Biểu liệt kê những cuộc nổi dậy tại An Nam dưới thời Vĩnh Lạc (1407 – 1424)

Lời giới thiệu biểu liệt kê:

Đọc cuốn sách khảo cứu về lịch sử của tiến sĩ Trịnh Vĩnh Thường, giáo sư đại học tại Đài Loan, Chinh chiến dữ khí thủ: Minh đại Trung Việt quan hệ nghiên cứu, vế trên của nhan đề “đánh, giữ, hoặc bỏ cuộc” tại Việt Nam, quả là mối trăn trở lo lắng chung của Trung Quốc suốt từ triều đại nọ qua triều đại kia, được ghi lại trong lịch sử nước này.

Đời Hán Vũ đế [135 B.C.] định mang quân đánh các nước Việt, Hoài Nam Vương Lưu An mạnh mẽ can gián với lẽ khẩn thiết như sau:

“Thời nhà Tần cử Úy Đồ Thư đánh Việt, dân Việt rút vào rừng sâu đánh không được. Quân lính đóng chỗ không người, lần lữa ngày tháng trở nên mệt mỏi; nhắm thời cơ này quân Việt tấn công quân Tần đại bại. Nhà Tần lại bắt lính bị đày đến đồn trú, lúc này trong ngoài dao động, dân chúng đồ thán, người đi chinh chiến không được trở về, bèn bỏ hàng ngũ quần tụ thành giặc, mối loạn Sơn ông bắt đầu phát sinh từ đó…” (1)

Thời nhà Tống [981], vua Thái Tông mang quân sang đánh nước ta bị thua; bèn tức giận định mang quân trả thù; Gián quan Điền Tích dâng sớ can, có đoạn như sau:

“Đất Giao Châu ở nơi góc biển đầy lam chướng, chiếm được chẳng khác gì ruộng đá, tới nơi không quen thủy thổ, ở lại không yên ổn, đóng binh lâu chết chóc nhiều. Bệ hạ nên nghĩ đến cái khổ của chinh chiến và sự tiêu phí nhiều. Nên thương quân lính, tiếc sinh lực, đừng làm nhụt chí cùng tiêu hao tiền của; chớ nên tước đoạt sinh lực trong nước để chinh chiến cần lao bên ngoài” (2).

Lời can gián đầy thuyết phục, nên vua Tống Thái Tông đành bỏ ý định gây chiến và tìm cách thân thiện với nước ta.

Đời Nguyên [1291], Thế Tổ Hốt Tất Liệt gửi cho vua Trần Nhân Tông nước ta một đạo dụ, nói thẳng về sự hậm hực chưa tiếp tục sang đánh An Nam được; vì đã mất những tướng giỏi như bọn Toa Đô, Ô Mã Nhi:

“… Vì viên Trấn Nam vương Thoát Hoan tuổi trẻ nông nổi tiến quân bằng đường thủy, sai lầm không nghe lời chỉ bảo nên bọn Toa Đô, Ô Mã Nhi mới rơi vào tay ngươi; nhờ vậy ngươi mới được tạm thời yên ổn…” (3).

Thời nhà Thanh, vua Càn Long sau khi thua trận, không dám mang quân trả thù; qua một đạo dụ cũng viện dẫn những lý lẽ nên thân thiện với vua Quang Trung như sau:

“… Nếu bình định được đất này, chia thành quận huyện; người trong nước không thể ở đó lâu ngày để cai trị. Vả lại xứ đó lòng người phản phúc, khó có thể yên ổn lâu ngày mà không sinh ra việc…” (4).

Nói tóm lại, các triều đại Trung Hoa đều xem Việt-Nam như món “gân gà” của Tào Tháo, nuốt mãi không trôi. Để nghiên cứu một cách rốt ráo, với cách làm việc mới mẻ khoa học hơn các vị vua chúa, hoặc tiền bối tại nước ông, tiến sĩ Trịnh Vĩnh Thường đã lập một biểu liệt kê trong vòng 17 năm [1407-1424] dưới thời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc) đô hộ, có đến 64 cuộc nổi dậy tại nước ta. Biểu liệt kê cung cấp các mục: niên đại, lãnh tụ hoặc tập đoàn, khu vực nổi dậy, tình huống xảy ra, nguồn gốc tư liệu lấy từ sách nào.

Rõ ràng biểu liệt kê này rất tiện dùng trong thời đại chúng ta, thời đại đầy vội vã thôi thúc, chỉ mong liếc nhìn qua mà thấy được sự việc. Đối với những nhà nghiên cứu, các sinh viên làm luận án, thì mục Nguồn gốc tư liệu lấy từ sách nào sẽ là cái mốc giúp họ bước đầu đi sâu từng vụ việc; biết đâu do cảm hứng từ những mốc này, sẽ có những tác phẩm nghiên cứu về lịch sử ra đời trong tương lai! Cần nhấn mạnh rằng tác giả là người Trung Hoa, dĩ nhiên phải đứng trên lập trường của nước họ; mong độc giả sử dụng với tinh thần thận trọng có phê phán, để tìm ra sự thực. Biểu liệt kê này tuy sử dụng tên đất thời thuộc Minh, nhưng có thể tra cứu để tìm ra địa danh tương đương của ta thời sau.

Nguồn: Talawas 2005

(1) Hồ Bạch Thảo, Những nét đặc trưng về lịch sử Việt-Nam, tr. 329.

(2) Những nét đặc trưng.., sđd, tr. 344.

(3) Những nét đặc trưng…, sđd, tr. 100.

(4) Hồ Bạch Thảo, Cao Tông thực lục, tr. 172.