Trả lời bài “Trần triều Hoằng Nghị Đại vương và những tồn nghi?” của ông Đặng Hùng

Trên Tạp chí Xưa & Nay số 267, tháng 9-2006, chúng tôi có đăng một số bài liên quan tới chủ đề “Phương La – quê hương Hoằng Nghị Đại vương”. Gần đây, tác giả Đặng Hùng có gửi đến hai bài viết liên quan tới vấn đề trên: “Trần triều Hoằng Nghị Đại vương và những tồn nghi?” và “Văn bia làng Miễu và sự thật về dòng họ của An Hạ Đại vương?”. Chúng tôi đã chuyển hai bài viết trên đến PGS.TS Nguyễn Minh Tường để nghiên cứu và trao đổi với tác giả Đặng Hùng. Dưới đây là tóm tắt ý kiến của Nguyễn Minh Tường:

Trong bài Trần triều Hoằng Nghị Đại vương và những tồn nghi? tác giả Đặng Hùng dựa trên các bài viết của Dương Quảng Châu: “Trần Thủ Độ với Thái Bình” (1995) và Phạm Hóa: “Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần” (2004) và băn khoăn đặt câu hỏi: “Ai đẻ ra Hoằng Nghị Đại vương?”. Đúng như tác giả Đặng Hùng nhận xét trong các bộ chính sử và tư sử của ta không thấy chép về vấn đề này. Và kể cả một chi tiết rất quan trọng trong tiểu sử của Thái sư Trần Thủ Độ – người sáng lập vương triều Trần (1225 – 1400) là “Ai là thân phụ của ông?” cũng không có bộ sử nào chép rõ!

Tuy nhiên, việc nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử cổ đại và đầu trung đại, chúng ta không thể chỉ dựa vào tư liệu thư tịch, mà cần phải mở rộng, khai thác thêm mảng tư liệu điền dã. Cụ thể trong trường hợp quê hương, thân thế và sự nghiệp của Hoằng Nghị Đại vương, chúng tôi gồm gần 30 nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Lịch sử Quân sự v.v… đã nhiều lần về Phương La (tức làng Mẹo), thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình điều tra trực tiếp các cố lão địa phương, đọc hầu hết các thư tịch Hán Nôm (câu đối, bi ký, bài vị, hoành phi…) để tìm hiểu vấn đề trên. Và kết quả của các đợt điều tra điền dã ấy, đã được tôi công bố một phần trong luận văn “Hoằng Nghị Đại vương – Thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ”.

Chúng tôi không phải không biết “Hoằng Nghị Đại vương” chỉ là tước phong, chứ không phải tên thật, mà người xưa thường gọi là “Nhũ danh”. Chúng tôi cũng tán đồng với suy nghĩ dưới đây của tác giả Đặng Hùng, khi ông viết: “Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng ở làng Xuân (chữa lại là Phương – NMT) La (làng Mẹo) – Thái Phương có một vị Thủy tổ họ Trần về đây lập nghiệp, dựng làng hoặc truyền nghề cho dân làng” (NMT nhấn mạnh). Nhưng đáng tiếc, ngay sau đó, Đặng Hùng lại viết: “Nhưng vị Thủy tổ đó không thể là Hoằng Nghị Đại vương được”. Với câu nhận định trên đây, khiến chúng tôi (và cả đoàn gần 30 nhà nghiên cứu chắc cũng nghĩ như thế) cho rằng Đặng Hùng “chưa từng đọc” các dòng chữ Hán ghi rất rõ trên bài vị của ngôi miếu nhỏ thờ Hoằng Nghị Đại vương và bài vị ở nhà thờ tổ họ Trần tại làng Phương La.

Trong bài “Hoằng Nghị Đại vương – thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ”, chúng tôi có viết: “Hiện trong miếu nhỏ còn lưu giữ được một tấm bài vị có ghi dòng chữ

Phụng Đại vương Thượng đẳng Phúc thần Trần Hoàng Nghị, đồng tứ vị Phu nhân (nghĩa là: Nơi đây phụng thờ vị Đại vương được phong làm Thượng đẳng phúc thần là Trần Hoàng Nghị cùng với bốn bà phu nhân của ngài). Cũng trong phần chú thích của bài viết này, chúng tôi cũng chứng minh các cách viết: Trần Hoàng Nghị (                 ), Trần Hoành Nghị (             ), Trần Hồng Nghị (               )… chỉ là các dạng viết khác của Trần Hoằng Nghị (                ). Sau bài viết của chúng tôi, PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cũng có bài Từ đường họ Trần tại Phương La, cũng đăng trong Tạp chí Xưa & Nay số 267 tháng 9-2006. Trong bài của mình, tác giả Đinh Khắc Thuân có viết: “Bài vị nhà tổ ghi: Trần Hoàng Nghị Đại vương Thượng đẳng phúc thần linh vị…”. Như vậy, đã rõ, vị Thủy tổ họ Trần về làng Mẹo – tức khu Bến Trấn xưa, xã Phương La nay – lập nghiệp dựng làng và truyền nghề dệt, mở chợ, không thể là ai khác, mà chính là cụ Hoằng Nghị Đại vương.

