Vua Lê Thánh Tông có đến núi Đá Bia và cho tạc bia làm mốc ranh giới không?

Sách Lịch sử Việt Nam tập III do Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn đã nhắc đến việc vua Lê Thánh Tông đánh thành Đồ Bàn: “Vua Lê tiến quân đánh chiếm thành Đồ Bàn, bắt Trà Toàn và nhiều binh lính Chăm. Một tướng Chăm tên là Bố Trì đã chạy thoát khỏi kinh thành Đồ Bàn cùng một số tàn quân về đóng ở xứ Panduranga, tự xưng vương sai sứ xin suốt đời trung thành với vua Lê và nước Đại Việt. Lê Thánh Tông ưng thuận, cho lập bia đá trên núi cao để ghi rõ chiến công, sau dân gian gọi là núi Đá Bia hoặc Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia cao 750m, nằm trong dãy núi Đèo Cả, còn gọi là Đèo Lãnh ở cuối huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, giáp với huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa” (1).

Mới đây trên báo Phú Yên số Xuân Đinh Hợi 2007, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết: “Vua Lê đã hành quân đến đèo Cả và lấy núi Đá Bia làm mốc ranh giới Đại Việt với Chiêm Thành” (2).

Ngoài ra còn rất nhiều tác giả trong thời hiện đại khi đề cập đến việc vua Lê Thánh Tông đánh thành Đồ Bàn đều ghi thêm sự kiện vua Lê Thánh Tông hành quân cho đến tận núi Đá Bia và tạc bia đá làm mốc ranh giới.

Chúng ta hãy ngược dòng thời gian xem người xưa đề cập đến sự kiện này như thế nào?

Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: “Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, lấy đất đặt xứ Quảng Nam, lập dòng dõi vua Chiêm Thành cũ, phong cho đất tự núi ấy trở về phía tây, tạc đỉnh núi lập bia làm địa giới, xoay lưng về phía bắc, mặt về phía nam, lâu ngày dấu chữ đã mòn mất” (3).

Cụ Phan Huy Chú chép: “Núi Thạch Bi ở bờ biển là chỗ phân địa giới đất của các triều trước với nước Chiêm… Khi Lê Thánh Tông bình Chiêm sai đục đá chỗ đỉnh núi, dựng bia để làm giới hạn” (4).

Đại Nam nhất thống chí lại dẫn sách Thủy lục trình ký của Trần Công Hiến: “Ngày trước, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua núi này bùi ngùi than rằng: “Trời đất mở mang đã chia cảnh thổ, kẻ kia trái lòng trời, nên phải chịu vạ”. Nhân khắc chữ ở trên đá”. Ngoài ra còn dẫn thêm sách Địa dư chí của Lê Quang Định: “Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành mở đất đến đây, sai mài vách núi dựng bia đá để chia địa giới với Chiêm Thành, nên gọi là núi Thạch Bi. Nay vết chữ lờ mờ không nhận được, chỉ nghe khẩu truyền rằng chữ bia là: Chiêm Thành qua đây sẽ phải bại binh mất nước, An Nam qua đây binh tướng chết bị tan” (5).

Ngày nay hành trình lên đỉnh núi Đá Bia còn rất vất vả huống chi là ngày xưa núi đầy thú dữ, cây cối um tùm, tin chắc là cụ Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Lê Quang Định… chưa bao giờ “mục sở thị” chỉ nghe khẩu truyền rồi chép như thế, rồi người sau cứ thế chép lại của người trước mà chưa bao giờ lên tận đỉnh núi Đá Bia để quan sát.

Vua Lê Thánh Tông có đến núi Đá Bia không?

Đại Việt sử ký toàn thư chép vào năm Tân Mão (1471), Hồng Đức năm thứ hai: “Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về”. “Ngày mồng 2 vua thấy phá được thành Chà Bàn liền xuống chiếu đem quân về” (6).

