Phát hiện thêm thông tin về Trạng nguyên Đặng Xuân

Những thông tin về Trạng nguyên Đặng Xuân trong sách Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh do nhóm Lê Viết Nga biên soạn xuất bản năm 2003 ít ỏi và chưa thật rõ ràng. Sách trên ở phần bìa Phụ ký bia nhà Văn miếu Bắc Ninh ghi: “Trạng nguyên Đặng Xuân người xã Lãm Sơn Đông (Nam Sơn), trong chùa có tượng thần của Trạng nguyên, trong núi có mộ Trạng nguyên không rõ đỗ năm nào?”.

Sách Bắc Ninh địa dư chí của Đỗ Trọng Vĩ (1) cho biết tên ông và đỗ Trạng nhưng cũng không rõ năm nào?

Vì vậy, ông Đặng Đức Thư cùng bác sĩ Đặng Thế Tiến, nhà báo Đặng Văn Lộc “đã đi điền dã khảo cứu quê hương, xem bia mộ thăm đền thờ quan Trạng…”. Song với sự thận trọng khoa học, tác giả không đưa ra lời khẳng định mà mong các nhà nghiên cứu trong nước có thêm thông tin về nhân vật lịch sử này.

Đọc xong bài Trạng nguyên Đặng Xuân sao lại không có tên trong “Các nhà khoa bảng Việt Nam” đăng trong tạp chí Xưa & Nay số 279 tháng 3 năm 2007, tôi trân trọng thái độ khoa học của tác giả Đặng Đức Thư và chia sẻ băn khoăn của ông vì những tư liệu điền dã mà các ông đã cất công tìm cũng không giúp được bao nhiêu và chứng tích cũng chưa có gì bảo đảm. Ông Đặng Đức Thư còn tra cứu bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư cuốn Đặng gia thế phả ký của nhóm soạn phả họ Đặng miền Trung năm 1990 thì chỉ có cuốn sau cho thêm thông tin “Đặng Xuân làm Thừa tướng đời vua Lý Anh Tông”. Như vậy so với sách Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh, ta biết thêm Đặng Xuân làm Thừa tướng năm Mậu Thân (1128) (?) Rất tiếc các soạn giả Đặng gia thế phả lại không cho biết nguồn tài liệu tham khảo nào.

Đáp lại nhiệt tình của ông Đặng Đức Thư, chúng tôi xin cung cấp thêm một tài liệu liên quan đến Trạng nguyên Đặng Xuân. Sách Vũ trung tùy bút (2) của Phạm Đình Hổ (3) có bài “Đền thờ Cao tướng công”. Tác giả cho biết “Làng Minh Luân tổng ta có đền thờ quan Nhập nội thượng thư Cao tướng công tên là Cao Y. Ngài ở về đời vua Thần Tôn nhà Lý (1128 – 1132), có công làm đến chức Thái bảo, khoảng năm Thuần Phúc (1562 – 1592) nhà Mạc lại được sắc phong, sự này có chép ở trong từ điển. Thường khi cầu mưa, cầu tạnh là rất linh ứng. Phía tây làng Minh Luân gần xã Bình Đê có cái nền nhà cũ của Thừa tướng, truyện nôm truyền rằng đó là nơi chàng Đặng Xuân đọc sách, nàng Ngọc Châu dệt cửi”.

“Xét Đặng Xuân có ngôi mộ mẹ ở núi Bảo Lãm huyện Quế Dương. Đời truyền rằng Đặng Công thi đỗ tự đời Lý, thế thì quan Thừa tướng là người đời nhà Lý, không còn nghi ngờ gì nữa. Vả lại quan Thượng thư Cao tướng công làm phúc thần làng Minh Luân, nay không còn xét thấy di tích gì cả. Vậy quan Thừa tướng còn có cái nền nhà cũ ở Bình Đê kia, thì không rõ quan tước thế nào? Nhưng cả hai đều là người đời Lý, biết đâu quan Thượng thư chẳng cùng Thừa tướng chẳng là một. Còn như gọi là Thừa tướng, chẳng qua người dân quen tôn sùng mà gọi như thế thôi…”.

