Đường Lâm là Đường Lâm nào?

Sau khi Xưa Nay số 391 (11/2011) đăng bài “Đường Lâm – Sơn Tây phải chăng là một huyền sử của thế kỷ XX”, chúng tôi đã nhận được một số ý kiến tranh luận của các nhà nghiên cứu về vấn đề này. Để tiếp tục cuộc trao đổi, chúng tôi xin đăng giả thuyết nghiên cứu của nhóm tác giả Trần Ngọc Vương.

“Đường Lâm ở Sơn Tây” là kết luận cuối cùng được Trần Quốc Vượng(1) đưa ra năm 1967, kết luận này chấm dứt giả thuyết của Đào Duy Anh về một châu Đường Lâm cũ vào các thế kỷ VII-X được ghi chép trong các cổ thư Trung Hoa. Từ bấy đến nay, địa danh Đường Lâm-Sơn Tây đã nổi tiếng như một vùng đất thiêng, một ấp hai vua: Phùng Hưng-Bố Cái Đại Vương và Ngô Quyền –“vị tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc” (chữ dùng của Phan Bội Châu). Đường Lâm là quần thể di tích cấp quốc gia, được nhà nước đầu tư trọng điểm về văn hóa và du lịch, rồi từng được đề cử trước UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đường Lâm-Sơn Tây trải qua gần 50 năm, giờ đã trở thành chân lý không cần bàn cãi. Giả thuyết của các bậc cựu học thuở nào đã đi vào quên lãng. Bài viết này muốn đưa độc giả quay trở lại với những giả thuyết xưa.

 

Trong lập luận của Trần Quốc Vượng năm xưa, điểm cốt tử nhất không hẳn nằm ở chỗ ông đã dùng phải một văn bia có khả năng là bia ngụy tạo, mà ở chỗ ông đã dùng các cứ liệu “cấp hai”, “cấp ba”… để phủ định lại các cứ liệu cấp một của những học giả đi trước. Trong bài này, chúng tôi tiếp tục đi theo hướng mà Đào Duy Anh đã sử dụng khi viết cuốn chuyên luận bất hủ Đất nước Việt Nam qua các đời, đó là hướng đi tìm và khảo cứu về quê quán châu Đường Lâm của Phùng Hưng và Ngô Quyền qua những tư liệu được viết trong chính thời đại hoặc gần nhất với thời đại của hai vị vua này. Một điều lạ, mà trước khi khảo cứu chúng tôi không thể tưởng tượng, là tất cả các cổ thư từ đời Trần đổ về trước đều trùng khít với nhau, và tạo thành một thế lôgic liên hoàn sáng rõ. Để tiện theo dõi, chúng tôi trước tiên sẽ khảo cứu về địa danh Đường Lâm qua các thư tịch thường dùng hiện nay – mà ở đây tạm gọi là “hậu sử”.

Cổng làng Đường Lâm, Sơn Tây.

Cổng làng Đường Lâm, Sơn Tây.

 

 Đường Lâm – từ những ghi chép của sử gia triều Lê

Đại Việt sử ký toàn thư trước nay vẫn được coi là bộ sử chính thống, quan phương, cổ nhất, có giá trị nhất may mắn còn giữ lại được. Bộ sử này là sự lũy tích văn hiến qua nhiều triều vua Lê, khởi từ các vua Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, mà văn bản chúng ta may còn lại được đến nay là bản in vào cuối thế kỷ XVII (1697). Bộ sử ấy có ghi mấy dòng đề cập đến địa danh Đường Lâm như sau: “Họ Ngô, tên húy là Quyền, người Đường Lâm, đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức châu mục ở bản châu”(2).

Thiên Nam ngữ lục(3) – trường ca về lịch sử Việt Nam ra đời khoảng cuối thế kỷ XVII, ghi lịch sử từ thời Hồng Bàng tới thời Lê Trung Hưng. Đây là một tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu dùng làm tư liệu cơ sở để đối chiếu với các sách sử cổ khác. Sách này cũng biên chép một cách khá chừng mực như sau: “Quyền cũng Đường Lâm con dòng, cha làm Thái thú(4) lĩnh trong Nam thành (c.3141); Đường Lâm sinh có anh hùng, bấy chừ một đạo quân hùng trỗi hơn, Thằng Nguyễn Chính Bình Lam Sơn(5), Ở ra những nết đa đoan hại người. Bèn bảo em là Phùng Cai, anh hùng ta cũng chí trai tang bồng (Phùng kỷ, c3041); Cùng Dương Tam Kha toan rằng: Đường Lâm trở lại thửa chưng trong đời (c.3254).”

