Từ vụ ám sât Bazin năm 1929 đến cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng

Ngày nay mỗi khi nói đến tổ chức Việt Nam Quốc dân do Nguyễn Thái Học điều khiển, người ta thường đề cập đến hai vấn đề: vụ ám sát Bazin và cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái.

Xét kỹ hai vấn đề này có rất nhiều mối liên hệ quan trọng. Bởi lẽ chính vụ ám sát Bazin đã đem đến nhiều yếu tố thúc đẩy VNQDĐ sớm quyết định tổ chức khởi nghĩa Yên Bái.

Thành lập năm 1927, sau một thời gian hoạt động, VNQDĐ đã thu nhiều thành quả đáng lưu ý về việc phát triển nhân sự bành trướng ảnh hưởng. Và trong khi các hoạt động của đảng trên đà thuận lợi cho việc tạo uy thế cho đảng thì một biến cố quan trọng xảy ra làm sôi nổi dư luận trong nước liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của đảng Việt Nam Quốc dân. Đó là vụ tên chủ mộ phu đồn điền người Pháp tên là Bazin bị giết chết ở Hà Nội.

Đây không phải là vụ giết người thông thường vì tiền bạc, vì ái tình, vì thù hằn cá nhân hay vì cạnh tranh việc làm ăn mà vì lý do chính trị. Thủ phạm là người bản xứ thuộc một tổ chức chính trị chống Pháp, nạn nhân là một nhà tư bản Pháp có thế lực, có ảnh hưởng lớn trong chính giới tại Đông Dương

Vào lúc 20 giờ chiều ngày 9 tháng 2 năm 1929 tức vào chiều ngày 30 tháng 12 năm Mậu Thìn một vụ giết người mau lẹ và táo bạo xảy ra giữa thành phố Hà Nội. Người bị giết là Pháp kiều Bazin, giám đốc sở mộ phu có thế lực nhất ở Bắc kỳ có một vợ, ba con ngụ tại nhà số 35, phố Félix Faure.

Vào giờ, ngày nói trên Bazin vừa ở nhà nhân tình của ông là cô Germaine Carcelle, một đầm lai đứng bán hàng cho hãng buôn Gô đa có nhà ở số 110, phố Huế (còn gọi là phố Chợ Hôm) bước ra rồi băng qua đường để bước lên chiếc xe hơi của ông đậu ở bên kia. Trong tư thế vừa mở cửa xe, vừa ra dấu thân ái chào nhân tình và cũng lúc ấy người tài xế đang cho máy nổ để bắt đầu cho xe chạy thì bỗng có hai thanh niên Việt Nam mặc âu phục đầu để trần tiến đến gần Bazin. Một trong hai người đưa cho Bazin một bức thư (kỳ thực là bản cáo trạng). Trong khi ông này bận mở thư xem thì người kia rút súng bắn vào người Bazin ba phát4. Bazin gục ngã.

Súng nổ, người tài xế – tên là Nguyễn Văn Tỵ – hoảng sợ nằm ép trong xe để lẩn trốn, đợi đến khi hai người đi khỏi anh ta mới dám ngồi dậy tri hô. Liền đó ông Weil, một Pháp kiều mộ phu khác có thế lực đứng vào hàng thứ hai sau Bazin, bạn của Bazin, chạy đến. Nạn nhân cấp thời được đưa vào bệnh viện Lanessan.

Theo điều tra của nhật báo La Volonté Indochinoise thì khi đến nhà thương nạn nhân tắt thở. Bazin bị ba phát đạn: một phát chạm tim, một phát bị bắn sau ót và phát kia thì đi qua mắt5.

Khi nhà chức trách đến nơi thì người ta tìm thấy bên cạnh Bazin chết một bức thư. Đó là bản án ghép ông vào tội tử hình. Bản án ấy viết với một lối văn cứng cỏi, nét chữ rất khó nhận. Nhà chức trách không phân biệt được chữ viết ấy là thứ chữ của đàn ông, đàn bà hay trẻ con viết6.

