Từ ba chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn đến ba tiêu ngữ của Hồ Chí Minh

Tôn Trung Sơn (1866-1925) còn có tên là Tôn Văn, Tôn Dật Tiên, người huyện Hương Sơn (nay là Trung Sơn) tỉnh Quảng Đông. Ông là nhà cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc.

Sớm giác ngộ tư tưởng dân tộc – dân chủ, nên sau khi tốt nghiệp trường Y khoa Bác Tế (Quảng Châu), ông đã dấn thân vào con đường hoạt động cứu dân cứu nước. Năm 1894, ông thành lập Hưng Trung Hội ở Honolulu (Hawaii) là Hội cách mạng đầu tiên của giai cấp tư sản Trung Quốc đề ra Cương lĩnh: “Đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa, sáng lập chính phủ hợp quần”. Hội đã thu hút nhiều nhân sĩ và thanh niên Trung Quốc yêu nước tham gia, quyên góp kinh phí, mua sắm vũ khí chuẩn bị các cuộc khởi nghĩa Quảng Châu (1895), Huệ Châu (1898) dự định kết hợp với phong trào phản đế của Nghĩa Hòa Đoàn ở miền Bắc, nhưng đã không thành công, ông lại phải lưu vong ra nước ngoài.

Nhà tưởng niệm

Tháng Tám năm 1905, Hưng Trung Hội của Tôn Trung Sơn, Hoa Hưng Hội của Hoàng Hưng (tức Hoàng Khắc Cường) cùng với các Hội đảng khác họp tại Tokyo (Nhật Bản) lập ra một tổ chức cách mạng thống nhất lấy tên “Trung Quốc Đồng Minh Hội” gọi tắt là Đồng Minh Hội có cương lĩnh chính trị là : “Đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa, sáng lập Dân quốc, bình quân địa quyền”. Tôn Trung Sơn được bầu làm Tổng lý. Tổng bộ Đồng Minh Hội được xây dựng theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” đứng đầu là Tổng lý, dưới có ba bộ “Chấp hành”, “Bình nghị” và “Tư pháp”.

Tháng 11 – 1905, tờ Dân báo, cơ quan ngôn luận của Đồng Minh Hội phát hành số đầu tiên. Trong “Lời nói đầu của Dân báo”, Tôn Trung Sơn đã khái quát Cương lĩnh chính trị của Đồng Minh Hội thành ba chủ nghĩa “Dân tộc – Dân quyền – Dân sinh”, gọi tắt là Chủ nghĩa Tam dân.

Từ đó, phong trào cách mạng tiến mạnh hơn trước. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc ngày càng lan rộng và đến ngày 10-10-1911, khởi nghĩa Vũ Xương thắng lợi, cách mạng Tân Hợi thành công, đạp đổ chế độ phong kiến hàng nghìn năm thống trị Trung Quốc. Chính phủ Dân quốc lâm thời ra đời do Tôn Trung Sơn làm Tổng thống, thủ đô đặt tại Nam Kinh.

Nhưng chẳng bao lâu sau, mọi thành quả cách mạng lại bị rơi vào tay bọn quân phiệt phản động Viên Thế Khải! Tôn Trung Sơn lại phải trải qua một chặng đường đấu tranh mới đầy gian lao khổ ải. Năm 1912, ông cải tổ Đồng Minh Hội thành Quốc Dân Đảng, tiếp tục hoạt động chống bè lũ quân phiệt Bắc dương.

Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi (1917) đã ảnh hưởng lớn đến Tôn Trung Sơn, rồi Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành lập (1921) tạo nên bước ngoặt trong tư tưởng và hành động của ông. Tôn Trung Sơn đã kết hợp với Đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất cách mạng, đề ra “ba chính sách lớn: Liên Nga, Liên Cộng, Phù trợ Nông Công”. đồng thời triệu tập Đại hội đại biểu Trung Quốc Quốc dân Đảng (1924), xác định lại và bổ sung thêm nội dung mới của chủ nghĩa Tam dân (1), đề ra cương lĩnh chính trị “phản đế phản phong”, xóa bỏ các “Điều ước bất bình đẳng”, triệu tập “Quốc dân hội nghị”. Sau đó, ông lập ra trường Quân sự Hoàng Phố, đào tạo cán bộ chỉ huy, chuẩn bị Bắc phạt, tiêu diệt bè lũ quân phiệt phản động, lập lại chế độ Cộng hòa Dân quốc, nhưng không may, ông thụ bệnh và từ trần tại Bắc Kinh ngày 12-3-1925.

“Cái chết đột ngột của nhà cách mạng dân chủ, người bạn vĩ đại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, là một cái tang chung cho nhân dân toàn quốc, và do đó đã hình thành một phong trào tuyên truyền chính trị rộng lớn… chủ nghĩa Tam dân mới chống đế quốc phong kiến, được truyền bá khắp nước rất nhanh chóng.

*

*      *

Thật ra không phải đến khi Tôn Trung Sơn qua đời,  thì chủ nghĩa Tam dân mới được truyền bá rộng khắp, mà ngay khi sinh thời của ông, nó đã có ảnh hưởng tới nhiều nước và nhiều nhà yêu nước, cách mạng trên thế giới. Ngay đối với nước ta, trong 25 năm đầu thế kỷ XX, cụ Phan Bội Châu – nhà chí sĩ yêu nước tiêu biểu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu sắc đường lối cách mạng và tư tưởng của Tôn Trung Sơn. Năm 1904, khi lập ra Duy Tân Hội, cụ Phan đã đề ra cương lĩnh chính trị “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước Quân chủ lập hiến (2), và nhất là khi Cụ đã chuyển hướng sang theo tư tưởng dân chủ và thành lập Việt Nam Quang phục hội năm 1912, đề ra tôn chỉ duy nhất là “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc” Phan Bội Châu được bầu làm Tổng lý, cơ cấu tổ chức và chức viên của Hội cũng na ná như Đồng Minh Hội của Tôn Trung Sơn, cũng có ba bộ: Bộ Tổng vụ, Bộ Bình nghi và Bộ Chấp hành”. Hội cũng có “đội quân Quang phục”, đề ra “phương lược” chế định quốc kỳ, quân kỳ, phát hành quân dụng phiếu… Trong “Lời phi lộ của Việt Nam Quang phục hội” nhấn mạnh ý nghĩa:

“Gần thì bắt chước theo Tàu (tức theo Tôn Trung Sơn),

Xa thì người Mỹ người Âu làm thầy”.

Đám tang Tôn Trung Sơn

Đến năm 1924, Phan Bội Châu lại thêm một lần nữa “noi theo” Trung Quốc Quốc dân đảng của Tôn Trung Sơn, cải tổ Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cụ đã khởi thảo Chương trình Đảng cương, và như Cụ nói: “Quy mô tổ chức ở trong bản Chương trình này tất thảy đều dựa theo khuôn mẫu của Trung Quốc Quốc dân đảng mà châm chước thêm bớt cho đúng với tình hình nước ta, cũng là một thủ đoạn tùy thời cải cách đó vậy” (3).

Như vậy Phan Bội Châu, có lẽ là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, cũng là người sớm nhất được tiếp xúc với Tôn Trung Sơn hai lần ở Yokohama Nhật Bản (1905) đàm đạo tư tưởng, chủ trương cách mạng và sau này một lần ở Nam Kinh (1912) hoạt động trên đất Trung Quốc, nhận sự giúp đỡ của các đảng nhân phái cách mạng, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, nên khi được tin Tôn Trung Sơn từ trần, Phan Bội Châu có đôi câu đối viếng ghi đậm mối cảm tình sâu đậm đó.

