Tìm hiểu về nghề đan đát ở Cần Thơ

Có một nơi người dân phần lớn đều sống bằng nghề đan đát với sản phẩm chủ yếu là các loại thúng, do vậy có tên gọi là xóm Thúng. Cho đến nay nhiều người vẫn nghĩ “đan đát” là cách gọi lái đi của từ “đan lát” để gọi chung cho nghề mây tre đan, nhưng đan đát là một kiểu đan  được sử dụng nhiều nhất khi đan các loại đồ đựng ở đồng bằng sông Cửu Long. So với các cách đan khác thì đan đát lâu hơn nhưng rất chặt và bền cho sản phẩm.

Nghề đan đát vốn là nghề truyền thống của xóm Giá, làng Yên Hạ, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, vốn do những người thợ thủ công ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi mang đến. Họ vốn là những người nông dân, do sinh sống ở vùng đất khô cằn và chật hẹp, năng suất lúa không cao nên  thường làm những nghề phụ để giảm bớt khó khăn cho cuộc sống gia đình.

Những khi nông nhàn, họ sử dụng nguyên liệu tre trúc vốn có sẵn trong xóm, làng, đan thành vật đựng hay nông cụ để bán hoặc đổi lúa cho bà con quanh vùng. Sau này việc mua bán trao đổi được tiến hành ở diện rộng hơn, tới cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến hành đan đát để làm mê thúng.

Vào những năm 1940, nhận thấy nhu cầu của bà con ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đối với các đồ đan là rất lớn do nhu cầu sản xuất như sạ lúa, suốt lúa, phơi, đong lúa… họ đã dùng ghe bầu, nương theo gió, vượt biển chở những đồ đan bán thành phẩm vào Nam qua ngả Bến Tre rồi từ đó toả đi khắp các vùng đồng bằng Nam bộ trao đổi lấy thóc gạo.

Đồ đan lúc ấy thường là các loại thúng nhưng mới chỉ là những tấm mê đã đan đát. Vành thúng cũng là những thanh tre mới qua sơ chế, được cắt, chẻ với kích cỡ vừa tầm thuyền để chuyên chở được nhiều. Trên đường đi những người thợ thủ công lại tiếp tục một số công đoạn như làm vành thúng. Khu vực họ dừng chân để bán hàng cũng chính là nơi họ mượn đất cất nhà tạm để hoàn thiện sản phẩm rồi mang bán tới khi hết lại trở về quê để năm sau cũng vào khoảng thời gian đó lại quay trở lại.

Khoảng những năm 1950 phương tiện chuyên chở được thay thế bằng xe tải hoặc xe lửa, với những phương tiện này lợi nhuận được tăng lên vì số lượng chuyên chở được nhiều hơn, nhanh hơn và chi phí cũng ít hơn do vậy số lượng người theo nghề đan cũng tăng lên .

Từ giữa những năm 1960, do chiến tranh ác liệt, việc đi lại rất khó khăn cả đường bộ cũng như đường thuỷ, rất ít người còn theo được nghề. Được coi là Tây đô của vùng đồng bằng Nam Bộ, tỉnh Cần Thơ luôn có vị thế rất đắc địa với những người làm nghề đan đát, họ định cư hẳn ở Yên Hạ và bắt đầu khai thác nguồn nguyên liệu quanh vùng để đan. Do những người làm thúng ở đây nên Yên Hạ từ tên thường gọi là xóm Giá trở thành xóm Thúng, nhiều người còn được kèm chữ thúng vào thứ bậc mà thành tên gọi, ví dụ anh Ba Thúng, chị Năm Thúng…

Khoảng những năm 1976 – 1979 được xem là lúc hưng thịnh nhất của làng nghề bởi đất nước đã thống nhất, công việc tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, nhu cầu về đồ đan rất lớn và nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào lại ít người làm. Thúng bán nhanh, được giá, thu nhập của người đan thúng rất cao so với làm các nghề khác, nhiều cư dân trong vùng cũng người bắt đầu theo nghề đan.

Vào những năm 1980 số lượng người theo nghề đan thúng tăng lên, nguồn nguyên liệu ít dần và phải vận chuyển xa hơn nên tiền công và lợi nhuận giảm xuống.

