Thăng trầm chiếc xe ngựa

Nếu không có con ngựa và sự thuần hóa ngựa, lịch sử loài người có thể đã diễn ra theo hướng khác. Từ cái xe gắn bánh người kéo, nay thắng ngựa vào, người ngồi lên đó điều khiển, tăng tốc độ nhiều lần để đến với cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 18. Lúc bấy giờ ở các nước sớm phát triển như Anh, Pháp, Mỹ hàng hóa sản xuất ra hàng loạt ở các nhà máy được xe ngựa kéo đến cảng, xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Cũng những chiếc xe ngựa ấy chở nguồn nhân lực rẻ mạt ở nông thôn dồn tụ vào thành phố làm việc  ở công xưởng, hầm mỏ, nhà máy. Sự ra đời của cỗ xe ngựa là một cuộc cách mạng về tốc độ của con người, là tiền đề cho sự ra đời của xe cơ giới – cuộc cách mạng về tốc độ tiếp theo.

Tuy nước ta không phải là quê hương ra đời của cỗ xe ngựa và thời hoàng kim của nó cũng đã nhường chỗ cho xe cơ giới, nhưng người Việt đã quen thuộc hình ảnh ngựa kéo xe lộc cộc gõ nhịp trên đường, gió lùa vào thành xe phủ bạt, bên trong râm ran câu chuyện dọc đường của những người buôn chuyến, mấy nữ tu sĩ nhà thờ xứ đạo, một thầy giáo đeo kính cận dán mắt vào trang sách, cặp vợ chồng người mù hát rong đeo nhị đến miền chợ xa. Không biết từ bao giờ đã xuất hiện chiếc xe ngựa trang trí lộng lẫy áp phích, panô, giới thiệu, quảng cáo cho chương trình một đêm biểu diễn chèo, tuồng. Theo nhịp trống, mõ, thanh la… giục giã, các nghệ sĩ hóa trang vai diễn ngồi trên xe diễu qua các đường phố. Cũng thú vị như các em nhỏ tung tăng chạy theo đoàn xe ngựa trang trí bằng vải màu sặc sỡ, kết hoa và hai chữ “song hỷ” (gọi là xe hoa) chở hai họ đưa đón dâu trên đường về thôn xã.

Xe ngựa ở Sài Gòn xưa – Ảnh tư liệu

Sự hiện diện của xe ngựa trên đường quê ta không chỉ phục vụ cho giao thông, kinh tế phát triển mà còn mang lại nét đẹp dân dã về văn hóa. Có thời xe ngựa là phương tiện chuyên chở chính của dân thành phố lớp bình dân: khi cảm thấy lạc lõng giữa những cao ốc của văn minh đô thị, ngơ ngác giữa những ngã tư, ngã năm mờ bụi, khói xăng, len lỏi, chen chúc giữa điệp trùng xe hơi, xe máy, thì xe ngựa lui về các vùng ngoại vi thành phố, những nơi đó cần đến nó, để đến một ngày kia nó thanh thản đi vào ký ức như “Ông đồ già” của thi sĩ quá cố Vũ Đình Liên.

Về lai lịch, “xe ngựa” là tên tiếng Việt “mã xa” là tên tiếng Hán, miền Nam gọi “thổ mộ” giải thích mui xe giống nấm mộ, lại có người nói “thổ mộ” từ “thảo mã” – xe chở cỏ ngựa ở các đồn lính Tây mà ra; người Pháp đưa loại xe này vào Việt Nam nói đây là loại xe từ Mã Đảo (Madagasca) thế kỷ 19.

Từ các xe ngựa có bánh sắt nan hoa, bọc thêm lớp cao su đặc cho êm, đến các đời “mã xa” hậu sinh: xe ngựa bánh lốp hơi (tận dụng săm lốp ô tô loại ra) và xe kéo cộ, một loại xe ngựa không có mui xe chuyên dụng chở hàng thập cẩm, chủ yếu là vật liệu xây dựng; xe ngựa đã trải qua các bước thăng trầm, cải tiến của các thế hệ xế ngựa cho thích hợp với đường sá xứ nông nghiệp nhiệt đới ta.

