Phải chăng Trần Quốc Toản là con của Trần Bà Liệt?

Vừa qua, tạp chí Xưa & Nay, số 265,tháng 8-2006 đăng bài: “Có thể điền khuyết tiểu sử Trần Quốc Toản?” của ông Đỗ Quốc Bảo và tác giả đã cho rằng, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản là con trai của Hoài Đức Vương Trần Bà Liệt. Ông Đỗ Quốc Bảo cho biết có kết luận trên là căn cứ vào những “di tích, di vật – những sử liệu sống” đang hiện hữu ở làng Sặt, thôn Trang Liệt, xã Đông Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Rất tiếc là sau khi đọc kỹ toàn bộ bài viết của ông Đỗ Quốc Bảo, chúng tôi không thấy được những căn cứ rõ ràng nào để có thể nhất trí với kết luận của tác giả.

Trong bài viết, ông Bảo chưa cho biết cụ thể những di tích, di vật ở làng Sặt là những gì? Chúng có liên quan tới các nhân vật Trần Bà Liệt, Trần Quốc Toản như thế nào? Chỉ ở gần cuối bài viết, tác giả mới cho biết, ở đình làng Sặt có thờ Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải (!).

Trong những bộ sử lớn của nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư (TT) và Việt sử thông giám cương mục (CM) chỉ duy nhất một lần nói đến nhân vật Trần Bà Liệt. TT cho biết, khi còn hàn vi, Thượng hoàng Trần Thừa (sinh năm 1183, mất năm 1234), có con trai với người đàn bà ở thôn Bà Liệt, thuộc huyện Tây Chân (nay thuộc huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), nhưng ngài không nhận; Sau này lớn lên, người con trai đó có dung mạo khôi ngô, giỏi võ nghệ và sung vào đội đánh vật của triều đình. Một lần thi đấu, chàng trai bị đối thủ quật ngã và bị bóp cổ gần tắc thở, thấy vậy Thượng hoàng bật thét lên “Nó là con ta đó!”. Nhận lại con, Thượng hoàng lấy tên thôn gọi người đó là Trần Bà Liệt và phong tước hiệu là Hoài Đức Vương.

Sự việc này xảy ra vào đầu năm 1232, và nếu cho rằng “Đô Liệt” là chàng trai mới lớn, khoảng độ 19 – 20 tuổi (nhà Trần làm sổ hộ khẩu, xếp con trai dưới 19 tuổi là Tiểu Hoàng nam, từ 20 tuổi đến 59 tuổi là Đại Hoàng nam), thì Trần Bà Liệt được sinh vào khoảng những năm 1213 – 1214. Cũng dựa vào sử và đoán rằng, khi Trần Quốc Toản nổi giận bóp nát quả cam ở bến Bình Than vào mùa đông năm 1282 (vì bị coi là còn nhỏ nên không được dự bàn việc đánh giặc), mới 14 – 15 tuổi thì năm sinh của Hoài Văn hầu sẽ là năm 1267 hoặc 1268. Và nếu cho rằng, Trần Quốc Toản là con của Trần Bà Liệt thì đến năm 53 – 54 tuổi, Trần Bà Liệt mới có con là Trần Quốc Toản. Xin lưu ý rằng, vào thời đó hầu hết đàn ông, đặc biệt là tầng lớp quan lại và giàu có thường lấy vợ rất sớm, và mới 17, 18 tuổi họ đã có con. Vậy tới tuổi già, Trần Bà Liệt mới có được Trần Quốc Toản cũng là chuyện lạ.

Cũng theo sử sách, chúng ta được biết những người con trai của Thượng hoàng Trần Thừa gồm có:

– Trần Liễu (1210 – 1251), 41 tuổi thọ, là thân sinh của các vị: Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Hưng Ninh vương Trần Tung, Vũ Thành vương Trần Doãn, Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang (mang danh là con trưởng của vua Thái Tông Trần Cảnh sau khi mẹ là công chúa Thuận Thiên họ Lý, buộc phải rời chồng là Trần Liễu để trở thành vợ của vua em).

– Trần Bà Liệt (1213 – ?).

– Trần Cảnh (1218 – 1277) tuổi thọ 59, tức là Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần, ngài là thân sinh của các vị: Trần Hoảng (Trần Thánh Tông), Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Chiêu Đạo vương Trần Quang Xưởng, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, Vũ Uy vương Trần Duy và Trần Nhật Vĩnh (có thể mang tước Chiêu Thành vương).

– Khâm Thiên đại vương Trần Nhật Hiệu (1224 – 1268), tuổi thọ 44.

