Nguyễn An Ninh – Người đánh thức lương tri

Nhân vật đặc biệt trong lịch sử hiện đại Việt Nam vẫn còn ít được biết đến. Đi tiên phong trong phong trào Âu hóa nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt Nam sâu đậm. Ông là một nhân vật lớn của xứ Nam Kỳ cách mạng cần được khám phá lại. Đấy là lời giới thiệu bài phỏng vấn do Dominique Foulon, tổng biên tập tạp chí Sổ tay Việt Nam* thực hiện đối với nhà sử học Daniel Hémery, giáo sư Đại học Paris-7, chuyên gia về lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong bài này tác giả đã đưa ra nhiều nhận định mới và độc đáo, khác với những điều chúng ta thường phân tích đối với Nguyễn An Ninh, hoặc tránh né không muốn đề cập tới. Chúng tôi xin dịch nguyên văn giới thiệu với bạn đọc. Chú thích là của người dịch thêm vào các chú thích của tác giả.

Carnets du Viêt Nam (C-VN)

Ông có thể kể cho chúng tôi tóm tắt tiểu sử của Nguyễn An Ninh?

Daniel Hémery (D.H.)

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15 tháng 9-1900 ở xã Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Cha ông là Nguyễn An Khương vốn là nhà giáo, người đã dịch bộ truyện Tàu dân gian nổi tiếng Tam quốc chí. Ông là chủ khách sạn Chiêu Nam (1) gần bờ sông Sài Gòn. Năm 1908 ông bị dính líu vào vụ án Gilbert Chiếu (2). Năm 1913 ông đã giúp đỡ và che dấu ông Cường Để, một trong những nhà lãnh đạo của đảng cách mạng của Phan Bội Châu khi ông ta bí mật vào nam.

Ông Ninh học ở trường Taberd Sài Gòn rồi ở trường trung học Mỹ Tho và trường trung học Chasseloup-Laubat. Sau cùng ông học luật ở Hà Nội sau khi đã thử theo học trường Y và đi Pháp năm 1920 (3) và ở lại cho đến 1922. Lúc đầu ông học trường trung học Bordeaux rồi ghi danh vào trường Luật Paris và lấy bằng cử nhân năm 1921. Ông là đại diện và là nhà tư tưởng của những người có thể gọi là cấp tiến trong những năm 1925-1926 của Nam Kỳ thuộc miền nam Việt Nam, và tôi nhấn mạnh điều này: miền nam Việt Nam, vì thuở đó có nhiều khác biệt trong đất nước này, dưới thời thuộc địa có ba kỳ theo ba chế độ khác nhau. Thời đó người ta không thể đi lại giữa ba kỳ nếu không có giấy phép của nhà chức trách. Dân chúng có thể đi lại nhưng việc giao dịch tương đối hạn chế, khó khăn. Báo chí có thể lưu hành từ nơi này đến nơi khác.

Năm 1925 thanh niên Việt Nam chuyển hướng dần dần trong sự dấn thân chính trị và dưới sự kiểm soát của chính quyền. Chuyển hướng một cách dò dẫm, mơ hồ nhưng hào hứng. Thanh niên trí thức từ các trường kiểu mới như trường Pháp-Việt dạng trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn hoặc những trường tư thục do giới tư sản Việt Nam dựng lên. Một lớp thanh niên tân tiến hiện đại đã tiếp thu nền giáo dục Tây phương, chứ không còn là nền giáo dục cổ điển lấy chữ nho làm gốc. Đó cũng là trường hợp của những người du học sang Pháp mà ông Ninh là trong lứa ấy vì ông đã sống ở Pháp nhiều lần sau khi tốt nghiệp cử nhân năm 1920, 1925 và 1927.