ĐVSKTT cũng như Thiên Nam ngữ lục khi dẫn địa danh Đường Lâm không chú rõ Đường Lâm là ở đâu đã gây lúng túng cho sử gia đời sau khi tìm hiểu quê hương của Ngô Quyền. Mặt khác, điều này cũng thể hiện sự cẩn trọng của sử gia Việt Nam đối với những thông tin họ chưa thể kiểm chứng, đối chiếu, nhất là ở thời kì Việt Nam còn chưa có nhà nước, chưa có biên chép sử, những thông tin về thời kì này, phần lớn dựa vào thư tịch cổ Trung Quốc. Điểm quan trọng nhất ở đây không phải bản thân địa danh Đường Lâm mà là thông tin cha Ngô Quyền là người Đường Lâm và làm chức châu mục ở bản châu. Như thế, Đường Lâm có thể là tên một châu, mà Ngô Mân làm châu mục. Vậy, câu hỏi đặt ra là châu Đường Lâm này là châu Đường Lâm nào(6)? Nó khác gì không so với xã Đường Lâm Sơn Tây (ngày nay)?

 

Đường Lâm ở Sơn Tây: kết luận của các sử gia nhà Nguyễn thế kỷ XIX

Từ những thông tin cẩn trọng trong các bộ sử của triều Lê, các sử gia đời Nguyễn thế kỷ XIX đã tiến hành khảo cứu sâu hơn về địa danh này. Sự khảo cứu ấy được trình bày như dưới đây.

Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) trong Đại Việt địa dư toàn biên, Địa chí loại, quyển 5, tỉnh Sơn Tây, phủ Quảng Oai, huyện Phúc Thọ, tr.402 có viết: “Xét huyện Phúc Thọ là đất Phúc Lộc đời xưa. Cựu sử chép rằng: Đường Lâm ở huyện Phúc Lộc. (Mà) Xét Đường địa lý chép rằng: châu Phúc Lộc có ba huyện Nhu Viễn, Phúc Lộc và Đường Lâm. Từ Hoan Châu đi về phía đông hai ngày đến huyện Ninh Viễn (tức Nhu Viễn) châu Đường Lâm. Đi về phía nam qua sông Cổ La hai ngày đến nước Hoàn Vương… Lịch triều hiến chương lại chép rằng:… ‘Nhu Viễn bây giờ là huyện Gia Viễn. Đường Lâm nay là đất huyện Hoài An, huyện Mỹ Lương…’ Nay xét sử cũ chép: Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng. Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có hai đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương. Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ 3 (Trần Thuận Tông-1390) mùa xuân tháng 2, ngày 18 làm bia này. Thì Đường Lâm là Phúc Thọ ngày nay, nên lấy sử cũ cũng như văn bia là đúng (văn bia thời Trần ở Sơn Tây). Xét lời chú trên này (của Đường địa lý) là thuyết sai lầm, xem Đường thư có một câu: ‘Phúc Lộc tiếp Hoan Châu’ có thể biết là lầm. Trí Châu có sông Trí, tức là xã Phúc Lộc đất Hà Thanh, Cầu Dinh ngày nay(7). Nay tự đầu cõi huyện Hương Sơn đi thẳng đến thượng đạo Quảng Bình tức là châu Phúc Lộc cũ”(8).