Trên thực tế vua Lê Thánh Tông nếu có hành quân truy đuổi tàn quân thì chỉ đến đèo Cù Mông (ranh giới giữa tỉnh Bình Định và Phú Yên) là xa lắm rồi. Vì trong một ngày không thể hành quân vừa đi vừa về trên đoạn đường dài từ thành Đồ Bàn đến núi Đá Bia và ngược lại. Vả lại đoạn đường này quân Đại Việt chưa hề qua lần nào, thì làm sao có thể đi nhanh như thế để rồi ngày mồng 2 tháng 3 năm Tân Mão “xuống chiếu đem quân về”. Vậy việc vua Lê Thánh Tông hành quân đến núi Đá Bia hoàn toàn không thể xảy ra.

Vua Lê Thánh Tông không đến núi Đá Bia, vậy nhà vua có thể sai binh lính đến núi Đá Bia tạc bia đá trên đỉnh núi làm mốc ranh giới chăng?

Ngày 21-4-1996, Bảo tàng tỉnh Phú Yên tổ chức đoàn khảo sát di tích Đá Bia. Đoàn gồm 19 người, mang theo đầy đủ ống nhòm, camera. Đoàn đã dùng ống nhòm quan sát kỹ lưỡng nhưng vẫn không phát hiện một chút gì có dấu hiệu của bút tích (7).

Ngày 22-5-2002, giáo sư Trần Quốc Vượng cùng với Nguyễn Hồng Kiên, Trần Kỳ Phương và Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên là ông Phan Đình Phùng “đã trèo lên đỉnh núi Thạch Bi (709m) đi từ tây qua bắc, sang đông rồi nam của đỉnh núi đó, đo, vẽ, chụp ảnh. Đá vẫn là granit, không có bất cứ một vết tích gì của bia Lê Thánh Tông” (8).

Nhiều người cho rằng do thời gian nên chữ đã phai mờ. Nếu nói như vậy thì bài thơ “Chinh Đèo Cát Hãn hoàn, quá Long Thủy đê” (đi đánh Đèo Cát Hãn trở về, qua đường đê Long Thủy) của vua Lê Thái Tổ (1385 – 1433) được khắc vào đá núi trước đó tại Hòa Bình đến nay vẫn còn đọc được!

Từ năm 1471 – 1578 người dân Đại Việt chưa đến khai khẩn ở vùng đất Phú Yên hiện nay. Nếu có tạc bia làm mốc ranh giới thì dân Đại Việt đã đến khai khẩn từ lâu rồi, không phải đợi đến năm 1578 Lương Văn Chánh mới “chiêu tập lưu dân đến Cù Mông, Bà Đài khẩn hoang ở Đà Diễn” (9).

Việc vua Lê Thánh Tông đến núi Đá Bia và cho khắc bia đá trên núi chỉ là một giai thoại. Vì là một giai thoại không nên đưa vào chính sử khiến các thế hệ sau cứ lầm tưởng đó là một sự thật.

Nguyễn Văn Nghệ

Chú thích:

  1. Viện Khoa học Xã hội TPHCM, Lịch sử Việt Nam, tập III, Nxb Trẻ, tr.301.
  2. Nguyễn Đình Đầu, Hai lần lập dinh Trấn Biên – Phú Yên và Biên Hòa – để hoàn chỉnh công cuộc phát triển dân tộc về phương Nam, báo Phú Yên xuân Đinh Hợi, 2007, tr.20.
  3. Lê Quý Đôn toàn tập, tập I Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.121.
  4. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, Nxb Sử học Hà Nội, 1960, tr.138.

Phan Huy Chú, Hoàng Việt địa dư chí, Nxb Thuận Hóa, tr.17.

  1. Quốc sử triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập III, Nxb Thuận Hóa, tr.68.
  2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.449-450.
  3. Đi tìm huyền thoại Đá Bia, Nguyệt san Công an Quảng Nam – Đà Nẵng tháng 5-1996, tr.11 (không ghi tên tác giả, chỉ có ảnh “Trên đỉnh Đá Bia” của Sơn Ka).
  4. Trần Quốc Vượng, Hùng Lộc Hầu – ông là ai? Tạp chí Văn hóa – Thông tin Khánh Hòa số 3-2006. tr.13.

9. Đại Nam nhất thống chí, quyển 10 và 11, tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Nxb Nha Văn hóa – Bộ Văn hóa giáo dục Việt Nam cộng hòa, 1964, tr.7.