Đâu là làng quê của Nguyên phi Ỷ Lan?

Nguyên phi Ỷ Lan – tức Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, tên tự là Linh Nhân, vợ vua Lý Thánh Tông (1026 – 1072), vị vua thứ ba triều Lý – là một phụ nữ kiệt xuất trong lịch sử nước ta, đã hai lần nhiếp chính (thay vua cầm quyền trị nước), để lại nhiều công tích, được sử sách đời sau ghi nhận và ca ngợi. Nhân dân còn gọi là bà Tấm và kể lại nhiều chi tiết tiểu sử giống như trong truyện cổ Tấm Cám. Các đền, chùa thờ bà còn được gọi là đền (chùa) Bà Tấm.

Cho đến nay, nhiều người đã viết về quê hương sinh thành của bà. Trên đại thể, quê bà nằm ở vùng đất ngày nay gồm các thôn, xã liền một giải: Phú Thị, Yên Bình, Dương Xá (Gia Lâm – Hà Nội), Như Quỳnh (Mỹ Văn – Hải Hưng), nhưng cụ thể ở làng quê nào thì còn những ý kiến khác nhau.

Phản ánh cuộc hội thảo về Nguyên phi Ỷ Lan do xã Dương Xá tổ chức, tác giả Việt Anh (báo Hà Nội Mới, 30-9-1994) cho biết: “Hiện nay, ngoài đền Bà Tấm ở xã Dương Xá, còn rất nhiều nơi thờ phụng Đức Ỷ Lan. Cũng như Dương Xá, không ít nơi tự hào là quê hương của bà với những di tích như Vườn Dâu, Giếng Bống… Về quê hương bản quán của bà, sử cũ chỉ chép bà sinh ở hương Thổ Lỗi, năm 1068 đổi tên là hương Siêu Loại. Có tham luận đọc tại hội thảo cho rằng: hương Thổ Lỗi hay Siêu Loại chính là thuộc địa phận xã Dương Xá ngày nay, đối lập với giả thuyết khác cho địa danh cổ đó thuộc xã Như Quỳnh, Mỹ Văn, Hưng Yên. Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đặt giả thuyết cho rằng hương Thổ Lỗi là một vùng đất khá rộng, bao gồm cả Dương Xá lẫn Như Quỳnh ngày nay. Nếu giả thuyết này đúng, có lẽ cả hai xã đều có quyền tự hào là nơi đã sinh ra người phụ nữ lỗi lạc này”.

Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan ở Bắc Ninh

Tác giả Lê Định, trong bài báo Ở quê hương bà Ỷ Lan (Hà Nội Mới, 3-4-1995) khẳng định: “Thôn Sóc (Dương Xá – Gia Lâm), cách trung tâm Hà Nội non hai chục cây số theo ngả đường 5, là quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan… Đền thờ bà Ỷ Lan nằm ở địa phận thôn Sóc, xã Dương Xá hiện nay, được xây dựng và hoàn thành vào khoảng tháng 3 năm Ất Mùi (1115). Bà được tôn thờ ở nhiều nơi, nhưng đây là nơi thờ chính nên cũng được gọi là Đền Cả, gần đó là chùa Sùng Phúc, còn gọi là chùa Bà Tấm, là để chỉ Ỷ Lan… Khác với nhiều ngôi đền ở khắp nơi trong nước, đền Cả được kiến trúc theo lối cung đình đời Lý, có tất cả 72 cửa, được coi là một trong những ngôi đền cổ nhất, đến nay vẫn giữ lại được phong cách kiến trúc ban đầu. Tượng Đức Bà ở hậu cung, hai bên có 6 pho tượng khác đứng trong tư thế chầu. Nhiều người bảo là “Lục bộ”, nhưng cũng có người cho rằng đó chỉ là những người giúp việc cho bà mà thôi… Chùa Tấm xưa là một công trình kiến trúc lớn gồm 100 gian, đã bị hư hại nhiều qua hai cuộc chiến tranh. Hai dãy nhà của chùa hiện nay là do nhân dân cùng chính quyền địa phương tiến hành xây dựng gần đây. Di vật quý giá từ đời Lý còn lại là những cột đá, những con giống bằng đất nung, những hoa văn trang trí. Đặc biệt nhất là thành bậc cửa và bệ đá chạm đầu sư tử. Những hiện vật này cho thấy chùa được làm vào năm 1065 triều Lý Thánh Tông. Bệ tượng chùa Bà Tấm theo lối hai sư tử đội chung một tòa sen. Đầu cao 1m, bề ngang cả hai mặt sư tử rộng 1,35m. Với những nét đục đá điêu luyện, nghệ nhân xưa đã thể hiện hai con sư tử lớn nằm phục trong một tư thế vững vàng, dũng mãnh…”.

