Mặt trận Gươm thiêng ái quốc – Một thủ đoạn của tình báo Mỹ 40 năm trước đây

Năm 1999, khi cuốn Cuộc chiến tranh bí mật chống Hà Nội – Kenedy và Johnson dùng gián điệp, phá hoại, lính kín chống miền Bắc Việt Nam*, của Tiến sĩ chính trị học Richard H. Shultz được xuất bản, các cựu bộ trưởng quốc phòng và cựu thủ trưởng CIA cho rằng các tình báo viên Hoa Kỳ nên đọc cuốn sách này. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về các thủ đoạn và quan điểm thực hiện chiến tranh ngầm của tình báo Mỹ, trong đó có đấu pháp dùng hư chiêu tạo thực tượng, chúng tôi xin trích dịch một số đoạn trong cuốn sách trên. Các chữ trong ngoặc kép là của nguyên bản. Đầu đề và các chú thích là của người dịch.

Tình báo Mỹ nhận định có ba khu vực chống đối trong ván    bài chiến tranh ngầm chống Hà Nội. Một là vùng thượng du tây-tây bắc của miền Bắc, chiếm đúng 15% dân số miền Bắc những năm 1960. Đa số các tộc thiểu số ở đây có quan hệ huyết thống với dân cư bên kia đường biên giới với Trung Hoa và Lào. Thứ hai là vùng công giáo ở các tỉnh ven biển như Nam Hà, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ở đây từng có những biểu hiện bất đồng với chính phủ, thậm chí chống đối, phá phách. Thứ ba là các tộc người Hoa ở vùng núi ven biển giáp giới với CHND Trung Hoa, và cộng đồng người Hoa, không đồng chủng với các nhóm thiểu số trên, khu trú tại đô thị như Hải Phòng.

Quân Mỹ thực hiện công cuộc bình định bằng cách dôn dân vào các ấp chiến lược

Quân Mỹ thực hiện công cuộc bình định bằng cách dôn dân vào các ấp chiến lược

Tuy nhiên, việc ném hú hoạ (blind-drop) biệt kích xuống các vùng trên, cũng như khu bắc vĩ tuyến 17, nơi bắt đầu Đường Hồ Chí Minh, đã hoàn toàn đổ bể. Trong danh mục hơn 30 nhóm biệt kích, mà thành viên là người Bắc di cư, chi chít những ghi chú như “bị bắt sau khi đổ bộ”, “hai mang, đóng kịch, đã cắt đứt liên lạc”, hoặc “mất liên lạc” … Ngoài sức kháng cự cố hữu mà chế độ lãnh đạo tổng quyền đem lại, Hà Nội còn tỏ ra khôn ngoan khi chơi trò hai mặt, biến các điệp viên của CIA và SOG (1) thành quân của họ. Sự kém tinh thông của các sĩ quan điều hành điệp vụ tại Sài Gòn cũng làm tình hình thêm tồi tệ. Miền Bắc là một “cơ cấu làng-nối-làng vô cùng hiệu quả về an ninh, không có chỗ cho kẻ lạ mặt … Các cuộc biệt kích chỉ mang ý nghĩa quấy rối”.

Đã đến lúc phải làm chiến tranh tâm lý, cái mà William Colby cho rằng “ sẽ gây tác động, vì người cộng sản quá nhạy cảm với các nguy cơ phản kháng tới mức, hễ ám thị được rằng có một nhóm chống đối trong hàng ngũ của họ, sẽ làm họ phát điên”… Nếu hội tụ được các nỗ lực xói mòn niềm tin, sự lường gạt và các mưu đồ chống phá, sẽ tạo ra thiệt hại. Những chế độ như thế thường săn đuổi kẻ thù và nội gián mà nó cảm nhận được. Có điều, khuynh hướng ấy từng dẫn tới những cơn hoang tưởng đẫm máu. Các cuộc thanh trừng nội bộ của Stalin chẳng hạn, không những tàn sát đội ngũ đảng viên bônsêvích, mà còn làm tan hoang hàng ngũ tướng lĩnh Hồng quân ngay trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ. Trong vòng một năm rưỡi kể từ 1937, Stalin đã cách chức 3 trong số 5 nguyên soái, 14 trong số 16 tư lệnh tập đoàn quân, 60 trong số 67 chỉ huy quân đoàn, 136 trong số 199 sư đoàn trưởng. Nhiều người trong số tướng lĩnh trên bị hành quyết, số còn lại bị tống vào trại tập trung. Khác gì tự chặt chân tay mình. Nhưng Liên Xô đâu phải là ví dụ duy nhất. Vào năm 1965, Mao phóng tay phát động Đại cách mạng văn hoá, dìm bộ máy cán bộ đảng vào bể máu …