Như vậy là vua Thái Tông Trần Cảnh chỉ có 3 người anh em trai theo sử sách thì nhà vua là người rất yêu thương quý trọng những người anh em của mình, ngài luôn chú tâm cất nhắc và tôn vinh với những chức tước rất lớn cho họ; cụ thể là với Trần Liễu – người anh khác mẹ, có tính khí táo tợn, ngông cuồng phạm nhiều tội lỗi nặng nhưng nhà vua vẫn kiên nhẫn bảo vệ và tôn kính. Ngài đã từng phong cho Trần Liễu làm Thái úy phụ chính, chức quan hàng đầu được nắm binh quyền và cũng từng phong cho người anh này tước Hiển hoàng, một tước hiệu chỉ dành cho các bậc cha chú của nhà vua. Đối với người em là Trần Nhật Hiệu, mới có 2 tuổi đã được nhà vua phong tước Khâm Thiên đại vương, và khi 34 tuổi đã được làm Thái úy, cầm đầu đạo quân tinh nhuệ “Tinh Cương” để chống giặc Mông Cổ năm 1285. Mặc dù Nhật Hiệu lộ rõ là bất tài, hèn kém, vô dụng nhưng sau này, nhà vua vẫn ưu ái cho làm Tướng quốc Thái úy (vua cho làm Thái sư, đứng đầu các quan nhưng Nhật Hiệu xấu hổ không dám nhận).

Với nhà vua giàu lòng ưu ái quý trọng anh em như vậy thì lẽ nào Trần Bà Liệt, một người có tinh thần thượng võ lại không được nhà vua chú ý cất nhắc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến đầu tiên chống quân Mông Cổ, triều đình rất cần các quan, tướng, đặc biệt là các vị thân vương nắm giữ những trọng trách cũng như cầm đầu các đạo quân lớn để chống giặc dữ. Cũng cần biết thêm là vào thời điểm này, nếu còn sống thì Trần Bà Liệt đang ở độ tuổi 44, 45, độ tuổi sung mãn nhất của một đời người.

Với những suy nghĩ trên, chúng tôi đoán rằng Hoài Đức vương Trần Bà Liệt đã mất sớm, mất trước khi có cuộc xâm lăng của giặc Mông Cổ năm 1258. Và như vậy thì không thể có chuyện Trần Quốc Toản là con trai của Trần Bà Liệt.

Nhân đây cũng cần nêu một vấn đề dễ gây lấn cấn cho người đọc, đó là việc trùng lặp chữ “Hoài” trong tước hiệu của Trần Bà Liệt và Trần Quốc Toản. “Hoài” theo nhiều từ điển cũng như nhận thức có tính phổ thông trong xã hội là ước vọng, là hướng về điều gì đó; ở phương Đông thời trung đại, các thủ lĩnh khởi nghiệp thường tự xưng là Hoài Nhân, Hoài Nghĩa, Hoài Đức… nhằm thể hiện cái “Đạo”, cái ước vọng, lý tưởng tranh đấu của mình (cũng có thể là thủ đoạn mị dân). Và đối với một triều đình, nhà vua phong tước vương, tước hầu có chữ “Hoài” thường là thể hiện sự khuyên nhủ, mong muốn hoặc nhắc nhở đối với kẻ bầy tôi còn có những điều gì đó phải biết tự răn mình. Và ở lịch sử nước ta, đầu nhà Trần đã có Nguyễn Nộn, một thủ lĩnh cát cứ đối chọi với triều Trần đã tự xưng là Hoài Vương và sau này, để chiêu dụ ông ta, nhà Trần dã phong cho Nguyễn Nộn là Hoài Đạo Hiếu Vũ vương; Trần Liễu với tước Hiển Hoàng nhưng phạm lỗi đã bị giáng xuống làm Hoài vương; một người trạc tuổi Trần Quốc Toản cũng không được họp bàn việc quân ở bến Bình Than là Trần Kiệt cũng mang tước hiệu là Hoài Nhân vương… Như vậy, ở trong triều đình nhà Trần không chỉ duy nhất Trần Bà Liệt có tước hiệu mang chữ “Hoài”. Mặt khác, cũng cần biết rằng, trong một gia đình hoàng thân nhà Trần không nhất thiết chữ đầu trong tước hiệu của người con phải là chữ đầu trong tước hiệu của người cha, ví như con trai của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là Trần Đạo Tái lại mang tước hiệu Văn Túc vương. Nêu những ý kiến trên, chúng tôi cho rằng khi tìm hiểu nguồn gốc mà cụ thể là người cha của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản thì không nhất thiết phải tìm người trước đó có tước hiệu mang chữ “Hoài”.

Cũng qua việc đoán định năm sinh của Trần Quốc Toản (1267, 1268), chúng tôi cho rằng, trong dòng họ Trần (mà lấy Trần Thừa là bậc đầu tiên) thì Trần Quốc Toản không thể ở bậc thứ ba, hàng cháu của Thượng hoàng Trần Thừa như ông Đỗ Quốc Bảo đã kết luận, mà có lẽ phải đặt Trần Quốc Toản ở bậc thứ tư, tức là hàng cháu của vua Thái Tông Trần Cảnh, hàng chít của Thượng hoàng Trần Thừa và như vậy người cha của Trần Quốc Toản phải ở bậc thứ ba, cùng hàng với các vị Trần Hoảng (Trần Thánh Tông), Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh vương Trần Quang Khải.

Hoàng Dzự