Tác giả Xuân Thụy trong bài Bàn thêm về quê hương bà Tấm Ỷ Lan (Hà Nội Mới, 3-11-1994) nêu ra một hướng tìm tòi: cơ sở chắc chắn nhất để xem xét đích thực quê Ỷ Lan ở địa chỉ nào trên bản đồ vẫn là những địa danh đã được ghi một cách nhất quán trên sử sách qua các triều đại. Hiện nay đã có sự nhất trí cao về vùng quê Ỷ Lan không đâu khác hơn là bên bờ hữu sông Thiên Đức (tuy đã cạn nhưng vẫn còn dấu vết liền mạch), bắt nguồn từ sông Đuống chảy qua các làng Lợ, Sủi, Bằng Đình, Đanh, Đá (những tên cổ của các thôn, xã đã nêu ở trên – XC) đến Cầu Ghềnh thuộc Như Quỳnh ngày nay. Từ một vùng lớn ấy, có thể sử dụng phương pháp biện chứng xem xét một cách toàn diện các yếu tố để thu hẹp dần diện tích của địa chỉ. Chúng tôi xin nêu một số nhận xét:

– Không thể căn cứ vào những nơi có đền, chùa thờ Ỷ Lan mà coi đó là dấu hiệu nơi sinh của bà. Sử liệu cho biết sinh thời Ỷ Lan cho xây rất nhiều chùa và nhiều nơi xây đền thờ bà. Những di tích mang dấu vết niên đại thời Lý là rất quý báu, nhưng cũng có thể có nơi không phải là quê bà. Ngay trong một vùng rộng lớn bao gồm nhiều thôn xã được coi là quê hương Ỷ Lan cũng có tới ba đền thờ Ỷ Lan ở các xã Phú Thị, Dương Xá, Như Quỳnh.

– Những tư liệu lịch sử còn lại có thể làm căn cứ là cuốn Việt sử lược (VSL) Thiền uyển tập anh (TUTA), biên soạn vào đời Trần, Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) do Ngô Sĩ Liên biên soạn vào đời Lê (xong năm 1479); phong phú hơn nữa là bản diễn nghĩa mang tên Chuyện Ỷ Lan (CYL), văn nôm lục bát, tác giả là Trương Thị Ngọc Trong, cung tần phủ chúa Trịnh, người làng Như Kinh (Như Quỳnh ngày nay) viết năm 1759. Ở đầu văn bản chữ nôm này ghi rõ: “Kính chép bài Quốc ngữ diễn ca chuyện cổ thần tích bà Hoàng Thái hậu thứ bà triều Lý, được kính thờ ở thôn Ngọc Kinh” (Chuyện Ỷ Lan – Hoàng Xuân Hãn viết lời tựa và chú giải. Tập san Khoa học xã hội, Paris, số 12, tháng 1-1986). Bản in lại chúng tôi hiện có là tư liệu của một xã có đền thờ Ỷ Lan).

– Có thể dựa vào các thần tích mà đền thờ nào cũng có. Nhưng khi nghiên cứu các thần tích nên chú ý: Thần tích “không những để dân phụng thờ biết chuyện thần mình, mà cũng còn là lời làng có đền khai và nộp lên bộ Lễ để vua phân hạng mà ban sắc. Chính vì lẽ ấy mà thần tích chỉ phản ánh một phần lịch sử nếu thần là một nhân thần” (theo Hoàng Xuân Hãn, tài liệu đã dẫn). Nhiều trường hợp thần tích cũng lược bỏ hoặc thêm thắt những chi tiết cho phù hợp với lợi ích của nơi có đền thờ. Ngoài ra, thần tích còn pha trộn nhiều yếu tố thần thoại và truyền thuyết có thể giúp nghiên cứu về văn hóa, xã hội, mà không thể dẫn chứng về lịch sử. Ví dụ, một số thần tích đền Ỷ Lan pha trộn những chi tiết của truyện cổ tích Tấm Cám. Do chiến tranh hoặc do điều kiện giữ gìn không tốt (ẩm, mối, mọt, mất mát), thần tích thường được viết lại và mỗi lần như thế, người viết đời sau thường sửa chữa, thêm thắt một cách thiếu khách quan. Các sử liệu về nhân vật Ỷ Lan được kể trên kia vẫn là chỗ dựa tin cậy hơn cả và chưa có bản thần tích nào không lấy tài liệu từ nguồn đó (VSL, TUTA, ĐVSKTT, CYL).

– Trong những dấu vết còn lại ngoài các sử liệu chính thức, các di tích, các thần tích, còn cần xem xét những dấu vết trong ngôn ngữ, phong tục, tập quán đã trải qua biết bao biến dịch nhưng vẫn giữ được những yếu tố có tính bền vững nhất.