Nội vụ ám sát Bazin xảy ra mau chóng, không mấy người hay biết. Lý do giải thích như sau: vào chiều cuối năm Âm lịch theo tập tục dân chúng Việt Nam mọi người đều lo thu xếp, dọn dẹp nhà cửa, thanh toán công việc để chuẩn bị lễ cúng tất niên (cuối năm) nên phố xá người đi lại thưa thớt. Còn các nhân viên công lực, mật thám Pháp, các điềm chỉ viên người Việt cũng vì cho hôm ấy là ngày “năm hết tết đến” nên lơ là trong nhiệm vụ, hơn nữa tiếng pháo chiều ba mươi nổ vang khắp nơi khiến tiếng súng hòa lẫn tiếng pháo nên không ai ngờ có thể xảy ra vụ ám sát. Do đó hung thủ dễ dàng trốn thoát sau khi thi hành nhiệm vụ.

Ai là thủ phạm vụ án trên? Tổ chức nào thực hiện, đảng chính trị nào chủ trương? Và người ta giết Bazin với mục đích gì?… Chính quyền Đông Dương lúc ấy không tìm ra manh mối, không hoàn toàn giải thích rõ vấn đề.

Nhiều giả thuyết đưa ra: người ta nghi rằng đây là một vụ thanh toán đẫm máu vì cạnh tranh nghề nghiệp do các nhà tư bản có thế lực tổ chức, có kẻ cho đó là hoạt động của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội hay tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Ý kiến này được ghi nhận bởi lẽ vào lúc này VNTNCMĐCH cũng có những hành động tích cực đáng kể như rải truyền đơn chống mộ phu, kêu gọi công nhân nổi dậy chống Pháp… song song với những phát triển mạnh mẽ với Việt Nam Quốc dân đảng.

Sau nhiều cuộc bắt bớ, điều tra, Pháp không tìm ra thủ phạm vụ án. Một thanh niên Việt Nam mang tên Pháp là Léon Sanh bị tình nghi là kẻ đã giết chết Bazin. Nhưng sau nhiều lần thẩm vấn, mật thám Pháp cũng không tìm thấy chứng cớ để buộc tội.

Cuối cùng Sở mật thám đi đến kết luận là họ quả quyết vụ ám sát Bazin là một vụ giết người có tính cách chính trị do một “hội kín” chủ trương7.

Hội kín ấy là hội kín nào?

Theo những điều ghi nhận và nghiên cứu của Nhượng Tống và Hoàng Văn Đào thì vụ ám sát Bazin là vụ án chính trị rất liên quan đến VNQDĐ8. Án mạng xảy ra tuy không do Tổng bộ VNQDĐ và đảng trưởng Nguyễn Thái Học chủ trương nhưng hành động ám sát ấy lại do Nguyễn Văn Viên, đảng viên VNQDĐ tự mình đứng ra tổ chức và thực hiện8.

Nguyễn Văn Viên, ủy viên thành bộ, điều khiển chi đoàn công nhân ở Hà Nội sau khi không được Nguyễn Thái Học chấp thuận đề nghị giết Bazin của mình, chàng thanh niên trẻ tuổi hăng say cách mạng đó bí mật theo dõi mọi sự đi lại của Bazin và âm thầm tổ chức vụ ám sát. Cộng tác với Nguyễn Văn Viên có Nguyễn Văn Lân, người bắn gục Bazin, Nguyễn Đức Lung, thanh niên đưa thư10.

Quyết định giết cho được Bazin của Nguyễn Văn Viên và các đồng chí ông không ngoài ý nghĩa biểu lộ nỗi lòng phẫn uất, căm hờn của đa số dân chúng Việt Nam trước những thủ đoạn mộ phu tàn nhẫn, quỷ quyệt, dã man của bọn chủ mộ, những hành động coi thường luật pháp của bọn tư bản cấu kết với chính quyền.

