Nguyễn Văn Vĩnh và tính phức tạp của hiện đại hóa thuộc địa ở Việt Nam

Trên số tháng 5-1996, lần đầu tiên tạp chí Xưa & Nay đã đặt vấn đề đánh giá lại con người Nguyễn Văn Vĩnh(1) và một số nhân vật lịch sử khác cùng thời, đã từng bị lên án một cách nặng nề như những kẻ tiếp tay cho chính sách nô dịch của thực dân Pháp. Từ đấy đến nay đã có nhiều bài viết đề cập đến những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh trên lĩnh vực văn hóa, với vai trò cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Quay lại vấn đề trên, chúng tôi giới thiệu bài viết của một học giả nước ngoài về Nguyễn Văn Vĩnh. Vì khuôn khổ báo có hạn, chúng tôi chỉ xin trích dịch một phần.

Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936)

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ở làng Phượng Vũ, tỉnh Hà Đông, ngày 15 tháng 6-1882. Ta ít biết về cha mẹ ông, về cuộc sống gia đình hay thời tuổi trẻ của ông, theo Neil Jamieson thì ông xuất thân trong một gia đình “nông dân bình thường”(2), đã kết hôn nhiều lần trong cuộc đời, cụ thể là với một phụ nữ Pháp ít tuổi hơn ông rất nhiều. Một trong những người con của ông là Nguyễn Giang, trở thành nhà báo và dịch giả rất quen thuộc trong những năm 1930 và 1940, một người khác, Nguyễn Nhược Pháp là một nhà thơ nổi tiếng. Lên 10 tuổi ông đã có một trình độ tiếng Pháp rất khá. Đến tuổi 14 ông tốt nghiệp trường Thông ngôn. Sau đó ông đi làm thư ký tại các công sở thuộc địa ở Lào Cai, Kiến An, Bắc Ninh và cuối cùng là tại tòa án Hà Nội năm 1904. Trong cuộc di chuyển đó, đặc biệt là ở Kiến An gần cảng Hải Phòng, ông Vĩnh có dịp làm quen với nhiều người nước ngoài, khiến ông bắt tay vào học tiếng Trung Hoa và tiếng Anh. Ông đã bắt đầu học chữ Hán và chữ Nôm. Đầu năm 1906, vì những lý do không rõ, ông từ chức ở công sở để quay trở về với gia đình, với bạn bè thời trẻ và nhất là với sách vở.

Nhưng ông không ở yên lâu, ông đến với những nhóm trí thức như “Trường Trí Tri” và “Trường Tự do Bắc Kỳ”, được biết dưới cái tên Đông Kinh nghĩa thục. Người Pháp thấy ông thông minh và giỏi tiếng Pháp, đã cử ông đến Marseille năm 1906 trong phái đoàn Việt Nam tham gia Triển lãm thuộc địa. Nhân dịp đó, lúc 24 tuổi, ông đã phát hiện được sân khấu Pháp, kỹ thuật ấn loát hiện đại, báo chí và quyền lực của nó trên mặt trận văn hóa. Trong một bức thư tháng 8 gửi cho người bạn thân là Phạm Duy Tốn, ông Vĩnh nói về sự thích thú khi ông được xem diễn vở Le Cid. Ông nói đến tác động của sự dàn cảnh của vở đó đối với ông, giây phút có hiệu quả cao hơn nhiều khi đọc sách. Chàng thanh niên Nguyễn Văn Vĩnh hẳn rất tin vào sự lựa chọn của mình, vì sau khi trở về nước, ông lao vào công việc mở nhà in và lập báo chí kiểu Tây ở Việt Nam.

Trường hợp của ông tất nhiên không phải là đơn nhất. Một nhóm trí thức Việt Nam đã tập hợp xung quanh nhà yêu nước nổi tiếng Phan Châu Trinh, đã mang nhiều kỳ vọng trong việc sáng lập Đông Kinh nghĩa thục. Nó nhằm thúc đẩy cuộc canh tân xã hội và văn hóa Việt Nam theo tiêu chuẩn phương Tây. Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn, cả hai đều là thành viên của nhóm trí thức đó chủ trương canh tân Việt Nam bằng công cụ của phương Tây. Đứng đầu yêu cầu của họ, ta thấy tầm quan trọng phải phát triển chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán, dạy tiếng Pháp và phổ biến các khái niệm phương Tây về khoa học, thể thao, giáo dục, thương mại và công nghệ cho toàn thể dân chúng. Ông Vĩnh tích cực bảo vệ tầm quan trọng của giáo dục thể lực và truyền bá khoa học kỹ thuật. Năm 1907, Phan Châu Trinh gửi cho toàn quyền Paul Beau một loạt kiến nghị nhằm cải cách xã hội Việt Nam, bằng sự nêu cao việc dạy tiếng Pháp trong lĩnh vực giáo dục, và cả những dự án phát triển nông nghiệp và Âu hóa cách ăn mặc truyền thống của người Việt.