Nhiệm vụ phức tạp nhất của cuộc chiến tâm lý chống Hà Nội là làm sao nuôi cấy được trong tiềm thức Bắc Việt một tổ chức chống đối trên thực tế không tồn tại. Một chiến thuật như thế đã được ứng dụng ở Trung Hoa vào năm 1952 và được tưởng là có thực mãi tới năm 1963. Để phịa ra một tổ chức chống đối, cần sắp đặt một huyền thoại. Cốt truyện kiểu Việt Nam cho huyền thoại này, nhờ dày công nghiên cứu, đã được tìm ra. Đó là sự tích thanh gươm thần của Lê Lợi, người anh hùng dân tộc đã đánh đuổi quân Minh vào thế kỷ XV, mà đứa trẻ Việt nào cũng thuộc làu.

Hành động mua chuộc trẻ con của binh lính Mỹ ở miền Nam

Hành động mua chuộc trẻ con của binh lính Mỹ ở miền Nam

Vì thế giặc mạnh, Lê Lợi đã phải tiến hành một cuộc chiến tranh trường kỳ tới 10 năm trên cơ sở một phong trào sâu rộng với những chiến lược cách tân về chính trị, quân sự và cả về tâm lý. Chẳng hạn, để hợp pháp hoá phong trào và giành sự ủng hộ của nông dân, nghĩa quân đã dùng mỡ lợn viết lên trên lá cây những hàng chữ “Lê Lợi vi quân…”, sau khi kiến ăn thủng, lá rụng xuống suối và dòng nước đã đưa những thông điệp như thế đi khắp nơi. Dân tình cho đây là điềm trời, nô nức theo Lê Lợi cho tới ngày giành lại được đất nước. Bọn Minh quân đông tướng tài, lại độc ác, khiến Lê Lợi không những làm chiến tranh quy ước, mà còn xây dựng một đội quân ngầm …

Sau chiến thắng, Lê Lợi định đô ở Hà Nội. Một lần Hoàng đế du ngoạn trên hồ Lục Thuỷ, bỗng một con rùa lớn nổi cạnh thuyền. Ông rút gươm ra tự vệ, nhưng con rùa đớp lấy lưỡi gươm rồi lặn xuống hồ. Vua cho tát cạn hồ nhưng không tìm thấy gì. Ông chợt hiểu rằng Trời đã thu lại lưỡi gươm thần sau khi ông làm xong sứ mạng đuổi ngoại xâm, và gươm được bảo quản ở dưới đáy hồ cho đời sau, khi cần đến. Hồ Lục Thuỷ từ ấy mang tên là Hoàn Kiếm.

Vậy cái tổ chức chống đối tưởng tượng ấy sẽ được mệnh danh là mặt trận Gươm thiêng ái quốc (GTAQ). Nhưng ai sẽ đại diện cho nó đây. SOG phịa tiếp, đó là một số cựu thành viên của Mặt trận Việt Minh từng tham gia đánh đuổi thực dân Pháp, nhưng đã vỡ mộng khi cuộc Cải cách ruộng đất thảm khốc xảy ra vào năm 1953. Tới đây cần phải chèn vào câu chuyện hư cấu một số yếu tố thực sẵn có. Vào mùa hè 1956, những hành vi quá trớn trong Cải cách ruộng đất đã làm bùng phát những cuộc nổi dậy ở vài nơi, ở Nghệ An. Đến quãng này, cần thêu dệt rằng mặt trận GTAQ đã ra đời trong hoàn cảnh ấy (có áp bức thì có đấu tranh, nghe có lý!). Và vì Hà Nội phản ứng nhanh, dập tắt ngay các cuộc nổi loạn, mà GTAQ đã phải chuyển vào hoạt động bí mật, như Lê Lợi đã làm. Còn lại, phải hư cấu tất tần tật, từ căn cứ địa của GTAQ tại núi rừng Hà Tĩnh (nơi Lê Lợi từng nương náu), đến ngài Lê Quốc Hùng (mang họ của Bình Định Vương), “người” được bầu làm chủ tịch Mặt trận tại Đại hội lần thứ nhất vào năm 1961(!).

