Khơi lại dòng gốm cổ Luy Lâu

Luy Lâu” là địa danh cùa một vùng đất nằm bên bờ sông Đuống thuộc vùng Thiên Đức, Thuận Thành của tỉnh Bắc Ninh ngày nay.Luy Lâu với dấu tích của thành cổ ở xã Thanh Khương (Dâu) đã từng là quận trị thời Bắc thuộc từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, đã từng phát triển thành một trung tâm thương mại, Phật giáo cổ xưa nhất trên đất nước ta.

Dựa vào những kết quả nghiên cứu, đặc biệt là những hiện vật khảo cổ được khai quật tại chỗ hay sưu tập trong dân thì gắn với vùng Luy Lâu trù phú thời xa xưa, còn hình thành một dòng gốm phát triển đặc sắc. Gốm Luy Lâu cho đến nay vẫn được coi là những sản phẩm của dòng gốm dân gian  rất đậm nét, tồn tại trong xã hội cổ đại nước ta là tiêu biểu cho dòng gốm bản địa ở phương Nam.

Khảo sát kỹ các sản phẩm gốm Luy Lâu tìm thấy trong các cuộc khai quật ở Nguyệt Đức, Thang Khương, Bãi Định, Bãi Nổi , Hà Mãn… thuộc huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) ngày nay, dễ nhận thấy nét nổi bật của một loại men lạ mắt phủ màu xanh ô-liu trầm ấm và trong vắt. Màu và chất liệu của men có vẻ lạ mắt nhưng lại dễ làm cho người xem liên tưởng đến một dòng gốm có màu xanh ngả bí của gốm Thiệu Dương, Thanh Hoá . Có những sản phẩm không dễ phân biệt giữa hai dòng gốm này. Và ai cũng biết rằng dòng gốm vùng Thiệu Dương, Thanh Hoá xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Gốm Luy Lâu có lẽ cũng đồng một niên đại như vậy. Đó là dòng gốm phát triển có niên đại cách đây đã trên dưới  hai ngàn năm.

Tuy nhiên, sau nhiều biến cố lịch sử trong đó có sự chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, sự hình thành nhiều trung tâm cư dân và hành chính của vùng Bắc bộ kể từ khi tự chủ,  dòng gốm Luy Lâu hình như đã “di dời” qua sông Luộc, sông Đuống và sông Thái Bình… để xuất hiện những trung tâm gốm ở Nam Sách (Hải Dương) hay Chu Đậu (Thái Bình) phát triển rực rỡ ở những thế kỷ sau. Kể từ đó,Gốm Luy Lâu trong một thời gian rất dài chỉ còn trong ký ức nhờ những hiện vật còn sưu tầm lại được và những cuộc khai quật gần đây phát hiện ra những dấu tích của các lò gốm cổ đã nguội lạnh từ lâu.

Điều đáng nói là trong vòng vài năm lại đây, giới quan tâm đến đồ gốm nước ta đã chú ý đến sự xuất hiện một dòng sản phẩm độc đáo và hấp dẫn bởi những sắc thái cổ điển của chất liệu  không trộn lẫn với những dòng gốm đang có, lại rất hiện đại về phong cách tạo hình. Bàn tay tiêu biểu tạo nên những sản phẩm này là một nghệ nhân được nhiều người biết tới, ban đầu như một tài danh của những lò gốm ở Bát Tràng . Đó là nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông. Anh vốn gốc người ở  Thuận Thành, Bắc Ninh, vùng đất vốn nổi tiếng với các ngôi chùa cổ Dâu, Keo, với vùng mộ Kinh Dương Vương và đến thờ Lạc Long Quân-Âu Cơ, với những làng rối nước ở Ngũ Thái, làng tranh ở Đông Hồ,làng ca trù ở Thanh Tương… và làng gốm ở Hà Mãn.

Anh Nguyễn Đăng Vông kể lại rằng, khi đã thành danh trong làng gốm Bát Tràng, anh bắt đầu chú ý đến những sản phẩm của vùng quê mình vốn chỉ còn trong các bộ sưu tập và  đặc biệt là đến những phát hiện của ngành khảo cổ. Anh đã từng tha thẩn bên các hố khai quật, đàm đạo với các nhà khảo cổ.  Thầy Trần Quốc Vượng  sinh thời rất gắn bó với việc nghiên cứu vùng đất cổ Luy Lâu đã truyền cho anh nhiều hiểu biết và sự khích lệ. Và chính những hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về quê hương bản quán, vùng quê Hà Mãn, Thuận Thành của mình đã nhóm lại trong lòng người nghệ nhân của gốm Bát Tràng này ngọn lửa được khơi lại từ những lò gốm Luy Lâu đã nguội lạnh cả ngàn năm…

Anh Nguyễn Đăng Vông đã quyết định trở về quê hương của mình tập hợp những người bạn trong làng quyết khơi lại dòng gốm cổ. Từ những thể nghiệm của cá nhân, người nghệ nhân đất Hà Mãn này đã thành lập một hợp tác xã với quyết tâm nhen lại ngọn lửa lò trên quê hương của mình. Lửa lò đã cháy với những cải tiến công nghệ theo kịp với bước phát triển hiện đại. Những nguyên liệu muôn đời có trong lòng đất Luy Lâu được khai quật lên vẫn giữ nguyên được nét đẹp truyền thống của dòng gốm đỏ quạch phù sa như con Sông Hồng đặc trưng cho cả vùng văn hoá Bắc bộ rộng lớn, cái nôi của  Văn minh Việt. Nhưng bàn tay của những người thợ gốm Luy Lâu lại hướng về ý tưởng của người thợ cả,nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông vận dụng những kiến thức và kỹ năng được đào tạo chính quy tại các truờng Mỹ thuật mang lại những phong cách tạo hình mới cho sản phẩm gốm gắn với thương hiệu Luy Lâu cổ kính. Nét độc đáo của những sản phẩm này là sử dụng những ngôn ngữ hiện đại của tạo hình gắn kết nhuần nhuyễn với chất liệu cùng các nét truyền thống trong loại hình sản phẩm cổ điển (ấm , vại, thống, lọ ,bát huơng v.v…) và những đề tài gắn với các chủ đề lịch sử    tạo ra một sắc thái  vừa khác biệt với mọi dòng gốm hiện tồn nhưng lại gần gũi cội rễ với một dòng gốm rất cổ của một vùng đất rất cổ Luy Lâu.

Đến thăm nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông và cơ sở hợp tác xã của anh mọi thứ còn ngổn ngang. Một thửa đất lớn đang chờ để đầu tư xây dựng một khu vực sản xuất quy mô nhưng vị chủ nhiệm Hợp tác xã và những cộng sự của mình đang dành tâm sức để tạo ra những sản phẩm thử nghiệm với hy vọng trong một thời gian ngắn sẽ định hình được một dòng sản phẩm cao cấp của Gốm Luy Lâu tương xứng với thương hiệu của vùng đất cổ kính và một dòng gốm đã từng có danh trong quá khứ.

Một dòng Gốm cổ Luy Lâu đã  và đang được khơi dòng sẽ qua những khối óc bàn tay của những  con người tài hoa của thời hiện đại chắc chắn sẽ mang lại một sự khởi sắc mới giữa lúc đất nước đang khởi động cho một cuộc hội nhập lớn…

 

Dương Trung Quốc