Với hướng suy nghĩ ấy, tác giả Bùi Thiết trong Bà Tấm – Nguyên phi Ỷ Lan quê ở đâu? (Người Hà Nội, 6-5-1995) trích dẫn các sử liệu và nêu những lập luận đáng chú ý về mặt ngôn ngữ như sau:

“Trước hết về địa danh, các thư tịch bằng chữ Hán đều chép rằng, Ỷ Lan ở hương Thổ Lỗi và sau đó đổi làm hương Siêu Loại, cũng có tài liệu chép là “Lỗi Hương hay là Ôi Lỗi”. Như chúng ta thấy, đây là những từ hay ký hiệu của chữ Hán dùng để ghi tên của làng người Việt. Trong trường hợp này, làng Việt có tự dạng Hán là Lôi (trong các tên Thổ Lỗi, Lỗi Hương, Ôi Lỗi) vốn là Kẻ Sủi hay làng Sủi, vì trong chữ Hán không có ký tự Sủi, nên phải dùng ký tự Lỗi thay vào. Về sau, khi Hán Việt hóa các địa danh được gia thêm để thành Thổ Lỗi hay Lỗi Hương và để cho hay hơn, đổi thành Siêu Loại. Như vậy, phải tìm làng nào hiện nay có tên tục (tên Việt cổ) là Sủi cho phép đoán định đó là Thổ Lỗi hay Lỗi Hương, quê của Ỷ Lan”… “Làng có tên là Sủi duy nhất hiện nay, được nhiều người biết đến, đó là làng Phú Thị, nay là thôn Phú Thị, thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm”.

Chúng tôi tán thành nhận định trên và xin cung cấp thêm: trước đây, khu dân cư làng Sủi ở gần chùa Sủi hiện nay vốn là rừng ổi, vì vậy mới có tên là Ôi Lỗi, bên cạnh tên Lỗi Hương. Về sau, khu dân cư chuyển dịch dần về phía làng hiện nay, nơi cũ không còn cây ổi nào nhưng cái tên Rặng Ổi thì vẫn còn. Bên cạnh đền thờ Ỷ Lan, làng Sủi tức thôn Phú Thị còn có đình thờ Thành hoàng của làng là Đào Liên Hoa, một vị tướng của Đinh Tiên Hoàng (924 – 979) từng đóng quân ở nơi đây, thời đó đã có tên là Trang Thổ Lỗi. Trong đình, đến nay còn có hai đôi câu đối chữ Hán nói về sự kiện trên:

Cờ kiếm sững uy danh, nhớ mãi Hoa Lư tài tướng giỏi

Cung đền đài thờ tự, truyền đây Thổ Lỗi trại quân xưa (dịch nghĩa).

Bùi Thiết trong bài báo nói trên cũng lưu ý bạn đọc: Ở thôn Phú Thị cũng thờ Ỷ Lan, từ xưa đến nay, dân làng còn có miếu Ông Bông, thờ Nguyễn Bông, một viên quan hầu trong cung Ỷ Lan. Theo chuyện Ỷ Lan của Trương Thị Ngọc Trong thì Nguyễn Bông thường được vua sai đi cầu tự ở ngôi chùa có sư Đại Điên trụ trì. Đại Điên đã hóa phép cho Nguyễn Bông đầu thai làm hoàng tử bằng cách bảo Bông lẻn vào buồng tắm của Ỷ Lan. Việc bị bại lộ, Bông bị chém chết ở bên ngoài cửa Tây Thăng Long, nơi bị chém sau được gọi là cánh đồng Bông (nay nằm trong khu vực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I). Trước khi chém, Nguyễn Bông xin gặp Đại Điên thì Đại Điên cười bảo: Phải thí cái thân ấy thì kiếp sau mới nên. Thần tích của đền Sủi kể lại chuyện này và thêm: Đại Điên yểm những dấu vết trên mình Nguyễn Bông. Quả nhiên, sau này trên mình hoàng tử do Ỷ Lan sinh ra có những dấu vết ấy. Vua bèn cho sứ về Lỗi Hương minh oan cho Bông. Nhân dân ở đấy đã lập miếu thờ ông Bông (nay còn dấu vết) và hàng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch có hội Bông Sòng với ý nghĩa bày tỏ niềm vui khi Bông được giải oan (Bông là Nguyễn Bông, Sòng là sòng phẳng).

Từ các tư liệu vừa dẫn, theo Bùi Thiết, “chúng ta có thể xem xét một cách có cơ sở và chính xác rằng, quê hương của Ỷ Lan tức bà Tấm, là làng Sủi, sau được gọi là Thổ Lỗi (hay Lỗi Hương) và sau đó là Siêu Loại, tức là thôn Phú Thị, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm – Hà Nội (tên Siêu Loại về sau được dùng cho một vùng địa dư lớn). Làng Sủi cũng là nơi thờ chính Ỷ Lan phu nhân và nơi giải oan cho bõ Bông. Việc Thuận Quang cũng thờ bà Tấm, chỉ có thể giải thích rằng, từ thuở xa xưa ấy, đây có thể là phần đất thuộc làng Sủi, về sau khi dân số phát triển, tách ra thành làng riêng, tuy không mang tên là làng Sủi, nhưng dân làng có quyền thờ Ỷ Lan phu nhân, vốn là vị thần được thờ ở làng gốc. Hiện tượng này khá phổ biến trong các làng xã người Việt”.

Vì người viết bài này và tường thuật những kiến giải trên là người làng Sủi, nên không trình bày thêm, chỉ xin phép ghi chép một cách trung thực, khách quan. Dù sao, vấn đề cũng đang còn bỏ ngỏ…

Xuân Châm