Long Biên & Luy Lâu là hai hay là một

Gần một thế kỷ nay, các học giả trong và ngoài nước bàn cãi chưa đi đến thống nhất: “Long Biên và Luy Lâu (1) là một hay là hai? Nếu là hai thì thành Long Biên ở vào địa danh nào của ngày nay?”. Quy tụ lại có hai ý kiến:

  1. Nhóm lập luận Long Biên khác Luy Lâu có học giả người Pháp Madrolle (2). Năm 1937 khi nghiên cứu về Long Biên ông cho rằng Long Biên không phải là Luy Lâu mà là một trị sở có thể ở làng Đông Yên (Yên Phong, Bắc Ninh) hoặc vùng Phù Khê, Mai Động, Phật Tích (Tiên Sơn, Bắc Ninh).

Một số học giả Việt Nam như Đặng Xuân Bảng trong sách Sử học bị khảo đã xác định Long Biên ở Quế Dương và Võ Giàng (nay: Quế Võ, Bắc Ninh). Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời xác định Long Biên đời Hán là đất đai Văn Lang – Âu Lạc, nay là đất Quế Võ, Yên Phong, Tiên Sơn (Bắc Ninh) có thể cả vùng Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Thái, nhưng trị sở ở vùng nào thì ông không nói rõ.

Gần đây nhất cố giáo sư Trần Quốc Vượng và một số đồng sự của ông cho rằng Luy Lâu là phiên âm của Dâu, một trong những bộ lạc lớn quan trọng hợp thành nước Văn Lang Âu Lạc.

Đền Lũng

Đền Lũng

Sự không nhất trí Long Biên và Luy Lâu là một vì các học giả đã dựa vào một số cứ liệu ghi trong “Bắc Sử”, Tiền Hán Thư, Địa lý chí có ghi: “Luy Lâu và Long Biên là hai huyện trong mười hai huyện thuộc quận Giao Chỉ ở châu thổ Bắc Bộ (Việt Nam). Đất Vũ Ninh lập từ Long Biên, sau Vũ Ninh đổi ra Vũ Giang (nay là Quế Võ, Bắc Ninh)”. Sử địa đời Đường (Trung Quốc) như: Nguyên Hòa quận huyện chí, Thái Bình hoàn vũ ký có ghi: Thiên Tích Sơn (Phật Tích Sơn) là cửa Tây của Long Biên…

Ngoài ra các sách trên còn thể hiện một số nét chính sau:

– Từ thời Tây Hán đến Đông Hán trị sở đóng ở Luy Lâu.

– Năm 142 – 143 thái thú Châu Xưởng dời về Long Biên.

– Thời thuộc Ngô (Tam Quốc) trị sở vẫn ở Luy Lâu dưới sự cai quản của Thái thú Sĩ Nhiếp, Sĩ Nhiếp chết, lại về Long Biên.

Ngoài những cứ liệu trên còn một vài chỗ “Bắc Sử” cho ta một khái niệm Luy Lâu và Long Biên là hai thủ phủ lớn của quận Giao Chỉ có quan cai trị chuyển dời từ nơi nọ sang nơi kia, thời gian xuất hiện từ trước công nguyên đến giữa thế kỷ thứ IX mới được thay bằng Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Nhưng hai từ Luy Lâu và Long Biên thì từ Luy Lâu dễ cảm nhận hơn vì đã từng xuất hiện rất sớm, rõ nét trong “Bắc Sử”:

– Tiền Hán thư, Địa lý chí.

– Tấn thư, Địa lý chí.

– Hậu Hán thư, Quận quốc chí.

– Tam quốc chí.

– Đại thành nhất thống chí.

– Thủy kinh chú.

