Có nên lấy Đại học Đông Dương (1906) làm mốc cho Đại học Quốc gia Hà Nội không?

Trong bài “Về tính kế thừa của Đại học Quốc gia Hà Nội” của GS Vũ Dương Ninh đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 269 (10-2006) tác giả cho rằng Đại học Quốc gia Hà Nội là sự kế thừa của Đại học Đông Dương năm 1906. Đây là một vấn đề cần trao đổi không chỉ làm sáng tỏ cái mốc đó mà còn có một số sự kiện liên quan đến Đại học Đông Dương 1906.

Ngày 16 tháng 6 năm 1906 Toàn quyền P.Beau ký Nghị định thành lập trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam cũng là của Đông Dương. Điều 1 của Nghị định ghi rõ: Trường ĐHĐD bao gồm một số trường cao đẳng cho sinh viên thuộc địa và các xứ lân cận. Trường sẽ dùng tiếng Pháp để phổ biến những kiến thức khoa học và phương pháp nghiên cứu của người châu Âu (1).

Một giờ dạy hóa ở Đại học Hà Nội tại giảng đường chính. Ảnh trên tường của họa sĩ Victor Tardieu.

Như thế toàn quyền P.Beau có tham vọng khá lớn là muốn thành lập ở Việt Nam một trung tâm vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học để có thể cạnh tranh với các trường đại học của các nước phương Đông nhất là Nhật Bản.

Trường Đại học Đông Dương gồm 5 trường Cao đẳng:

  1. Luật và Pháp chính.
  2. Khoa học.
  3. Y khoa (đã có sẵn từ trước).
  4. Xây dựng.
  5. Văn chương.

– Trường Luật và Pháp chính chia làm 3 ngành:

+ Ngành thứ nhất coi như đã tổ chức xong, đó là trường Hậu bổ Hà Nội để đào tạo quan lại.

+ Ngành thứ hai là đào tạo những viên chức cho cơ quan cai trị của Nhà nước “Bảo hộ”.

+ Ngành thứ ba có thể dạy một ít chữ Hán nhưng thiên về thương nghiệp để đào tạo những viên chức cho ngành thương nghiệp và thuế quan.

– Trường Cao đẳng khoa học gồm các ngành toán, vật lý, hóa học và sinh vật có mục đích từ năm thứ hai trở đi đào tạo thành những giáo viên trung học hoặc cao đẳng sư phạm, và những người làm công tác nghiên cứu khoa học.

– Trường Cao đẳng Y khoa coi như đã tổ chức xong từ trước (1904) có 2 ngành Y và Dược.

Trường Cao đẳng Xây dựng sẽ có 3 ngành:

+ Cầu đường, đường sắt, mỏ (đã có trước ở trường Công chính).

+ Điện khí thực hành (bao gồm cả ngành Bưu điện).

+ Nông nghiệp, dâu tằm và thú y.

Trường Cao đẳng Văn chương dạy ngôn ngữ và văn học cổ điển phương Đông; lịch sử và địa lý các nước Viễn Đông; lịch sử văn học Pháp và nước ngoài, lịch sử triết học và nghệ thuật.

Ngày 12-10-1907, nhà cầm quyền cho ban hành những qui chế của trường đại học bao gồm qui chế tuyển sinh, giảng dạy và học tập. Ngày 10-11-1907, Đại học Đông Dương khai giảng. Trong tổng số 94 sinh viên chỉ có 39 người là có bằng cấp đúng qui định (đã tốt nghiệp trường trung học Sài Gòn hoặc đi thi Hương và có chứng chỉ tiếng Pháp).

Sau một tháng học thử, 16 người bỏ cuộc, còn lại 68 sinh viên chính thức và 8 dự thính. Đa số những sinh viên này theo học một cách vất vả, nhất là các môn lịch sử triết học và nghệ thuật, lịch sử văn học Pháp… Để cuối năm học chỉ còn có 41 người và họ cũng chỉ là sinh viên năm thứ nhất vì sau đó trường phải đóng cửa bởi không đủ điều kiện để hoạt động.