Để hiểu rõ dân tình Việt Nam ở Bắc kỳ đối với việc mộ phu như thế nào chúng ta hãy thử tìm hiểu thực trạng cuộc sống của họ lúc ấy.

Châu thổ sông Hồng một vùng đất hẹp, dân đông, đất đai khai thác từ lâu nên đời sống nông dân miền Bắc vô cùng chật vật. Tình trạng đói khổ, tối tăm ấy lại gia tăng với nạn cường hào, ác bá ở nông thôn, thuế má đè nặng lên lưng hạng dân quê nghèo. Nợ nần chồng chất lớp này lên lớp khác do sự khai thác của hạng người cho vay lãi nặng, nhất là những năm ở thôn quê gặp nạn mất mùa, lụt lội, hạn hán11.

Ngoài thảm cảnh kinh tế, tài chính, thuế má… người dân quê còn bị nạn nhũng nhiễu của bọn tham quan, ô lại, một hạng người được chính quyền thực dân dung dưỡng. Thêm vào đó nhà nước còn cấu kết, ám trợ bọn tư bản, che chở các hành động, bóc lột, đàn áp dân chúng mà bọn ấy là Bazin, là Weil hay bất cứ một tên thực dân nào khác.

Cuối cùng trước những thúc bách của cuộc sống thường nhật, đa số dân làng ở các vùng quê Bắc kỳ lần lượt bỏ quê hương tha phương cầu thực, lẩn trốn vào Nam, vào những vùng đất mới được khai thác ở miền Tây Nam kỳ.

Trong hoàn cảnh ấy sinh hoạt kinh tế Việt Nam có nhiều thay đổi sau trận đại chiến thứ nhất. Việc trồng các loại cây kỹ nghệ được chú trọng. Nhiều đồn điền cao su thiết lập ở Nam kỳ, cao nguyên nam Trung kỳ… Vấn đề thiết yếu cho công cuộc khai thác đồn điền là vấn đề nhân công. Tại Nam kỳ, Ai Lao việc mộ phu tương đối khó khăn vì cuộc sống hàng ngày của dân chúng ở các nơi này tương đối dễ dàng. Trái lại ở Bắc kỳ tình cảnh đói kém, cuộc sống cực khổ khó khăn của lớp nông dân nghèo đã là môi trường thuận lợi cho việc tuyển mộ phu. Để giải quyết cấp thời những khó khăn do nạn đói gây ra, dân quê Bắc kỳ nhắm mắt, đăng tên vào các đoàn phu đồn điền mong nhận chút ít tiền của bọn chủ mộ ứng trước để trang trải nợ nần hay giúp đỡ những người thân yêu hiện còn sống tại quê nhà.

Lợi dụng yếu điểm này, bọn chủ mộ và tay chân của họ tìm mọi cách để trục lợi. Các sở mộ nhân công thiết lập khắp nơi ở Bắc kỳ với những lời hứa hẹn đầy quyến rũ, hấp dẫn như lương bổng trả cao, thời gian làm việc ít, có chỗ ăn ở đàng hoàng, đau ốm có đầy đủ thuốc men…12  Và như thế việc mộ phu trở thành một “áp phe” thương mãi.

Trung bình cứ một “cu ly” ký giao kèo, đăng tên, tên chủ mộ Bazin hưởng 15#, trong khi lương của một cu ly thời ấy như sau: vào năm 1929-1930 tại Sài Gòn, lương công nhật của đàn ông là 0#78, đàn bà 0#46, lương bọn cai 1#20, lương tháng của bọn người giúp việc cho Pháp như bếp là 35#, bồi 28#, bé con 25#. Còn tại Hà Nội thì hạ hơn, lương công nhật của đàn ông là 0#41, đàn bà 0#23, lương hàng tháng của bọn bếp 17#, bồi 13#, bé con 11#…13

Như thế với số tiền hưởng 15#00 một đầu người đem nhân với số lượng phu tuyển mộ hàng năm của Bazin khoảng 8.000 phu cung cấp cho các đồn điền ở Tân Guinée, Tân Hébrides. 40.000 phu cho các đồn điền cao su ở miền Nam Việt Nam như Công ty Cao su Đất Đỏ (Société Indochinoise des plantations d’hévéas) Công ty Michelin, Công ty Cao su Lộc Ninh… thì số lợi thu được của Bazin không phải  nhỏ. Người ta phỏng định số tiền ấy vào khoảng 600.000# (chừng 8 triệu phật lăng) mỗi năm cho “áp phe” mộ phu14.