Lứa thanh niên đó là con cái tầng lớp tư sản bản xứ giàu có hay con em các điền chủ. Một số người miền Bắc và miền Trung (đất bảo hộ) cũng xuất thân từ gia đình quan lại, còn ở Nam Kỳ (thuộc địa) tầng lớp quan lại không còn nữa. Đúng là có những công chức của chính quyền Pháp nhưng họ không còn được đào tạo và có những đặc quyền của các quan triều đình. Họ không phải là con em của nhân dân hay rất hiếm khi là từ trong nhân dân. Cá biệt như trường hợp Tạ Thu Thâu, là con một gia đình thợ mộc, cha ông ấy là thầy đồ đi làm nghề mộc để kiếm sống.

C-VN

Đâu là vai trò đặc biệt của Nguyễn An Ninh trong việc nổi lên của lứa thanh niên cấp tiến này?

  1. H.

Nguyễn An Ninh là anh cả của thế hệ này, là người gợi ý và đưa ra một mẫu hình hoạt động. Ông đã sang Pháp nhiều lần và đi tham quan các nước lân cận. Ông nói và viết thạo tiếng Pháp. Ở Pháp ông giao du với trí thức, viết cho tạp chí Europe… Ông có thể diễn thuyết bằng tiếng Pháp hoàn hảo; thời đó có rất ít người Việt Nam giỏi tiếng Pháp như vậy.

Nắm vững ngôn ngữ của kẻ thống trị là một sự thay đổi cơ bản so với thế hệ trước. Như Phan Bội Châu chẳng hạn, ông không nói được tiếng Pháp mà chỉ dùng tiếng Việt, diễn đạt bằng chữ Hán khi viết. Phan Châu Trinh sang Pháp năm 1911 cũng không biết tiếng Pháp. Khi ông viết văn bản khiến ông trở nên nổi tiếng “Thư gửi Toàn quyền Beau” được đăng trong bản tin của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp năm 1906, thời đó còn rất cởi mở đối với việc thức tỉnh tinh thần dân tộc Đông Á (điều đó không kéo dài được lâu), ông chỉ có thể đăng được bằng cách nhờ dịch sang tiếng Pháp.

Ảnh cuối cùng của Nguyễn An Ninh

Ảnh cuối cùng của Nguyễn An Ninh

Thế hệ đầu tiên đó suy nghĩ về cách tân bằng chữ Hán. Một loạt sách cơ bản về truyền thống tri thức Âu Tây của Rousseau, Montesquieu, Locke, Thomas Huxley đều được dịch sang chữ Hán. Nhưng từ những năm 20, các trường thuộc địa, các trường tư thục hoặc các trường dòng đã đào tạo ra một thế hệ nắm vững tiếng Pháp, họ đọc các tác phẩm cơ bản  trực tiếp không qua chữ Hán. Ninh là biểu tượng của thế hệ mới sinh ra cùng thế kỷ.

C-VN

Về chính trị, vai trò ông Ninh theo ông là thế nào?

  1. H.

Ở Paris ông giao du với nhóm trí thức hay gần như trí thức tập hợp quanh cụ Phan Châu Trinh, luật sư Phan Văn Trường và cả Nguyễn Ái Quốc. Ông là người nghiện đọc sách, khát khao kiến thức một cách kỳ lạ, ông đọc kỹ Nietzsche (4) mà ông rất khâm phục. Ông đã suy nghĩ rất nhiều để biết cách mở ra hướng đi và ông nghĩ rằng với tác động cải cách của cánh tả Pháp có thể mở ra con đường giải phóng trong hòa bình và nhất là con đường dẫn tới tiến bộ. Ông là người đã lường được hố sâu ngăn cách của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ với những gì người ta chưa biết gọi là sự Hiện đại. Đấy là cái hố phải san bằng và sự ủng hộ của cánh tả Pháp là cần thiết: đảng Xã hội, Cộng sản, Liên đoàn Nhân quyền… đã phê phán chủ nghĩa thực dân hoặc chống thực dân. Nhưng ông cũng nghĩ đến việc trước hết phải huy động thanh niên, sự tham gia của thế hệ trẻ là không thể thiếu được.