Tận dụng sức kéo từ nguồn ngựa đua bị loại, xe ngựa bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn vào khoảng năm 1920, trở nên thông dụng ở Lục tỉnh Nam Kỳ vào khoảng năm 1930 rồi nhân lên trên các tuyến đường nội thị xã, thị trấn tỉnh lẻ, hình thành nhiều bến xe ngựa còn được nhắc đến nay. Như các bến xe ngựa ở một số tỉnh phía Nam: bến xe ngựa đầu ga Sài Gòn, ở Hóc Môn, ở Bà Điểm, Bình Tiên, Cầu Ông Lãnh; các bến xe ngựa miền Trung: An Nhơn, chợ Cây Bông, thị trấn An Thới, chợ Đập Đá, chợ Cảnh Hàn; bến xe ngựa Vinh; ở Thanh Hóa có các bến xe ngựa ở gần ga Thanh Hóa, bến Rừng Thông, bến Lưu Vệ, bến Hàm Rồng. Trên bản đồ Tân Định nay vẫn có ghi tên một con đường của bến xe ngựa thời cũ là đường “Mã lộ” v.v… Hồi này xe ngựa bị hạn chế vào trung tâm thành phố để đảm bảo vệ sinh.

Xe thổ mộ Sài Gòn xưa – Ảnh tư liệu

Khi Đà Lạt trở thành thủ đô mùa hè, trung tâm nghỉ mát lớn nhất vùng Viễn Đông (1940), xe ngựa không những chuyên chở hàng hóa mà còn phục vụ du khách phiêu diêu trên những con đường uốn lượn rồng rắn theo lên tận đỉnh đồi thông quyến rũ đã trở thành nét đặc trưng của cao nguyên miền thượng này. Được con người tân trang lộng lẫy, loại xe không khói này phát triển lưu hành phổ biến ở những miền đất du lịch, danh lam thắng cảnh tỏ ra rất thích hợp lại rất kinh tế.

Với thực tế và theo dõi của người xà ích già, tôi cho rằng thời cực thịnh của xe ngựa Việt Nam là từ năm 1954 – 1980. Tôi cũng đã gặp và trao đổi với nhiều xà ích ở nhiều tỉnh như với ông Giang Văn Điền, chủ nhiệm HTX xe ngựa Đà Lạt. Ông cho biết năm 1980, HTX xe ngựa của ông có 400 xe, xã viên làm không hết việc. Chưa kể đến lực lượng ngoài HTX. Ở kinh thành xe ngựa An Nhơn, ông Lê Văn Tu cho biết, vào năm 1979 có 150 xe. Ở thành phố Thanh Hóa, năm 1980 có 400 xe. Ở các vùng ngoại ô Hà Nội vào năm 1979 có 400 xe.