“Chí tại Tam dân, đạo tại Tam dân, ức Hoành Tân, Trí Hòa Đường lưỡng độ ác đàm, tác hữu tinh thần di hậu tử;

Ưu dĩ thiên hạ, lạc dĩ thiên hạ, bị đế quốc chủ nghĩa giả đa niên áp bức, thống phân dư lệ khấp tiên sinh”;

Nghĩa: “Chí ở tam dân, đạo ở Tam dân, nhớ hai lần nói chuyện ở Trí Hòa Đường, Hoành Tân, để lại tinh thần cho người chưa chết;

Lo vì thiên hạ, vui vì thiên hạ, bị nhiều năm áp bức do bọn Đế quốc chủ nghĩa, cùng chia nước mắt để khóc tiên sinh” (4).

*

*      *

Cuối năm 1924, khi Nguyễn Ái Quốc, phái viên của Quốc tế Cộng sản từ Liên Xô về hoạt động ở Trung Quốc, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, Người đã từng tìm hiểu cách mạng Trung Quốc, nên nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Tôn Trung Sơn (13-11-1926) Người đã viết những dòng về các sự kiện ở Trung Quốc đầy xúc động với lòng tôn phục như sau: “Chúng tôi không thể không nêu nhiệt tình của dân chúng Quảng Châu và cả tỉnh Quảng Đông khi họ kỷ niệm ngày sinh của Tôn Dật Tiên. Sự nồng nhiệt của nhân dân chứng tỏ người Trung Quốc biết ơn dường nào vị lãnh tụ vĩ đại quá cố khơi dậy nơi họ ý chí tự giải phóng khỏi ách áp bức về ngoại giao mà bây giờ không có thể biện hộ được (5). Nguyễn Ái Quốc cũng như các vị sáng lập ra Tân Việt cách mệnh đảng (một đảng được coi là tiền thân của Đảng cộng sản), trong Đảng chương ở mục Tài liệu giáo dục lý luận, cũng đã ghi: “học Lịch sử cách mạng các nước Mỹ, Pháp, Tàu, Nhật; học Tiểu sử nhà cách mạng Mã Khắc Tư, Liệt Ninh, Tôn Dật Tiên; học chính trị và chủ nghĩa cộng sản, Tam dân, Cam địa v.v…” (6) Chính Hồ Chí Minh lúc bấy giờ hoạt động ở Quảng Châu cũng đã giới thiệu nhiều thanh niên yêu nước Việt Nam vào học trường quân sự Hoàng Phố để học tập quân sự và có học cả lý luận chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn .

Sau này, cách mạng 1945 thắng lợi, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường ca ngợi tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước Việt- Trung và không quên tôn vinh chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Ngày 12-10-1945, nhân danh chủ tịch nước, Người đã ký sắc lệnh số 49 về việc ghi rõ quốc hiệu Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên các công văn, điện văn, công điện, trát, đơn từ, báo chí, chúc từ v.v… (7) và sau đó (chưa rõ ngày tháng năm nào), chúng ta lại thấy phía dưới dòng tiêu đề: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xuất hiện trang trọng ba cặp tiêu ngữ: Độc lập- Tự do- Hạnh phúc phản ánh niềm khát vọng muôn đời của biết bao thế hệ con dân nước Việt Nam yêu quý.

Ba tiêu ngữ này hẳn là “tác phẩm” của chủ tịch Hồ Chí Minh vốn có nguồn gốc từ ba chủ nghĩa “Dân” của Tôn Trung Sơn được Người tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo ở Việt Nam trong cả quá trình đấu tranh giải phóng giành Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do và Dân sinh Hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là ba chính sách. Tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 9-11-1946, Người đã long trọng phát biểu: “Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc. Chúng ta không mong gì hơn nhưng chúng ta không chịu gì kém” (8). Đó là “ba chính sách cách mạng” mà chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân ta ra sức phấn đấu nhằm đạt tới. Trong lời kêu gọi Thi đua ái Quốc ngày 11-6-1946, Người viết “Mỗi người dân Việt Nam bất kỳ già trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa… để: Toàn dân đủ ăn đủ mặc; Toàn dân biết đọc, biết viết, Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra” (9).