Đoạn văn trên, Phạm Đình Hổ cho nhiều thông tin quan trọng có xuất xứ, có kê cứu cẩn thận về quê quán, mồ mả, thời gian thi đỗ, làm quan của Đặng Xuân. Ông cho biết “truyện nôm truyền rằng” và vua Mạc Mậu Hợp có sắc phong vào năm Thuần Phúc có chép vào từ điển (sách chép các đền thờ được triều đình công nhận) (*). Những tư liệu tham khảo này có khả năng tìm được.

Chính Phạm Đình Hổ còn được thấy nền nhà cũ của Đặng Xuân. Ông cho biết:

“Nền nhà cũ quan Thừa tướng ở làng Minh Luân, địa thế quang đãng, mát mẻ có cái ao bán nguyệt và hồ sen là nơi di tích. Ta khi nhỏ thường đi du lãm muốn tìm nhận lấy, nơi nào là buồng học của Đặng Xuân, nơi nào là buồng dệt của Ngọc Châu, song bờ bụi đào cuốc thay đổi khác đi, sân thềm biến đổi, không biết di tích là nơi nào. Khoảng năm Bính Ngọ (1786), Đinh Mùi (1887), Nhữ Công Chân đến thăm nơi nền cũ ấy có câu thơ rằng:

Phiệt duyệt cựu truyền Thừa tướng nữ

Phong lưu trường thuộc Trạng đầu nhân.

Nghĩa là:

Gái dòng phiệt duyệt quan Thừa tướng

Người nếp phong lưu bảng Trạng nguyên.

Đó là theo sự tích truyện nôm mà vịnh ra như vậy”.

Theo Phạm Đình Hổ, Nhữ Công Chân (4) có truyện nôm về Trạng nguyên Đặng Xuân, hai ông đã được đọc và di tích Đặng Xuân ở Minh Luân, Hải Dương hai ông còn thấy. Chỉ có điều tại sao lại có hai tên: Cao Y và Đặng Xuân. Chúng tôi cho rằng Cao Y có thể là tên húy, khi đi thi đổi là Xuân. Việc này thường thấy, còn Trạng nguyên Đặng Xuân không có tên trong danh sách các nhà khoa bảng vì nhiều lý do như tài liệu thi cử đời Lý, Trần không đủ, các vị khoa bảng có xuất xứ từ truyện nôm như Trạng Gầu (truyện nôm Tống Trân – Cúc Hoa…) các nhà làm sách Đăng khoa lục căn cứ vào thể lệ thi cử, học vị… của các triều đại thấy có điều còn ngờ nên họ không đưa vào.

Cũng không loại trừ thói quen thậm xưng của dân ta hay đề cao người mình yêu kính. Ví như triều Nguyễn không đặt học vị Trạng nguyên nhưng ở tổng Đại Phương Lang – huyện An Lão – Hải Phòng có Lê Khắc Cẩn thi đỗ Hương nguyên, Hội nguyên vào thi đình đỗ Á nguyên, Đệ nhị giáp Tiến sĩ nhưng người ở quê vẫn gọi là quan Trạng Lang vì ông quê ở tổng Đại Phương Lang; Tam nguyên cuối cùng của khoa cử Nho học Việt Nam là Vũ Phạm Hàm, quê ở Đôn Thử – Hà Đông, dự thi đình ông chỉ đỗ Thám hoa, nhưng dân vùng này vẫn gọi là quan Trạng Đôn Thư.

PGS.Đỗ Văn Ninh, một chuyên gia về lĩnh vực này, cũng nhất trí như thế.

Chú thích:

(*). Những chữ trong ngoặc do chúng tôi thêm vào.

  1. Đỗ Trọng Vĩ quê ở xã Đại Mão – huyện Siêu Loại – Bắc Ninh đỗ cử nhân năm Giáp Tý (1864).
  2. Vũ trung tùy bút – Bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Nxb Văn học, H.1972.
  3. Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) quê ở xã Đan Loan – huyện Đường Hào – Hải Dương, một tác giả lớn.
  4. Nhữ Công Chân (1751 – ?) quê ở Hoạch Trạch, huyện Bình Giang, Hải Dương, đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Thìn (1772).

Ngô Đăng Lợi