Núi Chiếu Bạch thuộc xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, thuở xưa nơi đây là một thắng cảnh có đền Chiếu Bạch, miếu thờ Mai Hoa công chúa, bến đò, chợ búa… được phản ánh qua các tấm bia “Mai Hoa công chúa miếu”, “Trùng tu danh lam Chiếu Bạch tại thị độ bi minh tịnh tự” dựng năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1629).
Năm 1998 đến khảo sát, tìm hiểu di tích này, chúng tôi thấy dưới chân núi ở khuất trong những cây gai, cỏ dại, có 2 tấm bia đá còn nguyên, dựng gần nhau và một bia đã bị vỡ làm mấy mảnh, nằm trên mặt đất. Ghép mảnh vỡ của tấm bia này lại thấy còn một số chữ và chúng tôi đã chụp được ảnh.
Hai tấm bia còn nguyên, thì một tấm khắc bài thơ của Thượng Dương động chủ tức vua Lê Hiến Tông (1461 – 1504) đề năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Thống thứ 4 (1501), còn tấm bia kia khắc phần tiểu dẫn và 2 bài thơ của Bảo Thiên động chủ, tức vua Lê Tương Dực (1495 – 1506) đề ngày 7 tháng 2 năm Hồng Thuận thứ 6 (1514).
Nội dung tấm bia của Lê Tương Dực phiên âm như sau:
“ĐỀ CHIẾU BẠCH SƠN THI TỊNH TỰ
Hồng Thuận lục niên trọng nhị nguyệt thất nhật hiểu phát tự Phi Lai tài kinh Chiếu Bạch, đản kiến xuân sơn chiếu thủy, lục thảo sinh xuân, mỹ cảnh thanh kỳ, thi tình khoái lạc. Nãi thân lâm hạnh, nhã hứng bồi hồi trợ thắng châu cơ chi địa, đạo tâm tú lệ, cung trang la ỷ chi thiên, kim tượng huy hoàng, ngọc hồ liêu nhiễu, mỹ nhi tối mỹ, kỳ nhi dũ kỳ. Nhân kỳ ngâm vịnh chi gian, yến du chi tế, nãi đề thi vu thạch vân.
I. Hạo đãng triều đầu thủy tiếp thiên
Nguy nga lão thạch trám thanh xuyên
Y hy cổ thụ dung trang thượng
Mạn lạn tiên hoa sắc xuyết tiền
Hoãn bộ thượng dương thi tứ nhã
Thanh ngâm khoái lạc đạo tâm huyền
Động trung dung đắc xuân quang tại
Tráng quán hùng tư vĩnh viễn niên.
II. Xuân quang đài đả lộng tình thiên
Cô thạch toàn ngoan chẫm cự xuyên
Quỳnh quốc vi mang khoan vọng nội
Ngọc hồ yểu điệu nhập ngâm tiền
Sơn hàm la ỷ thi hoài duyệt
Động cách trần ai ???
Thế sự tiêu dao vô vạn hứng
Tuyền phương tẩy nhĩ bất tri niên.
Bảo Thiên động chủ đề, Hồng Thuận lục niên nhị nguyệt sơ thất nhật – Quang thiên điện Gia hành đại phu Bí thư giám chính sự.
Thần: Hoàng: ? phụng tả”.
Dịch nghĩa:
Nhà thơ đề thơ và lời tựa ở núi Chiếu Bạch ngày 7 tháng 2 trọng xuân, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6, sáng sớm từ Phi Lai ra đi, qua núi Chiếu Bạch, nhìn thấy non xanh soi xuống dòng sông biếc. Cỏ xanh xuân sắc, cảnh đẹp thanh kỳ, hồn thơ vui vẻ, liền bước lên bờ, nhả hứng bồi hồi. Nơi trân châu thắng cảnh, đạo tâm đẹp đẽ, trang sức thêm cho bầu trời như gấm lụa, tượng vàng rực rỡ. Bầu tiên rộn ràng. Đẹp càng thêm đẹp. Kỳ lại thêm kỳ. Trong khi ngâm vịnh. Giữa lúc nhàn du, liền đề thơ vào đá:
Bài I:
Thủy triều dâng (bồng bềnh) dào dạt nước lẫn bầu trời
Núi đá hiên ngang nhúng vào giữa dòng sông xanh
Dáng đẹp của những cây cổ thụ lung linh trên sông
Thêm vào còn có những hoa tươi điểm xuyết rực rỡ
Bâng khuâng nhẹ bước làm cho tứ thơ thêm tao nhã.
Khoan khoái với giọng ngâm trong tỏa làm cho đạo tâm thêm huyền diệu.
Trong động chứa đầy ánh mặt trời xuân
Mãi ngắm dáng non hùng vĩ muôn đời đẹp đẽ.
Bài II:
Ánh sáng của mùa xuân đi chầm chậm như đùa giỡn với bầu trời trong sáng. Những hòn đá cô đơn của ngọn núi chon von như gối vào cả dòng sông lớn. Cõi thần tiên mênh mang chiếm một vùng thoáng đãng.
Một bầu ngọc duyên dáng làm cho tiếng thơ thêm thắm tươi
Núi non như ngậm cả màu gấm lụa làm cho thi tứ thêm vui vẻ
Động xa cách cõi trần ai ý thơ thêm uyển chuyển
Tiêu dao ở cõi đời thật hứng thú vô hạn chẳng cần biết đến năm tháng của việc “Suối thơm rửa tai” của Hứa Do và Sào Phủ làm gì cho mệt.