Nguyễn Văn Vĩnh đã lấy những yêu sách đó làm hòn đá tảng cho tư tưởng chính trị của mình suốt cuộc đời còn lại. Ta không biết chính xác lý do nào đã khiến ông sớm hận thù đối với giới quan lại. Có lẽ nó gắn với nguồn gốc bình dân của ông, với sự bần cùng của nông dân Việt Nam mà ông là người chứng kiến. Giống như Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh sớm bị lôi cuốn về những ý tưởng cộng hòa của Pháp. Ông tham gia chi hội của Liên đoàn Nhân quyền ở Hà Nội năm 1906 hay 1907. Được thành lập ở Hà Nội năm 1903, Liên đoàn chủ trương khuyến khích những tư tưởng cộng hòa Pháp ở thuộc địa, điều tra về sự lạm quyền của chủ nghĩa thực dân và phổ biến những tư tưởng mới như những quyền và tự do cá nhân, “quyền công dân” và “sự bình đẳng”. Khi Đông Kinh nghĩa thục bị người Pháp đóng cửa năm 1908 và Phan Châu Trinh bị bắt, vì bị nghi là giữ vai trò xúi giục những vụ bạo loạn của nông dân trong năm đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã đấu tranh trong Liên đoàn để đòi giải thoát cho người thầy của mình. Cũng chính trong Liên đoàn mà Nguyễn Văn Vĩnh đã làm việc cùng với những nhà tư tưởng tự do như Félicien Challaye, Louis Caput, Marc Casati và Francis de Pressencé. Ông còn có quan hệ bạn bè với người chiến sĩ cộng hòa Ernest Babut (3). Những người Pháp đó tìm cách hướng sự chú ý của chính phủ chính quốc đến nghĩa vụ của nền Cộng hòa ở thuộc địa. Nhưng, như Daniel Hémery đã nhấn mạnh, đây không phải là một xu hướng “chống thực dân” mà là một ý đồ “cải cách thuộc địa” do nước Pháp chăm lo. Những người trong Liên đoàn chấp nhận nền thực dân của Pháp ở Đông Dương như việc đã rồi, chứ không chấp nhận những hành vi quá đáng của nó. Một trong những tư tưởng chủ đạo đối với Đông Dương là xúc tiến khái niệm cộng hòa về hành động thuộc địa và cai trị thuộc địa bằng một sự kiểm soát sáng suốt, vừa “trực tiếp và thường trực” (4). Nguyễn Văn Vĩnh sẽ chứng minh cương lĩnh chính trị của mình theo cách tương tự trong hai thập niên về sau.

Nguyễn Văn Vĩnh còn tiếp xúc với những người thuộc Hội Tam điểm Pháp (Franc-maon) ở Đông Dương, những người theo tư tưởng cộng hòa và chống giáo hội, giống như Nguyễn Ái Quốc ở Paris (5). Ông Vĩnh đã thực hiện trong những năm 1920, bằng sự gia nhập phân đàn “Quyền con người” bên trong tổng đàn “Tam điểm Khổng tử”, còn gọi là “Tổng đàn hỗn hợp quốc tế”, phân bộ Việt Nam của Đại tổng đàn “Đại Đông phương” ở Hà Nội. Khi ông Vĩnh qua đời, tổng đàn đã tổ chức lễ tang tưởng niệm ông. Một lần nữa, việc làm của ông không riêng rẽ. Cùng với ông còn có Phạm Huy Lục, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Luận, Bùi Quang Chiêu, và một nhóm nhỏ người Việt ưu tú khác. Năm 1925, Liên đoàn Nhân quyền công bố một báo cáo do Phạm Quỳnh khởi thảo, mà theo Jacques Dalloz, là đã bảo vệ những ý tưởng chống thực dân của một trong những người lãnh đạo chủ chốt là F. Challaye (6). Nhưng tư tưởng lưu hành trong các tổ chức cộng hòa đó không thể không khiến Nguyễn Văn Vĩnh quan tâm, nhất là những tư tưởng chống đối nền quân chủ.