Vì thế bọn chủ mộ không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn, mánh khóe để mộ được nhiều phu15 như cho bắt cóc, dụ dỗ, vu oan giá họa các dân quê khờ khạo bắt cách bỏ bã rượu trong vườn, trong ruộng đưa nông dân nghèo vào con đường tù tội. Bí thế họ phải đăng tên đi phu để tạm thời có tiền hối lộ bọn quan lại tham nhũng mong tránh cảnh tra tấn, giam cầm, liên lụy đến gia đình.

Tình trạng trên đưa đến biết bao thảm cảnh, làm ly tán biết bao gia đình nông dân vô tội ở Bắc kỳ. Dân chúng vô cùng thống khổ, song biết kêu cứu vào đâu vì Bazin và bọn chủ mộ cấu kết với nhà nước và dĩ nhiên thực dân làm ngơ trước những cảnh đánh đập, đàn áp.

Trên những chuyến xe lửa chở phu mộ vào Nam người ta có cảm tưởng là những chuyến xe đặc biệt đưa tù nhân đi an trí vì binh lính sẵn sàng súng ống đi hộ tống, canh gác gắt gao sợ giữa đường các phu mộ tìm cách trốn thoát, không kể nguy hiểm nhảy từ xe hơi, hay xe lửa đang chạy xuống đường cái hay đường rầy.

Khổ cực, uất ức vừa kể chỉ là giai đoạn mở đầu. Người phu đồn điền còn phải tiếp tục cuộc sống đọa đày ở các đồn điền hẻo lánh, xa xôi đầy sơn lam chướng khí dưới sự hành hạ đánh đập, bóc lột tàn nhẫn của bọn cai phu, giám thị16. Trong khi ấy thực dân, chủ mộ, chủ đồn điền cấu kết với nhau tiếp tục làm giàu do nguồn lợi cao su mang lại.

Đối với tư bản Pháp “vàng trắng” để chỉ cao su cũng đồng nghĩa với “vàng đen” để chỉ dầu hôi hay thuốc phiện. Riêng đối với phu mộ thì những giòng cao su màu trắng sữa đó là những giòng “máu trắng” vì:

“… Kiếp phu đổ lắm máu đào

Máu loang mặt đất, máu trào mủ cây

Cao su xanh tốt chốn này

Mỗi cây bón một xác người công nhân…”17

Thực ra không phải “mỗi cây bón một xác người công nhân” nhưng số phu chết vùi thây ở các đồn điền cao su không phải là ít.

Đó là thân phận của những phu Việt Nam làm việc ở các đồn điền đất đỏ, là thảm kịch của người dân quê xứ Bắc kỳ trong công việc mộ phu của Bazin. Oán hờn chồng chất và hậu quả của vụ “buôn người” dã man, vô nhân đạo là cái chết của Bazin và việc trừng trị ấy chẳng qua là để báo thù, cảnh cáo cái chính sách bất công, đàn áp của thực dân Pháp đã làm lòng người dân Việt căm phẫn.

Bazin chết đi, việc mộ phu đi vào con đường bế tắc. Sở mật thám được lệnh hoạt động gắt gao, chính quyền Đông Dương phản ứng rất mau lẹ. Một mặt tang lễ của Bazin tổ chức long trọng với sự tham dự của Pasquier, Toàn quyền Đông Dương, Graffeuil, Tổng thư ký phủ Toàn quyền, Robin, Thống sứ Bắc kỳ và nhiều công chức cao cấp ở phủ Toàn quyền và phủ Thống sứ, mặt khác Pháp tung thám tử, điềm chỉ viên đi khắp các tỉnh ở Bắc kỳ, cho khám xét những nhà bị tình nghi. Quan tòa cho trát đi bắt nhiều người nhất là vùng Hải Phòng, Kiến An.