Trở lại Sài Gòn tháng 10-1922, ông có cuộc diễn thuyết vang dội đáng kể về “Cao vọng thanh niên An Nam”. Đó là bài diễn thuyết bằng tiếng Pháp rất táo bạo lên án thẳng thừng tận gốc chất Khổng giáo trong xã hội Việt Nam, với tất cả sự trì trệ, phản động và bảo thủ trong truyền thống Hoa-Việt. Ông cũng lên án “sứ mệnh khai hóa văn minh” của nước Pháp là những lời dối trá đang được cải chính hàng ngày, tuy nhiên cần phải Âu hóa nghĩa là phải học nước Pháp để tự giải phóng mình. Ông đã dám nói rằng “Sự áp bức đến từ nước Pháp, nhưng tinh thần giải phóng cũng đến từ đó”! Năm 1923 ông sáng lập tờ báo lấy tên Chuông rè gợi ý từ một bài thơ của Baudelaire. Tờ báo này trở thành mẫu mực trong làng báo chống đối và cách mạng của Việt Nam.  Lúc đầu ông viết tất cả các bài trong báo và tự đem ra đường rao bán. Đấy là một tờ báo tự do bị nhà cầm quyền trù dập, hăm dọa (gây áp lực với nhà in, đưa ra tòa…). Tờ báo đó là một tiếng sét, dù cho độc giả của nó chỉ giới hạn trong một số ít so với cả nước. Tờ báo chứa đựng một nhiệt tình, một dũng khí và sự hăng say của một thế hệ mới. Ông nói với các bạn trẻ (chỉ kém ông 4-5 tuổi) rằng phải bắt tay vào một hành trình đưa họ đi xa khỏi nền văn minh hiện hữu của họ để khám phá thế giới nhưng để trở về xã hội của mình sau khi được trang bị phương cách tìm lối thoát ra khỏi đêm đen thuộc địa. Và ông quan tâm tìm cách đoàn kết các lực lượng tiến bộ của thế giới Âu Tây. Ông ca ngợi nền Cộng hòa Pháp lúc bấy giờ, một hình mẫu cộng hòa còn nhiều hạn chế, nhưng dù sao cũng là một hình mẫu. Điều kỳ lạ, đối với ông nước Pháp vừa là kẻ thù vừa là một hình mẫu: “mẫu hình của chúng ta là người thầy của ta”, ông đã nói với Léon Werth như vậy. Vấn đề là dùng hình mẫu đó để chống lại chính quyền thuộc địa. Ông tố cáo trên báo Chuông rè những thủ đoạn bỉ ổi, tàn bạo, xấu xa tai tiếng của chánh quyền thuộc địa. Ông biết rằng muốn thành công phải vận động được quần chúng nhân dân, mà đó cũng là điều khác biệt so với báo giới trước ông chỉ biết đến giới thượng lưu mà quên đi dân chúng. Đấy là ảnh hưởng của các đảng công nhân và công đoàn mà ông đã thấy hành động ở Pháp. Từ đấy ông đã đi khắp châu thổ sông Cửu Long bằng xe đạp để truyền bá tư tưởng của mình với lý do bán dầu cù là.

Nhưng ông thường bị bắt giam; ông phải nộp tiền chuộc để được thả ra; ông đã thành lập cái mà sở Mật vụ gọi là “Hội kín Nguyễn An Ninh”.

C.VN

Vì sao một nhân vật như thế mà không vào đảng Cộng sản?

