Chuộc ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường với 85 triệu đồng! Nhượng thành Sài Gòn cho Pháp

Sứ bộ Phan Thanh Giản gồm có 60 người xuống tàu “Européen” ngày mồng 4 tháng 7 năm 1863. Nhưng khi đến Alexandrie, lại phải sang qua chiếc “Labrador”.

Hai tháng bảy ngày, Sứ bộ mới để chơn lên đất Pháp. Ngày 10 tháng 9 năm 1863, Sứ bộ đến quân cảng Toulon.

Sử chép lại rằng: Thời bấy giờ, Hải quân Pháp chào mừng Sứ bộ Phan Thanh Giản bằng 17 phát thần công. Các chiến thuyền đậu tại hải cảng Toulon, đều có treo cờ Việt Nam.

Đại tá Aubaret, ở Bộ Ngoại giao, biết tiếng Việt Nam, đứng ra làm thông ngôn, khi nhà cầm quyền Pháp xuống tàu, tiếp rước Sứ bộ. Rồi chiều hôm ấy, Sứ bộ tới Marseille cũng do tàu “Labrador” đưa đến.

Bây giờ mới có cuộc tiếp rước chánh thức.

Ông Mure de Pelaune, đại diện cho ông Tổng trưởng Bộ Ngoại giao, đến rước sứ thần Phan Thanh Giản chào mừng đúng theo lễ nghi lúc bấy giờ, rồi mời hết Sứ bộ lên một biệt thự đã có mặt nhiều viên chức văn võ Pháp chực đón.

Sứ bộ tạm nghỉ ở Marseille một đêm, qua ngày sau, lên Paris.

Ở đây mới có cuộc tiếp rước long trọng do người đại diện của Hoàng đế Napoléon III là ông Feuillet de Conches, đến chào mừng Sứ bộ, rồi đưa luôn Sứ bộ về ở một biệt thự, đường Lord Byron.

Do nơi người đại diện của Pháp hoàng và lời thông ngôn của ông Aubaret, mà sứ thần Phan Thanh Giản được biết rằng: Hoàng đế Napoléon III còn ở Biarritz, tháng sau mới về Paris. Dầu sao, cụ Phan cũng phải ở lại đây, chờ Pháp hoàng về, đặng vào triều kiến.

Nhưng trước khi vào triều kiến, ít bữa cũng phải mở cuộc đàm phán với Bộ Ngoại giao, nên độ một tuần sau, sứ thần Phan Thanh Giản được ông Achille Fould, Tổng trưởng Bộ Ngoại giao, tiếp rước.

Cuộc đàm phán này kể cũng long trọng lắm. Cụ Phan mặc triều phục đi với bộ tham mưu đến dinh Tổng trưởng.

Trước hết cụ Phan bày tỏ sự vui mừng khi đến đất Pháp.

Sau nữa, cụ nói về sự chuộc ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường.

Không biết sau cuộc đàm phán này, có thông cáo chánh thức thế nào, mà hôm sau, báo giới ở Paris đăng tin:

“Vua Tự Đức bằng lòng mua lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ với một số bạc 85 triệu và bằng lòng nhượng luôn thành Sài Gòn cho Pháp”.

Tờ báo Bỉ là “Indépendance Belge” lại cho hay rằng: Sứ thần Phan Thanh Giản đã hội kiến với ông Achille Fould và đã ưng thuận như thế rồi, bây giờ chỉ còn chờ Hoàng đế Napoléon III hồi loan, sẽ quyết định.

Đó là dư luận ở Pháp.

Còn sự thật ra sao?

Sử Việt Nam nói rõ: Sứ thần Phan Thanh Giản rất cẩn thận từ hành vi tới ngôn ngữ, khi đàm phán tại Bộ Ngoại giao. Cụ chẳng hề có thốt ra một lời gì về sự chuộc ba tỉnh miền Đông với giá 85 triệu, huống chi việc giao thành Sài Gòn cho Pháp?

Do theo sự hiểu biết của nhiều người ở Huế, như cụ Huỳnh Thúc Kháng, thì sở dĩ có sự tuyên truyền như vậy để gây dư luận trước khi Pháp hoàng hồi loan, là bởi tại người thông ngôn tiếng Pháp ra tiếng Việt và tiếng Việt ra tiếng Pháp, một là không diễn đạt nổi những lời nói rất cẩn thận của cụ Phan; hai là vô tình trong khi tuyên bố với các nhà viết báo ngoại quốc ở Paris, đang tò mò muốn biết trước mục đích cuộc công cán của Sứ bộ Việt Nam.

Về điều thứ nhất, “viên thông ngôn không diễn đạt hết ý tứ của cụ Phan” không phải là không có lý.

Bởi vì, sau này chính viên thông ngôn ấy lầm một lỗi rất lớn, khi diễn đạt không hết tư tưởng của Hoàng đế Napoléon III làm cho cuộc đi sứ này thất bại.