SOG đơm đặt tiếp: tôn chỉ mục đích của GTAQ ư? Là chống lại mọi ảnh hưởng ngoại lai: tất cả các loại cố vấn, binh sĩ, chuyên gia ngoại bang phải rút khỏi cả miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam. Là phê phán ban lãnh đạo miền Bắc bị giật dây bởi Trung Cộng – kẻ thù truyền kiếp, hiện dùng mặt nạ bịp bợm quốc tế vô sản che đậy âm mưu nô dịch muôn thuở của giặc Minh. Phải đuổi chúng ra khỏi bờ cõi Việt …

Chỉ huy và biệt kích Sài Gòn chuẩn bị đưa ra miền Bắc

Chỉ huy và biệt kích Sài Gòn chuẩn bị đưa ra miền Bắc

Trung Hoa đang dùng Việt Nam làm vật tế thần đánh Mỹ. Qua chiến tranh Triều Tiên, người Tàu hiểu rằng nện nhau trực tiếp với Mỹ là bài học đắt giá. Nay họ đang tọa hưởng kỳ thành: đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng. Trong cuộc đấu giá này, Trung Hoa thắng là cái chắc: vừa bắt Mỹ phải sa lầy trong một cuộc chiến dài ngày, hao người tốn của; lại làm chảy máu Việt Nam, để rồi ta phải cam phận chư hầu cho Trung Cộng. Hà Nội phải thay đổi chính sách đi, GTAQ kêu gọi.

Truyền đơn của GTAQ viết rằng, năm 1965, họ có mạng lưới bí mật cả vạn người, trong đó có 1600 quân chính quy. SOG đã cẩn tắc dùng phi công của nước thứ ba, cụ thể là Đài Bắc, cho các phi vụ rải truyền đơn. Những người lái đã này làm cho CIA kể từ đầu những năm 1950.

Đài Tiếng nói Gươm thiêng ái quốc lên tiếng từ tháng Tư 1965, khoe rằng phát sóng từ chiến khu của Lê Lợi xưa kia – miền sơn lâm tỉnh Hà Tĩnh.

Căn cứ địa của Gươm thiêng ái quốc – đảo Thần tiên (Paradise Island), trên thực tế là Cù lao Chàm nằm ngoài biển gần Đà Nẵng. Phong cảnh ở đây được mô phỏng thành làng quê miền Bắc. Kể từ tháng Tư 1964, các chiến thuyền không số cắm cờ Gươm thiêng ái quốc đã mò vào hải phận miền Bắc. Thiếu tá Roger McElroy, một trong số ít người Mỹ trực tiếp tham gia những chuyến đi này kể lại: “Thuyền làm bằng gỗ để radar khó phát hiện … Tôi cải trang, đeo mạng che mặt và bao tay … Tôi có nhiệm vụ liên lạc với hải quân Mỹ ngoài khơi vịnh Bắc Bộ để họ không nện chúng tôi.” Bắt cóc được ai thì bịt mắt lại rồi nhốt xuống boong và đưa về Cù lao Chàm. Trước hết, người bị bắt cóc được giải thích rằng họ đang ở “vùng giải phóng” của Mặt trận Gươm thiêng ái quốc trên miền Bắc. Sau đó là quá trình cải huấn thường kéo dài ba tuần. Những người bị bắt cóc được ăn no, được chữa trị nếu đau ốm. Người của SOG moi tin từ họ và bơm cho họ những chuyện về “chế độ Hà Nội mục nát”. Hễ ai trong họ kể gì về các quan chức nào ở miền Bắc thoái hoá biến chất thì lập tức dùng làm tư liệu cho các buổi phát thanh của Tiếng nói Gươm thiêng ái quốc và các đài “tuyên truyền đen” khác. Những ngư dân nào chống lại “lực lượng” GTAQ (2) sẽ bị tuyên bố tử hình, sau đó được khoan hồng do “bản chất nhân đạo” của tổ chức này. Từ năm 1964 đến 1968, đã có một ngàn ngư dân được tẩy não trên Cù lao Chàm. Đa số họ được ném trả về vịnh Bắc Bộ, mang theo túi quà đầy nhu yếu phẩm khan hiếm cùng chiếc đài bán dẫn chỉ bắt được sóng Tiếng nói GTAQ. Được giao nhiệm vụ bắt liên lạc với mạng lưới GTAQ ở quê nhà, những “thành viên mới” này của GTAQ hẳn sẽ phát tán mọi tin tức về tổ chức này với người thân, và cả với công an nữa. Những kẻ “ thực lòng” muốn tham gia sự nghiệp GTAQ được đào tạo thành điệp viên đẳng cấp thấp trước khi được đánh trở về. Một số rất ít được giao nhiệm vụ gây dựng “phong trào” bỏ trốn vào Nam.