  1. H.

Năm 1925 đảng Cộng sản chưa có, đảng được thành lập năm 1930. Vấn đề còn tương đối mơ hồ, mặc dù ông là người đầu tiên in Tuyên ngôn cộng sản của Marx và Engels ở Việt Nam trên báo Chuông rè. Trong báo này ông đã vận dụng nhiều điều đã đăng trên báo Nhân đạo (5) hay Le Paria (Người cùng khổ). Cho đến nay tôi vẫn chưa có lời giải vì sao ông không vào đảng cộng sản. Trước hết ông là người trí thức, người thức tỉnh lương tri. Dù sao ông ý thức rõ lợi ích của đấu tranh quần chúng mà ông đã khơi dậy với cái gọi là Việt Nam thanh niên hội năm 1925, mà thực chất là những nhóm hành động nhỏ, hay có ý muốn hoạt động bí mật với Việt Nam Cao vọng đảng năm 1929 đã khiến ông lại phải vào tù hai năm. Ông không phải là một người theo chủ nghĩa Lênin, ông là một người cá nhân chủ nghĩa, đề cao cá nhân, đề cao sự giải phóng của con người. Một cách lẫn lộn, ông tin vào sự cần thiết phải có một cuộc “cách mạng con người”, đưa đến một “con người mới”. Ông là người “sáng tạo” ra khái niệm con người hiện đại Việt Nam, một khái niệm hồi đó chưa có. Ông tìm cách làm cho mọi người hiểu rõ khái niệm rất Âu Tây này trong nước ông. Đấy hoàn toàn không phải là mối bận tâm của ĐCSĐD vào giai đoạn thành lập, đang dấn thân hoàn toàn vào Giai đoạn thứ ba (6) đưa đến sự thắng thế của phái Stalin. Nói như vậy, ông là người đã có ý định tập hợp những người cộng sản, những người không cộng sản, những người dân tộc chủ nghĩa cánh tả, v.v… Theo tôi ông Ninh là một người dân tộc chủ nghĩa cánh tả, ông thiên về giải phóng dân tộc triệt để về mặt xã hội nhưng vẫn giữ tính độc lập, thậm chí còn dè dặt đối với một đảng gắn kết với QTCS và phụ thuộc vào những bước ngoặt chính trị của họ.

C-VN

Ông ấy có thể đến với những người Trôtkit, thời đó rất quan trọng.

  1. H.

Ông rất được họ mến mộ. Ông là bậc thầy tư tưởng của họ. Tạ Thu Thâu là điển hình của thế hệ đó đã du học sang Pháp dưới ảnh hưởng của Nguyễn An Ninh. Sinh viên phía nam sang Pháp học và nhiều người trở về trở thành hoặc là cộng sản chính thống, hoặc là Trôtkit. Sinh viên phía bắc vào những năm 1925 lại đi sang Trung Quốc, nơi Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình đã xây dựng cơ sở hoạt động. Chớ quên rằng, tôi nhắc lại, thời đó Việt Nam bị chia thành hai xứ bảo hộ và một xứ thuộc địa. Nguyễn An Ninh không bị trói vào cái khuôn lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS Đông Dương từ năm 1931) cũng được thành lập ở Trung Quốc. Ông gần gũi hơn với nhóm cộng sản ở Paris nơi ông đã sống, mà cũng có thể gần gũi với những người Trôtkit, nhưng không chọn cho mình bên này hay bên kia. Sự lựa chọn không dễ dàng ở giai đoạn 1927-1929. Ông là người luôn luôn có tư tưởng đoàn kết. Ông là một con người tập hợp chứ không gắn mình với những chia rẽ chính trị. Ông giữ vai trò trung tâm năm 1933 trong việc thành lập báo La Lutte, một thử nghiệm rất thú vị.

Đầu những năm 30 đã xảy ra một cuộc đàn áp lớn chống các tổ chức cách mạng và quốc gia. Các tổ chức này còn rất yếu và bị tan vỡ vì cảnh sát Pháp. Nhân có cuộc đến thăm của các nghị sĩ quốc hội cộng sản, Paul Vaillant-Couturier và Gabriel Péri đã gợi ý ra một tờ báo đối lập bằng tiếng Pháp với sự ủng hộ của ĐCS Pháp và QTCS. Nhìn lại lực lượng hiện có còn yếu và nhất là khó khăn trong việc ra một tờ báo tiếng Pháp, ông đề xuất kết hợp những người cộng sản chính thống với những người Trôtkit , vì những người này có khả năng biên tập và có văn hóa Pháp cao hơn những người cộng sản chính thống. Ông đã thuyết phục Gabriel Péri, và ít lâu sau QTCS đã bật đèn xanh. QTCS và ĐCS Pháp tán thành sáng kiến của Ninh và có lẽ đã giúp đỡ tài chánh cho việc này.