Tình trạng bố ráp này không những chỉ có ở Bắc mà còn có ở Nam kỳ18. Dịp này nhiều cơ sở bí mật của VNQDĐ bị khám phá, nhiều tài liệu quan trọng bị Sở mật thám tịch thu. Hàng ngàn đảng viên bị giam cầm, tra tấn kể cả việc bắt giữ một số đảng viên của tổ chức VNTNCMĐCH.19

Những đảng viên quan trọng của VNQDĐ tức tốc bị bắt giữ hoặc truy nã trừ Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và một số yếu nhân khác thoát khỏi.

Thực ra trước đó không phải chính quyền Pháp không biết đến các hoạt động của đảng, nhưng Pháp chưa vội ra tay đàn áp vì muốn tổ chức này lan rộng rồi sau đó tận diệt một lần và nay vụ ám sát Bazin là cơ hội để chính quyền Đông Dương thực hiện công cuộc đàn áp20. Tổ chức chính trị VNQDĐ từ nay bị Pháp lôi ra phơi bày trước ánh sáng.

Mười lăm ngày sau vụ giết Bazin, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thiết lập Hội đồng Đề hình (commission criminelle) tại Hà Nội để xử  những người “âm mưu làm phản” theo sắc lệnh ký ngày 26-11-1896 của Tổng thống Pháp.

Hội đồng Đề hình là một Tòa án đặc biệt thay thế các tòa án thường để xử dân bản xứ, những đồng hóa phạm, những khinh trọng tội liên quan đến nền an ninh của nền bảo hộ hoặc tới sự mở mang của chính sách thuộc địa Pháp.

Cho thiết lập Hội đồng Đề hình là Pháp muốn đàn áp, dập tắt ngay các phong trào chính trị đang lên trong hiện tình đất nước Việt Nam lúc ấy.

Ngày 3-7-1929 phiên tòa đầu tiên nhóm họp kéo dài đến nửa đêm ngày hôm ấy để xét xử các đảng viên VNQDĐ. Ngày 16-8-1929 toàn quyền Đông Dương ký thêm một nghị định khác an trí hơn 20 đảng viên VNQDĐ. Sau phiên tòa này chính quyền thuộc địa còn tiếp tục tổ chức nhiều phiên tòa khác do Hội đồng Đề hình xét xử những đảng viên VNQDĐ.

Vụ ám sát Bazin năm 1929 như đã trình bày là cớ để Pháp đàn áp VNQDĐ. Số đảng viên bị bắt lên đến hàng ngàn nhưng các yếu nhân của đảng vẫn còn tại đào21. Sau thời gian giam cầm, tra khảo một số đảng viên được trả tự do. Hoạt động của đảng gặp nhiều trở ngại, thế lực đảng suy sút, phạm vi hoạt động bị thu hẹp vì:

– Một số đảng viên không còn dám hoạt động cho đảng nữa vì họ đã nếm mùi tra tấn trong thời gian bị giam cầm.

– Một số khác bị Pháp mua chuộc nên sau khi tự do tuy vẫn còn hoạt động cho đảng nhưng thực sự làm tay sai điềm chỉ, nội tuyến cho địch.

– Số khác tinh thần có, vẫn tích cực hoạt động nhưng bị mật thám theo dõi, canh chừng nên dễ bị chúng bắt giữ. Phạm vi hoạt động do đó bị hạn chế và dè dặt.

– Các cơ sở bí mật tổ chức trước kia nay bị phá vỡ, việc liên lạc giữa các chi bộ, đảng viên bị cắt đứt, gián đoạn.

Dù khó khăn như vậy, VNQDĐ không hoàn toàn bị tiêu diệt như mật thám Pháp mong muốn, trái lại không bao lâu đảng phục hồi được sinh lực. Lý do giải thích:

– Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu… thành phần lãnh đạo nòng cốt thoát khỏi màn lưới bao vây của Pháp.