Và Người cũng từng nói: “chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên có ưu điểm là thích hợp với điều kiện nước chúng tôi… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của ông” (10).

Nhưng khi tiếp thu và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, chúng ta cũng thấy có chỗ khác biệt, kể cả sắp xếp ngôn từ lẫn giới thuyết nội dung tư tưởng như: “Tôn Trung Sơn viết “Tam dân chủ nghĩa” tức là Chủ nghĩa ba dân: chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân quyền, chủ nghĩa dân sinh. Tôn Trung Sơn không nói: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc như chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết “chủ nghĩa” dân tộc độc lập…

Về nội dung, Hồ Chí Minh chủ trương dân tộc bị áp bức Việt Nam đoàn kết với Liên Xô, với giai cấp vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức khác đánh đổ chủ nghĩa đế quốc thống trị Việt Nam, gắn chủ nghĩa quốc tế, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất trên cơ sở liên minh công nông. Sau khi giành được độc lập rồi, phải củng cố nền độc lập, xây dựng một quốc gia giàu mạnh, bình đẳng với các nước trên thế giới, độc lập gắn liền với tự do. Bởi thế mà Hồ Chí Minh mới nhấn mạnh trong tư tưởng của Người đã có thêm một mệnh đề khái quát tầm cỡ triết học mang tính thời đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và luôn gắn kết ý nghĩa thực tiễn “độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì” (11).

 

Chú thích:

(1) Nhà sử học Mác xít Trung Quốc Hà Cán Chi đã giải thích tường tận Chủ nghĩa Tam dân mới như sau: “Không giống như chủ nghĩa Tam dân cũ phản ánh đặc điểm của thời kỳ Cách mạng dân chủ cũ (do giai cấp tư sản lãnh đạo với mục đích thực hiện nền chuyên chính tư sản và xã hội chủ nghĩa tư bản) đến thời kỳ cách mạng dân chủ mới, nó đã lỗi thời. Chủ nghĩa dân Tam dân mới là chủ nghĩa Tam dân của thời kỳ cách mạng dân chủ mới. Chủ nghĩa dân tộc của Tam dân mới phản đối đế quốc, chủ trương “dân tộc Trung Quốc tự cầu giải phóng” chủ trương “các dân tộc trong nước đều bình đẳng như nhau”. Chủ nghĩa dân quyền của Tam dân mới chủ trương dân quyền là của chung của nhân dân và không để cho thiểu số người tư sản làm của riêng. Chủ nghĩa dân sinh của Tam dân mới chủ trương “bình quân địa quyền”, “người cày có ruộng”, chủ trương “tiết chế tư bản”, cải thiện đời sống công nhân. Theo Trung Quốc Hiện đại cách mạng sử. T.1, Hà Cán Chi (chủ biên). Cao đẳng giáo dục xuất bản xã, Bắc Kinh 1957. tr. 59-60.

(2) Phan Bội Châu, Toàn tập, Tập 6, NXB. Thuận Hóa và TTVHNNĐT Hà Hội, 2000, tr.156 và 216.

(3) Phan Bội Châu, Tập 6, Sdd, tr. 262.

(4) Phan Bội Châu, Tập 6,Sđd. tr.155, 269.

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG Hà Nội, 1995, tr.461.

(6) Văn kiện Đảng, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội. 1998, tr.156.

(7) Hồ Chí Minh, Tập 4. Sđd, Hà Nội, 1995, tr.503.

(8) Hồ Chí Minh, Tập 4. Sđd, tr.440.

(9) Hồ Chí Minh, Tập 5, Sđd, 1995, tr. 444-445.

(10) Dẫn lại theo trang bìa 3 cuốn sách Chủ nghĩa Tam dân. Viện TTKHXH xuất bản, Hà Nội, 1995.

(11) Hồ Chí Minh, Tập 4, Sđd, 1995, tr.261.

 

Chương Thâu