậu Tý, thế lực đằng trong mạnh dần, chúa Trịnh Tùng nhiều lần từ phía trong kéo quân ra Bắc. Để phòng thủ Thăng Long, nhà Mạc huy động dân binh trong bốn trấn, đắp phòng tuyến để bảo vệ kinh thành.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mậu Tý năm thứ 11 (1588) tháng 2, hạ lệnh cho dân binh trong 4 trấn, đắp thêm 3 lần lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long. Bắt đầu từ phường Nhật Chiêu, vượt qua Tây Hồ, qua cầu Dừa đến Cầu Dền, thấu đến Thanh Trì, giáp phía Tây Bắc sông Nhị, cao hơn thành Thăng Long vài trượng, rộng 25 trượng, đào ba lần hào, đều trồng tre, dài mấy mươi dặm để bọc lấy thành ngoài”.

Lần trang lịch sử, tham khảo tấm bản đồ thành Thăng Long thời Hồng Đức 1490 thì thấy phòng tuyến này quả là tốn sức người và của.

Từ sông Hồng đoạn chợ Gạo bên này sông Tô, vòng qua vùng Hàng Lược, Quán Thánh về Bưởi, rồi rẽ về hướng nam đến Giảng Võ. Sông Tô Lịch thời này rất rộng là một hào nước thiên nhiên che chở cho thành Thăng Long ở phía Bắc và phía Tây. Dựa vào đoạn thành này, nhà Mạc đắp thêm theo vệt đê La Thành cũ nối với sông Hồng để dựng lũy lá chắn phía tây – nam. Phía Đông thì đã có sông Hồng.

Từ bên kia sông Tô cửa đầu nguồn theo con đê Cơ Xá thời Lý, nhà Mạc dựa theo đê từ phường Yên Hòa, lập phòng tuyến đến Nhật Tân bao lấy Hồ Tây.

Nhưng đây chỉ là chiến lũy chính ngoài dựa vào sông Hồng, sông Tô, còn từ hướng Bắc Nam, sông Thiên Phù lúc này chưa bị lấp, nối từ sông Hồng đoạn Phú Gia – Nhật Tân, chảy qua cánh đồng Xuân La, Bái Ấn nối với sông Tô ở vùng Bưởi. Ngoài địa thế ấy, nhà Mạc còn cho đào ba lần hào nước, bờ hào đắp cao và rộng, trồng tre kín suốt từ Nhật Tân đến bờ sông Hồng tạo một chiến lũy vô cùng vững chắc. Trên bờ lũy giàn kín quân cung nỏ, hỏa hổ, giáo gươm canh giữ lại còn đội tuần tiễu, tạo nên một lũy thép, tưởng khó có một lực lượng nào phá nổi.

Nhìn thế đất ngày nay có thể hình dung ra được những chiến lũy những làn hào điệp trùng giăng mắc. Từ đầu Nhật Tân, tướng Nguyễn Quyện, một tướng giỏi của nhà Mạc cưỡi ngựa hồng, áo mũ lung linh giáp sắt, cùng đoàn tùy tướng đi thị sát dọc tuyến phòng thủ.

Nhưng với thế cuộc lúc ấy, khi lòng dân đã quá ngán với cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt” kéo dài quá lâu, trai tráng đều ra lính, ruộng đồng bỏ hoang, đời sống của dân tiêu điều xơ xác, vả lại theo quan niệm cũ thì nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, như vậy dẫu thành lũy có kiên cố hơn thế cũng khó giữ nổi.

Và quả đúng như vậy, vào mùa đông 1592, trong một trận quyết chiến, chúa Trịnh Tùng đã huy động một lực lượng lớn bộ binh, kỵ binh và voi tham chiến, đã phá tan thành lũy đánh vào Thăng Long. Trong trận chiến khốc liệt này, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Quan quân thừa thắng đuổi tràn đến tận sông, phóng lửa đốt cung điện và nhà cửa, trong thành khói lửa kín trời”.

Sau đó Trịnh Tùng cho san phẳng các lũy đất hào nước ngoài thành Đại La. Và từ ấy đến nay, trải thời gian bồi lấp đã xóa dần dấu cũ.