Tác giả Đặng Hùng dường như băn khoăn cho rằng Trần Hoằng Nghị không phải tên thật? Như trên chúng tôi đã nói, Trần Hoằng Nghị không phải “nhũ danh” của “vị Thủy tổ họ Trần làng Mẹo” mà chỉ cái tên ghép giữa tên họ với tước phong của cụ mà thôi. Thực ra, “cái tên thật” đối với “một nhân vật lịch sử” nào đó, xét cho cùng chẳng có ý nghĩa gì cả! Điều quan trọng hơn cả là họ “đã đi vào lịch sử” bằng cái “định danh” nào!

Chúng tôi xin đơn cử ra một vài thí dụ để minh chứng nhận định trên: “Hùng Vương” không phải “tên thật”  của các thủ lĩnh liên minh bộ lạc người Việt cổ trên lãnh thổ Bắc Việt Nam cách ngày nay từ 2000 đến 4000 năm, nhưng không phải vì thế chúng ta có thể phủ nhận “Thời đại các Vua Hùng” hay việc “Các Vua Hùng đã có công dựng nước” ta! Sử cũ của ta ghi lại một sự kiện xảy ra vào đời Trần có liên quan tới Trần Quốc Tuấn như sau: “Tháng 2, năm Tân Hợi (1251), đem Trưởng công chúa Thiên Thành, gả cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh vương là Quốc Tuấn cướp lấy, công chúa về với Quốc Tuấn…”. Trung Thành vương là con của Nhân Đạo vương, đều là người trong hoàng tộc nhà Trần, ngay từ thời Hồng Đức (1470 – 1497), Ngô Sĩ Liên cũng còn không thể biết tên thật của ông là gì, nhưng không vì thế sử gia họ Ngô bỏ qua sự kiện nói trên mà không chép vào chính sử.

Và ngay thời đại của chúng ta, nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng được nhân dân và lịch sử “biết đến” chỉ là những “tên hoạt động cách mạng”, mà không cần biết đến tên thật làm gì, thí dụ: Cố Tổng bí thư Đảng Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Tố Hữu v.v…

Chúng tôi cho rằng: trong điều kện tư liệu hiện nay, ta có thể khẳng định vị Thủy tổ họ Trần có công khai canh lập ấp, dạy dân làng Phương La trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, mở chợ Mẹo… có định danh là “Hoằng Nghị Đại vương” là tạm chấp nhận được.

Trong bài viết của mình, tác giả Đặng Hùng còn đặt câu hỏi:

– Trần Hoằng Nghị là con của Trần Kinh hay là con của Trần Hấp?

– Trần Hoằng Nghị có phải là Thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ không?

Theo chúng tôi, hai vấn đề trên rất quan trọng liên quan tới việc tìm hiểu thân thế, dòng họ cũng như việc đánh giá công lao, sự nghiệp của Trần Hoằng Nghị. Chúng tôi thiết nghĩ dù vấn đề trên rất quan trọng nhưng chúng cũng chưa quan trọng bằng việc khai khẩn, mở mang khu Bến Trấn “Thượng chí Vô Tè, hạ chí Công Cách, Tây chí Tú Mậu – Đồng Trang” – tức gần tương đương với xã Thái Phương hiện nay – do cụ Trần Hoằng Nghị khởi xướng và tổ chức nhân dân thực hiện. Các nhà khoa học trong đoàn khảo sát của chúng tôi đã nói ở trên đều thống nhất nhận định: Chỉ với công lao “mở mang khu Bến Trấn, dạy dân dệt lụa làm kinh tế thủ công nghiệp kết hợp với thương nghiệp (mở chợ Mẹo)” thôi thì cụ Trần Hoằng Nghị cũng đã rất xứng đáng nhận được sự tôn vinh của hậu thế rồi! Đâu phải ngẫu nhiên cụ từng được Nhà nước quân chủ trước đây phong làm “Phúc thần” (tức Thành hoàng làng)?

Trong các cuộc điều tra điền dã tại quê hương Hoằng Nghị Đại vương, chúng tôi đều được các cố lão trong dòng họ Trần và kể cả các dòng họ khác ở đây cho biết: Cụ Trần Hoằng Nghị là con trai thứ của cụ Trần Hấp, em của Trần Lý, là nguyên tổ của hoàng tộc nhà Trần. Và cụ Trần Hoằng Nghị chính là thân phụ của Trần An Quốc, Trần An Hạ và Trần An Bang (tức Trần Thủ Độ).

