Bài hát của một ngôi trường anh hùng

Ngôi trường anh hùng nói đây là trường THPT Lam Sơn ngày nay mà tiền thân là trường Trung học Đào Duy Từ của tỉnh Thanh Hóa, một trong 4 ngôi trường trung học hiếm hoi trước năm 1945 của toàn miền Trung nước ta (hồi đó được gọi là xứ Trung Kỳ), có tên như sau: trường Quốc học Vinh (Collège Vinh), trường Quốc học Huế, trường này về sau có thêm ban Tú tài thì có tên là trường Trung học Khải Định (Lycée Khải Định); trường Quốc học Quy Nhơn (Collège Quy Nhơn) và cuối cùng là trường Đào Duy Từ của tỉnh Thanh Hóa (Collège Đào Duy Từ). Đối với các trường trung học khác thì tôi không rõ, nhưng theo như tôi biết thì trường Trung học Thanh Hóa có bài hát riêng cho học sinh vào loại sớm nhất ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Bắt đầu là bài “Đào Duy Từ” do thầy giáo Dương Thiệu Tống dạy Anh văn ở trường phối hợp với nhạc sĩ Phạm Sửu soạn. Lúc này thị xã Thanh Hóa thi hành lệnh tản cư, triệt để phá hoại (cuối năm 1946 – đầu năm 1947), trường Trung học Đào Duy Từ chia thành ba phân hiệu: một ở huyện lỵ Vĩnh Lộc (kiêm luôn cả nhiệm vụ hiệu bộ) do thầy Đoàn Nồng trực tiếp phụ trách; một ở huyện lỵ Thiệu Hóa do thầy Đỗ Đức Phúc phụ trách; một ở huyện lỵ Thọ Xuân do thầy Hà Thúc Chính phụ trách. Thầy Dương Thiệu Tống lúc đó thuộc phân hiệu Thiệu Hóa đã cùng nhạc sĩ Phạm Sửu cũng tản cư trong vùng sáng tác bài hát. Tiếc rằng đến nay cả hai tác giả đều không còn nhớ lại bài hát. Chỉ còn lại mấy câu mở đầu:

“Đào Duy Từ, Đào Duy Từ

Tương lai nước Nam

Tương lai nước Nam

Đúc nên bao thanh niên tâm hồn trong sáng…

Đào Duy Từ…

Tương lai nước Nam…

…….

Đi đi ta đi trên đường tươi sáng

Nền học tuy còn bát ngát mịt mùng…”.

Có một sự kiện cũng cần nhắc lại: Đó là trong lễ phát phần thưởng cuối năm học 1946 – 1947 – một lễ phát phần thưởng rất đơn giản tổ chức trong buổi đầu nhà trường sơ tán và phân tán ba nơi, thế mà có đội kèn đồng của thành phố Huế cũng dời ra huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) – một đội kèn đồng “hoành tráng” của kinh thành Huế thường chỉ tham dự những buổi lễ lớn, cũng tới dự và cử nhạc phục vụ buổi lễ.

Nhưng chỉ ít lâu sau, theo chủ trương của trên, ba phân hiệu trường Đào Duy Từ được lệnh tập trung lại làm một để đi dần vào thế ổn định lâu dài, bảo đảm việc giảng dạy và học tập của cả thầy và trò. Cũng nói thêm là chỉ sau lễ phát phần thưởng ít lâu thì máy bay Pháp ném bom huyện Thiệu Hóa, phân hiệu trường Đào Duy Từ cũng trúng bom, nhưng may vào dịp nghỉ hè nên thầy và trò đều được an toàn.

Lúc này, tại địa điểm mới (xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân) – nay không rõ theo địa giới mới còn thuộc Thọ Xuân hay đã thuộc về Triệu Sơn, thầy Dương Thiệu Tống cùng thầy Vương Tứ Ba (đã mất) phối hợp sáng tác bài “Học sinh đoàn”, thầy Dương Thiệu Tống viết lời, thầy Vương Tứ Ba phổ nhạc. Trong hoàn cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp, bài này qua anh Nguyễn Xuân Trâm phụ trách Đoàn Thanh niên Liên khu 4 thời đó đã được đăng vào số báo Tết, tôi không còn nhớ tên báo và năm đăng, có lẽ là vào khoảng các năm 1948 – 1949 (?).

Nguyên văn lời bài ca như sau:

“Học sinh đoàn,

Học sinh đoàn, học sinh đoàn

Là ánh nắng sớm mai.

Trên đường đời xa xăm,

Đồng lòng hát thiên hùng ca.

Ta học vì non sông,

Bền lòng đắp xây nước nhà.

Trời Nam vương khí thiêng

Nhường như nhắc ta

Bền gan ghé vai gánh vác sơn hà.

Kìa dân quê khắp nơi đời sống tối tăm,

Ước mong Việt Nam hạnh phúc ngàn năm.

Vai sát vai đời mới tiến tới,

Bước gian nguy không sờn lòng.

Học sinh đoàn, học sinh đoàn

Ánh sáng soi trời Đông!”.

Nếu so sánh hai bài “Đào Duy Từ” “Học sinh đoàn”, tuy bài trước chỉ còn nhớ chỉ mấy câu đầu, nhưng thấy cách mở đầu hai bài giống nhau, từ đó có thể đoán định rằng bài sau chắc cũng giống cấu trúc, nhịp điệu với bài trước. Bài “Học sinh đoàn” được phổ biến rộng rãi trong học sinh nhà trường, và trở thành gần như bài ca chính thức, mỗi khi có lễ hội là đồng ca bài đó.

Bài ca thứ ba của trường và được chọn làm bài ca chính thức của trường Lam Sơn là bài: “Lam Sơn mến yêu” – trường Đào Duy Từ từ niên khóa 1950 – 1951 đã lấy tên trường là trường Trung học cấp 3 Lam Sơn.

Bài hát được sáng tác từ năm 1969, tác giả làNhà giáo ưu tú Trần Lê Chức (bút danh Hoa Nam). Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường, bài hát đã được ban ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh, in đĩa, và được xem như bài ca chính thức của trường.

Qua việc ra đời ba bài ca giới thiệu trên, điều dễ thấy là cả ba bài đều do chính các thầy giáo nhà trường sáng tác để phục vụ kịp thời công cuộc giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng tinh thần yêu trường, tự hào về nhà trường thân yêu gắn liền với yêu cầu phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng. Chính do các thầy sáng tác nên lời ca và nhịp điệu phản ánh đúng và sát hơn tinh thần học sinh và bối cảnh nhà trường, khác trường hợp nhờ (hay thuê) người ngoài viết bài hát cho nhà trường. Trường Đào Duy Từ trước kia, trường Lam Sơn ngày nay trong sự trưởng thành không ngừng của mình – trường Lam Sơn năm 2000 đã được phong tặng danh hiệu cao quý Trường Anh hùng – có quyền tự hào đã chủ động sớm tự xây dựng cho trường một bài ca truyền thống có giá trị bền vững lâu dài.

Đinh Xuân Lâm