Đại Nam nhất thống chí được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ 1865 đến 1882 ghi huyện Phúc Thọ: “Đời Hán là đất huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ; đời Lê Quang Thuận gọi là Phúc Lộc, trước lệ phủ Quốc Oai; đời Cảnh Hưng đổi lệ phủ Quảng Oai; đời Tây Sơn đổi là Phú Lộc; bản triều, đầu đời Gia Long lại đổi là Phúc Lộc; năm Minh Mệnh thứ 3 đổi tên hiện nay, thuộc phủ Quảng Oai thống hạt”. Và “Xét sử chép: ‘Đường Lâm ở huyện Phúc Lộc. Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm’. Nay là xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ có đền thờ Bố Cái Đại vương và đền thờ Ngô vương, có văn bia đại lược nói: ‘bản xã đất ở rừng rú, xưa gọi là Đường Lâm, thời thuộc Đường có Phùng húy là Hưng, đến thời Ngũ đại có Ngô Vương húy là Quyền, hai vương cùng ở một ấp, việc ấy từ trước chưa có bao giờ…’ Cuối bài bia chép: ‘phụng mệnh làm văn bia năm Quang Thái thứ 3’. Như thế thì huyện Phúc Thọ xưa kia có Đường Lâm, Đường Lâm là tên xã không phải tên châu. Ngô Thì Sĩ nói: ‘Đường Lâm ở vào quãng huyện Hoài An và huyện Mỹ Lương’. Dư địa chí của Phan Huy Chú (17821840) nói: ‘Nha Viễn nay là Gia Viễn, Đường Lâm nay là đất hai huyện Hoài An và Mỹ Lương”(9).

Đặng Xuân Bảng (18281910) trong Việt sử cương mục tiết yếu ghi: “Tân Mùi, [791] (Đường Đức Tông, Trinh Nguyên năm thứ bảy). Mùa hạ, Phùng Hưng ở Đường Lâm, Phong Châu (Đường Lâm là tên xã; nay là xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây, không phải là huyện Đường Lâm, châu Phúc Lộc [chú của dịch giả: nay là xã Cam Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây] )”(10).

Có thể thấy dường như Nguyễn Văn Siêu là học giả đầu tiên(11) ấn định địa danh Đường Lâm thuộc về Sơn Tây, sau đó thông tin này đã được chính sử nhà Nguyễn công nhận (1882). Kể từ đây, Sơn Tây đã tồn tại như một mảnh đất hai vua. Đặng Xuân Bảng tiếp thu thành tựu của người đi trước, khi viết cuốn Việt sử cương mục tiết yếu ông đã chua thêm hai chữ Phong Châu vào sau địa danh Đường Lâm. Tư liệu đáng chú ý nhất là văn bia đời Trần được Nguyễn Văn Siêu dẫn lại. Tiếc rằng, đây là một văn bia ngụy tạo như chúng tôi chứng minh trong bài viết này(12). Thứ hai, Nguyễn Văn Siêu đã không đặt sách mà ông gọi là Đường địa lý(13) (sic) đó trong hệ thống tư liệu đồng đại hữu quan quan trọng khác như Tân Đường thư, Cựu Đường thư, Việt điện u linh, An Nam chí lược… (cụ thể xin xem mục 5 của bài này). Từ kết luận ban đầu của Nguyễn Văn Siêu tiến tới sự đồng thuận của các sử gia của triều Nguyễn, Đường Lâm-Sơn Tây đất hai vua, trải qua gần 150 nay đã trở thành chân lý, hơn nữa là tín niệm.

Người đầu tiên tỏ ý nghi ngờ về kết luận trên là học giả Đào Duy Anh trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời, ông viết: “Chúng tôi rất nghi ngờ những ghi chú ấy và nghĩ rằng rất có thể người ta đã lầm Đường Lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc Lộc (Phúc Lộc châu có huyện Đường Lâm) thành tên xã Đường Lâm ở huyện Phúc Thọ”(14). Sự nghi ngờ của Đào Duy Anh là khá thận trọng và tinh nhạy về cảm giác của một người lão thực trong lĩnh vực cổ sử Việt. Dưới đây, chúng tôi tiến hành khảo cứu diên cách xã Đường Lâm (huyện Phúc Lộc, Sơn Tây), để phần nào vén dần bức màn của lịch sử.

 