Mặc dầu đã cống hiến nhiều thời gian cho các hoạt động văn hóa và xã hội, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn dành đủ thời gian cho các hoạt động chính trị. Đến tuổi 25, ông bắt đầu con đường chính trị bằng việc tham gia Hội đồng thành phố. Ông là thành viên Đại hội đồng Kinh tế Lý tài. Năm 1913 ông được bầu vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ và được cử sang dự Triển lãm thuộc địa Marseille năm 1922. Ở Pháp, có thể ông đã tiếp xúc với Phan Châu Trinh. Do có sự hợp tác trước đấy, lời hứa tự do chính trị của Albert Sarraut và sự căm ghét của hai người đối với chế độ quân chủ và quan lại, có thể Nguyễn Văn Vĩnh đã tìm thấy ở Phan Châu Trinh một cố vấn chính trị để giúp ông tìm con đường chính trị cho cải cách ở Việt Nam. Cuối cùng, năm 1922, Phan Châu Trinh trong một bức thư nảy lửa gửi cho Khải Định, đã phê phán nền quân chủ, kết tội là chuyên chế và kìm hãm mọi cải cách chính trị, xã hội hay văn hóa, để đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng thuộc địa. Phan Châu Trinh đã nói lên cụ thể những tư tưởng mà Nguyễn Văn Vĩnh muốn nghe. Nhưng ông Vĩnh đã đẩy những tư tưởng của Phan đi xa hơn trong cương lĩnh chính trị mà ông sẽ trình bày trên tờ L’Annam Nouveau năm 1931 (7).

Cuộc “cách mạng văn hóa” của Nguyễn Văn Vĩnh

NHÀ IN

Cho đến cuối những năm 1920, Nguyễn Văn Vĩnh ít chú ý đến cuộc cách mạng chính trị bằng sự canh tân văn hóa. Từ năm 1907, được khuyến khích bằng sự phát hiện nước Pháp, phát hiện nghề in hiện đại, báo chí và tác động của mỹ thuật với đời sống xã hội, ông Vĩnh tập trung sự chú ý vào việc xúc tiến một cuộc cách mạng văn hóa và xã hội trong xã hội truyền thống Việt Nam, bằng cách dựa trên tư tưởng Pháp. Báo chí, dịch thuật, sân khấu và phim ảnh sẽ trở thành những vũ khí mới trong cuộc chiến này (mà cũng là một cuộc chiến chính trị). Nguyễn Văn Vĩnh học nghề in trong công việc, rõ ràng không được đào tạo trước. Tình bạn lâu năm với Ernest Babut, và nhất là với ông chủ nhà in nổi tiếng và cộng tác viên của báo chí Việt Nam, F.H. Schneider, đã giúp cho ông tiếp thu được cơ sở của nghề nghiệp. Cùng với Schneider, ông xây dựng từ năm 1910 Phổ thông giáo khoa thư xã Pháp-Việt. Chủ yếu là thành lập một tủ sách để xuất bản và phổ biến sách quốc ngữ cho độc giả Việt Nam vừa xuất hiện. Trong những năm 1920, ông cộng tác với Vayrac để cho ra một loạt các xuất bản phẩm phổ thông gọi là Tư tưởng phương Tây. Ngoài sự trợ giúp của chính quyền, ông Vĩnh còn lấy tiền riêng để đầu tư vào thiết bị nhà in hiện đại, mua giấy và hóa chất nhập từ Pháp. Trong chuyến đi sang Pháp năm 1922, ông chuyên tâm mua sắm những thiết bị mới cho nhà in. Ông còn sang tận Đức để tìm kiếm.

DỊCH THUẬT

Nhờ có nhà in, Nguyễn Văn Vĩnh có điều kiện về chiến lược để lao vào một cuộc chiến văn hóa hàng đầu, dịch thuật các công trình văn học chủ chốt của phương Tây. Ông là một trong những người đầu tiên (sau Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của) nhìn nhận tiềm năng hiện đại do dịch thuật đem lại để bắc cầu nối giữa “Đông và Tây” và thay đổi cách ứng xử thông qua việc phổ biến tiểu thuyết phương Tây ở Việt Nam. Ông đã công bố nhiều bản dịch tuyệt vời các tác phẩm ưu tú của văn học Pháp, cụ thể là Trưởng giả học làm sang, Những người đàn bà thông thái, Người biển lận, Bệnh tưởng của Molière, Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo, Truyện ngụ ngôn của La Fontaine, Ba người lính Ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas, cùng với những tác phẩm của Anh Qui-li-ve du ký của Jonathan Swift và nhiều cuốn khác (8).