Ngày nay, đi trên đường Lạc Long Quân từ Nhật Tân xuống, nếu bên phải còn cái ao cá của làng Bái Ân, một dấu tích nhỏ nhoi còn lại của dòng sông Thiên Phù xưa, thì có thể suy đoán, vào thời nhà Mạc chưa có phía đông làng Tân (Nghĩa Đô) và bãi bàng Yên Thái (Bãi Bàng chứ không phải rừng bàng Yên Thái xưa được trồng trên gò Du Ngư, thời vua Lê chúa Trịnh. Rừng bàng ấy sau này bị vua Lê Chiêu Thống cho san phẳng. Còn bãi bàng ở ven đường xưa mới được trồng từ thời Pháp, sau này bị chặt dần lấy đất xây nhà) vì chỗ này xưa là dòng sông Thiên Phù. Lúc này làng Đoài Môn cũng không có, vì chưa có bãi bồi của sông Tô. Sông Thiên Phù có thể bị lấp từ thời chúa Trịnh Doanh (1740 – 1767) bởi căn cứ vào lệnh chỉ của nhà chúa vào năm Cảnh Hưng 1747 đã “Cho làng Bái Ân được canh tác trên các khoảnh ao và ruộng trũng vốn là lòng sông Thiên Phù lấy hoa lợi phụng sự thành hoàng”. Chắc cửa sông bị lấp trước thời gian đó gần chục năm.

Từ lệnh chỉ này mà suy ra, thì cửa sông Tô vùng chợ Gạo, nơi thuyền rẽ vào thành Đại La cũng bị lấp vào thời này. Vì trong sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) có viết:

“Lại như kinh thành xưa có phường Giang Khẩu, sau đổi làm phường Hà Khẩu (Hàng Buồm) tiếp giáp với bờ sông Nhị, liền sát với cái ngòi sông Nhị chảy vào sông Tô, hàng năm bị nước xói không thể giữ cho khỏi lở được. Đời Lê Trung Hưng, mới sai 27đạc suốt dọc bến phường Hà Khẩu để cho Hoa kiều trú ngụ, các hiệu khách liền làm đơn xin tải đá làm mỏ hàn chắn phía thượng lưu. Từ bấy giờ mới bớt nạn xói lở, ven sông về phía Nam dần dần nổi bãi phù sa, người đến tụ họp đông đúc. Bởi thế những phường Thái Cực, Đông Hà, Đông Các, nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm, Hàng Bè, bến Tây Long, đều trở thành phố phường đô hội cả”.

Một đoạn đường Lạc Long Quân, Hà Nội.

Ngày nay đi trên đường Lạc Long Quân, theo dọc suốt phòng tuyến nhà Mạc xưa, thấy đường xá khang trang, phố phường trùng điệp, chẳng còn nhận ra hào cũ. Đường Lạc Long Quân sắp được mở rộng. Khi cầu Nhật Tân xây dựng xong, sẽ có con đường xuyên suốt từ đường Hoàng Quốc Việt qua làng Nghĩa Đô, qua cánh đồng Bái Ân, Xuân La, Xuân Đỉnh tới cầu. Đường rộng, hai bên sẽ là phố phường sầm uất. Và cứ theo dự kiến quy hoạch đến năm 2020 thì đường Lạc Long Quân sẽ là giới hạn  phía Đông của một trung tâm đồ sộ phía tây Thủ đô (1). Nó bao gồm “trung tâm tài chính – thương mại – giao dịch quốc tế – chính trị – hành chính mới của Hà Nội”.

Còn một niềm vui cho người yêu thành cổ, là đường Bưởi – Cầu Giấy vẫn giữ nguyên đoạn Hoàng Thành Thăng Long. Hiện đang làm một con đường men theo dưới chân thành, xuyên qua đất làng Đoài Môn cũ sang Cầu Giấy ngay ven sông Tô. Con đường chưa hoàn thành, nhưng đã đẹp lắm. Không biết ở đoạn trông sang miếu Quán Đôi, thờ mẹ con bà hoàng hậu thời vua Lý Nam Đế, các nhà xây dựng có khôi phục dấu tích của cửa Quảng Phúc, cửa phía Tây thành Thăng Long thời Lý Trần không? Nếu có, thì đoạn này lại càng đẹp. Có sông nước, có cây xanh, lại có một dấu tích ngàn xưa để lại thì quý biết bao.

Từ nay đến năm 2010, chỉ còn 3 năm nữa là tiến tới kỷ niệm trọng đại 1000 năm vua Lý Thái Tổ về Thăng Long. Chính ở thượng nguồn con sông Tô này, quãng Hàng Đậu, Hàng Lược, thuyền vua đỗ dưới chân thành Đại La có cái thế “Rồng cuộn hổ ngồi” thì thấy rồng vàng hiện ra lấp lánh, mới đổi là Thăng Long.

Tự hào biết bao về Thủ đô Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, trải gần ngàn năm chiến đấu và xây dựng. Giờ đây, chỉ đi trên một đoạn đường Lạc Long Quân, thấy Hồ Tây bát ngát, bốn phía nhà cao tầng trập trùng cũng có thể hình dung ra được, thủ đô đang xòe rộng vươn dài và ngày càng lớn đẹp cùng với thời gian.

 

Chú thích:

1.Báo Tiền phong, 23-9-2004.