Đường Lâm – Sơn Tây: lịch sử diên cách

Xét về địa lí, xã Đường Lâm ngày nay thuộc thành phố Hà Nội, trước đó thuộc Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Một dải các tỉnh Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc ngày nay thuộc các huyện Tây Vu, Mi Linh, Chu Diên của quận Giao Chỉ thời Tây Hán. Thời Đông Hán, chia huyện Tây Vu làm hai huyện Phong Khê, Vọng Hải. Thời Tấn, các huyện Tây Vu, Mi Linh, Chu Diên đều thuộc các quận Vũ Bình, Tân Xương(15). Đến đời Lý  thuộc phủ Đại Thông(16). Đời Minh là huyện Long Bạt châu Đà Giang lộ Tam Giang(17). Đào Duy Anh cũng cho một lịch trình diên cách hơi khác như sau: “Trấn Sơn Tây: Cương mục (Chb, q.21) chú rằng: đời Đinh Lê Lý là đạo Đà Giang; đời Trần chia làm các lộ Tam Giang, Tam Đới, Quảng Oai, Quốc Oai; năm Quang Thái thứ 10 (1397 ) đổi lộ làm trấn; thời Lê Sơ làm các lộ Quốc Oai thượng, trung, hạ, thuộc Tây đạo; năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đổi làm Thừa tuyên Quốc Oai; năm thứ 10 (1468) đặt làm thừa tuyên Sơn Tây; năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi làm xứ; trong đời Hồng Thuận làm trấn; đời Nguyễn đầu đời Gia Long lệ vào Bắc Thành; năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi làm tỉnh Sơn Tây, trích huyện Từ Liêm lệ vào tỉnh Hà Nội, huyện Tam Nông lệ vào tỉnh Hưng Hóa… Huyện Phúc Lộc: Nhất thống chí (Sơn Tây) chép rằng đời Cảnh Hưng đổi lệ vào phủ Quốc Oai; đời Tây Sơn đổi làm Phú Lộc, đầu đời Gia Long đổi làm Phúc Lộc; năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi làm Phúc Thọ. Hiện nay là Phúc Thọ tỉnh Hà Tây”(18).

Ngay từ đời Lý, đã có ghi chép về việc người ở Cam Giá dâng hươu đen cho vua Lý Nhân Tông(19). Cho tới tận đầu thế kỉ 19, đất Cam Lâm hiện nay còn có tên là Cam Tuyền (theo Các trấn tổng xã danh bị lãm)(20), nhưng 60 năm sau đã thấy tên Cam Lâm xuất hiện trong Đại Nam nhất thống chí.Thế nhưng Cam Lâm này chữ Hán là 甘霖, chứ không phải là lâm 林 (rừng) trong Đường lâm 唐林.

Theo Thông điển(21) thì một dải từ Hà Nội, Bắc Ninh về phía tây đến Hà Tây, Phú Thọ khá ổn định nội thuộc Phong Châu thời Đường. Không có châu Đường Lâm nào trong vùng đó. Còn huyện Phúc Lộc của Sơn Tây chỉ là địa danh được lập vào đời Lê Thái Tông, cuối Lê đổi là Phú Lộc, đến đời Nguyễn địa danh này chỉ tồn tại từ năm 1803-1821, khác hoàn toàn với châu Phúc Lộc/ hay châu Đường Lâm (có các huyện dưới cấp là huyện Nhu Viễn, huyện Phúc Lộc và huyện Đường Lâm) thế kỷ VII-VIII-IX.

 

(Xem tiếp kỳ sau)

 