Nguyễn An Ninh là một trong những người biên tập của tờ báo. Đồng thời một nhóm chính trị mang tên La Lutte ra đời và theo năm tháng đã có một hậu thuẫn quần chúng quan trọng, vì họ có nhiều dân biểu ở Hội đồng quản hạt Sài Gòn. Nhóm La Lutte, như mọi người nói về họ, áp đặt một phương thức đấu tranh chính trị mới và hành động cách mạng mới, một hành động kiên trì và sáng tạo khác hẳn với các hội kín yêu nước xưa, cực kỳ đa dạng vì nó đề cập đến mọi mặt đời sống hàng ngày của nhân dân, theo kiểu hoạt động của đảng cộng sản châu Âu và Pháp.

Sự ra đời của Mặt trận bình dân ở Pháp mở ra ở Đông Dương ba năm hoạt động chính trị sôi động. Trước hết là cuộc vận động tổ chức Đông Dương Đại hội nhằm mục tiêu xây dựng những yêu sách quốc gia cho tiểu ban điều tra về các thuộc địa mà chánh phủ Pháp chuẩn bị thành lập tháng 1-1937. Vào thời này ông bị bắt ngày 28-9-1936 cùng với Tạ thu Thâu và Nguyễn Văn Tạo. Sau cuộc tuyệt thực 9 ngày (7), họ được tạm tha. Những năm này thật là kỳ lạ. Những cuộc đình công và biểu tình rất quan trọng nổ ra làm Sài Gòn rung động hòa nhịp với thế giới. Người ta quyên góp gạo tiền cho nền Cộng hòa Tây Ban Nha, cho Madrid bị bao vây, cho thành phố Barcelona. Sài Gòn mang hình ảnh thủ đô quốc gia của một nước Việt Nam quốc tế, cởi mở chưa từng thấy và có lẽ sẽ không còn trở lại nữa vì những ý tưởng thăng trầm của làn sóng cách mạng Viễn Đông.

Ông Ninh lại bị bắt tháng 9-1937 và bị tuyên án 2 năm tù sau ba lần xét xử liên tiếp. Được tha có điều kiện ngày 3 tháng 3-1939, ông lại bị bắt ngày 5 tháng 10 năm ấy sau khi Đảng Cộng sản bị cấm. Vào lúc tuyên bố Chiến tranh thế giới thứ hai, ĐCSĐD ủng hộ hiệp ước Xô-Đức và quay trở lại đường lối chống chủ nghĩa đế quốc triệt để bị giải thể và những người lãnh đạo bị cầm tù. Ngày 10 tháng 12-1940 Ninh bị đày ra Côn Đảo và qua đời vì không được chăm sóc vào năm 1943.

Khi xảy ra cuộc rạn nứt của nhóm La Lutte giữa những người cộng sản chính thống và những người Trôtkit năm 1937, ông Ninh đã biểu thị rõ ràng thái độ không tán thành những người Trôtkit. Cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề thái độ đối với chính phủ Pháp của Mặt trận bình dân. Những người Trôtkit tố cáo đường lối đàn áp ở thuộc địa của chính phủ này. Với Mặt trân bình dân, họ chống việc thành lập Mặt trận công nông không có hợp tác giai cấp. Ông Ninh luôn luôn nghiêng về đại đoàn kết nên không tán thành quan điểm đó, ông chủ trương lập một liên minh Đoàn kết quốc gia tập hợp mọi lực lượng chống thực dân. Nhưng ông không bao giờ lặp lại những từ vu cáo đối với bọn “Trôtkit thân Hitle” hay “tay sai của Thiên hoàng” mà những người cộng sản đã trút lên đầu những người đồng minh cũ của mình, lập trường của ông không làm cho ông trở thành một người thuộc phái Stalin, còn lâu mới như vậy.

C-VN

Tại sao ngày nay ông ít được biết đến ở Việt Nam?