Ta biết ông tiến hành dịch thuật với ý tưởng xúc tiến văn hóa Pháp cho người Việt. Nhưng trong mắt ông, nó còn hơn thế. Ngay cả nghệ thuật biên dịch cũng cần thiết, vì đó là chuyển tải từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác những tư tưởng, bằng các biểu hiện văn hóa rộng lớn khiến cho một hệ tư tưởng trở nên dễ hiểu đối với một hệ khác. Chính công cuộc thuộc địa Pháp đã nối Việt Nam với một vũ trụ văn học rộng lớn hơn. Đột nhiên, cả một vũ trụ văn học hoàn toàn mới lạ đến mở rộng chân trời Việt Nam. Không có những người chịu trách nhiệm nối liền hai thế giới đó, thì chúng vẫn bị khép kín, không hiểu nhau. Dù cho tiếng Pháp ngày càng được dạy nhiều trong trường học, số đông công chúng đọc chữ quốc ngữ vẫn tiếp tục phát triển trong suốt thời thuộc địa.

Nói như vậy thật khó mà đánh giá số người được đọc các bản dịch sách kinh điển phương Tây đó. Trước hết, tỉ lệ người Việt Nam đọc thông chữ quốc ngữ không ngừng tăng lên sau Thế chiến thứ nhất. Vả lại khó mà đánh giá chính xác việc phát hành các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. Chúng tôi chỉ có thể đưa ra con số lần xuất bản Truyện ngụ ngôn La-phông-ten năm 1916 là 2.000 bản, lần xuất bản năm 1928 lên đến 5.000 bản và giữ mức đó đến năm 1951. Việc phát hành Ba người lính Ngự lâm pháo thủ năm 1927 là 2.000 bản. Nếu những con số đó không đặc biệt cao, thì cũng nên hiểu rằng những sách đó thường được chuyền tay, được bạn bè cho nhau mượn rộng rãi, từ gia đình sang nhà hàng xóm. Hơn nữa, học chữ quốc ngữ không phải là khó khăn lắm đối với một người Việt Nam trung bình.

Nguyễn Văn Vĩnh đặc biệt chú ý đến các thông điệp xã hội-chính trị mà ông muốn đem đến cho độc giả khi chọn các vở kịch và tiểu thuyết Pháp để dịch sang quốc ngữ. Nếu các tác phẩm đó được dịch xuất sắc sang tiếng Việt, thì hình như ông Vĩnh mong muốn chuyển hóa những câu chuyện Pháp và những khái niệm hiện đại sang tinh thần Việt Nam. Ví dụ, ta thấy ông Vĩnh đã khích bác chế độ quan lại như thế nào và ít tôn trọng nền quân chủ Việt Nam. Phải thừa nhận rằng không phải ngẫu nhiên mà ông chọn dịch Truyện ngụ ngôn (1668), mà ta biết La Fontaine đã dùng các con vật để đả kích xã hội Pháp thế kỷ XVII, đặc biệt là nhà vua và các cận thần. Giống như Molière, La Fontaine coi triều đình là nơi đầy dẫy những kẻ ăn bám và bịp bợm chỉ làm tăng thêm sự bần cùng của dân chúng mà họ tưởng là được cai trị tốt. Hài kịch và châm biếm đả kích vào cái xã hội súc vật đó để chế diễu sự bất lực và tham nhũng của nền quân chủ Pháp và bọn cận thần. Dù cho ông Vĩnh không đặt thực tế thuộc địa thành vấn đề, thì cũng giống như Molière, ông tấn công vào nền quân chủ Việt Nam một cách không khoan nhượng.

Nhiều công trình dịch thuật khác của Nguyễn Văn Vĩnh cũng chuyển tải ý tưởng bài phong. Công trình Qui-li-ve du ký của Jonathan Swift bộc lộ rõ. Cuốn Tê-lê-mác du ký của Fénelon cũng vậy. Tác phẩm này bị vua Louis XIV cấm sau khi xuất bản năm 1699, vì bị coi là châm biếm triều đình. Bản dịch Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo biểu lộ một mối quan tâm xã hội khác của một con người đã tìm thấy chính mình trong những bài viết về thực tế làng mạc Việt Nam và sự nghèo nàn của người dân.