  1. Trần Quốc Vượng, “Về quê hương Ngô Quyền”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 101, 8/1967, tr. 60-62.
  2. Đại Việt sử ký toàn thư, T.1. Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, tr. 204.
  3. 3. Thiên Nam ngữ lục, Nguyễn Thị Lâm phiên âm và chú giải. Nguyễn Ngọc San hiệu đính, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 2001.
  4. Thái thú: Ý nói Ngô Mân làm chức “châu mục bản châu”.
  5. Nguyễn Chính Bình: một số sách sử khác như Tân Đường thư, Cựu Đường thư ghi là Cao Chính Bình.
  6. Quan điểm Ngô Quyền là người châu Đường Lâm được cổ súy bởi nội chứng lịch sử Việt Nam ấy chính là vào thời Thập nhị sứ quân, một người bà con cùng họ của Ngô Quyền là Ngô Nhật Khánh (người mà Việt sử lược chép lầm là Trần Nhật Khánh) đã nổi dậy chiếm cứ Đường Lâm. Thuận lẽ là người có thế lực ở đâu mới có thể nổi dậy tiếm quyền tại đó. Dòng họ Ngô đời đời làm chức mục bản châu thì những người họ hàng ắt ít nhiều có thế lực. Cha Ngô Quyền lĩnh chức mục châu Đường Lâm là cơ sở để Ngô Nhật Khánh sau này xưng hùng tại địa phương. Hơn nữa, Dương Đình Nghệ lĩnh Ái Châu đã gả con gái cho Ngô Quyền, dụng Ngô Quyền làm tâm phúc. Theo chúng tôi, giai đoạn này việc thông hôn đồng thời cũng là một hình thức củng cố thế lực, liên kết các tù trưởng/ hào trưởng địa phương. Không cơn cớ gì một châu mục lớn như châu mục Ái Châu lại gả con gái và dựa vào một người không tên tuổi, không thế lực ở mãi Sơn Tây (lúc ấy giờ thuộc địa giới Phong Châu). Quan điểm quê hương Ngô Quyền ở đâu đó gần châu Ái có lẽ là có cơ sở sử liệu của nó.
  7. Chỉ thời Nguyễn.
  8. Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt địa dư toàn biên, Tổ phiên dịch Viện Sử học, Nxb Văn hóa Thông tin, H., 1997, tr.402. Nguyên bản ký hiệu VHv.1709/1-3, bản khắc in năm 1900.
  9. Quốc sử quán triều Nguyễn (1882), Đại Nam nhất thống chí (tập 4) Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 188-189.
  10. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Hoàng Văn Lâu dịch chú giới thiệu, Nxb. KHXH, H. 2000. tr. 48.
  11. Sở dĩ nói ông là học giả đầu tiên vì lấy điểm mút cuối cùng là năm ông mất (1872) so với năm hoàn thành của Đại Nam nhất thống chí là 1882.
  12. Tập quán dùng văn bia hay cứ liệu khảo cổ học như một bằng chứng “không thể chối cãi” cho bất kỳ luận điểm lịch sử nào (ngay cả khi văn bia đó dựng hàng mấy trăm năm sau) là một phương pháp phổ dụng trong những năm qua. Hiện tượng này có thể thấy qua rất nhiều nghiên cứu lịch sử hiện nay. Ví dụ như, gần đây có một số nhà nghiên cứu căn cứ vào viên gạch đào được ở Hoa Lư có ghi mấy chữ “Đại Việt thành chuyên” để khẳng định nước ta vào đời Đinh chưa từng có tên nước là Đại Cồ Việt. Trong khi phương pháp C14 không thể cho biết chính xác khoảng thời gian trong vòng một hai trăm năm. Liệu đó có nhất thiết phải là gạch đời Đinh, Lê, tiền Lý hay là của các triều đại sau này trong rất nhiều lần trùng tu di tích?
  13. Chúng tôi tìm khắp trong Tứ khố toàn thư không tìm thấy quyển nào có tên là Đường địa lý. Có lẽ đây chỉ là cách gọi chung của Nguyễn Văn Siêu về những sách có biên chép về địa lý đời Đường. Hoặc giả có sách đó thật nhưng tại Trung Quốc từ lâu đã bị mất. Hoặc giả, kiến văn của chúng tôi còn quá nhỏ hẹp với biển học.
  14. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 2005 (tái bản), tr. 110.