SOG còn đề xuất cho vài “đại diện” của GTAQ vào Sài Gòn tuyên truyền cổ suý cho tổ chức ma này, thậm chí kêu gọi tìm kiếm chỗ đứng chân cho nó ở Liên Hợp quốc! Nhưng “sáng kiến” đưa GTAQ này ra trường quốc tế đã bị Washington bác.

Nghiên cứu kỹ địch tình, thủ trưởng SOG thấy rằng tình hình cuối cùng đã diễn biến hay ho: con số điệp viên nằm vùng được Hà Nội công bố dài hơn nhiều so với danh sách được SOG đã khiển phái từ trước tới nay. Lực lượng phản gián mất vô khối thời gian và công sức tiến hành điều tra tại nhiều địa bàn. Hà Nội thì công khai lo ngại về nguy cơ gián điệp của các thế lực thù địch, mà trên thực tế, không hề tồn tại. Năm 1967, đã tăng cường các biện pháp an ninh nội chính, và thông báo trên mọi phương tiện thông tin đại chúng miền Bắc về sự thâm nhập nội bộ của gián điệp, biệt kích. Năm 1968, đã quy định 15 tội danh phản cách mạng theo các mức án cao nhất. Báo chí của Đảng cũng vạch mặt các đối tượng chống đối, được địch xúi giục và tiếp tay, đang “luồn sâu, leo cao, tác động ngày càng nguy hiểm”. Các vụ bắt bớ và điều tra do công an và cơ quan phản gián tiến hành tăng lên. Trong những “mẻ lưới” ấy, họ quây ráp những kẻ bị nghi ngờ, thẩm vấn đi, thẩm vấn lại người dân. Tất cả “những ai từng bị tình nghi hỗ trợ cho các hoạt động chống cộng trong quá khứ” đều thuộc diện điều tra. Sự nghi kỵ và dè chừng lẫn nhau ám ảnh tâm trí các quan chức Bắc Việt nam. Cứ đà này, chỉ ít lâu nữa họ sẽ tự xâu xé nhau, lãnh đạo SOG suy diễn.

Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam, tờ Nhân Dân, chỉ rõ “đế quốc Mỹ, ngoài tiến hành chiến tranh bằng quân sự, kinh tế và ngoại giao, đã và đang triển khai chiến tranh chính trị, chiến tranh tâm lý… chiến tranh gián điệp nhằm huỷ hoại hậu phương ta”. Hà Nội đã phân tích tỉ mỉ các thủ đoạn tâm lý chiến của đối phương trên báo chí, đài phát thanh, sách vở lý luận… Họ sáng tạo ra “Chuyện cảnh giác”, một thể loại văn học bổ trợ cho tài liệu hướng dẫn chính thức về phương châm và biện pháp phản gián… Rồi các bài báo, xã luận trở nên ngày càng chính xác. Tỉ như, tạp chí Học Tập số ra tháng 6 năm 1967 đã vạch mặt Gươm thiêng ái quốc là một tổ chức ma, “chỉ tồn tại trong tưởng tượng”.

Nay hồi tưởng lại, Hà Nội đâu phải đã đúng hoàn toàn. SOG đã không được phép hành động “thả cửa”. Vì lúc đó Washington e ngại rằng nếu xuất hiện trào lưu chống đối, tình hình có thể trở nên không thể dự liệu, rằng việc gây mất ổn định ở miền Bắc càng kích động Hà Nội leo thang chiến tranh ở miền Nam. Nếu chế độ Hà Nội phân liệt, Trung Cộng có thể thò tay vào, như họ đã làm trong chiến tranh Triều Tiên. Washington không muốn có một Triều Tiên nữa… Như Cabod Lodge, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã nói năm 1964: “Tôi hoan nghênh các nỗ lực tăng sức ép lên Bắc Việt Nam với mục đích kép, là Việt Cộng và Pathét Lào đều ngừng bắn, còn Bắc Việt thì trung lập hoá … Với việc tìm cách lật đổ ông Hồ Chí Minh, mà theo tôi là chẳng ích lợi gì, chắc chắn sẽ làm xuất hiện người kế nhiệm tồi tệ hơn”.