Trong tình hình tư liệu hiện tại, đồng ý với nhận định của nhiều nhà nghiên cứu Thái Bình (Dương Quảng Châu, Phạm Hóa, Trần Xuân Sinh, Nguyễn Thanh, Phạm Minh Đức…), chúng tôi cũng cho rằng: “Thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Hoằng Nghị Đại vương”. Điều nhận định trên đây sẽ được chính chúng tôi thay đổi và đính chính nếu như có những tư liệu đủ sức thuyết phục rằng “Hoằng Nghị Đại vương không phải là thân phụ của Trần Thủ Độ”. Đọc kỹ bài của tác giả Đặng Hùng, chúng tôi chưa nhận thấy thực sự bị thuyết phục. Cũng nên nhắc lại ở đây rằng: Cách đây hơn 30 năm khi đưa “thời Hùng Vương” vào nghiên cứu, thì không ít nhà khoa học cả trong nước (chủ yếu là sống ở miền Nam Việt Nam) lẫn ngoài nước đã gọi mỉa đó là thời “Trâu ma rắn thần” làm gì có thực mà đặt ra nghiên cứu (?). Lại nữa, cũng cách đây gần 30 năm, giới nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam “đều tưởng rằng” Tuệ Trung thượng sĩ – nhà Thiền học xuất sắc bậc nhất ở đời Trần – là pháp danh của Trần Quốc Tảng, con thứ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Nhưng rồi, người ta mới biết rằng Tuệ Trung thượng sĩ chính là Hưng Ninh vương Trần Tung, anh trai Đức Trần Hưng Đạo.

Theo chúng tôi với thái độ khoa học và thận trọng, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu xem Hoằng Nghị Đại vương có thực sự là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ không? Nhưng trước khi có những tư liệu mới đủ sức thuyết phục, chúng ta đành tạm chấp nhận nguồn tư liệu điền dã tại quê hương Hoằng Nghị Đại vương: Cụ là cha đẻ Trần Thủ Độ! Thái độ thận trọng trong khoa học, không đồng nghĩa với thái độ “bất khả tri”, nghi ngờ tất cả, phủ nhận tất cả…

Ở phần I bài “Văn bia làng Miễu và sự thật về dòng họ của An Hạ Đại vương”, tác giả Đặng Hùng có gửi kèm theo “Văn bia làng Miễu” có cả nguyên văn chữ Hán và bản phiên dịch ra quốc ngữ.

Tôi cùng với PGS.TS Đinh Khắc Thuân đã đến trực tiếp đọc tấm bia đình Miễu (thuộc thôn Miễu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) này. Và, chúng tôi cũng tiến hành dập văn bia tấm bia trên. Bia có tên Miếu lăng bi ký (Văn bia làng Miễu). Nhận thấy phần chép chữ Hán và phần phiên dịch bản Văn bia làng Miễu của tác giả Đặng Hùng cung cấp có nhiều chỗ sai sót, thí dụ: (1) Ở phần chữ Hán: trước niên hiệu “Thiên Gia Bảo Hựu” còn thiếu hai chữ Anh Tông (          ). Cụm từ: “Phù tộ Hùng độ”, thực ra  là “Phù độ Hoằng độ”, có nghĩa lẽ ra là chữ Hoằng (    ) lại chép là Hùng (    ). (2) Ở phần dịch ra Quốc ngữ, càng nhiều chỗ sai như: “Lý triều An Hạ Vương Anh Tông hoàng đế chí tôn, quý thịnh hầu dã” lại dịch là: “Ngài An Hạ vương đời Lý, là cháu của Hoàng đế Lý Anh Tông, tước Quý Thịnh hầu…”. Phải dịch là: “Vào triều Lý, có An Hạ vương là cháu của vua Anh Tông (1138 – 1176), hầu là bậc sang quý lắm vậy”. Dịch giả quên mất rằng An Hạ vương là đã được phong tước “Vương” rồi, sao còn lại phong tước “Quý Thịnh hầu” nữa? Đoạn dưới nguyên văn là: “Gia phong hoàng tôn vinh tộc, quý thịnh linh ứng, diễn phúc phù tộ, hoàng độ, thâm lược, An Hạ Đại vương”. Dịch giả dịch là: “Được tin, nhà vua tỏ lòng thương tiếc, phong cho ông là thuộc dòng dõi hoàng tộc vẻ vang. Ông là An Hạ Đại vương…”. Đúng ra phải là: “Nhà vua gia phong cho Hầu là An Hạ Đại vương, vì đã làm vẻ vang cho hoàng tộc, khiến mọi điều đều quý thịnh linh ứng, phù hộ giúp dân…”. Điều được gia phong ở đây là từ tước “Vương” lên tước “Đại vương”, chứ không phải ngài được ban cho họ Trần như Đặng Hùng lầm tưởng.