Bảo Thiên động chủ (Lê Tương Dực) đề ngày 7 tháng 2 năm Hồng Thuận thứ 6 (1514).
Quan Quang Thiên điện gia hành, giữ chức Bí thư trông coi chính sự bề tôi là Hoàng?… vâng viết”.
Tham khảo sách Lê Thánh Tông thơ văn và cuộc đời do Mai Xuân Hải tuyển chọn và giới thiệu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Hà Nội ấn hành năm 1998, ở trang 210, 211 có chép bài “Đề Chiếu Bạch Sơn thi tịnh tự” (Bài thơ đề núi Chiếu Bạch) của Lê Thánh Tông, nhưng không có bản chữ Hán, chỉ có phần phiên âm và dịch nghĩa, dịch thơ của người soạn sách. Đối chiếu phần phiên âm trong sách với văn bia của Lê Tương Dực ở trên, chúng tôi thấy nội dung gần giống hệt nhau, cả lời đề dẫn và 8 câu của bài thơ. Chỉ có điểm khác là trong sách phần đề dẫn ghi: “Hồng Đức nhị niên” (Hồng Đức năm thứ 2) (1471) và 3 câu cuối bài thơ có 3 chữ khắc trên bia mà thôi!
Chúng tôi cho rằng bài thơ đề núi Chiếu Bạch chép trong các sách là của Lê Tương Dực chứ không phải của Lê Thánh Tông, bởi mấy căn cứ sau:
Thứ nhất, bài thơ Lê Tương Dực còn thấy khắc trên bia, có đầy đủ phần lạc khoản như tên hiệu tác giả, thời gian sáng tác, người viết chữ (phụng tả)… Thứ hai khi khảo sát, nghiên cứu 4 văn bia khác của Lê Tương Dực, chúng tôi nhận thấy vị vua thi sĩ này có thói quen bao giờ cũng sáng tác từ hai bài (nhị thủ) trở lên và gieo vần ở chữ cuối câu thơ đầu. Ví như hai bài ở động Bạch Á (thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), 3 bài ở động Lục Vân (xã Nga Điền, Nga Sơn), hai bài đề chùa Kim Âu (xã Hà Đông, Hà Trung)… Còn Lê Thánh Tông thấy hầu hết có thói quen chỉ sáng tác một bài. Thứ ba, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vua Lê Thánh Tông về Tây Kinh (Thanh Hóa) vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470) (1) mà thường thường ba năm nhà vua mới về một lần, nên không thể năm Hồng Đức thứ hai (1471) lại về lần nữa như đã ghi ở phần tiểu dẫn trong sách. Còn theo chính sử thì vào năm Hồng Thuận thứ 6 (1514), mùa xuân tháng 2, Lê Tương Dực có về bái yết Tây Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) (2).
Vậy rõ ràng nội dung bài thơ Đề Chiếu Bạch Sơn thi tịnh tự mà các sách ghi tác giả Lê Thánh Tông là không đúng. Có lẽ do một số thơ văn của Lê Thánh Tông về sau mới được sưu tập nên đã có sự nhầm lẫn đó (3). Trong sách Lê Thánh Tông thơ văn và cuộc đời (Sđd, tr.95-96), tác giả Mai Xuân Hải cũng đã cho biết các sách Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích… nhờ có đề rõ Thượng Dương động chủ cùng niên hiệu Cảnh Thống tức vua Lê Hiến Tông, nên tác giả đã đếm được một số thơ của Lê Thánh Tông còn lại gồm 10 bài, trong đó có bài Đề Chiếu Bạch sơn (4).
Nếu chỉ dừng lại đây thì chắc chẳng có gì phải bàn cãi thêm. Tuy nhiên, do suy đoán tấm bia vỡ là của Lê Thánh Tông, nên chúng tôi đã đọc, phiên âm những chữ mà bức ảnh chụp năm 1998 còn ghi được. Điều lạ là trong số 59 chữ còn lại đều thấy trùng khớp với văn bia Lê Tương Dực. Trong đó có 39 chữ ở phần tiểu dẫn, 17 chữ ở bài thơ thứ nhất và 3 chữ ở bài thơ thứ 2. Vì ảnh chụp tấm bia vỡ mất phần lạc khoản, nên năm 2004 chúng tôi đến núi Bạch Chiếu để khảo sát lại. Song đáng tiếc là chỉ mới 6 năm mà tấm bia này đã hoàn toàn biến mất, mà theo ông trưởng phòng văn hóa huyện sở tại giải thích là do dân xung quanh lấy về để kê chum vại (!). Điều thắc mắc là tại sao ở một địa điểm núi Chiếu Bạch, lại dựng hai bia giống nhau của Lê Tương Dực? Hay bia Lê Thánh Tông bị mất, nên người đời sau khắc dựng lại, nhưng nội dung văn bia thì căn cứ vào sách vở ghi chép nên nhầm lẫn chăng? Tấm bia vỡ nay đã mất, nên điều nói trên chỉ là suy đoán. Song có thể khẳng định nội dung bài thơ đề núi Chiếu Bạch lâu nay ghi trong các sách là của Lê Tương Dực chứ không phải Lê Thánh Tông, cần được cải chính cho chính xác. Sự cải chính này là kịp thời, bởi lẽ ít năm nữa nếu không bảo quản, thì hai tấm bia còn lại cũng sẽ mất và lúc đó căn cứ vào đâu để biết được sự nhầm lẫn trong sách vở?
Chú thích:
Hương Nao – Hồng Phi