Tháng 11 năm 1968, vào lúc SOG đang cố phù phép để chứng hoang tưởng về “bè lũ phản cách mạng” của Hà Nội phát thành bệnh thì Washington đột ngột nổi hiệu còi chấm dứt cuộc đấu tâm lý chiến. Thì ra, để khởi đầu hòa đàm Paris vào tháng 5-1968, phái đoàn Bắc Việt đã đặt điều kiện “phía Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn việc ném bom và các hoạt động chiến tranh khác chống VNDCCH”, khiến Wasington, vốn dĩ lừng khừng với cuộc chiến bí mật chống Hà Nội, tước đi cơ hội của SOG giành một bàn thắng trong tầm tay. Một sự lừng khừng có tính di sản. Một giáp trở về trước khi người dân Hungary nổi dậy (3), và Đài Châu Âu tự do điều khiển bởi CIA đã phát lại lời kêu gọi sự can thiệp nước ngoài vang lên từ đường phố Budapest. Nhưng chính quyền của Eisenhower đã nhắm mắt làm ngơ, cho dù trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 1952, chính ông này từng kêu gọi giải phóng Đông Âu…

Vào đầu những năm 1980, lịch sử lại thách đố Washington trong tình huống tương tự. Tại Afganistan, chính quyền Reagan hỗ trợ tài chính cho phong trào Mujahidin (4) chống quân đội chiếm đóng Liên Xô. Tuy nhiên, du kích quân Afgan bị không lực Xô Viết ghìm chặt xuống đáy hầm. Lần này Washington đã vượt qua sự lừng khừng, cấp cho Mujahidin tên lửa đất đối không Stinger, thứ vũ khí đã góp phần quan trọng làm Liên Xô thất trận.

Bất chấp những chiến quả của tình báo Mỹ trong chiến tranh Afgan và Vùng Vịnh, các cựu tư lệnh chiến trường Việt Nam đã không thay đổi thái độ coi thường hiệu năng của việc Washington leo thang chiến tranh ngầm chống Hà Nội. Khi được hỏi nếu đánh ván cờ Việt Nam lần nữa, liệu ông có dùng lại đội quân ngầm, Westy đã nói thẳng, rằng quân cờ này chẳng đáng nửa đồng, rằng “Đừng nghĩ đến chuyện (đáng lẽ Mỹ) thắng cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Còn Mc Namara, người thời ấy từng mong gặt hái nhờ các chiến dịch ngầm của CIA/SOG ở Việt Nam, nay cho rằng đó chỉ là một “mục tiêu vô vọng”.              n

LÊ ĐỖ HUY

(lược dịch và chú thích)

* The Secret war against Hanoi, Kenedy ‘s and Johnson’s use of spies, saboteurs and covert warriors in North Vietnam, Nxb Happers Collins, 1999, 400 trang.

  1. Studies and Observation Group- Cơ quan nghiên cứu và quan sát, trực thuộc MACV (Phái bộ quân sự Mỹ ở Việt Nam). Được thành lập tháng 1-1964, quân số của SOG năm 1965 lên đến 128 người gồm các nhân viên CIA, sĩ quan phản gián DIA -tình báo quân sự, và Lực lượng đặc biệt. Tới năm 1969, biên chế SOG gồm trên một ngàn người Mỹ, vài nghìn người Nam Việt Nam, Lào, Thái, Campuchia.
  2. Theo tài liệu Lầu năm góc MACVSOG, Command History 1966, Annex M, trang 32, trong các đợt biệt kích của Mỹ trên vịnh Bắc Bộ năm 1966, đã có 86 thuyền của “địch” (miền Bắc) bị “tiêu diệt” và 16 bị đánh hỏng. . Tuy nhiên, theo Norm Olson, trưởng Đoàn cố vấn hải quân Mỹ (Naval advisory detachment – NAD) từ năm 1967, gần 100% tàu thuyền của miền Bắc bị biệt kích Mỹ tiến công là thuyền đánh cá của ngư dân. Dẫn theo The Secret war against Hanoi …tr.197.
  3. Năm 1956, ở Ba Lan và Hungary có chiều hướng phân liệt khỏi khối Varsava. Sau đó tình hình Ba Lan có lắng dịu. Nhưng sự phản kháng ở Hung tiếp tục tăng. Ngày 4 -11-1956 quân đội Xô Viết tiến vào Budapest. Nhiều cựu nhân viên CIA cho rằng lao tâm khổ tứ của họ trong cuộc chiến tranh tâm lý qua làn sóng Đài Châu Âu tự do đã không được đền đáp.
  4. Nhiều thành viên của phong trào này về sau trở thành “cốt cán” trong tổ chức khủng bố của Bin Laden, hoặc trong hàng ngũ phiến quân Tchetchnya.