Tất nhiên, khi dịch những tác phẩm của Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh đã đóng góp lớn vào sự phát triển một nền văn học thuần túy Việt Nam. Những hình thức mới của hài kịch, bi kịch và sân khấu châm biếm được du nhập vào di sản văn hóa Việt Nam vốn đã phong phú, nhưng tương đối chưa có những thể loại đó. Việc dịch Molière, đặc biệt vở Bệnh tưởngTrưởng giả học làm sang là quan trọng đối với sự phát triển của văn trào phúng và sân khấu hiện đại Việt Nam.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ giới hạn trong việc dịch thuật tiếng Pháp. Ông không phải là người chủ trương “đồng hóa”. Từ 1907, cùng với Phan Kế Bính, ông đã xuất bản bản dịch quốc ngữ bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Tam quốc chí, và cuốn Kim Vân Kiều nổi tiếng của Nguyễn Du. Văn bản gốc viết bằng chữ Nôm, ông Vĩnh thường xuyên xem lại và hoàn thiện bản dịch này trong nhiều năm. Lần xuất bản thứ 7 năm 1923 được phát hành 30.000 bản (9). Từ đấy, không những ông Vĩnh phổ biến văn hóa Pháp ở Việt Nam, mà còn khiến cho một tác phẩm kinh điển lớn của Việt Nam đến được với quần chúng, mà do sự trớ trêu của lịch sử, đã bị cắt rời khỏi ngôn ngữ cũ sau khi đánh mất việc sử dụng chữ Nôm. Bản thân Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã góp phần vào sự cắt rời đó, khi ông nhiệt liệt cổ xúy cho chữ quốc ngữ và đề cao lòng tin của ông trước tác động của những bản dịch đến từ nước Pháp. Như vậy có lẽ ông hiểu tầm quan trọng của việc chuyển chữ viết bản Kim Vân Kiều sang quốc ngữ, chứ không dừng lại ở việc truyền miệng theo truyền thống.

Bản dịch Kim Vân Kiều đó càng có ý nghĩa quan trọng đối với Nguyễn Văn Vĩnh khi nó được cải biên sang điện ảnh. Đó là bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam, được chiếu ở Hà Nội năm 1924 nhờ Paul Thierry và xưởng phim Indochine Films et Cinéma của ông. Về sau phim còn được chiếu khắp Việt Nam (10). Nguyễn Văn Vĩnh còn là người đầu tiên du nhập sân khấu phương Tây kiểu mới vào Việt Nam năm 1920, khi ông đưa lên sân khấu bản dịch Bệnh tưởng. Công diễn ở Hà Nội, việc chuyển tải vở kịch của Molière sang tiếng Việt hình như đã thành công lớn. Trong những năm 1929 và 1930, sân khấu kiểu phương Tây đó tiếp tục phát triển cùng một nhịp với kỹ nghệ điện ảnh Việt Nam.

Nguyễn Văn Vĩnh, chữ quốc ngữ và công chúng Việt Nam

Phát triển một tờ báo quốc ngữ là phương tiện khác trong chương trình xã hội-văn hóa mà Nguyễn Văn Vĩnh bắt tay thực hiện. Ông không phải là người đầu tiên, Pétrus Trương Vĩnh Ký, một người công giáo, đã hoạt động nhiều để phổ biến chữ quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX. Gia Định báo là tờ báo hiện đại đầu tiên của Việt Nam đã in chữ quốc ngữ cùng với chữ Hán. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Vĩnh đã đẩy bước đột phá đó đi xa hơn vào đầu thế kỷ XX. Như ông đã viết trên bìa bản dịch Kim Vân Kiều, tương lai của Việt Nam tùy thuộc vào việc sử dụng chữ quốc ngữ.

Con đường làm báo của ông sẽ chứng minh ý tưởng đó. Năm 1907, ông Vĩnh tham gia tờ Đăng cổ tùng báo, một tờ báo cải lương song ngữ, có cả chữ nôm lẫn chữ quốc ngữ, mà người Pháp tán thành. Ông Vĩnh phụ trách phần chữ quốc ngữ. Vào thời đó ông hợp tác với giám đốc tờ Đăng cổ tùng báo, không ai khác là ông F.H. Schneider, để đặt cơ sở cho việc phổ biến rộng rãi những bản dịch chữ quốc ngữ và những tiểu luận của ông về hiện đại hóa. Ông Vĩnh từ nay sẽ làm việc cho ông Schneider năm 1910 trong tờ Lục tỉnh tân văn nổi tiếng ở phía nam, cũng như trong hai tờ báo tiếng Pháp có số phận ngắn ngủi: tờ Notre Journal (Báo của chúng ta, 1908-1909) và Notre Revue (Tạp chí của chúng ta, 1910), cả hai tờ đều do Schneider làm chủ. Cả hai người đều cùng trở lại phía bắc để tìm những kinh nghiệm mới. Được sự hỗ trợ của chính quyền thuộc địa, hai người cho ra tờ Đông Dương tạp chí (1913-1916) nhằm hai mục tiêu: đương đầu với tinh thần chống thực dân mãnh liệt do Phan Bội Châu và những nhà cách mạng quốc gia khác cầm đầu và xúc tiến sự phát triển văn hóa-xã hội của Việt Nam trong sự hợp tác với Pháp. Tất cả những tờ báo đó xuất hiện khá sớm đều chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của chính quyền thuộc địa Pháp. Trong Thế chiến thứ nhất, Nguyễn Văn Vĩnh hợp tác với Schneider để chỉ đạo tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở miền bắc Việt Nam, tờ Trung Bắc tân văn (1912-1942?). Ngoài ra ông còn tăng cường thêm cho nhóm Trần Trọng Kim để ra tờ Nam học niên khóa sau trở thành tờ Học báo năm 1919. Tờ báo giáo dục và khoa học này dành cho học sinh.