Từ năm 1990 trở lại đây nền kinh tế trong vùng phát triển nhanh hơn, quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ đã ảnh hưởng rất nhiều đến làng nghề đan đát ở Yên Hạ. Nhiều nông dân khi có tiền đền bù đất đai không còn theo nghề nữa đồng thời nguồn cung cấp nguyên liệu cũng bị thu hẹp giá thành sản phẩm lại không tăng, lợi nhuận của nghề không cao nên chỉ những người túng thiếu mới làm, câu ca “cùng nghề đan thúng, túng nghề đan nia” đã phản ánh hiện thực của người làm nghề đan đát nơi đây. Thêm vào đó là sự lấn át của đồ nhựa, tuy không phù hợp bằng đồ đan nhưng chiếm ưu thế bởi kiểu dáng, màu sắc đa dạng, giá thành lại rẻ hơn.

Ông Nguyễn Văn Chiến, 73 tuổi, người sống bằng nghề đan đát hơn 50 năm đang bắt 2 vành trong và ngoài vào chiếc thúng rồi nức bằng dây mây.

Nguyên liệu và dụng cụ

Nguyên liệu đơn giản chỉ có tre, nứa, dây mây hoặc dây nilông.

Dụng cụ cũng là đồ dùng thông thường như rựa chặt, chấn vành, dao chẻ, dao vót nan để đan, cưa nhỏ cắt khúc, đục, thước đo, khuôn miệng thúng, vồ nện và dùi để đưa dây nức vành.

Nguồn cung cấp nguyên liệu gồm tre,nứa đa phần được những người chuyên buôn bán tre, nứa mua gom ở các vùng lân cận cách làng khoảng 35km vận chuyển về bán cho người đan với giá: 30.000đ – 35.000đ/10 cây có chu vi 7-8cm, dài khoảng 4m (theo thời giá hiện nay). Dây mây phải đặt mua ở miền Trung, thường đã sơ chế sẵn còn dây nilông bán sẵn tại các chợ trong tỉnh do đó bà con chủ yếu dùng dây nilông

Tre, nứa được cưa thành đoạn theo mục đích sử dụng như đan thúng đựng khoảng 15kg gạo (= 20 lít theo cách tính của bà con Nam Bộ) cần cưa đoạn dài 75 cm. Tiếp đến cạo sơ lớp vỏ bên ngoài và chẻ làm 6-8 mảnh sau đó cạo bỏ lớp ruột mỏng bám trên bề mặt phía trong và chẻ nhỏ, vứt bỏ ruột lấy cật (lớp da cứng phía ngoài) nếu làm nan đan và vót cạnh lấy một phần da, một phần ruột nếu làm nan đát. Nan đan có bề rộng khoảng 0,6 cm dài đủ 70cm, nan đát nhỏ hơn, thường ngắn hơn nan đan 3-5cm.

Công việc đan được tiến hành khi đã chuẩn bị xong phần nguyên liệu, cần 120 nan để đan chiếc thúng đựng được 15kg gạo, kỹ thuật khi dùng loại nan đan chủ yếu là lóng mốt, lóng hai, lóng ba, lóng tư tạo thành một hình vuông, ở 4 cạnh còn các đoạn trúc chưa đan được đẩy vào cho khít để đan đát ở 4 cạnh tạo thành một mê thúng hoàn chỉnh.

Sau khi chặt bỏ các phần thừa cho tấm mê là đến phần lận (bắt vành thúng), trước khi lận tấm mê được nhúng nước cho mềm để dễ lận. Vành thúng dùng để lận là 2 vòng tròn, vót nhẵn (phải được chuẩn bị từ trước), thường làm từ một thành tre dài1,5m, rộng 3cm vót hai đầu để khi buộc thànhvòng trong không bị nổi cộm lên. Lận thúng  là một công đoạn cần kết hợp cả sự khéo léo và sức mạnh, đối với người có kinh nghiệm không cần phải có hố mà chỉ lấy 4 ghế đẩu làm chỗ đặt vành khuôn để lận mê thúng vào trong vừa khớp tầm của vành xong mới bắt hai vành của thúng vào vị trí rồi lận.

Thúng làm ra được buộc thành chồng 20 cái để giao cho thương lái.

Chấn (chặt) bỏ phần mê thừa và tiến hành nức vành thúng (khâu vành thúng với phần mê tạo thành miệng thúng), dù nức bằng dây mây hay dây ni-lông đều phải có chiếc dùi để dùi lỗ trên mê thúng và đưa dây qua . Nếu nức bằng dây mây chiếc thúng sẽ bền và đẹp hơn, vì thế giá cả loại này cũng cao hơn.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm:

Thúng là loại sảnphẩm chủ yếu của làng Yên Hạ, được làm và bán quanh năm tại chợ của các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, thời gian bán mạnh nhất trong mỗi năm là các tháng vụ mùa: vụ Đông-Xuân (tháng 1-2), vụ Xuân-Hè (tháng 3-4), vụ Hè-Thu (tháng 6-7).