Các sách trên đều ghi Luy Lâu là một quận huyện của Giao Chỉ thời thuộc Hán và trị sở của quận đóng ở đó, nhưng các sách trên không ghi thêm về cấu trúc hoặc các hoạt động văn hóa xã hội…

Vài thập kỷ gần đây, các nhà sử học kết hợp văn tự, sử sách cùng những cuộc khảo cổ đã tìm hiểu và minh chứng về Luy Lâu (Dâu). Những cuộc khảo sát Luy Lâu diễn ra mạnh mẽ từ đầu thập kỷ 70 trở lại đây, các cuộc khai quật được tiến hành vào các năm 1968, 1970, 1980, 1982. Các di tích thành, hào, di chỉ mộ táng và một số công trình kiến trúc được nghiên cứu gồm: đền Lũng Khê, lăng Sĩ Nhiếp, chùa Bình, bãi Chùa Định, bãi Đồng Dâu. Ngoài ra còn nghiên cứu khu xung quanh Luy Lâu như xã Nguyệt Đức, xã Song Hồ (huyện Thuận Thành), xã Lãng Ngâm, xã Đông Cứu, xã Đại Lai (huyện Gia Bình)… Do tên địa danh, thôn làng gò bãi, sông ngòi, địa hình cao thấp, rộng hẹp vết tích để lại giúp cho việc nghiên cứu Luy Lâu rất thuận lợi. Kết quả cho biết Luy Lâu là huyện đứng đầu trong số các huyện thuộc quận Giao Chỉ thời thuộc Hán và trị sở đóng ở đó. Qua khảo cổ xác định được xưa là nơi nhà cửa phố xá được xây cất quy mô với các hoạt động sản xuất buôn bán bên bờ sông Dâu. Luy Lâu được hình thành một thời gian dài, ngày một xây dựng thêm suốt từ trước công nguyên đến  giữa thế kỷ IX.

Nhưng còn từ Long Biên thì được ghi lại trong “Bắc Sử” mập mờ, không thống nhất về vị trí đồng thời giữa Long Biên và Luy Lâu có sự đan chéo nhau. Nói chung các học giả đều dự đoán Long Biên  ở Bắc sông Thiên Đức (sông Đuống) kéo dài từ Quế Võ qua thị xã Bắc Ninh, Tiên Sơn tới Yên Phong và đã tìm kiếm gần một thế kỷ nay nhưng chưa thấy tăm hút!?

  1. Nhóm cho rằng Long Biên và Luy Lâu là một thể hiện trong sách Đô thị cổ Việt Nam của Đỗ Văn Ninh.

Tiếp theo là PTS Trần Luyện cùng một số đồng nghiệp của ông. Năm 1992 làm luận văn PTS, trước đó ông đã để ra hàng chục năm nghiên cứu vùng đất Bắc Ninh gắn liền với Luy Lâu – Long Biên. Dựa vào sử sách, truyện kể, truyện cổ tích, huyền thoại, truyện dân gian và tham gia các cuộc khai quật trong những thập kỷ gần đây, lấy Đại Việt sử ký toàn thư làm cơ sở, cuối cùng ông đã đi đến kết luận Long Biên và Luy Lâu là một, đã lý giải như sau:

Thời thuộc Ngô, Luy Lâu đã nằm trong địa vực huyện Long Biên, do việc phân chia lại quận huyện của nhà Đông Hán và sau đó của nhà Ngô, trị sở vẫn đóng ở vị trí cũ nhưng mang tên mới Long Biên. Chính do sự ghi chép không rõ ràng về việc chuyển đổi địa danh trên, nên đã gây ra sự nhầm lẫn của nhiều người đời sau cho rằng có sự chuyển đổi vị trí của trị sở Luy Lâu sang Long Biên và ngược lại. Thực tế chỉ có sự chuyển dời từ Luy Lâu (tức Long Biên) đến những địa điểm khác rồi quay trở lại. Chẳng hạn sách Hậu Hán thư cho biết: “Giao Châu đóng trị sở ở Liên Lâu. Năm thứ 5 hiệu Nguyên Phong dời sang đóng ở huyện Quảng Tín quận Thương Ngô”, hoặc sách Độc sử phương dự kỷ yếu thì ghi: “Quận Giao Chỉ ở Liên Lâu, thời Hậu Hán ở Long Biên. Năm thứ 6 hiệu Hoàng Vũ thời Ngô (227) quận trị Giao Châu dời từ Phiên Ngung về đóng ở đó. Tấn, Tống về sau đều theo như thế”. Theo sự ghi chép của các sách trên cho biết có sự chuyển dời từ quận trị và châu trị từ Luy Lâu sang Quảng Tín thời Hán, hoặc từ Phiên Ngung về Luy Lâu (tức Long Biên) thời thuộc Ngô. Thời gian này như đã nói ở trên, trị sở Luy Lâu nằm trong địa vực huyện Long Biên, vì vậy địa điểm này cũng mang tên Long Biên.