Tại sao trường Đại học Đông Dương không thể tồn tại lâu dài? Thứ nhất, đây không phải là một cơ quan giáo dục cao đẳng có tổ chức chặt chẽ, từ cơ sở vật chất đến nội dung giảng dạy đều chưa được nghiên cứu phù hợp với thực tế lúc đó. Người ta đã ghép 3 trường có sẵn: Luật và Pháp chính, Y khoa, Cao đẳng Xây dựng với 2 trường mới được tổ chức là Cao đẳng khoa học và Cao đẳng Văn chương dưới một cái tên chung là Đại học Đông Dương. Thực ra 3 trường cũ cũng chưa hoàn chỉnh như Cao đẳng Pháp chính nói là 3 ngành nhưng cũng mới chỉ có trường Hậu bổ còn trường đào tạo công chức Hành chính và Thương nghiệp, Thuế quan cũng chưa có. Còn trường Cao đẳng xây dựng thì cũng chỉ mới có trường Công chính, 2 ngành Điện khí thực hành và Nông nghiệp cũng chỉ mới ở trên giấy. Hai là, giáo viên hầu hết kiêm nhiệm nhiều việc chứ không phải là những giáo sư chuyên giảng dạy mặc dầu họ đều là những người có học vị, bằng cấp cao. Ba là, sinh viên tuyệt đại đa số là công chức ở các cơ quan trung ương của chính quyền thực dân đóng ở Hà Nội lúc đó (2). Do vậy, thời gian học phải bố trí vào buổi tối mỗi ngày, từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm, những môn cần làm thí nghiệm phải học vào sáng thứ năm hàng tuần. Trình độ đa số sinh viên quá thấp so với nội dung giảng dạy. Mặc dầu người ta đã chú ý đến vấn đề này bằng cách châm chước bằng cấp và trình độ tiếng Pháp, nhưng sinh viên vẫn không thể tiếp thu nổi nội dung nhất là đối với các môn khoa học xã hội như triết học, luân lý học, văn học phương Tây… Do đó, sinh viên bị rơi rụng đi một cách nhanh chóng sau mấy tháng đầu để rồi nhà trường phải đóng cửa không kèn không trống. Sau vụ này toàn quyền P.Beau bị dư luận công kích kịch liệt. Báo chí của thực dân Anh ở Ấn Độ đã viết: Nhà cầm quyền Đông Dương đã quá vội vã khi cho tổ chức ra trường Đại học Đông Dương, hoặc là người ta đã đặt cái cày trước con trâu v.v… (3).

Giáo sư Đinh Xuân Lâm trong bài viết về trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, khi điểm qua về tiền thân của trường này là Cao đẳng khoa học và Cao đẳng Văn chương cũng đã khẳng định: “Tuy hai trường trên có được nêu tên trong cơ cấu trường Đại học Đông Dương, nhưng sau đó không có dấu hiệu gì cho thấy là có hoạt động, cho đến nay vẫn không tìm thấy chứng cứ và tư liệu lưu trữ khẳng định rằng hai trường trên đã từng và có sinh viên ra trường” (4).

Đó chính là tính chất “hữu danh vô thực” của Đại học Đông Dương và do đó không thể cho rằng “Sự thành lập Đại học Đông Dương năm 1906 nên được coi như bước đi đầu tiên của mô hình đại học đó” (tức là mô hình một Université có tính chất phổ cập trên thế giới) (5). Vậy mốc khởi đầu cho Đại học Đông Dương có thể là năm nào?

10 năm sau khi trường Đại học Đông Dương đóng cửa, nhà cầm quyền Pháp chưa nghĩ đến việc tổ chức lại hệ thống giáo dục cao đẳng bởi vì những học sinh tốt nghiệp hệ trung học sau cải cách giáo dục lần thứ nhất (1906) còn quá ít, hơn nữa trình độ tiếng Pháp chưa thể tiếp thu một cách đầy đủ chương trình giảng dạy ở bậc cao đẳng và đại học. Phải đến 1918 tức là sau cải cách giáo dục lần thứ hai (1917), những yêu cầu của một sinh viên trường cao đẳng đã có thể đáp ứng được do học tập có hệ thống các môn văn học, khoa học, đặc biệt là môn tiếng Pháp, nhà cầm quyền Pháp đã có chủ trương mở một số trường cao đẳng theo hệ chính qui. Đó là các trường Cao đẳng Sư phạm (1917), Cao đẳng Công chính (1917), Cao đẳng Luật – Hành chính (1919). Theo Qui chế chung về bậc Cao đẳng Đông Dương thì những trường này do Giám đốc Cao đẳng học vụ chỉ đạo (toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm) chứ không nằm trong một tổ chức chung nào như các trường trong Đại học Đông Dương năm 1906.

Tuy nhiên trong 10 năm từ 1917 đến 1927 các trường cao đẳng này vẫn phải nhận những học sinh chỉ có bằng cao đẳng tiểu học, hoặc tú tài phần thứ nhất do đó sau khi ra trường sinh viên chỉ có trình độ tương đương trung cấp kỹ thuật (6). Tháng 12-1927 toàn quyền Đông Dương ký Nghị định, tăng thêm bậc trung học một năm nữa là ba năm và học sinh được thi lấy bằng tú tài toàn phần thì những sinh viên các trường Cao đẳng mới đủ tiêu chuẩn như đã công bố trong các qui chế về các trường cao đẳng ban hành năm 1917. Tuy nhiên thời gian này vẫn chưa có trường Đại học mà phải đến năm 1941 nhà cầm quyền Pháp mới có điều kiện tương đối đầy đủ để tổ chức một số trường đại học và cao đẳng theo qui chuẩn của chính quốc.