Giá thành sản phẩm bán cho thương lái từ 20.000-22.000đ/cái, bán lẻ chậm nên giá cao hơn thường 25.000-30.000đ/cái

Tiền công và lợi nhuận thu được sau bán sản phẩm (trừ các khoản chi phí như nguyên vật liệu) khoảng 10.000đ -15.000đ/ngày tuy vậy ở làng nghề Yên Hạ hiện nay, không phải ai cũng đủ các điều kiện để có thể thực hiện khép kín các công đoạn của nghề đan đát, từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến nhân công đan đát. Có gia đình đủ  vốn thì lại không đủ người đan, có nhà nhiều người có thể đan được thì lại thiếu vốn, nếu vay để thuê thì thu nhập thấp không ai đi mua, chặt, chẻ trúc được nên việc thuê mướn thêm người gia công vẫn rất cần thiết, Giá gia công hiện nay là 1.500đ/mê, đát là 2.000đ/mê. Trung bình một ngày có thể được từ 15.000đ-20.000đ/người.

Với giá gia công, nguyên liệu và thành phẩm hiện nay một thúng sản xuất lời được 3.000 đồng.

Những khó khăn, thách thức mà làng nghề đang gặp phải chủ yếu là:

– Giá nguyên liệu cao do nhiều yếu tố như phải vận chuyển xa hơn trong khi giá sản phẩm không tăng là một trong những khó khăn cho người sản xuất.

– Mẫu mã các sản phẩm còn đơn điệu, nghèo nàn nên chưa thực sự hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, Các đồ đan phục vụ sinh hoạt hàng ngày hay khách du lịch hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

– Với những nguyên nhân trên giá thành sản phẩm vì thế không được bán tăng lên dù đầu vào bị tăng

– Cho dù được các cấp chính quyền Thành phố Cần Thơ xác định là một nghề thủ công và có sự hỗ trợ về vốn để bà con duy trì và phát triển sản xuất nhưng sự trợ giúp chưa đầy đủ nên kết quả rất hạn chế.

– Do thu nhập của nghề thấp nên ít người muốn học và làm nghề đặc biệt là lớp thanh thiếu niên-lứa tuổi phù hợp nhất để phát triển nghề.

 

Suy nghĩ về một làng nghề

Dù Cần Thơ có 2 làng nghề đan đát đều của người Việt nhưng nghề đan đát ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt đã bị mai một nhiều còn nghề đat đát ở Yên Hạ vẫn duy trì nhưng rất ít.  Sẽ rất đáng tiếc nếu nghề đan đát ở Yên Hạ không còn duy trì và phát triền vì trên thực tế nghề đan đát ở Yên Hạ, Cần Thơ là nghề có khả năng phát triển cao bởi từ lâu nay sản phẩm đan (chủ yếu là thúng) của làng Yên Hạ đã nổi tiếng và bán quanh năm tại chợ của các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long như: chợ Cái Vồn (Vĩnh Long), Lai Vung (Đồng Tháp), Cái Tắc (Hậu Giang), Tân An (Cần Thơ)

Đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa lúa lớn nhất của cả nước, chính vì thế nhu cầu về đồ đan phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của bà con ở đây là  rất lớn như sạ lúa, suốt lúa, phơi, đong lúa và đựng hoa quả, nhang đèn đội lễ lên chùa trong các dịp lễ hội của dân tộc Khơ me như Chol Chnam Thmei, Oóc om bok… hay các loại ghe, thuyền để đi lại.

Làng nghề Yên Hạ có thuận lợi về mặt nhân công, bà con trong làng chủ yếu  làm nghề nông, những lúc nông nhàn sẽ tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi khá lớn. Trong làng hiện vẫn có nhiều người biết nghề và có thể truyền dạy cho người khác, chi phí cho việc dạy và học không đáng kể và “Đây là nghề ai cũng có thể học và làm nghề được, cũng chẳng có ông tổ nghề hay kiêng kỵ gì” (ông Nguyễn Văn Chiến, 73 tuổi, làng Yên Hạ, người kiếm sống bằng nghề đan đát hơn 50 năm)

Đặc biệt làng nằm trong địa bàn có chợ nổi Cái Răng, nơi thu hút rất nhiều khách tham quan hàng năm, nếu làng nghề phát triển sẽ là một địa điểm hấp dẫn cho khách du lịch đồng thời thúc đẩy làng nghề phát triển và đa dạng hoá các sản phẩm của làng, đáp ứng nhu cầu mua quà lưu niệm của khách tham quan.

Vũ Hồng Nhi