– Nhân lực đảng được bổ sung nhanh nhờ sự hăng say hoạt động của lớp học sinh trẻ tuổi thuộc các trường ở Hà Nội và số đảng viên trả tự do sau vụ “bố ráp” năm 1929.

– Hành động của Nguyễn Thái Học tỏ ra tích cực hơn. Chính ông thảo ra bản “tu chính” điều lệ đảng năm 1929, bắt chước một số nguyên tắc tổ chức của cộng sản như tuyệt đối giữ gìn bí mật đảng, tổ chức nhóm chiến đấu, phụ nữ đoàn… sinh hoạt bên cạnh đảng22.

Song song với việc thực hiện chương trình phục hồi lực lượng đảng, Nguyễn Thái Học còn thi hành nhiều hoạt động quan trọng khác: trừng trị các đảng viên phản bội (ám sát Bùi Tiến Mai, Nguyễn Văn Kính, Đội Dương…) xúc tiến việc chế tạo vũ khí, tổ chức các vụ tống tiền để bổ sung quỹ đảng…

Ngày 17-9-1929, hội nghị toàn quốc bí mật tổ chức ở Lạc Đạo (nơi giáp ranh hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên). Đây là cuộc họp toàn quốc đầu tiên kể từ sau ngày vụ ám sát Bazil xảy ra.

Cuộc họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng: báo cáo tình hình chung của đảng sau ngày bị Pháp đàn áp, chuẩn bị vũ khí gia tăng mức chế tạo bom đạn để bắt đầu bước vào giai đoạn phá hoại.

Quyết định trên làm nội bộ VNQDĐ chia rẽ: đa số đảng viên tán đồng ý kiến dồn mọi hoạt động bước sang giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học (phe đa số) ngược lại một số đảng viên khác tán đồng ý kiến của Lê Hữu Cảnh, chủ trương nên kéo dài thời gian hoạt động bí mật, gây cơ sở (phe thiểu số). Với nhóm này, họ lý luận: lực lượng đảng còn kém nếu hành động mạnh dễ mang thất bại, dễ bị Pháp khủng bố, đàn áp và đảng có thể đi vào con đường tiêu diệt.

Tranh chấp dữ dội, cuối cùng ý kiến của Nguyễn Thái Học thắng.

Trương Ngọc Phú

  1. Nguyễn Thái Học
  2. Ngày 18-6-1946, kỷ niệm hai liệt sỹ Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học được tổ chức tại khu nhà Đấu Xảo

 

CHÚ THÍCH:

  1. Tô Nguyệt Đình, Tàn Phá Cổ Am, Sài Gòn, Tân Phát, 1958, tr. 16 (năm 1927 đảng có 1.000 đảng viên, so với 50.000 năm 1928).
  2. Xem Phụ nữ tân văn số 1 ngày 2-5-1929. Nhật báo La Volonté Indochinoise số 100 ngày 10, 11, 12, 14 tháng 2 năm 1929 và các số kế tiếp. Nhật báo France Indochine số 2.786 ngày 14-2-1929.
  3. Nhượng Tống. Nguyễn Thái Học. In lần thứ hai, Sài Gòn, Tân Việt, 1949. Về ngày tháng Âm lịch nói trên, ông Nhượng Tống và nhiều tác giả đã lầm khi ghi: “ngày 9-2-1929 tức là ngày 30 tết năm Kỷ Tỵ”. Thực ra thì ngày 9-2-1929 tức là ngày 30-12 năm Mậu Thìn. Còn ngày 30 tháng 12 Kỷ Tỵ tức là ngày 29-1-1930, chứ không thể là ngày 9-2-1929. (Xin xem Nguyễn Như Lân, 200 NĂM DƯƠNG LỊCH VÀ ÂM LỊCH ĐỐI CHIẾU 1780-1980, Sài Gòn 1961, tr. 188).