Tháng 4-1941 tái giảng trường Cao đẳng Thú y và nâng cao quy chế đào tạo, sinh viên trước kia chỉ cần có bằng cao đẳng tiểu học nay phải có bằng tú tài.

Tháng 7-1941 thành lập trường Cao đẳng Khoa học đào tạo sinh viên lấy chứng chỉ cử nhân Khoa học như trường Đại học Khoa học ở Pháp.

Tháng 10-1941 đổi trường Kiêm bị Y Dược Đông Dương thành trường Đại học Y Dược, sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng bác sĩ Y khoa và Dược sĩ cao cấp Đông Dương. Cũng năm này đổi trường Cao đẳng Luật khoa thành trường Đại học Luật khoa Đông Dương, sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Tiến sĩ Luật khoa.

Năm 1942 chỉnh đốn trường Cao đẳng Nông Lâm thành trường đào tạo kỹ sư nông nghiệp và lâm nghiệp.

Năm 1944 mở trường Cao đẳng Công chính và đào tạo kỹ sư và phó kỹ sư công chính.

Tất cả các trường cao đẳng và đại học trên đều nằm trong tổ chức chung là Viện Đại học Đông Dương, một cơ quan mới thành lập để chỉ đạo bậc giáo dục cao đẳng và đại học. Những người muốn vào các trường nói trên đều phải có bằng tú tài toàn phần hoặc phần thứ nhất (tùy theo trường, nhưng rất ít). Nhờ qui chế chặt chẽ, tuyển chọn cẩn thận, học sinh là những người có kiến thức vững vàng từ trung học lên, lại được đào tạo chu đáo nên năng lực các kỹ sư bác sĩ ra trường không kém những người được học tập từ Pháp về.

Với những lý do vừa trình bày trên, ta nên lấy năm 1941 là năm Viện Đại học Đông Dương được thành lập để làm mốc cho Đại học Việt Nam. Viện Đại học Đông Dương đào tạo được nhiều nhà khoa học và trí thức nổi tiếng, nhiều người đi theo cách mạng, đưa hết tài năng trí tuệ của mình ra phục vụ đất nước. Đại học Đông Dương chưa kịp đào tạo thì đã phải đóng cửa, vậy nó không thể có những sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Đông Dương 1906 được.

Không lấy 1906 là năm mở đầu cho Đại học Đông Dương thì không có sự liền mạch 100 năm từ Đại học Đông Dương đến Đại học Quốc gia Hà Nội được vì từ 1906 đến 1941, không có sự liền mạch mà nó bị gián đoạn khá dài, đến 35 năm.

Một điểm nữa cũng xin nói thêm là trong thế chiến 2 (1939 – 1945) các trường Cao đẳng và Đại học ở Việt Nam vẫn hoạt động, chứng cứ là năm 1941 Viện Đại học Đông Dương đã được thành lập với 5 trường cao đẳng và 2 trường đại học như đã trình bày, chứ không phải “các trường Đại học và Cao đẳng ở Hà Nội do thời gian chiến tranh thế giới thứ hai phải đóng cửa” (7). Chỉ có sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) các trường Đại học và Cao đẳng mới ngừng hoạt động và chỉ một thời gian ngắn khi chính quyền về tay ta. Sau cách mạng tháng Tám thì chính phủ đã có kế hoạch để sớm tái giảng những trường Cao đẳng và Đại học như Công báo của nhà nước VNDCCH đã công bố vào tháng 10-1945.

Trên đây chúng tôi chỉ chủ yếu nói về mốc thời gian của Đại học Đông Dương còn một số ý kiến sau chỉ nhằm minh họa cho vấn đề chính đã nêu mà thôi. Rất mong được trao đổi thêm.

 

Chú thích:

  1. Phan Trọng Báu, Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.142.
  2. 41 sinh viên còn lại thuộc các cơ quan”
  3. Nha học chính 19 người.
  4. Viên chức hoặc thông ngôn các cơ quan:

– Phủ Toàn quyền 1 người.

– Phủ Thống sứ Bắc Kỳ 5 người.

– Đốc lý Hà Nội 2 người.

– Sở Giáo dục Hà Nội 2 người.

– Viễn Đông Bác cổ 1 người.

– Sở Công chính 3 người.

– Sở Nông chính 1 người.

– Tòa án Hà Nội 2 người.

  1. Viên chức khác 3 người.
  2. Sinh viên tự do 2 người.

(Theo C.Mus, La première Université Indochinoise, Hà Nội, 1910, tr.5).

  1. C.Mus, Sđd, tr.10.
  2. Đinh Xuân Lâm – Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, Xưa & Nay số 260 (tháng 5-2006)., tr.25.
  3. Vũ Dương Ninh – Về tính kế thừa của Đại học Quốc gia Hà Nội, Xưa & Nay số 269 (tháng 10-2006), tr.12.
  4. Phan Trọng Báu, sđd, tr.186.
  5. Xưa & Nay, bài đã dẫn, tr.12.

Hoàng Phan