  15. Tân Đường thư chép: “Phong Châu có các huyện Gia Ninh, Tân Xương. Gia Ninh có núi Tản Viên. Tân Xương có Kim Khê”. Đặng Xuân Bảng sau khi dẫn đoạn trên đã chua: “Nay (tk XIX) các đất phủ Lâm Thao, Quảng Oai của Sơn Tây cùng phủ Yên Bình của Tuyên Quang, phủ Tòng Hóa của Thái Nguyên đều là đất Phong Châu xưa”, Đặng Xuân Bảng, sđd, tr. 46.
  16. H. Maspéro, La Géographie Politique de l’Annam sous les Lý, les Trần et les Hồ ( Nghiên cứu về địa lý lịch sử thời Lý Trần Hồ). BEFEO. XVI, chuyển dẫn theo Đào Duy Anh, sđd. tr.120. Theo H. Maspéro, phủ Đại Thông bao gồm miền Sơn Tây, Hưng Hóa, ở phía Tây sông Hồng.
  17. Đào Duy Anh, sđd, tr.138 – 139. “Huyện Long Bạt: Nhất thống chí (Sơn Tây) chép rằng huyện Bất Bạt vốn là đất lộ Tam Giang, đời Trần về trước là huyện Lũng Bạt, nhà Minh vẫn theo. Nhưng Thiên hạ quận quốc chép rằng chính nhà Minh đổi Long Bạt làm Lũng Bạt”.
  18. Đào Duy Anh, sđd, tr. 180-181. Những khảo sát trên đây cho thấy những ghi chép diên cách địa lý về Sơn Tây cần phải hiệu chỉnh lại khá nhiều. Ví như: Sơn Tây quận huyện bị khảo ghi: “Huyện Phúc Thọ xưa là Đường Lâm, các triều Lý Trần cũng theo như thế”. Chuyển dẫn theo Huyện Phúc Thọ – làng xã và những di sản văn hóa (T1: Di sản Hán Nôm), Nguyễn Xuân Diện chủ biên, Nxb. Hà Nội, H., 2010, tr. 34. Hay Sơn Tây tỉnh chí ghi: “Đền Bố Cái Đại Vương: ở địa phận xã Cam Lâm huyện Phúc Thọ, thời cổ gọi là Đường Lâm”. Chuyển dẫn theo Nguyễn Xuân Diện, sđd, tr. 31.
  19. “甘 蔗 甲 人 献 玄 鹿 Đinh Dậu, /Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 8 [1117], (Tống Chính Hoà năm thứ 7)…người giáp Cam Giá dâng hươu đen.” [ĐVSKTT, tr.17a]
  20. Xin xem nguyên bản ký hiệu A.570/1-2. (Viện NC Hán Nôm). Xin xem thêm Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Các trấn tổng, xã danh bị lãm), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Dương Thị The, Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn, NXBKHXH, Hà Nội, 1981.
  21. Văn Uyên các Tứ khố toàn thư, Thông điển, quyển 184, Đài Bắc Đài Loan Thương vụ Ấn thư quán, 1983, chép “An Nam Đô hộ phủ, phía đông đến cảnh giới huyện Chu Diên đường thủy đi 500 dặm. Phía nam đến cửa sông A Lao thuộc cảnh giới huyện Chu Diên đường thủy đi 149 dặm. Phía tây đến cảnh giới quận Cửu Chân đường thủy đi 415 dặm. Phía bắc đến nguồn sông của cảnh giới huyện Vũ Bình 250 dặm. Phía đông nam đến cảnh giới huyện Chu Diên 500 dặm. Phía tây nam đến cảnh giới quận Văn Dương đường thủy đi 150 dặm. Phía tây bắc đến Giang Trấn huyện Gia Ninh thuộc quận Thừa Hóa 150 dặm. Phía đông bắc đến huyện Giao Chỉ 10 dặm. Cách Tây Kinh 7.253 dặm, cách Đông Kinh 7.225 dặm. Hộ: 24.730, khẩu: 99.650. Phủ An Nam, nay trị ở huyện Tống Bình. Thời Tần thuộc Tượng Quận. Thời Hán là cảnh giới hai quận Giao Chỉ, Nhật Nam, nay là đất của người Di phương nam, chân của họ đại khái mở rộng ra, nếu đem chân đứng dậy, ngón chân liền giao nhau, cho nên tên là Giao Chỉ. Nhà Hậu Hán theo đó, đặt ra Giao Châu. Lĩnh 7 quận, trị ở đó. Nhà Tấn, Tống, Tề đều theo đó. Thời Tấn lĩnh 7 quận, thời Tống lĩnh 8 quận, thời Tề lĩnh 9 quận, đều trị ở đó. Nhà Tống lại đặt quận Tống Bình, nhà Tề theo đó, cũng là đất quận Giao Chỉ. Nhà Lương, Trần theo đó. Nhà Tùy dẹp nhà Trần, quận bỏ, đặt ra Giao Châu. Đầu thời Dương Đế, châu bỏ, đặt ra quận Giao Chỉ. Nhà Đại Đường là Giao Châu, sau đổi là An Nam Đô hộ phủ. Lĩnh 7 huyện: Tống Bình. Nhà Tống đặt quận Tống Bình tại đấy. Chu Diên. Thời Ngô là huyện Quân Bình. Trước đặt ra quận Vũ Bình. Diên, dĩ truyền phiên. Long Biên. Huyện cũ thời Hán. Thái Bình. Giao Chỉ. Thời Hán thuộc đất huyện Long Biên Vũ Bình. Huyện cũ thời Ngô. Bình Đạo. Nhà Tề đặt ra huyện Xương Quốc.

 

Trần Ngọc Vương