Sau chủ trương đổi mới của nhà nước ta, nông thôn khởi sắc, đường sá nâng cấp, phát triển, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, xe công nông, ô tô cỡ nhỏ qua lại, xe ngựa bấy giờ bị thu hẹp dần phạm vi hoạt động. Tuy nhiên nhờ ưu thế của xe ngựa, cùng với đà phát triển nhanh của nhịp sống nông thôn và cũng để giải quyết bớt nạn thất nghiệp vào dịp nông nhàn, chắc chắn xe ngựa không những còn đất sống mà được nhân lên trong một thời gian nữa. Chưa kể đường mưa lầy, nắng bụi, gập ghềnh, khúc khuỷu chỉ có sức ngựa mới vượt nổi, nó len lỏi đến tận ngóc ngách của làng xa, bản cao. Để trở thành xế ngựa không khó khăn tốn kém như xế ô tô. Xe ngựa không phụ thuộc vào nhiên liệu, không thải độ vào môi trường như công nông, ô tô. Xe ngựa không tốn thời gian chờ khách, hàng hóa, nó luôn có khả năng tranh thủ, năng nhặt chặt bị: với vài người khách, vài tạ hàng là xe ngựa bon bon lên đường mà vẫn đảm bảo thu nhập cho xế ngựa và được việc cho khách hàng. Theo thời giá, tậu được cỗ xe ngựa (gồm xe và ngựa) theo cách tính của người nông dân, loại xịn mới tới 3 tấn thóc, còn loại đi được và ổn định đời sống cho chủ tham gia, chỉ 1,5 tấn thóc. Về thiết kế, xe ngựa gọn gàng, nếu được trang trí sẽ đẹp mắt, xinh xắn. Nếu đạt yêu cầu về kỹ thuật, xe chở được tối đa cả đằng trước, đằng sau và hai hông xe mà không sợ bị lật. Xe đưa đón khách đến ăn chợ, trong khi chờ khách mãn chợ, xế ngựa cho ngựa nghỉ ngơi lấy lại sức, xế ngựa thư giãn bằng cờ tướng với nhau, đọc sách báo, tự học văn hóa, nghiệp vụ, và có cả dân xế ngựa tận thu thời giờ này để viết báo, viết văn. Do đặc điểm nghề nghiệp, từ lâu đã hình thành tính cách của làng xế ngựa là ham sách báo, ham hiểu biết, giỏi cờ tướng, vui vẻ, phóng khoáng, trọng nghĩa.

Xuất thân từ phu xà ích, chở cỏ ngựa ở các đồn lính Tây thời trước Cách mạng tháng Tám 1945, sau ngày toàn quốc kháng chiến tôi vào bộ đội Nam tiến, đánh thắng trận Điện Biên Phủ 1954 về, tôi lại tìm đến với xe ngựa. Năm 1980 tôi tậu nhà ở thành phố, 4 năm sau thấy bạn hữu đua nhau mua xe công nông, ô tô, con gà tức nhau tiếng gáy, tôi bán chục cỗ xe ngựa, mua ô tô, chưa nổi hai năm, lâm cảnh xe quệt, xe va phải người, sức khỏe tôi xuống dốc, phải bán đổ bán tháo ô tô để khắc phục hậu quả; bây giờ tôi đã quay lại và yên trí làm giàu bằng nghề xế ngựa cha truyền con nối.

Có thực tế nhiều năm phục vụ trên tuyến đường du lịch thành phố Thanh Hóa – Sầm Sơn, tôi luôn được nghe thổ lộ của khách nước ngoài và bà con Việt kiều về nước: “Ở nhà hộp, ngồi ô tô lắm, cũng ngấy, về với Thanh Hóa với làng cổ Đông Sơn – Hàm Rồng, với Sầm Sơn, với thành nhà Hồ, với Lam Kinh… đi dạo bằng xe ngựa, loại xe không khói thật vô cùng thú vị”.

Quả vậy, có được một lần thư giãn như họ, ngồi trên nhịp bon xe ngựa lướt trên những cung đường râm mát ngát hương cây, hoặc lướt qua cánh đồng bát ngát thoang thoảng hương hoa màu, thả hồn theo những sợi khói lam chiều, nghe tiếng xao động của hàng cây bên đường và tiếng thì thầm da diết của những cặp vợ chồng sau bao ngày xa cách nay về với quê hương đất nước… những lúc như thế ngựa tung vó thêm rộn ràng, giòn giã, sẽ không bao giờ quên giây phút hạnh phúc rạng ngời.

Phát triển xe ngựa, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ở nông thôn, sẽ phát triển theo một số dịch vụ cung ứng khác như người chăn nuôi ngựa, người đóng móng ngựa, người sản xuất xe ngựa… giải quyết công ăn việc làm lúc nông nhàn, thật là nhất cử đa tiện lợi.

Khuê Quán Anh