Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm nào ?

Hiện nay, trên đất nước ta vẫn còn tồn tại hai quan điểm về năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là 1720 và 1724.

Trong số sách báo viết là 1720 có Từ điển bách khoa do Nhà xuất bản Từ điển bách khoa (Hà Nội) in năm 2002, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (in lần thứ năm, có sửa chữa và bổ sung, Nxb Văn hóa, in 1999).

Trong số sách báo viết là 1724 có quyển Hải Thượng Lãn Ông, nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn của Giáo sư bác sĩ Nguyễn Văn Thang do Nhà xuất bản Văn hóa và Thông tin (Hà Nội) in năm 2001 và quyển Văn bia họ Lê Hữu do Nhà xuất bản Thế giới (Hà Nội) in năm 1994.

Vậy chính xác năm sinh của cụ là năm nào?

Nhân dịp Nhà nước cho tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), ở Liêu Xá (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và nhân dịp họ Lê Liêu Xá đang biên soạn cuốn gia phả chung cho cả dòng họ, chúng tôi thay mặt cho dòng họ xin đưa ra một vài ý kiến đáng quan tâm nhằm làm rõ năm sinh chính xác của cụ như sau:

Theo gia phả, có ghi chép rằng: Nếu tính từ đời thứ nhất, cụ Thủy tổ Lê Phúc Tiên, thì đến nay dòng họ Lê Liêu Xá đã phát triển đến đời thứ 22.

Về đời thứ 9, trong gia phả và trên văn bia có ghi: cụ Lê Hữu Mưu, xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Canh Dần (1710), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6, có một trong ba vợ là cụ bà Bùi Thị Thưởng, quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Trong số anh chị em cùng mẹ do cụ Thưởng sinh ra có cụ Lê Hữu Tán (anh) và cụ Lê Hữu Trác (em).

Gia phả lại ghi rất rõ rằng cụ Tán sinh vào giờ Tý ngày 14 tháng 2 năm Canh Tý (1720) và cụ Trác sinh vào giờ Dần ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (1724).

Những sách báo ghi cụ Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý là sai bởi vì từ ngày 14 tháng 2 năm Canh Tý sinh cụ Tán đến ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý sinh cụ Trác, thời gian chưa đầy chín tháng thì làm sao mà cụ Thưởng có thể sinh được hai con như vậy!

Theo văn bia và gia phả ở Liêu Xá thì sau cụ Tán, trước cụ Trác, còn có hai người anh nữa là cụ Lê Hữu Đề (anh trai thứ 5 của cụ Trác) và cụ Lê Hữu Kiển (anh trai thứ 6 của cụ Trác); cụ Kiển chính là cụ Lê Trọng Tín, sinh năm Nhâm Dần (1722) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Mậu Thìn (1748), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9.

Cụ Tán là con trai thứ 4, cụ Đề là con trai thứ 5, cụ Kiển là con trai thứ 6, còn cụ Trác là con trai thứ 7 của cụ Lê Hữu Mưu nên trong gia phả ghi: đương thời cụ Lê Hữu Trác vẫn thường được gọi là cậu Chiêu Bảy.

Trong tập sách Thượng Kinh ký sự của Lãn Ông do dịch giả Bùi Hạnh Cẩn dịch, Nhà xuất bản Hà Nội (Hà Nội) in năm 1977 ở trang 185 cụ Trác có nói đến cụ Đề là người anh thứ 5 và từ trang 138 đến 145 cụ Trác có nói đến quan Thự trấn Lạng Sơn tức cụ Kiển (người anh thứ 6).

Hiện tại, tất cả các tài liệu và gia phả của dòng họ còn lưu truyền về năm sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đều ghi chép là năm Giáp Thìn.

Theo lịch can chi: Những năm có chữ Giáp đứng ở đầu thì khi chuyển sang năm dương lịch phải có con số 4 ở cuối, do đó năm sinh chính xác của Lãn Ông phải là 1724!

Đó là sự nhầm lẫn năm sinh cụ Tán thành năm sinh cụ Trác!

Sự nhầm lẫn này đã được viết rất rõ trong các sách:

  1. Hải Thượng Lãn Ông, nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn, trang 9, 10, 11 và 14.
  2. Văn bia họ Lê Hữu, trang 155.

Để có thêm cơ sở khẳng định và thống nhất lại “Năm sinh chính xác của Lãn Ông là năm 1724”, thay mặt dòng họ Lê Liêu Xá, chúng tôi xin trích dẫn như trên một số chứng cứ có tính chất lịch sử liên quan đến năm sinh của Lãn Ông nhằm giúp cho các cơ quan đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng và những ai quan tâm sẽ tránh được những hiểu biết không chính xác như trước đây.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một nhà y học lớn, nhà văn hóa lớn, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta, trong đó có dòng họ Lê Liêu Xá, do đó việc làm rõ năm sinh chính xác của ông là cần thiết và cũng là trách nhiệm chung.

 

(*) Ông Lê Hữu Châu là hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Lê gốc Liêu Xá.