Khởi thủy, Nguyễn Văn Vĩnh muốn tiếp cận độc giả Việt Nam đang tăng trưởng để truyền bá hữu hiệu những ý tưởng chính của mình. Năm 1917 người ta tính có 75.000 học sinh Việt Nam, và năm 1921 khoảng 150.000. Năm 1931, ông Vĩnh dự tính công luận (ở Bắc Kỳ ?) lên đến 10.000 người. Trong tờ Đông Dương tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh viết hàng trăm bài về phép vệ sinh, về y học phương Tây, về thể thao, văn học và thời sự. Chúng ta chưa thống kê được một cách hệ thống tất cả các bài viết của ông Vĩnh in trên Đông Dương tạp chí và trên Trung Bắc tân văn. Nhưng đọc kỹ L’Annam Nouveau – mà mục tiêu là xây dựng một “nước Nam mới” – ta thấy một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất của ông là số lượng đáng kể và chất lượng của những tiểu luận đã xuất bản. Tất nhiên, giống như nhiều đồng nghiệp của ông tán thành cải lương, ông viết rất nhiều về chủ đề cải cách giáo dục và chính trị, cũng như sự cần thiết phải phát triển thương mãi và xã hội dân sự Việt Nam. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh cũng quan tâm đến các vấn đề xã hội, cho phép ông viết một số bài hấp dẫn nghiên cứu về nghệ thuật dân gian, thiên văn học, cờ bạc, nấu ăn, luật pháp, giấy khai sinh, quốc tịch, thầu khoán, nói tóm lại về việc “văn minh hóa phong tục” Việt Nam. Ông Vĩnh không bao giờ dấu diếm rằng việc phát hành tờ Đông Dương tạp chí là để ngăn chặn các nhà cách mạng Việt Nam cũng đang dựa vào báo chí và bí mật truyền bá những tư tưởng của họ qua các truyền đơn và báo chí.

Thật sai lầm khi nghĩ rằng Nguyễn Văn Vĩnh là người chỉ chú trọng đến tầng lớp thượng lưu bằng cách dẫn lời của Molière trong bài viết của mình. Ta ít biết về mối quan tâm của ông đối với các vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày của đồng bào mình, những nhóm người ngoài lề xã hội, và trên hết là cuộc sống ở nông thôn và những khổ đau của nông dân dưới sự đè nén của quan lại. Dù sao, mọi sự đánh giá dứt khoát về Nguyễn Văn Vĩnh đều phải tính đến việc nghiên cứu của ông về làng xã Việt Nam, về các vấn đề của nó, về khả năng cải cách và tâm lý của dân quê. Như ông đã viết trong một bài báo xuất sắc năm 1934: “Nếu tôi cứ lo toan giải quyết mọi vấn đề liên quan đến làng xã trên một tờ báo chỉ dành cho người thành thị, thì chính vì làng xã là chìa khóa của tiến bộ trong một nước chủ yếu là nông nghiệp của chúng ta” (11).

Rất ít trí thức Việt Nam như ông, được giáo dục theo Tây học, lại có nguồn gốc xã hội như ông hay những hiểu biết thực tiễn của Nguyễn Văn Vĩnh về các vấn đề nông dân. Quan lại được đặc biệt chỉ trích trong những bài báo đó, trong đó ông cho rằng họ đã bóc lột nông dân mà không bị phê phán do được người Pháp nhắm mắt làm ngơ. Ông Vĩnh lên án chúng bằng ngòi bút sắc sảo, nhất là trên tờ L’Annam Nouveau (12). Cụ thể là phải khuyến khích người Pháp cứng rắn hơn đối với họ, và thức tỉnh lương tri của người Việt Nam đọc tiếng Pháp là những thành phần ưu tú duy nhất có thể can thiệp để giúp nông dân. Ông Vĩnh lo lắng đi tìm giải pháp hiện đại cho những vấn đề từ nghìn xưa. Ông tham khảo các chuyên gia như Pierre Gourou để tìm con đường làm giảm nỗi khổ của nông dân. Tuy nhiên điều cần nhấn mạnh, là trong suốt cuộc đời ông đã sử dụng báo chí hiện đại làm phương tiện nhằm cảnh báo công luận về những bất công ở thôn quê và sự cổ hủ của một số thiết chế Việt Nam. Tất nhiên ông không đơn độc trong suy nghĩ và hành động như vậy; nhưng cần phải tính đến những đóng góp của ông trong việc giải quyết những tệ nạn của thời đại.