Sách Thiền uyển tập anh cho biết Cổ Châu – Chùa Dâu thuộc Long Biên.

Các quốc sử Việt Nam nói chung đều thừa nhận Long Biên là Luy Lâu. Đại Việt sử ký toàn thư của Việt Nam được viết và in nhiều lần vào nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng đáng tin cậy nhất là bộ sử do giáo sư Phan Huy Lê mang từ Pháp về năm 1983, trước đó được lưu giữ tại “Thư viện hội Á Châu Pari”, đó là bộ quốc sử lớn có giá trị được khắc in và công bố vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ 18 triều Lê Hy Tông (1679). Nội dung được biên soạn qua nhiều đời, gắn liền với các nhà sử học nổi tiếng như Lê Văn Hưu (TK XIII), Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên (TK XV), Phạm Công Trứ, Lê Hi (TK XVII). Trang 61 tờ 8a-b (dòng 6 tính từ phải sang):

Phiên âm:

… Hậu cử Mậu Tài trừ Vũ Dương lệnh, thiên Giao Châu thái thú, phong Long Độ Đình Hầu, đô Luy Lâu tức Long Biên.

Dịch nghĩa:

… Sau được cử là Mậu Tài, bổ làm huyện lệnh Vũ Dương, chuyển tới làm Thái thú Giao Châu, được phong Long Độ Đình Hầu, đóng đô ở Luy Lâu tức Long Biên.

Một cứ liệu đáng tin cậy hơn Đại Việt sử ký toàn thư nói ở trên là văn tự của tấm bia cổ ở lăng Sĩ Nhiếp (Tam Á huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Bia được làm bằng đá xanh đông đặc, kích thước (115 x 60cm) (được gắn liền vào giữa tường nên không xác định được độ dày). Chữ rõ ràng dễ đọc, khắc hai mặt, mặt trước:

Lệnh dụ bia

Dòng thứ nhất tính từ bên phải sang:

Phụng sao (vâng lệnh viết lại).

Dòng thứ hai tính từ phải sang:

Đại nguyên súy chưởng quốc chính thượng sư Thái Văn Đức…

Dòng gần cuối:

Vĩnh Trị nguyên niên, thập nhị nguyệt, thập bát nhật (Vĩnh Trị năm đầu (1676) tháng 12 ngày 18).

Dòng áp chót:

Lệnh dụ (Lệnh ban ra).

Mặt sau:

Lăng Điện Bia.

Dòng số 8 tính từ phải sang:

Phiên âm:

… Mậu Tài trừ Vu Dương, lệnh tầm thiên (3) Châu thái thú, phong Long Độ Đình Hầu, đô Long Biên tại vị tứ thập niên, thọ cửu nhập tuế.

Dịch nghĩa:

… Mậu Tài, bổ làm huyện lệnh Vu Dương, chuyển tới làm thái thú Giao Châu, được phong Long Độ Đình Hầu, đóng đô tại Long Biên 40 năm, thọ 90 tuổi.

Bia ra đời trước Đại Việt sử ký toàn thư 21 năm. Đó là một cứ liệu có giá trị, góp phần xác định Long Biên và Luy Lâu là hai hay là một.

 

Chú thích:

  1. Trong thư tịch cổ, trị sở Luy Lâu được ghi bằng nhiều tên khác nhau: Luy Lâu, Liên Lâu, Dinh Lâu.
  2. Madrolle, Le Tonkin ancien (BEFEO XXXVII 1937).
  3. Đại Việt sử ký toàn thư ghi:… thiên Giao Châu thái thú phong Long Độ Đình Hầu, có thể bia khắc thiếu chữ Giao – TG bài báo.

Nguyễn Ngọc Thạch