Có một Văn Miếu Tiên Nho

Mọi người đều biết đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội và ở Huế, văn miếu hàng đầu của cả nước dưới thời phong kiến, thời của Hán học. Tuy nhiên, còn có một Văn Miếu Tiên Nho cũng thuộc hàng đầu của cả nước mà ít người biết đến. Đó là đền Lũng ở Dâu (Thuận Thành – Bắc Ninh) – di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ 1962.

Dâu từng là thủ phủ nước ta gần 1000 năm thời Bắc thuộc. Đạo Phật, chữ Hán bắt đầu truyền bá ở nước ta từ Dâu dưới thời Sĩ Nhiếp cai trị (185 – 225). Đây là thời kỳ loạn lạc cuối thời Đông Hán (25 – 220) đầu thời Tam Quốc (220 – 280), nhưng ở nước ta vẫn thanh bình do sự khôn khéo của Sĩ Nhiếp, do đó sách Đại Việt sử ký toàn thư xếp vào kỷ Sĩ Vương, coi như một triều đại của nước ta. Văn bia đền Lũng niên hiệu Vĩnh Hựu (Lê Ý Tông 1735 – 1740) có đoạn viết: “Vương tính khoan hậu, khiêm nhường, được nhân dân kính mến, đã giữ yên được đất Việt chống các nước mạnh thời Tam Quốc, dịch sách dạy người Việt khiến cho biết được tiếng Hán, hiểu được đạo thánh hiền, đến nay thành một nước văn hiến. Vương đúng là thầy của muôn đời. Ôi! Chỉ trong một lệnh mà đủ cả sùng thầy, trọng đạo, kính thần, thương dân. Chính vì vậy mà nho phong phấn chấn, đạo học cả sáng, xã tắc lâu dài”.

Cổng tam quan đền thờ Sĩ Nhiếp. Ảnh: Quốc Anh

Đền Lũng được xây dựng quy mô to lớn từ thời Mạc với 5 tòa nhà liền nhau, hai bên tả hữu có lầu, phía trước là hồ nhỏ có cầu đá bắc qua, bên ngoài dựng Môn Lâu, ngoài nữa sát sông Dâu là Vọng Giang Lâu. Người đứng ra xây dựng là Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn. Ông là con Thái sư Tây quốc công Nguyễn Kính, quê Dị Nậu (Thạch Thất – Hà Tây), được ban quốc tính. Khi vương triều Mạc Mậu Hợp bị nhà Lê đánh bại, Mạc Ngọc Liễn lui về phía bắc lập Đôn Hậu vương Mạc Kính Cung làm vua, chiếm lại được phần đất phía bắc sông Hồng. Đến giữa năm 1594 quân Mạc lại bị nhà Lê đánh bại, vua Mạc chạy vào đất Long Châu nhà Minh, Mạc Ngọc Liễn giữ Vạn Ninh. Tháng 7 năm ấy Mạc Ngọc Liễn ốm nặng, trước khi mất có thư khuyên vua Mạc: “Nay nhà Mạc vận khí đã hết, họ Lê phục hưng, đó là số trời vậy. Dân ta vô tội mà khiến phải chịu nạn binh đao, ai nỡ lòng nào. Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực mới làm được, chứ không thể lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ cùng tranh nhau, tất nhiên có một con bị thương, không có ích gì cho đất nước. Nếu thấy quân của đối phương tới đây chúng ta nên tránh đi, cẩn thận chớ có đánh nhau với họ, cốt phải phòng thủ cẩn thận là chính, lại chớ nên mời người Minh vào nước ta để cho dân phải lầm than, đó là cái tội không gì lớn hơn” (Đại Việt thông sử). Như vậy đủ rõ Mạc Ngọc Liễn là người văn võ toàn tài, sáng suốt, rất trung thành với nhà Mạc, nhưng yêu nước thương dân sâu sắc, trong thời điểm khó khăn nhất vẫn không làm cái việc “cõng rắn cắn gà nhà” tranh đoạt ngôi vị bằng được. Do uy tín của mình kể cả sau khi ông đã qua đời, vua Mạc đã làm theo lời khuyên này.

Thời Lê Duy Phường (1730) đã qui định một năm bốn mùa tế lễ và miễn sưu dịch cho dân thôn Lũng.

Thời Tây Sơn cũng có đạo dụ về việc đó.

Đến thời Minh Mệnh đền Lũng trở thành “Văn Miếu Tiên Nho”, nghi thức tế lễ cấp nhà nước.

Thời Tự Đức cho trùng tu Vọng Giang Lâu và khắc bia.

Thời Duy Tân dựng Tam quan ở Lăng Sĩ Nhiếp có đề chữ “Nam Giao Học Tổ”, ứng với đạo dụ “Văn Miếu Tiên Nho” thời Minh Mệnh.

Ngày nay ở Dâu còn một số di tích ghi dấu thời Sĩ Nhiếp mở trường dạy chữ như chùa Bình (nơi bình văn), chùa Định (nơi đánh giá cao thấp), khu vực đền Lũng còn gò Nghiên, gò Bút, hồ và cầu đá, hậu cung và tượng Sĩ Nhiếp cùng các đồ đệ, nhiều tảng đá kê chân cột kích thước rất lớn, dấu tích xây dựng quy mô to lớn thời Mạc và hệ thống bia đá qua các đời. Gần đây nhân dân địa phương đã dựng một số hạng mục như nhà tiền tế, nhà tiền đường, nhà bia khiến cho đền Lũng – Văn Miếu Tiên Nho bề thế, sầm uất hơn, góp phần nêu cao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân ta với hậu thế.

Phạm Thuận Thành