  1. H.

Bởi vì ông là một người không thể phân loại được và là một người phi công thức, trong chừng mực đối với ông cá nhân và người trí thức là những đối tượng tổng thể của Lịch sử. Còn cả một bộ phận di cảo của Nguyễn An Ninh cần phải phát hiện và nghiên cứu. Ông rất quan tâm đến nền văn minh cổ Việt Nam, ông đã viết những công trình về Phật giáo; ông có một khía cạnh rất lãng mạn, ông không phải là người hùng kiểu Macxit-Lêninit. Nhưng có lẽ có nhiều cách giải thích khác. Nên nhớ rằng ĐCS Việt Nam đại đa số những người lãnh đạo là người miền Bắc không biết đến những kinh nghiệm của Nam Kỳ. Ông Ninh chưa bao giờ là đảng viên ĐCSVN dù rằng ông tán thành trên nhiều điểm bằng sự lựa chọn của mình, đồng thời có lẽ ông cũng bị xúc động vì những vụ án ở Mạc Tư Khoa đã có tiếng vang tới Việt Nam trong giới trí thức (8). Đối với người cộng sản, ông là “người bạn đường” không hơn không kém, chứ không phải là một lãnh tụ cách mạng. Vả lại câu chuyện nhóm La Lutte còn khiến nhiều người cộng sản phiền lòng. Sử học chính thống còn rất cứng nhắc, có lẽ một ngày nào đó nó sẽ chuyển biến. Ngay ở miền Nam với các chế độ kế tiếp nhau của Ngô Đình Diệm và các tướng lĩnh, đã có một sự cắt đứt với thời kỳ đấu tranh những năm 20 và 30, đặc biệt đối với tất cả những cái gì mang dáng dấp đấu tranh giai cấp. Sau Điện Biên Phủ, trí thức miền Nam tự xưng là thuộc về nhiều trào lưu tư tưởng, đã quên mất con người đó và thời kỳ đó vì họ mang xu hướng chống cộng. Ông Ninh, và toàn bộ thời kỳ đó, không được đặt đúng tầm vóc trong lịch sử những năm 1947-1975. Ký ức về các trào lưu tư tưởng khác nhau ở Việt Nam hiện nay vẫn còn là một mớ lộn xộn.

Các nhà văn ngày nay được nhiều người biết như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, đều không biết gì về quá khứ đó. Các chế độ ở miền Bắc và miền Nam đã đưa ông Ninh vào ngõ cụt. Nhưng dù sao ông vẫn có một vị trí quan trọng trong lịch sử. Ông đã từng là người thức tỉnh lương tri, người tiên phong của hiện đại hóa tư duy, nhưng chưa có được chỗ đứng xứng đáng đúng với tầm vóc.

TRƯƠNG CÔNG TÍN

dịch và chú thích

 

Chú thích:

* Carnest du Viêt Nam, số 10, tháng 2-2006.

  1. Tức Chiêu Nam lầu.
  2. Tức Trần Chánh Chiếu.
  3. Thực ra ông đã đi Pháp năm 1918.
  4. Friedrich Nietzsche (1844-1900), nhà triết học Đức, nổi tiếng với định đề coi mọi giá trị thống trị thế giới (tồn tại, sự thật, cái thiện) xuất phát là phản ứng của những kẻ yếu chống lại kẻ mạnh. Có ảnh hưởng lớn đối với trí thức Việt Nam.
  5. L’Humanité, báo của đảng Cộng sản Pháp.
  6. Giai đoạn thứ ba, trào lưu cực tả của QTCS từ 1928 đến 1933, đã kết hợp chủ nghĩa biệt phái cực đoan với chủ nghĩa duy ý chí tả khuynh đưa đến sự thụt lùi của các đảng cộng sản ở khắp nơi (chú thích của tác giả).
  7. Thực ra là 11 ngày.
  8. Những vụ án xảy ra vào cuối những năm 30 của thế kỷ trước, trong đó Stalin đã đưa ra xét xử nhiều cán bộ trung kiên của ĐCSLX, điển hình là vụ giết hại nhiều tướng lĩnh cao cấp, đã được kể lại trên báo chí ngày nay.