Báo chí dưới mắt Nguyễn Văn Vĩnh là quan trọng còn vì một lý do khác. Viết bằng chữ quốc ngữ không chưa đủ. Giống như Phạm Quỳnh, ông muốn sử dụng ngôn ngữ đổi mới để có thể biểu đạt thích hợp những khái niệm khoa học, kinh tế, văn chương và văn hóa một cách chính xác trước đấy chưa từng có. Tất nhiên nhà nước thuộc địa ủng hộ ông trong việc này, với ý tưởng muốn cho sự tuyên truyền và văn hóa Pháp đi vào công chúng Việt Nam mà chúng không thâm nhập được. Một lần nữa, đây là một chủ đề rộng lớn cần phải có một tiểu luận khác. Chúng ta hãy bằng lòng để nói rằng ông Vĩnh viết rất nhiều bằng tiếng Việt và tiếng Pháp về sự cần thiết phải thống nhất và hệ thống hóa chính tả và văn phạm Việt Nam để làm tăng hiệu quả và công dụng của nó. Những suy nghĩ hấp dẫn của ông về chữ quốc ngữ và chức năng ngôn ngữ của nó được thể hiện trên báo L’Annam Nouveau, khiến cho tờ báo trở thành một thứ công cụ hàn lâm Việt Nam để suy nghĩ về sự tiến hóa của ngôn ngữ dân tộc. Thông qua tờ báo đó, ông có ý đồ phổ biến chữ quốc ngữ không những cho người Việt mà còn cho cả người Pháp. Ông là người bảo vệ rất sớm việc học tiếng Việt cho người Pháp: công việc giáo dục giữa các dân tộc theo ông là cần phải tiến hành cả hai chiều và đã in sâu trong óc ông kế hoạch kết hợp người Việt với người Pháp, mặc cho hố sâu chủng tộc và thuộc địa, mà ông ý thức rõ là đã ngăn cách trên thực tế. […]

Thay lời kết luận

Tuy nhiên, hình như Nguyễn Văn Vĩnh đã đặt mình đâu đó giữa quá khứ và hiện tại, về cuối cuộc đời ông không biết nên chọn con đường nào. Sự việc ông bị phá sản hoàn toàn về tài chính khiến cho công việc của ông không dễ dàng. Nguyễn Văn Vĩnh vẫn còn tin vào hiện đại hóa theo phương Tây và vào sự phát triển song hành của văn minh Việt Nam. Ông đã cho ta ví dụ có ý nghĩa về một con người quan niệm hiện đại hóa Việt Nam trong khung cảnh thuộc địa và minh họa những khó khăn đặt ra trong hoàn cảnh đó. Khi Tưởng Giới Thạch thi hành một đường lối văn hóa Khổng giáo “truyền thống” vào đầu những năm 1930, bài xích lối ăn mặc theo Tây đang thịnh hành ở thành thị Trung Quốc, Nguyễn Văn Vĩnh đã trả lời trong một tiểu luận rằng cần thiết phải phục hồi và phát triển một nền nho học mới và hiện đại ở Việt Nam, một thứ ý thức hệ Nhà nước, nhưng phải gắn chặt với những “tiến bộ khoa học”. Khổng giáo, ông Vĩnh nhấn mạnh, đem lại một sự đóng góp hàng đầu đối với người Á đông vì nó mang theo ưu thế tạo nên “một sự ổn định lạ thường” (13).

Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Sự khác biệt nằm ở chỗ trong hoàn cảnh bị Pháp đô hộ, bị kiểm duyệt và giám sát, trí thức Việt Nam không được tự do để “dân tộc hóa” những điều vay mượn của phương Tây như các người đồng nghiệp Nhật Bản hay Thái Lan. Người Việt Nam không cai trị đất nước mình, người Pháp không dành cho họ vai trò đó. Nguyễn Văn Vĩnh không thể trở thành bộ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam giống như ông Vichit Vathakan nổi tiếng ở Thái Lan. Ông không thể có cái hokugaku hay hokutai trong nước Việt Nam thuộc địa giống như ở Nhật Bản, nếu không phải là những ý định thực hành theo hướng đó của nhiều nhân vật, đều bị liệt vào loại “chống Pháp”. Quá trình “dân tộc hóa” phương Tây hiện đại ở Việt Nam – giống như ở Nhật Bản và Thái Lan – chỉ có thể thực hiện một khi sự kiểm soát của chủ nghĩa thực dân biến mất.

Thật vậy, hốt hoảng trước những vụ nổi loạn của phong trào quốc gia vào cuối những năm 1920, các nhà cai trị thuộc địa như Pierre Pasquier đã quay về với quá khứ, về nước An Nam thuở xưa, nhằm làm sống lại nền quân chủ mà người Pháp đã lấy mất quyền lực và uy tín, trong khi vào lúc đó người Việt Nam, noi theo Nguyễn Văn Vĩnh và những người khác, đòi hỏi những thiết chế mới, gần phương Tây hơn, nhằm dựng nên một nước Việt Nam “mới”. Hiển nhiên, không phải ngẫu nhiên mà tờ L’Annam Nouveau được thành lập khi Pierre Pasquier ca ngợi quá khứ để vực lại uy tín của nền quân chủ. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi ông Vĩnh và nhiều người khác đều phấn khởi trước cuộc cách mạng Thái Lan năm 1932 và sự sụp đổ của nền quân chủ chuyên chế nhường chỗ cho một “nền dân chủ có ích” (14).

ĐÀO HÙNG trích dịch

 

Chú thích:

* Ts Christopher E. Goscha, người Mỹ, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại, đã từng làm việc ở Pháp, cộng tác viên của Trường Cao học Thực hành và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, đã có nhiều bài viết trên Xưa & Nay. Hiện là giảng viên đại học ở Canada.

Bài đăng trên RFHOM, T. 88, số 332-333 (2001).

  1. Quốc Anh, “Nguyễn Văn Vĩnh trong con mắt người cùng thời”, Xưa & Nay, số 27, tháng 5-1996, tr. 25-26.
  2. Neil Jamieson, Understanding Vietnam, Berkeley, University of California Press, 1993, tr. 65-80.
  3. Ernest Babut chỉ đạo tờ Đại Việt tân báo, tờ báo không chính thức của Đông Kinh nghĩa thục. Phan Châu Trinh đã viết một vài bài báo đầu tiên của mình bằng chữ Hán trên báo này.
  4. “Diễn văn của ô. Delmas, chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền và Công dân Phân bộ Hà Nội”, AN (11-5-1936), và Daniel Hémery, “Đông Dương, quyền con người giữa kẻ thực dân và người bị trị: Liên đoàn Nhân quyền”, Revue Franaise d’Histoire d’Outre-mer, tập 88, số 330-331 (2001), tr. 223-239.
  5. Ta không biết chắc chắn Nguyễn Văn Vĩnh có phải là thành viên Đảng Xã hội Pháp (SFIO) hay không (tôi không nghĩ như vậy), nhưng ông có quen biết những người cầm đầu như Louis Caput, Hoàng Minh Giám đã là đảng viên SFIO và cộng tác với tờ L’Annam Nouveau của Nguyễn Văn Vĩnh.
  6. Jacques Dalloz, “Người Việt Nam trong Hội Tam điểm thuộc địa”, Revue franaise d’Histoire d’Outre-mer, tập 85, số 320 (1998), tr. 103-118; “SFIO ở Đông Dương, 1945-1954”, Approche Asie, số 14 (1977), tr. 57-72; “Diễn văn của ô. Janvier, sáng lập viên Tổng đàn Khổng tử”, AN (11-5-1936).
  7. “Bản dịch một bức thư bằng chữ Hán gửi Khải Định của nhà nho An Nam Phan Châu Trinh”.
  8. Le bourgeois gentilhomme, Les femmes savantes, L’Avare, Le malade imaginaire – Les misérables – Les fables de La Fontaine – Les trois mousquetaires – Le voyage de Gulliver. Một số tác phẩm sau này đã được dịch và xuất bản lại dưới các tên khác, đây là tên tác phẩm trên các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh (ND.).
  9. Nguyễn Văn Vĩnh (dịch), Kim Vân Kiều, Hà Nội, hiệu Ích Ký, 1923.
  10. Quốc Anh, “Người Việt Nam đầu tiên cổ vũ cho điện ảnh”, Tuổi trẻ chủ nhật, ngày 31-12-1995.
  11. Nguyễn Văn Vĩnh, “Làng quê và thành thị”, AN, ngày 25-3-1934.
  12. Tờ Trung Bắc tân văn bị kiểm duyệt nhiều hơn tờ L’Annam Nouveau.
  13. Nguyễn Văn Vĩnh, “Cuộc vận động tân sinh ở Trung Quốc”, AN, 11-10-1934.

14. “Bài học của cách mạng Xiêm”, AN, 3-7-1932.